Lịch sử Washi
Kỹ thuật làm giấy được phát minh bởi Trung Quốc. Sau đó du nhập vào Nhật Bản từ Hàn Quốc vào khoảng thế kỷ thứ 7, thời đại Asuka. Điều này được ghi trong những văn tự cổ xưa nhất, nhưng cũng có ghi chép rằng hoạt động làm giấy đã có từ trước đó. Hoạt động làm giấy phổ biến khắp đất nước vì người ta cần giấy để ghi chép hộ tịch, lịch sử và kinh Phật.
Thời gian đầu người ta dùng gỗ cây Kouzo sinh trưởng ở đồi núi làm nguyên liệu làm giấy. Nhờ độ bền cao, loại giấy này được sử dụng cho những văn tự quan trọng cần phải lưu giữ lâu dài. Sau đó, vào thời đại Heian, vì đặc biệt hứng thú với Hòa ca và thơ tiếng Hán, tầng lớp quý tộc đã sử dụng một loại giấy khác đẹp đẽ, bề mặt láng mịn được làm từ vỏ cây Ganpi. Đến thời Edo, giấy làm từ nguyên liệu là cây Mitsumata – một loại cây dễ trồng hơn – bắt đầu xuất hiện và dần trở thành loại giấy không thể thiếu trong đời sống nhiều người, từ những thứ gắn liền với cuộc sống như cửa kéo Fusuma, cửa kéo Shoji,… cho đến những văn hoá phẩm như sách, phim ảnh,…
Văn hoá Washi thực sự đã chín muồi vào thời Edo nhưng đến thời Meiji kỹ thuật sản xuất giấy của Tây phương được du nhập từ Mỹ vào Nhật Bản. Năm 1874, hoạt động sản xuất giấy Tây phương bằng máy móc lần đầu tiên xuất hiện tại Nhật. Năm 1889, ngay sau khi nguyên liệu bột giấy bắt đầu được chế tạo tại Nhật, hoạt động sản xuất giấy Tây phương theo phương pháp công nghiệp nhanh chóng phát triển. Giấy Tây phương được ứng dụng rộng rãi trong đời sống như báo, sách giáo khoa,… kéo theo sự suy giảm trầm trọng của ngành sản xuất giấy Washi. Hiện tại, giấy Washi chỉ chiếm khoảng 0,3% lượng giấy sản xuất trên toàn đất nước Nhật Bản.
Sức hấp dẫn từ giấy Washi
Giấy Washi và giấy Tây phương hoàn toàn khác nhau về chất liệu lẫn phương thức sản xuất. Trong khi Washi được làm bằng cách bện các sợi thực vật với nhau thì giấy Tây phương lại dùng bột nghiền từ sợi gỗ. Washi có thể tồn tại rất lâu, đến mức có cả câu nói như thế này: “Washi 1.000 năm, giấy Tây phương 100 năm”. Trong Kho hoàng gia Shosoin ở tỉnh Nara còn cất giữ những văn thư bằng giấy Washi được viết cách đây hơn 1.300 năm.
Ngoài ra, giấy Tây phương dùng hóa chất để có màu trắng nên sẽ ngả vàng theo thời gian. Trong khi đó, Washi chỉ dùng chất liệu tự nhiên nên ban đầu có màu vàng rất nhạt, theo thời gian sẽ dần trở nên trắng sáng dưới tác động của ánh sáng. Thời gian sử dụng càng lâu, nét đẹp tinh tế của Washi càng bộc lộ rõ rệt.
Từng tờ giấy ra đời dưới bàn tay người thợ, không một tờ nào giống nhau. Một tờ giấy Washi được làm từ đôi tay của người thợ nhất định là tờ Washi độc nhất vô nhị trên thế giới.
