Lịch sử đã từng chứng kiến một có một vụ diệt chủng khác xảy ra ở Anh nhưng không mấy người còn nhớ tới nó, đó là thảm sát vật nuôi. Đó là năm 1939, do lo sợ thiếu lương thực trong thời chiến, chính phủ Anh đã tổ chức giết hại 750.000 con vật nuôi trên cả nước chỉ trong vòng một tuần. Ngày nay thảm kịch này được biết đến với cái tên Thảm sát vật nuôi ở Anh (British Pet Massacre).
Bối cảnh
Năm 1939, Chính phủ Anh thành lập Ủy ban phòng ngừa không kích quốc gia cho động vật (National Air Raid Precautions Animals Committee -NARPAC) để cung cấp thông tin cho công chúng về việc bảo vệ động vật trong các cuộc không kích – bao gồm cả vật nuôi trong nhà, ở trang trại và các loại động vật làm việc (working animal).
Để đối phó với vấn đề đó, NARPAC đã xuất bản một cuốn sách nhỏ có tiêu đề "Lời khuyên cho chủ sở hữu động vật". Nội dung cuốn sách gợi ý nên chuyển vật nuôi từ các thành phố lớn về nông thôn. Phần kết luận của sách khẳng định: "Nếu bạn không thể nhờ hàng xóm chăm sóc những con vật nuôi thì tốt nhất là hãy tiêu hủy chúng".
Ở bìa cuốn sách có một mẩu quảng cáo về loại khẩu súng ngắn có thể được sử dụng để giết vật nuôi một cách "nhân đạo".
Diễn biến
Gần như ngay lập tức, hàng trăm con vật nuôi yêu quý như chó, mèo và các loài khác, bị giết bởi chính chủ nhân của chúng. Bên ngoài những phòng khám thú y trên khắp đất nước Anh là những đoàn người xếp hàng dài một cách có trật tự. Họ dắt theo những con chó, bê những con mèo trong lồng để chờ tiêu hủy, còn đám thú cưng ngơ ngác không hề hay biết gì, và cũng chẳng thể hiểu được vì sao mà số phận đáng buồn của chúng sắp kết thúc.
Sau đó, xác của những con vật cưng được chất thành đống - vô danh - bên ngoài các cơ sở thú y. Thật xót xa khi mà chỉ mới tuần trước cũng chính những nơi này từng được sử dụng để chăm sóc cho sức khỏe và tinh thần của chúng.
Sự kiện tàn sát vật nuôi xảy ra đột ngột và lan rộng đến nỗi liên đoàn bảo vệ chó quốc gia (The National Canine Defence League - NCDL) đã cạn kiệt nguồn cung cấp chất gây mê chloroform.
Các lò thiêu tại Bệnh viện nhân dân dành cho động vật đau ốm (People’s Dispensary for Sick Animals - PDSA) đã phải ngừng hoạt động bởi vì khối lượng xác động vật quá lớn. Tổ chức từ thiện này sau đó đã dùng một đồng cỏ trong khuôn viên của nó ở Ilford để làm nghĩa trang cho vật nuôi. Theo ghi chép, người ta đã chôn cất khoảng 500.000 con vật tại đây.
Những lời chỉ trích
Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra. Nhiều chủ sở hữu vật nuôi đã đổ xô đến các phòng khám thú y để "giết nhân đạo" đám thú cưng. Nhiều nhóm bác sĩ thú y như PDSA và Hiệp hội Hoàng gia Phòng chống ngược đãi Động vật đã kịch liệt phản đối các biện pháp cực đoan này, thế nhưng các cơ sở của họ vẫn đông nghẹt những chủ sở hữu vật nuôi trong vài ngày đầu.
Khi London bị đánh bom vào tháng 9 năm 1940, càng có nhiều chủ sở hữu vật nuôi vội vàng tìm cách "hóa kiếp" cho vật nuôi của họ hơn. Pip Dodd, người phụ trách cấp cao tại Bảo tàng Quân đội Quốc gia, giải thích: "Mọi người lo lắng về mối đe dọa bị đánh bom và thiếu lương thực và cảm thấy không thích hợp để nuôi thú cưng trong thời chiến".
Biểu tình chống lại việc giết hại vật nuôi
Nhiều người lên án hành vi giết hại vật nuôi và một số người thậm chí còn biểu tình phản đối việc này, trong đó có tổ chức Battersea Dogs & Cats Home. Họ đi ngược lại xu hướng sát hại động vật và đã đứng ra nhận nuôi và chăm sóc 145.000 con chó trong suốt cuộc chiến.
Một người nổi tiếng khác đứng lên chống lại việc giết hại vật nuôi là Nina Douglas-Hamilton, Nữ công tước xứ Hamilton. Bà là một người yêu mèo và đã vận động mọi người chống lại việc giết hại thú cưng. Bà đã sáng lập khu bảo tồn động vật của riêng mình trong một nhà chứa máy bay được trang bị hệ thống sưởi ấm ở Ferne.
Các ước tính cho rằng đã có hơn 750.000 vật nuôi bị giết hại trong suốt thời gian diễn ra sự kiện đại thảm sát này. Sau khi vượt qua được nỗi sợ hãi về các vụ đánh bom và thiếu thức ăn, nhiều chủ sở hữu vật nuôi cảm thấy hối hận vì xuống tay giết vật nuôi của mình và đổ lỗi cho chính phủ vì đã khơi mào cho các vụ cuồng sát hàng loạt.
Rút kinh nghiệm
Vụ tàn sát vật nuôi hàng loạt này là một giai đoạn bi thảm và đáng xấu hổ trong lịch sử nước Anh. Thế nhưng, điều kỳ lạ là ngày nay gần như chẳng ai nhớ đến sự kiện này nữa – kể cả những người trong giới yêu thú vật.
Đây được coi là một chương đã khép lại trong lịch sử nước Anh và một giai đoạn rất đau buồn trong "Chiến tranh Nhân dân". Có vẻ như một sự xấu hổ tập thể đã đẩy thảm kịch này ra khỏi tâm trí của mọi người, như thể người dân Anh hy vọng rằng thảm kịch này sẽ không bao giờ được nhắc đến nữa.
Theo: Trí Thức Trẻ
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment