Chuyện phim kể về Alex, một người biểu diễn đường phố nghiện rượu và thuốc an thần đã phải lòng nàng họa sĩ Michèle đang mang căn bệnh khiến thị giác của cô càng ngày càng giảm sút. Một tình yêu say đắm giữa hai kẻ lang thang tại cây cầu cổ nhất Paris, cầu Pont Neuf, đã diễn ra. Mới nghe qua thì có vẻ đây là một bộ phim tình cảm lãng mạn đơn thuần nhưng nếu chỉ có vậy, “Đôi tình nhân trên cầu Pont Neuf” đã không lọt vào Top 10 những bộ phim hay nhất về Paris. Dù cho đến nay, tác phẩm đã được 30 năm tuổi nhưng không ai nói đó là một câu chuyện đã cũ.
Do gặp phải nhiều trục trặc khiến cho thời gian hoàn thành bộ phim bị kéo dài hơn so với dự kiến, song sự ra đời của tác phẩm đã nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt từ giới phê bình phim tại Pháp cũng như trên thế giới. Bộ phim được đề cử tại các giải César, giải phim châu Âu xuất sắc, giải BAFTA, đồng thời nhận được các giải thưởng phim châu Âu cho nữ diễn viên xuất sắc và quay phim xuất sắc. Đạo diễn, kiêm biên kịch của phim, Leos Carax vừa là một đạo diễn, là một nhà phê bình lại vừa là một nhà văn. Bởi vậy mà ông được chú ý với phong cách phim rất Thơ cùng những miêu tả đau khổ về tình yêu. Chính vì thế, trong “Đôi tình nhân trên cầu Pont Neuf” người ta không chỉ Yêu, mà người ta còn Yêu với những nỗi đau tan vỡ có thật.
Bức tranh tình yêu
Những thước phim đầu tiên của tác phẩm khiến khán giả rùng mình bởi sự thật trần trụi về những người lang thang ở Paris, trong đó có Alex. Vóc người nhỏ bé, xiêu vẹo, rất hiếm khi tỉnh táo bởi tác dụng của rượu và thuốc an thần, Alex được tạo nên là một hình ảnh hoàn toàn không đẹp, thậm chí có thể nói là xấu xí. Anh tự cho rằng mình không thể được sống yên ổn nếu rời khỏi cây cầu Pont Neuf, một trong những cây cầu cổ nhất thành phố, nơi mà người ta đang lập rào chắn để sửa chữa.
Dường như, bạn chỉ bình yên khi bạn ở cái nơi những người khác coi là “Danger” - nguy hiểm - như tấm biển đang giăng ngang chắn đường lên cầu. Nơi ấy, sẽ không ai có thể làm phiền hoặc làm bạn bị tổn thương. Rất nhiều lần trên phim, trong những câu thoại ít ỏi của mình, Alex nhắc đi nhắc lại cụm từ “trở lại cây cầu” như là cảm giác được quay về nhà. Đó là nơi anh gặp Michèle, cũng là lần đầu tiên anh tự nhìn thấy bản thân qua bức phác thảo của cô, với gương mặt kinh hoàng, hoảng loạn và méo mó khi anh bị tai nạn ô tô do quá phê thuốc và Michèle vô tình là nhân chứng. Bản phác thảo khiến anh chạy theo cô, cảm thấy một sự gắn kết kì lạ với người họa sĩ lang thang này.
Rồi, Alex vô tình phát hiện ra bức thư trong người Michèle lúc cô bị ngất đi. Từ đây, anh biết được thân thế, gia đình và cả tình yêu xưa cũ của Michèle là một nghệ sĩ Cello có tên Julien.
Những tan vỡ không tên
Trong “Đôi tình nhân trên cầu Pont Neuf”, người ta thích những cảnh đối lập giữa cây cầu xưa cũ với những tòa nhà rực rỡ ánh sáng sang trọng. Người ta thích cái cách Alex làm việc, trong đêm, không một âm thanh nào ngoài tiếng anh phun dầu từ miệng và tiếng ngọn lửa bùng lên.
Giải thưởng Phim Châu Âu dành cho nữ diễn viên xuất sắc thuộc về Juliette Binoche trong vai Michèle nhưng với nhiều người, Denis Lavant đã biến Alex trở nên thật sống động và tự do. Denis Lavant có thể không phải là một Alex hào hoa, điển trai, hấp dẫn. Hoàn toàn không. Tại sao lại phải là một người với vẻ ngoài ăn hình nếu ẩn sâu bên trong, bạn có một tâm hồn thật đẹp? Những chi tiết nhỏ thôi … khi Alex ăn cắp một con cá để làm cho Michèle món sushi, kiếm tiền để chăm lo cho cô tốt hơn, làm những việc điên rồ để cô vui như là tấn công một nhân viên cảnh sát để lấy được chiếc cano đưa cô lướt sóng giữa đêm hay đơn giản chỉ là dùng khăn bông lau khô tóc cho cô và lời dặn “không nên để đầu ướt khi đi ngủ”.
Từ đầu phim, Alex được xây dựng như một gã tồi, liên tục say xỉn và phê thuốc không ngớt, chỉ đến khi cảnh anh biểu diễn phun lửa diễn ra thì dường như người ta mới thấy một Alex khác. Những cú máy gấp gáp, lia nhanh, những đoạn đặc tả, cận cảnh vào đôi tay nhanh nhẹn, đôi chân mềm mại với cú lộn nhào điêu luyện, tư thế ngã gọn gàng như một chú mèo của Alex cho thấy phẩm chất của một nghệ sĩ biểu diễn thực thụ. Ánh sáng mạnh mẽ, động tác dứt khoát, gương mặt và đôi mắt biết nói khác hẳn một Alex loạng choạng giữa cơn say hay phê thuốc. Nếu với Michèle, việc cô chọn sống lang thang trên cây cầu như là sự trả đũa cho những chán nản vì căn bệnh đang lấy dần đi thị giác của cô thì hoàn toàn không có lời tâm sự nào để lý giải tại sao, cái gì đã đẩy Alex ra đường với biết bao chán chường và tuyệt vọng đến thế. Đó, chỉ là một tan vỡ không thể gọi tên.
Họ đến với nhau tự nhiên như cây cỏ phải mọc lên vào mùa hè mát mẻ, có những quấn quýt, chia sẻ, giận hờn và cả ghen tuông. Hai trái tim tan vỡ hòa vào làm một, bù đắp mất mát của nhau, dù có mặt của người thứ ba, là Hans, người được mệnh danh là Bố già của cây cầu, thì họ vẫn gắn bó không thể tách rời.
Ấn tượng khó phai
Cả bộ phim giống một bản tình ca kỳ lạ với những khúc nhạc vui, buồn, nhanh chậm đan xen lẫn lộn đầy màu sắc và nhịp điệu. Trong đó, có hai trường đoạn để lại những ấn tượng cực mạnh kể cả về hình ảnh, âm nhạc lẫn diễn xuất mà ai đã từng xem phim cũng tin rằng mình sẽ không bao giờ có thể quên được. Đó là trường đoạn Alex và Michèle nhảy múa trên cây cầu giữa không gian rực sáng pháo hoa ngoạn mục. Cả bầu trời và dòng sông Seine bừng lên đẹp không thể tả. Cú máy dài gói trọn khoảnh khắc quý báu họ dành cho nhau, một là lúc hai người nhảy múa như điên dại và một là lúc họ “du ngoạn” trên sông Seine bằng cano lướt ván vừa đánh cắp được. Nó khiến người xem cảm nhận có vẻ cái hạnh phúc và niềm vui ấy sẽ kéo dài mãi, không bao giờ kết thúc, không ai muốn nó dừng lại. Âm nhạc mạnh mẽ thôi thúc cuồng nhiệt và gương mặt hai người cũng bừng sáng trong nhau.
Vì thế mà trường đoạn ấn tượng thứ hai ở ga tàu điện ngầm lại tạo nên một cảm giác khác hẳn. Hầu hết là những cú máy ngắn, lia nhanh, gây sốc. Đặc biệt, tiếng Cello vừa réo rắt, rạo rực, lại vừa như gấp gáp, đe dọa tạo nên ám ảnh mãnh liệt. Người ta thấy những giây phút cút bắt tình yêu đầy trái ngang khi Michèle đuổi theo tiếng Cello để tìm Julien, nghệ sĩ Cello đã từng yêu và rời bỏ cô, còn Alex thì đuổi theo tiếng Cello vì muốn xua anh ta đi trước khi Michèle xuất hiện, không để hai người gặp nhau.
Vị kỉ, phần tất yếu trong tình yêu
Alex là một kẻ vị kỉ. Tại sao? Chắc chắn là vì anh quá yêu Michèle, muốn giữ cô cho riêng mình mãi mãi. Tình yêu mang đặc tính “chiếm hữu” rất lớn, Alex cũng không phải ngoại lệ, đặc biệt là khi anh cho rằng mình không có gì đủ lớn và đủ mạnh để giữ Michèle lại. Không ít hơn ba lần trong phim, Alex đã làm mọi cách để níu giữ Michèle trước nỗi ám ảnh cô sẽ rời bỏ anh. Lần đầu tiên là khi họ có một khoản tiền cùng nhau. Michèle đã sợ mùa đông sẽ tới trên cây cầu và họ không thể tiếp tục ở đó. Cầm 2000 đồng trong tay, cô toan tính việc sẽ làm gì với nó. Vì cô đã từng nói “tình yêu cần một phòng ngủ chứ không phải nơi có gió lùa” nên Alex càng cảm thấy một sự đe dọa. Anh đã cố tình khiến Michèle tự làm rớt chỗ tiền xuống sông để cô không thể mơ tưởng một nơi nào khác ngoài cây cầu an toàn của anh.
Lần thứ hai, sự ích kỉ trở nên điên rồ hơn khi Alex phát hiện ra gia đình Michèle đã tìm ra người có thể chữa bệnh cho cô và đang tìm kiếm cô. Nỗi sợ hãi cô đơn và bị bỏ rơi xâm chiếm Alex, trong cơn cuồng điên, Alex đã đốt trụi những tấm áp phích dán trong ga tàu điện ngầm, đốt trụi cả chiếc xe tải mini của người thợ được thuê dán áp phích và khiến anh ta bị bỏng nặng. Và lần cuối cùng, ở cuối phim, sau ba năm phải đi tù vì tội đó, Alex gặp lại Michèle, anh cũng sẵn sàng xô cả hai xuống sông Seine giữa cái giá lạnh của Paris chỉ vì cô nói cô đang chết dần. Để rồi ngay sau đó, họ lại hoảng sợ khi không thể nhìn thấy nhau dưới dòng sông tối đen lạnh lẽo kia. Để rồi sau đó, họ lại cùng đứng trước mũi chiếc xà lan chở cát, cùng hướng về tương lai và cười vào mũi khổ đau dù chưa biết cái tương lai kia sẽ có màu gì.
Tình yêu trong sáng, rất Người của Alex và Michèle đã được miêu tả thật vô cùng hoang dại mà có lẽ chưa từng một bộ phim nào có thể làm được như trong “Đôi tình nhân trên cầu”. Cả những đắm say, những điên rồ, những đuổi bắt, những tiếng cười và những giọt nước mắt đều ẩn chứa niềm đam mê và nỗi đau. Nhưng hạnh phúc là một cái gì rất khó để định nghĩa và gọi tên, bởi dù trong nỗi đau nào thì khi con người ta còn cảm thấy hạnh phúc bên nhau, người ta sẽ tìm đến với nhau.
Lệ Thu
Theo: RFI Tiếng Việt
No comments:
Post a Comment