Vai trò trong đời sống loại giấy Washi
Trước đây, giấy Washi được dùng cho tất cả các mục đích của giấy công nghiệp hiện nay. Rõ ràng là sản phẩm thủ công Washi đắt hơn so với giấy thường rất nhiều, vì vậy ngày nay nó bị bỏ qua trong nhiều lĩnh vực ứng dụng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều mục đích mà chẳng loại giấy nào có thể thay thế được Washi đẹp đẽ.
Nhờ độ dày của Washi, sợi có khả năng thấm hút tốt, Washi là một chất liệu giấy lý tưởng cho tranh in, quang khắc, in dập nổi, chạm nổi, và thời điểm đương đại hơn là in kỹ thuật số. Các loại thiệp, thiếp mời cưới là không gì sánh được khi được in trên giấy Washi.
Nhật Bản là một quốc gia yêu văn học, vì vậy thực sự không ngạc nhiên khi Washi và việc in ấn đi cùng nhau. Thay vì làm giấy bên trong, Washi được dùng nhiều hơn cho bìa giấy do độ bền và tính linh hoạt.
Giấy Washi có khả năng giữ nếp gấp một cách tốt nhất nên thường được sử dụng trong nghệ thuật gấp giấy, cắt dán và tạo hình nghệ thuật để tạo ra các tác phẩm vô cùng độc đáo.
Vì chất liệu thú vị và tự nhiên với phẩm chất độc đáo, giấy Washi tôn lên vẻ đẹp của các ánh sáng mờ, Washi từ lâu đã được coi là vật liệu lý tưởng để thiết kế đèn bàn, cửa trong nhà, và gần đây làm cửa chớp và màn che. Cảm giác về tự nhiên, hữu cơ thu hút thị giác hơn là những loại giấy sản xuất hàng loạt khô khan và các loại nguyên liệu nhân tạo khác.
Giấy Washi còn được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực đời sống thường ngày của người dân “xứ Phù Tang” như nghệ thuật thư pháp, vẽ tranh,… Chúng có tính năng rất đa dạng phù hợp với rất nhiều hoạt động tại đây.
Quá trình tạo ra Washi
Để có được những tờ giấy Washi truyền thống đúng điệu, người ta phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn lựa nguyên liệu đến khi ra được thành phẩm cuối cùng. Những công đoạn đó không chỉ yêu cầu người nghệ nhân phải có kỹ thuật chính xác cao mà còn đòi hỏi tính kiên trì. Không chỉ thể mà còn cả mồ hôi của người thợ thủ công chuyên cần.
Đầu tiên là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Washi được làm từ nguyên liệu chính là vỏ của 3 loại cây là Mitsumata, Gampi và nhánh của cây Kozo. Mỗi loại nguyên liệu sẽ cho ra giấy có những đặc trưng khác nhau cụ thể là:
Giấy được làm từ cây Gampi là loại giấy cho chất lượng vô cùng tinh xảo và tự nhiên, khi viết mực không bị lem ra ngoài. Chính vì sự cầu kỳ và tinh xảo khi tạo ra mà loại giấy được làm từ cây này có giá khá đắt và chúng thường là nguyên liệu cho giới giàu có, cao quý tại Nhật Bản.
Giấy được làm từ cây Mitsumata, đây là cây tượng trưng cho phái yếu với sự trang nhã, mềm mại nhưng cũng không kém phần tinh tế, loại giấy này được tạo ra với giá cũng khá đắt đỏ. Cây Mitsumata được người Nhật trồng và thu hoạch theo mùa nhất định trong năm.
Giấy được làm từ nhánh cây Kozo hay còn được biết đến là cây dâu tằm đây là nguyên liệu tượng trưng cho phái mạnh, mang tính mạnh mẽ, khí chất được người Nhật thu hoạch vào mỗi vụ mùa hằng năm để tạo ra giấy.
Người thợ sẽ tiến hành thu hoạch ba loại cây này vào đầu đông khi cây đã trút hết lá và cắt thành những đoạn dài khoảng 1,2m. Rồi sau đó đem đun trong nồi hơi có hình dạng đặc biệt. Tiếp theo sẽ tước vỏ dọc theo chiều dài đoạn cây, buộc thành từng bó và sấy khô.
Tiếp đến sẽ là công đoạn chuẩn bị sợi thô. Các dải vỏ cây khô được ngâm qua đêm để làm mềm và loại bỏ đi các lớp cứng bên ngoài. Sau đó chúng được đôi chân của người thợ chà xát nhằm loại lớp vỏ màu đen ngoài cùng. Tiếp đến, họ dùng dao, cẩn thận cạo bỏ lớp màu xanh và tách các chồi, mấu, chỗ rạn một cách khéo léo tránh làm hỏng sợi. Lớp vỏ trắng còn lại sẽ được đem đi sấy khô trong bóng râm cho đến khi sẵn sàng cho công đoạn chế biến tiếp theo.
Vỏ cây màu trắng đã khô sẽ tiếp tục được ngâm qua đêm. Rửa sạch trước khi được đun sôi bằng dung dịch kiềm trong vòng 30 phút. Trước đây người ta thường sử dụng than gỗ để đun vỏ cây. Ngày nay, họ dùng xút, bột soda… thay cho than gỗ để loại bỏ xenluloza.
Khi vỏ cây đã được luộc chín và các tạp chất được hớt bỏ. Những thớ sợi dài sẽ lộ ra và chúng được ngâm vào nước mát. Ngày hôm sau, những mảng sợi này sẽ được người thợ rửa sạch kỹ bằng tay. Họ dùng thanh gỗ vuông chắc chắn đập trên bề mặt gỗ hoặc đá cho đến khi các sợi tách rời ra.
Công đoạn kế tiếp sẽ là tạo hình và độ dày mỏng cho giấy. Người thợ lấy một lượng sợi nhỏ và nhanh tay lắc khuôn để các sợi gỗ này dàn đều trên mặt phẳng. Tiếp theo, họ lấy một lượng sợi nhiều hơn lần đầu và dịch chuyển khuôn để se từng sợi kết lại với nhau. Tiếp tục thao tác này cho đến khi giấy đạt được độ dày mong muốn. Tùy thuộc vào từng loại giấy họ muốn sản xuất mà cách chuyển động của khuôn khác nhau.
Những tấm giấy sau đó được dàn trải ban đầu để ngót nước tự nhiên. Chúng sẽ được nén chặt bằng máy hoặc vật nặng với trọng lượng tăng dần trong vòng 6 giờ. Sau khi giấy được nén chặt và đạt được một độ khô nhất định thì chúng sẽ được gỡ ra. Xong đó được trải trên bề mặt những tấm gỗ tự nhiên như gỗ thông, hạt dẻ ngựa, cây bách Nhật Bản.
Sau đó, chúng sẽ được sấy trên bề mặt kim loại. Khi sản phẩm giấy được hoàn thiện, thợ thủ công đem giấy đi nhuộm màu, tạo hoa văn theo chủ đích của người thợ.
Một số loại giấy Washi đặc sắc ở Nhật Bản
Hoạt động làm giấy Washi có trên khắp các tỉnh thành Nhật Bản. Tùy theo nguyên liệu và phương pháp làm giấy mà chất lượng và ứng dụng khác nhau, mặc dù đều là giấy Washi. Số lượng được biết lên đến cả 1.000 loại giấy. Mỗi loại Washi gắn liền với địa danh sản xuất và được truyền cho đời sau như một văn hóa đặc sắc của địa phương.
Echizen Washi với nguyên liệu có thể là cây Kouzo, cây Mitsumata hoặc cây Ganpi tùy theo ứng dụng. Là loại có lịch sử lâu đời nhất trong những loại Washi ở “xứ Phù Tang”, còn được gọi là “Vua của giấy”. Được sử dụng làm Dajokansatsu, tiền giấy thống nhất toàn quốc, lưu hành vào đầu thời Meiji, Echizen Washi cũng có lịch sử lưu hành lâu đời trên đất nước Nhật Bản.
Hosokawashi: Đây là một trong ba loại giấy Washi được công nhận là “Di sản thế giới”. Vào năm 1978, Nhật Bản đã chỉ định kĩ thuật làm loại giấy này là tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng của đất nước. Chất giấy dai bền do sợi cây Kouzo đan chặt, màu hổ phách mộc mạc, dịu dàng là đặc trưng của Hosokawashi. Được dùng cho giấy dán tường, cửa kéo Shoji, giấy ghi chép, giấy gói Kimono,…
Sekishubanshi: được làm tại miền Tây tỉnh Shimane. Sekishubanshi là đặc biệt nhất vì làm từ nguyên liệu là cây Kouzo và được công nhận là “Di sản thế giới” vào năm 2009. Giấy này dai bền đến mức gấp uốn 3.000 lần vẫn không rách, thường được dùng làm giấy vẽ, viết thư pháp, cửa kéo Shoji,…
Honminoshi: Trong những loại Washi của thành phố Mino – nơi có hoạt động làm Washi khá phổ biến, chỉ có loại Washi làm từ bàn tay của một số người thợ trong giới hạn, dụng cụ và nguyên liệu lựa chọn khắt khe, mới được gọi là Honminoshi. Phần vỏ đen của cây Kouzo được tách cẩn thận bằng dao rồi mới dùng làm nguyên liệu, tạo nên màu trắng tinh không sót chút tạp chất nào. Mềm mại và đẹp đẽ, được đánh giá là loại Washi làm cửa Shoji cực kì cao cấp.
Najio Washi: Sử dụng nguyên liệu chính từ cây Ganpi, trộn với bùn từ nham thạch núi lửa, Najio Washi có đặc trưng khó bám bẩn, khó nhàu và ít bị côn trùng ăn. Loại giấy Washi vừa bền chắc lại vừa mềm mại này còn dùng để dán phía sau những bức bình phong dát vàng bởi tác dụng làm cho lớp vàng óng ánh hơn sau một thời gian. Najio Washi còn được sử dụng nhiều trong việc phục hồi các tác phẩm nghệ thuật và di tích nổi tiếng.
Ecchu Washi là tên gọi Washi của ba vùng sản xuất Gokayama, Yatsuo, Birudan, tỉnh Toyama. Toyama trước đây từng rất phát triển nhờ buôn bán thảo dược với những bao đựng được làm từ Washi. Cũng có nhiều người kế thừa trẻ tuổi vẫn đang hăng hái nỗ lực phát triển những sản phẩm Washi mới mẻ.
Inshu Washi: Kỹ thuật làm giấy Washi truyền thống được gìn giữ ở hai nơi, làng Sajison và thôn Aoyacho thuộc thành phố Tottori. Sử dụng nguyên liệu chính từ 3 loài cây bản địa, Kouzo, Mitsumata và Ganpi cùng với tỉ lệ pha trộn tinh tế, Inshu Washi là loại giấy thích hợp nhất đối với mực tàu. Nếu nói về số lượng sản xuất giấy Washi được dùng trong thư pháp và tranh thủy mặc Suibokuga, không địa phương nào có thể vượt qua miền Đông tỉnh Tottori.
Trải qua bao nhiêu thằng trầm của lịch sử, nghề sản xuất giấy truyền thống độc đáo này vẫn chưa hề bị mai một. Từng tờ giấy Washi đều thể hiện những nét tinh hoa, độc đáo mà chỉ “xứ Phù Tang” mới có được.
Khi có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy tự mình khám phá về loại giấy Washi đặc biệt này nhé! Cũng đừng quên mua chúng về làm kỷ niệm. Đó cũng là một cách để du khách hiểu biết thêm về nền văn hoá của đất nước này.
Nguyen Hung / Theo: tournhatban