Kỳ lân là sinh vật thần thoại có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Kỳ lân ở Trung Quốc được phác họa là sinh vật nửa rồng nửa thú. Trải qua nhiều thế kỷ, hình ảnh kỳ lân cũng có những thay đổi. Kỳ lân đôi khi được phác họa với hình tượng đầu rồng, thân hổ hoặc hươu và đuôi bò. Kỳ lân cũng có khi có vảy như cá, có lúc lại có ngọn lửa bao trùm khắp cơ thể. Nhìn chung, kỳ lân được cho là có đầu rồng và thân ngựa.
Một số truyền thuyết Trung Hoa mô tả kỳ lân có sừng. Do đó, kỳ lân còn được so sánh với unicorn - ngựa một sừng huyền thoại của phương Tây (cũng thường được dịch ra tiếng Việt là "kỳ lân"). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đây là hai sinh vật thần thoại riêng biệt.
Mặc dù kỳ lân có thể trông đáng sợ nhưng truyền thuyết mô tả nó là một sinh vật hiền lành và ôn hòa. Trong mô tả của Phật giáo, kỳ lân lựa chọn cách cưỡi mây để tránh gây hại, dù chỉ là một ngọn cỏ ở dưới đất, theo Ancient Origins.
Tượng kỳ lân ở Trung Quốc.
Vì kỳ lân được cho là một sinh vật nhân từ nên sự xuất hiện của nó được coi là một dấu hiệu tốt lành. Người Trung Quốc cổ đại tin rằng, kỳ lân chỉ xuất hiện dưới thời của một minh quân hoặc khi một nhà hiền triết lỗi lạc chào đời.
Truyền thuyết về kỳ lân xuất hiện lần đầu trong cuốn Tả Truyện (Xuân Thu Tả thị truyện) - tác phẩm sớm nhất của Trung Quốc viết về lịch sử giai đoạn năm 722 TCN đến năm 468 TCN. Kỳ lân khi đó được cho là đã xuất hiện, báo hiệu Khổng Tử (551 TCN - 479 TCN) chào đời.
Những câu chuyện về kỳ lân cũng được lưu truyền rộng rãi vào thời nhà Hán. Người Trung Quốc khi đó tin rằng sinh vật huyền thoại này là hậu duệ đời thứ tư của loài rồng trong truyền thuyết.
Tượng kỳ lân thời Hoàng đế Trung Hoa Càn Long.
Vì kỳ lân gắn liền với những ý nghĩa cao cả nên các hoàng đế Trung Hoa luôn muốn hình tượng kỳ lân xuất hiện trong triều đại. Trong triều đại nhà Minh, hình tượng kỳ lân càng phổ biến rộng rãi.
Năm 1414, hạm đội của nhà thám hiểm Trịnh Hòa quay trở về Trung Quốc sau chuyến hành trình tới Đông Phi, đem theo vô số sản vật, trong đó có hươu cao cổ.
Minh Thành Tổ Chu Đệ đã ví hươu cao cổ với kỳ lân, coi đây là dấu hiệu của điềm lành. Kỳ lân kể từ đó xuất hiện trong vô số các tác phẩm nghệ thuật thời nhà Minh.
Vào thời nhà Minh, triều đình thậm chí còn thêu kỳ lân lên áo choàng của các sĩ quan quân đội ưu tú, lấy họ làm tấm gương cho những người khác noi theo.
Kỳ lân cũng được nhắc đến nhiều lần khác trong lịch sử Trung Quốc. Cuốn Sử Ký của tác giả Tư Mã Thiên kể câu chuyện Hán Vũ Đế (156–87 TCN) bắt được một con kỳ lân. Vào thời nhà Thanh (1636–1912), kỳ lân cũng được cho là xuất hiện.
Trên phương diện văn hóa, kỳ lân nằm trong Tứ Linh - bốn loài linh thú có ảnh hưởng trong thần thoại Trung Hoa - tượng trưng cho sự cát tường và điềm tốt lành. Tứ Linh gồm Long (rồng), Lân (kỳ lân), Quy (rùa) và Phượng (phượng hoàng).
Tượng đồng kỳ lân ở Nhật Bản.
"Kỳ lân xuất hiện đem đến một giai đoạn thịnh vượng" là câu nói cổ xưa Trung Quốc, thể hiện niềm tin vào sinh vật có khả năng đem đến vận may, ngăn chặn tai họa.
Ngày nay, kỳ lân vẫn là biểu tượng của sự sang trọng và thành công, được thể hiện trong các vật trang trí như tranh vẽ lễ hội mùa xuân, tranh thêu và chạm khắc ngọc bích treo trên cửa phòng khách.
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia ở Đông Á cũng có quan niệm về kỳ lân do ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa. Kỳ lân ở Nhật Bản vẫn giữ nguyên đầu rồng, nhưng thân trông giống hươu.
Ở Hàn Quốc, kỳ lân lại giống ngựa hơn cả. Truyền thuyết kể rằng, Cao Chu Mông, vị vua thành lập vương quốc Cao Câu Ly, từng cưỡi trên một con kỳ lân giống như chiến mã trong các cuộc chinh phạt mở mang bờ cõi trên bán đảo Triều Tiên.
Theo: Nhật Minh - Tổng hợp (Tri thức & Cuộc sống)