Tuesday, August 16, 2016

ME TRONG ẨM THỰC MIỀN QUÊ TÂY NAM BỘ

"Ơi tuổi thơ, vui say và trong trắng
Như những bông hoa trong ánh nắng ban mai 
Trên những con đường rợp lá me bay".


Cây me mọc hoang hoặc được trồng sau các vườn nhà của người dân quê miền Tây Nam bộ.

Theo ngôn ngữ Ả rập, người ta gọi me là chà là Ấn Độ. Các nhà sinh vật học khẳng định đây là loài cây nhiệt đới, có nguồn gốc ở miền đông châu Phi, nhưng hiện nay được trồng nhiều hơn ở khu vực nhiệt đới của châu Á cũng như châu Mỹ Latinh. Me là loại cây thân gỗ, có thể cao tới 20 thước tây. Gỗ của thân cây me bao gồm lớp lõi cứng, màu đỏ sẫm và lớp dác ngoài mềm hơn và có màu ánh vàng. Lá của nó có dạng lá kép lông chim, bao gồm từ 10 đến 40 lá nhỏ. Hoa tạo thành dạng cành hoa. Trái me lúc còn non màu xanh, sau già chuyển sang nâu sẫm, bên trong chứa cơm thịt và nhiều hạt có vỏ cứng.


Dân gian sử dụng me ở hầu hết các bộ phận của nó. Gỗ me có thể bắc cầu qua các mương, rạch, đặc biệt là làm thớt để chặt thịt, cá. Dân gian khuyến cáo thịt rắn hổ không được chặt trên thớt me, bởi nó kỵ nhau, ai làm vậy, ăn phải có thể tắt tử.


Lá me non dùng ăn sống với cá nướng trui, tép luộc, thịt khìa. Cầu kỳ hơn thì hái nắm lá me non để nấu canh chua. Ít lát thịt hay con cá lóc cùng vài cọng bông súng, ít lá ngò gai là có thể chế biến có nồi canh chua lá me ngon lành. Người ta còn dùng lá me non nấu với thịt gà mà nhiều người khen canh chua ấy chẳng thau kém canh chua lá giang.

Trái me tươi lùi qua than hồng vỏ sẽ bong ra, cơm me bên trong được dùng làm nước mắm chấm cá lóc nướng trui thì quả là tuyệt diệu.


Trái me vừa già có thể hái chấm muối ăn chơi hay bạn bè nhâm nhi vài ba chung rượu đế. Me chua, chuối chát thì nhậu cũng mát trời ông địa như thường!

Trong dân gian còn có thành ngữ dốt như me vừa dể chỉ hiện tượng trái vừa chín vỏ nứt bung ra, vừa chơi chữ chỉ người học hoài mà không nhớ, không tiếp thu được. Sự liên hệ giữa hai hiện tượng này ra sao, thật lòng khó giải thích. 


Phải chăng, việc học cũng vất vả, dài ngày dài tháng như trái me kia từ khi tượng hnhf cho đến khi dốt mà … vẫn chua đến nhăn mặt! Hay là thuận miệng lấy từ chữ dốt để nói vậy! Chỉ biết một điều dân gian, người lao động tài tình thật, ngôn ngữ của người dân quê quả là đa dạng, thú vị mà không phải ai cũng có thể tường tận ngày một, ngày hai!

Me dốt, me chín bẻ về, gỡ bỏ vỏ, nhồi quết lại thành cục để dành nấu canh chua, dầm cá kho hay làm nước mắm. Đặc biệt khi chấm các loại khô, me thường không thể thiếu. Vị mặn của khô kết hợp hợp với vị chua đặc trưng của me làm cho món ăn ngon hơn, hấp dẫn hơn.


Các bà, các chị ngày tết hay lúc rảnh rang còn lấy cơm me chín làm mứt. Hột me được tách ra, cơm me đem ngào với đướng, thêm đậu phộng rang là món quà quê đầy thú vị cho trẻ con. Mứt me cũng để các cụ cao niên vừa nhâm nhi ly trà vừa đàm đạo chuyện thế thái nhân tình.

Trẻ con lượm hột me già rửa sạch, phơi khô rồi thi nhau búng chơi. Niềm vui dân dã của tuổi thơ là vậy, nhưng nó mãi là kỷ niệm đẹp theo suốt hành trang của đời người.


Vậy mới hay, một loài cây quen thuộc tưởng như không ai không biết mà sao đong đầy nỗi niềm thương nhớ quê hương.

Do cành me dai, dễ uốn, me lại sống lâu năm nên những người chuộng cây cảnh cũng thường chọn me cổ thụ để tạo dáng bon sai. Có những cây ngoài vẻ đẹp nghệ thuật còn mang lại gái trị kinh tế lớn.


Đến đây, chúng tôi xin mượn lời tác giả Hoàng Thu Diệp trong lời bài ca cổ "Thành phố những hàng me", để kết thúc bài viết này:

Ơi tuổi thơ, vui say và trong trắng
Như những bông hoa trong ánh nắng ban mai
Trên những con đường rợp lá me bay.

(Sưu tầm trên mạng)

No comments: