Monday, July 31, 2017

TẠI SAO KHUY ÁO CỦA ĐÀN ÔNG THÌ Ở BÊN PHẢI CÒN CỦA ĐÀN BÀ THÌ Ở BÊN TRÁI?

Nếu có hai bộ quần áo với màu sắc và kiểu dáng gần như nhau đặt ở cùng một chỗ, thì xin mời các bạn thử phân biệt xem kiểu nào là nam và kiểu nào là nữ?


Có lẽ điều mà nhiều người đầu tiên nghĩ tới là cần phải xét quần áo to hay nhỏ (dài, ngắn, rộng hẹp) và nếu nghĩ như thế thì cái to sẽ là nam và cái nhỏ sẽ là nữ, hoặc có người sẽ tìm kiếm những sự khác nhau nhỏ về kiểu dáng : có nhiều phần truyền thống thì là nam, có nhiều phần đổi mới thì là nữ.

Tất nhiên các cách như thế để phân biệt phục trang của đàn ông và đàn bà thì cũng có lí lẽ nhất định, song những người trong nghề thì dứt khoát sẽ chỉ xem vị trí của các khuyết áo. Nếu là áo của đàn ông thì lỗ khuyết ở tà bên trái, còn khuy thì ở tà bên phải. Còn áo của đàn bà thì trái ngược lại, khuyết ở tà bên phải còn khuy ở tà bên trái. Ở Trung Quốc như thế mà ở nước ngoài cũng như thế.

Ở phương Tây các khuy áo đầu tiên đã xuất hiện như những vật trang sức. Đến khoảng thế kỉ XIII, các chi tiết trang sức ấy mới trở thành những khuy áo thực sự và có mặt trên trang phục của nam giới cũng như nữ giới.



Theo truyền thuyết thì cánh đàn ông trong các gia đình quý tộc của thời kỳ Trung thế kỷ, bên lưng họ phải đeo kiếm, khi khuy áo đính ở tà bên phải, còn tà áo bên trái không có gì, nếu dùng tay phải thì có thể rút kiếm ra ở bên trái mà không gặp trở ngại gì cả, rất là thuận tiện, ngoài ra ở châu Âu mùa đông rất lạnh, muốn bảo vệ cho bàn tay phải cầm đao kiếm khỏi bị lạnh giá, thì nếu khuyết áo ở tà bên trái, tay phải sẽ có thể thọc vào trong tà áo để được ấm áp.

Còn chuyện khuyết áo của phụ nữ ở bên phải thì đó là vì đàn bà con gái trong xã hội thượng lưu thời bấy giờ, những khi mặc áo họ phải có những người đầy tớ gái giúp việc. Để tiện cho những người đầy tớ gái có thể đứng đối diện với chủ mà dùng tay phải để cài khuy áo, khuy áo tất nhiên phải đính trên tà áo bên trái, còn khuyết áo thì chỉ có thể làm ở tà bên phải.


Ngoài ra khi phụ nữ cho con bú, nói chung họ thường dùng bên tay phải khỏe hơn để ôm lấy con, nếu khuy áo ở tà bên trái thì dùng tay trái cởi áo sẽ dễ hơn.

Do các nguyên.nhân kể trên đã hình thành tập quán khuy áo của đàn ông thì đính ở bên phải, còn khuy áo của đàn bà thì đính ở bên trái.

HIỂU BA


LAN THỦY TINH

Vẻ đẹp của loài lan trong suốt, không diệp lục

Loài lan thủy tinh có thân hoàn toàn trong suốt, không có diệp lục và cành nào cũng là hoa.


Thạc sĩ Nguyễn Văn Thế (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam) cùng đồng nghiệp vừa công bố loài lan thủy tinh trong chuyến khảo sát tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa) hồi tháng 3/2016.


Loài này thường rất khó phát hiện vì không có diệp lục, chỉ mọc lên khi ra hoa kết quả rồi chết trong thời gian ngắn. Mặt khác, chúng bé nên rất dễ bị bỏ qua trong các đợt khảo sát thực địa. "Tôi nghĩ mình may mắn khi bắt gặp được loài này. Vì ít nhìn thấy nên ban đầu tôi nghĩ đó là loài mới, sau đó mang mẫu về phân tích, đối chiếu mới biết đó lan thủy tinh", ông Thế cho biết.


Lan thủy tinh có tên khoa học là Monotropastrum humile (D.Don) H.Hara, thuộc họ thực vật đỗ quyên Ericaceae, chứ không phải họ lan như tên gọi.


Lan thủy tinh dạng thân cỏ, mọc thành khóm nhỏ trên đất dầy mùn. Chúng cao khoảng 8-12 cm, trên thân của loài có lá dạng vảy dài một cm, rễ như san hô. Hoa cô độc ở ngọn, nghiêng và đôi khi hướng xuống dưới.


Chúng mọc trong rừng nguyên sinh, nơi có các loài cây hạt trần chiếm ưu thế như pơ mu, sa mộc dầu ở độ cao khoảng 1.300 m. Chúng mọc từ đất lên nơi có tầng mùn dày và hơi khô.


Tên gọi lan thủy tinh bắt nguồn từ đặc điểm của loài là toàn thân không diệp lục, màu trắng tinh. Khi già chúng chuyển màu tím nhạt, sau khô chuyển màu đen.


Loài có phân bố khá rộng, gần như khắp châu Á: Trung Quốc, Đài Loan, Bhutan, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Myanmar... Trên thế giới chỉ có hai loài trong chi lan thủy tinh, loài còn lại là Monotropastrum sciaphilum (Andres) G.D.Wallace mới phát hiện ở Vân Nam, Trung Quốc.


Trong "Cây cỏ Việt Nam" của giáo sư Phạm Hoàng Hộ ghi nhận lan thủy tinh phân bố ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Các ghi nhận sau này cũng ở vùng này. Gần đây có thông tin chúng phân bố ở dãy Hoàng Liên Sơn (Lào Cai).

Phạm Hương
Ảnh: Phạm Văn Thế
Nguồn: VNExpress
Link đọc thêm:

Sunday, July 30, 2017

KỲ LẠ LOẠI CÂY CÓ QUẢ MỌC TRÊN LÁ

Quả mọc ra từ lá của cây Butcher's Broom.
Ruscus hypoglossum là một loài thực vật có hoa trong họ Măng tây. Loài này được L. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1753. Tiếng Anh thường gọi là Butcher's Broom, Mouse Thorn, Horse Tongue Lily,..tiếng Hoa gọi là 假葉樹 (Giả Diệp Thụ) (theo Wikipedia)
Butcher's Broom còn được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc để chữa bệnh.

Butcher's Broom là một loại cây bụi thấp, có lá và thân rất cứng. Hoa của chúng không mọc ra từ ngọn mà lại mọc ra từ trung tâm của lá. Vào đầu mùa xuân, hoa bắt đầu nở và phát triển thành quả chín mọng màu đỏ vào cuối mùa thu. Việc quả mọc ra từ lá khiến Butcher's Broom trở thành một loại cây vô cùng kỳ lạ.


Butcher's Broom được phân phối rộng rãi, từ Iran đến Địa Trung Hải và miền nam Hoa Kỳ. Chúng đã được sử dụng trong hơn 2.000 năm như một loại thuốc để điều trị một số trứng bệnh như bệnh trĩ, giãn tĩnh mạch, ngứa và sưng tấy.

Butcher's Broom được dùng rỗng rãi như một loại thuốc để chữa bệnh.


Những điều tra trong năm 1950 chỉ ra rằng, Butcher's Broom có thể gây co thắt các tĩnh mạch, tuy nhiên, nó vẫn được sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh tuần hoàn nhất định. Nó cũng chứa một alcaloid có ức chế sự ra đi của các ion natri qua màng tế bào và do đó là một chất chống loạn nhịp tim có hiệu quả.

Hoa của Butcher's Broom được mọc ra từ chính giữa của lá.


Quả Butcher's Broom có màu đỏ mọng khi chín.

Ngoài ra, Butcher's Broom cũng được trồng rộng rãi trong các khu vườn và quả của nó được sử dụng như đồ trang trí.




Theo Chung Đoàn (amusingplanet)



XƯNG TỘI VỚI LINH MỤC LÀ CHUYỆN BUỒN CƯỜI


Một người đàn ông đồ sộ vỗ vai một ông linh mục, vừa hỏi vừa cười hóm hỉnh:

- Chỗ anh em với nhau, tôi hỏi thiệt tình, anh đừng giận tôi nha.

- Chuyện gì mà vô đề long trọng dữ vậy?

- Tôi nghe người ta nói: đạo của anh bắt tín đồ có tội phải đi xưng tội với cha cố và cha cố tha tuốt luốt. Cái đó có không?

- Có. Thì đã sao nào?

- Thì đạo của anh buồn cười quá à.

- Những gì làm anh buồn cười, thì kể cho tôi nghe coi.

- Nhiều lắm. Thứ nhất: linh mục các anh là người như người ta; cũng biết ăn gian nói dối; cũng biết ngoại tình… thì tại sao lại dám ngồi tòa tha tội cho người gian dối, gian dâm?

- Ông chánh án ngồi tòa: tha bổng, kêu án tử hình, kêu án tù chung thân…, thì ông chánh án là người hay là thiên thần?

- Ông chánh án cũng là người nên cũng có thể phạm tội, nhưng ông ngồi tòa với tư cách là đại diện công lý, đại điện cho dân.

- Thì linh mục chúng tôi có tha tội cho tín đồ với tư cách của cá nhân mình đâu. Chúng tôi tha tội nhân danh Chúa và do yêu cầu của Chúa. Đức Giêsu trước khi về trời đã nói với các Tông đồ rằng: “Điều gì chúng con tha dưới đất, thì trên trời cũng tha”.

- Tội phạm tới Chúa thì xưng với Chúa và xin Chúa tha, hà cớ gì Chúa lại trao quyền ấy cho các anh?

- Để tôi kể cho anh một câu chuyện:

Có một người mẹ đang mổ cá, tay dơ quá. Thằng cu tí của bà đang chạy chơi trên sân sũng nước, vì trời mới mưa, bỗng té ạch một cái. Bà không dám bỏ rổ cá đang dang dở, vì con mèo cồ đang ngồi liếm mép. Bà kêu cô chị của thằng cu tí: “Hai! Con đi tắm cho em!”. Cô chị cũng chẳng sạch sẽ gì, mới quét chuồng heo xong, thoang thoảng mùi cháo thiu, vội vàng dìu cu tí đi tắm. Cu tí sạch boong, thay quần áo mới, tóc rẽ ngôi láng coóng, thơm thơm mùi nước hoa của mẹ, nhảy tưng tưng, cười toe toét, thương chị quá chừng.

Vậy đó. Bây giờ tôi hỏi anh: Ở trên đời này, có thằng cu tí nào thắc mắc với cô chị nó rằng: “Chị lấy quyền gì mà tắm cho tôi? Chị có sạch sẽ gì đâu mà dám tắm cho tôi, chải đầu cho tôi, thay đồ cho tôi, lại còn lấy dầu thơm của mẹ mà xức cho tôi nữa. Bày đặt!”. Xin lỗi anh. Nếu trên đời này có thằng cu tí nào nói như thế, thì nó chính là anh đấy.



- Anh trả lời hay. Cho anh mười điểm.

- Còn thắc mắc gì nữa nào?

- Thắc mắc thứ hai: Có tội thì phải phạt. Còn các anh thì tội gì cũng tha tuốt luốt. Như vậy là các anh vẽ đường cho hươu chạy, là xúi người ta cứ phạm tội tối đa.

- Linh mục chúng tôi là cô chị của thằng cu tí. Cô chị chỉ mong muốn một điều là thằng em hết dơ. Dĩ nhiên là thằng cu tí chẳng muốn té. Nhưng có thể là nó sẽ còn té nữa. Nếu nó té nữa, thì cô chị lại tắm cho nó, an ủi và khuyên nhủ nó. Như vậy đâu phải là cô chị vẽ đường cho hươu chạy. Nói cho vui vậy thôi, chứ vấn đề tha tội trong đạo không đơn giản như thế. Theo giáo lý, thì muốn được tha tội, thì phải có điều kiện. Điều kiện một là phải thành tâm sám hối, mà thành tâm sám hối, thì bao hàm việc quyết tâm chừa tội. Điều kiện hai là phải đền tội xứng đáng. Nếu ăn trộm, phá hoại thì phải bồi thường. Bồi thường tiền của. Bồi thường danh dự,… vân vân… Xét về mặt tâm lý, người Công giáo xưng tội xong cảm thấy tâm hồn sung sướng, giàu nghị lực để tránh tội, chứ không có ý đồ phạm tội lại, phạm tội thêm. Đó chính là tâm tư của thằng cu tí sau khi được chị nó tắm cho. Chị tắm và em được tắm nảy ra một tình cảm rất thân thương. Thằng cu tí thấy mình sạch quá, đẹp quá, thơm quá và chẳng muốn ở dơ chút nào.

-Cho anh thêm mười điểm nữa. Không ngờ mà đạo của anh vừa có tình vừa có lý. Và…bây giờ là thắc mắc thứ ba. Nếu tôi là tín đồ Công giáo, tôi chỉ dám xưng ba cái tội lặt vặt thôi, còn tội quan trọng…, thì tôi hổng dám đâu.

-Ví dụ tội gì nào?

- Ví dụ tôi xưng tội ăn cắp xe của bố anh, mà em của anh là trưởng ban công an xã, thì thế nào anh cũng móc điện thoại đi động gọi cho em của anh ngay. Ví dụ tôi xưng tội tò tí với em dâu của anh, thì thế nào anh cũng bật mí cho thằng em trai của anh liền. Đúng không nào?

- Chà. Kẹt dữ ạ.

- Vậy là anh thua rồi phải không?

- Có thể thua thôi, chứ chưa thua đâu. Nếu tôi vì quá thương bố mất xe, vì quá thương thằng em làm công an đang bí lối và thương thằng em trai bị vợ cắm sừng, thì tôi có thể làm bật mí tội của anh. Trong trường hợp này, theo Giáo Luật, thì tôi phạm một tội rất nặng. Tội này có tên là “Lỗi ấn tòa xá giải”. Sau khi phạm trọng tội này, tôi không thể đi xưng tội với bất cứ một linh mục nào. Tôi phải xin ơn tha tội nơi Tòa Thánh.

- Đã có một linh mục lỗi ấn tòa xá giải rồi.

- Ai và ở đâu?

- Một tín đồ ở miền Tây theo cách mạng, rải truyền đơn chống Pháp, đi xưng tội. Thế là ông cha báo cò Tây đến bắt, đày ra Côn Đảo.

- Rải truyền đơn chống Pháp thì tại sao lại bảo là tội, tại sao lại đi xưng làm chi? Người làm cách mạng không lẩm cẩm như vậy đâu. Về vấn đề “lỗi ấn tòa” tôi khẳng định với anh rằng: linh mục là người, thì có thể phạm lỗi ấy. Nhưng trên thực tế, thì tôi chưa thấy xảy ra điều đó, dù bên Tây hay bên Đông, dù thời xưa hay thời nay. Ngược lại có nhiều linh mục vì bảo vệ ấn tòa mà lâm nạn. Tôi kể cho anh nghe hai chuyện thôi:



*Chuyện một. Sau thế chiến thứ hai ở bên Ý xảy ra một chuyện rất thương tâm. Một linh mục chánh xứ đang làm việc tại bàn giấy. Vào lúc 20 giờ 30 có người gõ cửa. Mở cửa ra thì gặp người khách lạ xin xưng tội. Hắn quỳ mọp xưng tội rất vội vã, rồi vội vàng rút lui y như người bị rượt đuổi.

Hắn vừa đi khỏi thì cảnh sát tới.

- Thưa linh mục, vừa có một vụ cướp của, giết người xảy ra ở nhà ga. Theo kinh nghiệm chuyên nghiệp của chúng tôi, thì hắn còn luẩn quẩn đâu đây. Vậy xin linh mục giúp chúng tôi chu toàn nhiệm vụ.

- Tôi không biết.

- Ủa, sao lại có khẩu súng lục ở trong sọt rác này?

- Tôi không biết.

- Nếu là súng của linh mục, thì xin vui lòng cho chúng tôi coi giấy chủ quyền. Nếu không phải của linh mục, thì xin vui lòng cho biết ai là chủ của nó. Khẩu súng này mới xài tức thời, vì nòng của nó có mùi khen khét.

- Tôi không biết.

- Chúng tôi sẽ khởi tố linh mục về tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp. Linh mục còn phải trả lời trước tòa: tại sao súng mới nhả đạn lại nằm trong sọt rác, dưới gầm bàn của linh mục, ngay sau thời gian có vụ nổ súng tại nhà ga.

Quả thật, linh mục chánh xứ ấy phải đứng trước vành móng ngựa. Quan tòa và công tố viên đặt ra rất nhiều câu hỏi. Nhưng câu hỏi nào cũng được trả lời y như nhau: “Tôi không biết” – Cuối cùng tòa buộc hai tội: cướp của - giết người và khinh dể tòa án. Rồi tuyên án tù chung thân.

Một linh mục đi tù chung thân vì tội giết người cướp của. Buồn quá! Nhục quá! Mà cũng oan khiên quá! Nhưng linh mục ấy đã cúi đầu chấp nhận chỉ vì lương tâm không cho phép bật mí bất cứ điều gì mình biết trong tòa xá giải.

Mười ba năm sau, tên trộm ấy ra tự thú. Linh mục đi tù oan được trả cả tự do lẫn danh dự. Chua quá! Nhưng cũng vinh dự quá!



*Chuyện hai. Chuyện này xảy ra trong một gia đình bất hạnh. Ông chồng thì đam mê cờ bạc, rượu chè, trai gái. Bà vợ thì cắn răng chịu đựng. Chịu đựng mãi thành hiện tượng dồn nén. Dồn nén mãi thì phải bùng vỡ. Hôm ấy ông chồng đi chơi mãi tới quá nửa đêm mới về. Ông gọi cửa. Bà mở cửa. Ông vừa đưa đầu vào, thì một lưỡi dao phập xuống…

Cơn điên qua rồi, bà vợ khóc lóc thảm thiết. Bà đến nhà thờ xưng tội với cha xứ, rồi đi thú tội với công an xã. Công an xã mời linh mục chính xứ tới để bổ túc hồ sơ.

- Bà Nguyễn Thị M. khai rằng bà đã đi xưng tội, kể lể hết mọi hành vi tội ác. Vậy yêu cầu linh mục cho chúng tôi biết bà M. đã khai gì với linh mục?

- Tôi không biết.

- Đương sự đã khai với linh mục, thì linh mục có nhiệm vụ phải khai với chính quyền, vì đây là vụ án quan trọng.

- Tôi không được nói, vì theo Giáo Luật, tôi không được làm lộ những gì người ta xưng trong tòa.

- Như vậy là ông coi thường chánh quyền. Nếu ông ngoan cố, tôi sẽ còng tay ông.

Ông trưởng ban công an xã đập bàn, giận dữ. Ông chủ tịch Mặt trận phải vội vàng chạy qua góp ý.

- Luật của đạo Thiên Chúa như vậy đó. Các anh cứ ghi nhận những gì bà M. đã khai – Bà M. đã tự thú, thì bà còn giấu giếm làm chi. Lời khai của bà là đủ rồi.

- Thôi, cụ đi về đi.

Anh công an hạ giọng, gấp hồ sơ, đứng dậy, đi tìm điếu cày…

Ông cha xứ 90 tuổi đi về, lòng buồn man mác. Anh công an rít một điếu thuốc lào, lòng nhẹ lâng lâng.



- Tôi giải đáp như thế là hết lời, hết ý rồi đấy. Anh vừa lòng chưa?

- Mới vừa lòng 90 phần trăm thôi.

- 90 hay 100 đã là “bên tám lạng bên nửa cân”. Tôi mừng lắm rồi. Chào anh.


Tạp bút của Lm Piô Ngô Phúc Hậu
Nguồn:Báo Công giáo và Dân tộc

HUYỀN THOẠI VỀ LONG HUYỆT TRONG DÃY HOÀNH SƠN

Theo các nhà phong thủy, Hoành Sơn là đại địa và hiện tại Hoành sơn là một trong “Nhị thập bát cảnh” của Bình Định.


HUYỀN THOẠI VỀ LONG HUYỆT TRONG DÃY HOÀNH SƠN

Huyệt phát đế vương của nhà Tây Sơn.
Theo các nhà phong thủy thì Hoành Sơn là đại địa. Xung quanh Hoành sơn có nhiều ngọn núi bao bọc, mỗi ngọn mang một dáng dấp cổ vật, trước mặt là ba dãy gò cao đá mọc giăng hàng rông như quân chầu, hổ phục, phía dưới là hai phụ lưu sông Côn từ phía Tây và phía Bắc chay ra họp nhau ở địa đầu thôn Phú Phong như hai cánh tay người mẹ ôm chặt lấy Hoành sơn. Địa thế đáng gọi là long bàn hổ cứ.

Hoành Sơn còn gọi là núi Ngang nằm trong dãy Tây Sơn thuộc địa phận xã Bình Tường, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định. Hoành Sơn không cao (364m) nhưng dài và rộng, ở xa trông rất tuấn tú, khôi hùng.
Theo các nhà phong thủy Tàu và địa phương cho biết thì Hoành Sơn là đại địa và hiện tại Hoành sơn là một trong “Nhị thập bác cảnh” của Bình Định. Vì chung quanh Hoành sơn có nhiều ngọn núi bao bọc, mỗi ngọn mang một dáng dấp cổ vật như Núi Bút (Trưng sơn), Núi Nghiên (Nghiên sơn), Núi Ấn (Ấn sơn), Núi Kiếm (Kiếm sơn), Núi Trống (Cổ sơn), Núi Chiếng (Chung sơn), trước mặt là ba dãy gò cao đá mọc giăng hàng rông như quân chầu, hổ phục, phía dưới là hai phụ lưu sông CÔN từ phía Tây và phía Bắc chạy ra họp nhau ở địa đầu thôn Phú Phong như hai cánh tay người mẹ ôm chặt lấy Hoành sơn. Địa thế thật cũng đáng gọi là long bàn hổ cứ.

Tam kiệt Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ sinh trưởng trong một gia đình nông thôn tại làng Phú Lạc (Bình khê) hướng vọng về dãy Hoành Sơn này. Nhưng rồi thời thế tạo anh hùng, địa linh sinh nhân kiệt hay long mạch do mồ mả tổ tiên mà ba anh em Tây Sơn trở thành những trang anh hùng cái thế, lật đổ Nguyễn, diệt tan Trịnh, đánh bại Mãn Thanh, thống nhất nước Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 18?
Điều đó xin nhường lại cho lịch sử phân định. Nhưng theo các vị thức giả ở Bình khê kể lại thì nhà Tây Sơn phát Đế nghiệp là nhờ cuộc đất chôn thân sinh của ba Ngài trên dãy Hoành sơn.


Huyền thoại về Long Huyệt
Các cụ kể rằng:
Trước ngày ba anh em Tây Sơn khởi nghĩa, trong khoảng thời Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) trị vì, có một Ông Thầy địa lý Tàu thường ngày xách địa bàn đi đi lại lại trong vùng Tây Sơn để tìm phúc địa. Nguyễn Nhạc thấy vậy theo rình.
Một hôm thầy địa lý dường như đã tìm ra long mạch nhưng còn phân vân không biết huyệt khí nằm ở đâu, Thầy mới đem hai cành trúc xanh tốt và đều nhau đến cắm ở triền phía đông dãy Hoành sơn hướng Phú Lạc (nơi sinh trưởng của ba anh em Tây Sơn) phía Bắc một cây và phía Nam một rồi bỏ đi.
Nguyễn Nhạc ngày ngày để ý theo dõi hai cành trúc ấy. Hai tháng sau, cành trúc phía Bắc vẫn sống xanh tốt như khi mới trồng còn cành phía Nam thì héo khô. Nguyễn Nhạc cả mừng vì biết rằng long mạch đã ứng hiện nơi cành phía Bắc, bèn nhổ cây khô phía Nam đem cắm ở phía Bắc và nhổ cây tươi ở phía Bắc đem cắm vào phía Nam.
Đúng 100 ngày kể từ ngày trồng trúc, thầy địa lý Tàu trở lại thấy hai cành trúc đều chết cả, Thầy nhún vai, trề môi lắc đầu chê là “giả cuộc” rồi bỏ đi thẳng. Nguyễn Nhạc mừng rỡ về bàn với hai anh em rồi hốt hài cốt của Cha đem chôn nơi cành phía Bắc.
Lại có cụ kể rằng:
Có một thầy địa lý Tàu lúc đến tìm địa cuộc ở vùng đất Tây Sơn thường tá túc nơi nhà Nguyễn Nhạc và nhờ Nguyễn Nhạc dẫn đường cho thầy đi tìm long mạch khắp vùng Tây Sơn. Sau nhiều lần xem xét, ngắm nghía, đo đặt địa bàn, Thầy chú ý đến dãy Hoành sơn và tỏ vẻ đắc ý cuộc đất này lắm. Đoạn Thầy bỏ đi.
Một thời gian sau Thầy trở lại cũng ghé nơi nhà Nguyễn Nhạc mà tá túc. Nhưng đặc biệt, lần này, ngoài chiếc địa bàn Thầy lại còn mang theo một chiếc trắp nhỏ ngoài bọc tấm khăn điều. Nguyễn Nhạc đoán biết là Thầy Tàu đã tìm ra được long huyệt và… chiếc tráp kia là hài cốt của Cha ông mang sang chôn. Nguyễn Nhạc bèn đóng một cái trắp giống hệt như cái trắp của thầy Tàu và hốt hài cốt của thân sinh mình đựng vào rồi tìm cách đánh đổi. Nhưng thật khó mà đánh đổi được vì cái trắp ấy Thầy Tàu luôn luôn mang theo bên người không lúc nào rời. Nguyễn Nhạc hội hai em lại và nghĩ ra một kế.


Đến ngày lành đã chọn, Thầy Tàu lẻn mang trắp cùng địa bàn đi lên dãy Hoành sơn. Vừa đến chân núi thì một con cọp to bằng người trong bụi rậm gầm lên một tiếng dữ tợn rồi nhày xổ ra vồ. Thầy Tàu thất kinh hồn vía văng trắp và địa bàn mà thoát thân.
Hồi lâu hoàn hồn, không thấy cọp rượt theo Thầy mon men quay lại chỗ cũ, Thầy mừng quýnh vì chiếc trắp và địa bàn vẫn còn nằm lăng lóc ở đó, Thầy vội vã trèo lên nơi long huyệt đã tìm trước mà đào bới chôn cất. Xong, Thầy hớn hở trở về với hy vọng chờ ngày “long huyệt vương phát”. Không ngờ chiếc trắp Thầy chôn là hài cốt của Hồ Phi Phúc còn con cọp kia chỉ là người giả mà thôi.
Hai thuyết kể trên tuy có khác về tiểu thuyết nhưng vẫn giống nhau là hài cốt của Hồ Phi Phúc được chôn nơi long mạch trong dãy Hoành sơn.
Các cụ còn kể tiếp rằng:
Sau khi chôn mộ cha trên Hoành sơn thì ba anh em Nguyễn Nhạc vùng phát tướng. Mặt mày sáng rỡ, học hành thông thái. Thầy giáo Hiến dạy ba anh em Nhạc vốn là người có biệt nhãn lại thông thạo về khoa tướng số, xem biết anh em Nguyễn Nhạc đã vượng thời nên mới đem câu sấm “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” ra mà khuyên Nguyễn Nhạc. Từ đó ba anh em Nguyễn Nhạc mới rắp tâm mưu đồ đại sự, chiêu tập hào kiệt, lấy dãy Hoành sơn làm căn cứ.
Mãi cho đến khi Nguyễn Huệ đại thắng 20 vạn quân Thanh tại gò Đống Đa, đuổi Tôn Sĩ Nghị chạy về Tàu mình không kịp mặc giáp, ngựa chưa thắng yên cương, mà còn nuôi mộng lớn lấy lại đất Lưỡng Quảng, cầu hôn công chúa Vua Càn Long, tiếng tăm vang dội cả Trung Quốc.
Ông Thầy địa lý năm xưa nhớ lại chuyện cũ, bèn bôn ba sang lại Hoành sơn xem thử thì quả nhiên cuộc đất tìm ra năm trước đang phát. Hỏi thăm thì đó là mộ của Hồ Phi Phúc thân sinh ba vua Tây Sơn.
Thầy địa cả giận vì sự cướp đoạt long huyệt của mình đã tìm ra và để tránh hậu họa chiến tranh, Thầy địa bèn lập mưu phá long mạch bằng cách bảo Nguyễn Nhạc hãy lấp mấy ngọn phụ lưu Sông Côn ở phía Nam và đào thêm mấy nhánh khác ở phía Bắc để dẫn thủy vào ruộng cho nhân dân cày cấy làm, ăn, Nguyễn Nhạc tưởng thật nghe lời.


Những nhánh sông vừa đào xong một cái ở Phú Xuân thì Nguyễn Huệ băng hà ngày 29/7/1792 (có tài liệu lại ghi 6/9/1792). Ở trong Nam thì Nguyễn Ánh chiếm hết đất miền Nam rồi kéo quân ra đánh Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc chống không nổi phải cầu cứu cháu là Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Toản thừa thế cướp thành Quy Nhơn rồi lại sáp nhập lãnh thổ của Nguyễn Nhạc vào lãnh thổ của mình. Nguyễn Nhạc tức giận thổ huyết mà chết ngày 13/12/1793.
Nguyễn Huệ mất lúc 40 tuổi, làm vua được 5 năm. Con, Nguyễn Quang Toản 10 tuổi lên ngôi Thái sư Bùi Khắc Tuyên chuyên quyền làm bậy, triều thần chia rẽ, tướng tá giết hại lẫn nhau. Nguyễn Nhạc làm vua được 16 năm, sau khi chết con là Nguyễn Bảo cũng bị Nguyễn Quang Toản giết. Từ đó, nhà Tây Sơn suy dần và đến năm 1802 thì bị Nguyễn Ánh dứt hẳn.
Theo TTNC Lý học Phương Đông

BÙI GIÁNG BÌNH THƠ - THƠ HỒ DZẾNH


Hồ Dzếnh
Bài “Rằm Tháng Giêng” của Hồ Dzếnh quả thật là một bài thơ hay:
Chị tôi vào lễ trong chùa
Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên
Lòng thành lễ vật dâng lên
Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng
Chị tôi phụng phịu má hồng
Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi
Tam quan ngoài mát chị ngồi
Chị nghe đoán quẻ chị cười luôn luôn
Quỉ thần thóc mách mà khôn
Số này chồng đắt đẻ con cũng nhiều
(“Rằm tháng Giêng”)
Người Việt Nam có thể không đọc Nguyễn Du, nhưng không thể nào không đọc bài thơ kia của Hồ Dzếnh.
Bài “Lời Về” của ông riêng bốn câu cuối cũng đủ là một tuyệt tác cổ kim:
Vó ngựa từ ngày vỗ xuống Nam
Truông mòn đưa lối Hải Vân San
Áo nâu phai nhạt màu cây cỏ
Lá rụng hoa rơi đất nước Chàm.
Một bài tứ tuyệt như thế đúng là một tặng vật của Đường Thi. Nhưng Đường Thi ghé xuống Việt Nam, Đường Thi đã nhảy một bước vô biên. Không còn Lý Bạch, Thôi Hiệu, Tô Đông Pha nào chạy kịp được nữa.
Vì trong đó có ba sử lịch đang gùn ghè nhau. Sử lịch Trung Hoa, sử lịch Việt Nam, sử lịch Chiêm Thành:
Lá rụng hoa rơi đất nước Chàm


.Một câu thơ đơn giản như thế mang toàn khối Như Lai trong mấy trăm bộ kinh Phật. Và thừa dư công lực hư vô để thiết lập căn cơ cho Siêu Hình Học Tây Phương. Ông Heidegger khỏi phải bận tâm hỳ hục lôi cả Hoelderlin, Sophocle, Parménide, vào trong cuộc thiết lập cơ sở mới làm gì.
Cái cuộc Lữ dị thường của Khổng Tử bỗng nhiên tiếp giáp với Thái Hư Tịch Mịch trong bốn câu thơ kia của Hồ Dzếnh. Đó là điều mà trong tập Điêu Tàn của Chế Lan Viên, ta mỏi mắt tìm không thấy.
Phải quên mấy bài lục bát của ông Hồ Dzếnh thì mới còn can đảm làm thơ. Hoặc còn chịu khó đọc thơ Tây thơ Tàu.
Nhưng mỗi phen đang giữa cơn chịu khó liên trì mà chợt sực nhớ cái bài “Phút Linh Cầu” của Hồ Dzếnh, thì ối thôi! ối thôi! Chẳng còn thể nào tiếp tục công việc gì nữa cả. Linh hồn bỗng nhiên xô ùa máu me chạy tuột đi hướng khác, vô phương nắm cầm lại…
Khói trầm bén giấc mơ tiên
Bâng khuâng trăng rải qua miền quạnh hiu
Tô Châu lớp lớp phù kiều
Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam.
Không còn một loại thơ kim cổ nào đứng nổi trước cái trận chiêm bao kỳ ảo kia. Tôi thách các bạn tìm trong thi ca cổ kim bất cứ một bài thơ nào đứng vững nổi trước mấy vần lục bát của ông bạn Minh Hương kia.
Hễ thong dong tự tại thả mình theo thơ đó, thì cảm thấy như mình biến làm thiên thần. Mà hễ hì hục cố bàn giải vào, thì bỗng nhiên tức thở, ngột hơi, cảm thấy mình là một con đười ươi lếu láo trơ trẽn, không biết xấu hổ là gì.
Lỡ viết ra đôi lời giải thích thì về sau sẽ ân hận, sẽ mòn mỏi máu me kịch liệt.


Cũng may cho ông Nguyễn Du sinh ra ở thế kỷ trước. Nếu sinh ra đồng thời với Hồ Dzếnh, ắt ông Nguyễn Du không còn chịu viết Đoạn Trường Tân Thanh làm gì.

Mọi thy sỹ ngày nay đều là kẻ bất hạnh. Bị đọa đày làm thy sỹ, trong khi cõi thơ không còn lối để bước. Mấy chục bài lục bát của Hồ Dzếnh là đại dương thi ca. Ta còn đem vài giọt nước rót vào đại dương làm gì?
Có lẽ Hồ Dzếnh cũng rõ điều ấy, và vì lòng từ bi, ông bèn làm thêm nhiều bài thất ngôn xoàng xoàng in xen lẫn vào. Cốt để che bớt cõi bao la của đại dương. Nếu không làm thế, thì mặc nhiên lên án tử hình hết mọi thy sỹ năm châu.
Ấy có nghĩa rằng: tập thơ Quê Ngoại của ông cho người đọc nhìn ra ẩn ngữ thơ mộng của mặt đất chỗ này: một tâm hồn nhỏ dại, quanh quẩn với những nhớ nhung nhõng nhẽo tâm tình bê tha, mỗi phút xuất thần kỳ ảo bỗng nhiên nhảy vọt một bước lên tột đỉnh thiên tài, không có gì giải thích được.
(HỒ Xuân DzẾnh)
Tôi thêm chữ Xuân vào tên ông, ấy chẳng phải là hoàn toàn làm điều phi lý. Chính ông đã có tập thơ Hoa Xuân Đất Việt. Tôi không thể tự ban thêm cho mình một tiếng xuân vào trong tên tuổi. Nhưng riêng biệt với Hồ Dzếnh, chúng ta được quyền gọi ông là Hồ Xuân Dzếnh. Chính ông cũng đã ngang nhiên tuyên bố:
Ý thiêng người thiếu ta thừa
Nghìn kho ân lộc trăm mùa mạnh xuân.


Một loại xuân kỳ lạ cứ về kêu gào làm nứt rạn những vần lục bát của ông. Nứt rạn không phải là vỡ toang. Nứt rạn là cái vùng ẩn mật để cho mọi thứ mùa xuân có chỗ len lấn đi về trong một mùa xuân. Chất thơ xuân của ông từ đó mang tính chất hàm hỗn bát ngát. Xuân vui mà nghe như buồn. Xuân buồn mà nghe như vui.
Ý thiêng choán hết linh hồn
Còn đâu gió nhớ cung buồn mà ca.
Ông vừa dứt câu, quyết liệt như thế, thì mọi người bỗng nhiên tê lạnh cả máu me, vì biết rằng cái cung buồn kỳ ảo đang lù lù thị hiện trong câu thơ đòi xóa sạch cung vui. Và quả thật người ta không lầm. Trong Hoa Xuân Đất Việt bốn câu này vẫn nằm sừng sững đó:
Ngoài kia niên thiếu ca xuân mới
Trong lũy tre xanh đời vẫn buồn
Ai biết để lòng yêu một buổi
Bay về thăm viếng mái cô thôn.
Bài “Mái Lều Tranh” ghi lại hình ảnh đối kháng nhau; đi sát bên nhau, vẫn không làm sao hòa vào nhau cho được. Hai hình ảnh thăm thẳm riêng biệt trong lịch sử người ta:
Mẹ tôi sống lặng trong làng nhỏ
Đâu biết thời gian đổi mới rồi
Lòng vẫn đau buồn thiên vạn cổ
Nào hay non nước hãy reo vui
Cái tiếng “hãy” đơn sơ kia lại đang làm nứt rạn câu thơ một lần nữa. Cũng như tiếng “đâu biết, đổi mới rồi”. Còn tê buốt hơn tiếng “Đau buồn thiên vạn cổ”.
Vú mẹ đã khô nguồn sữa cũ
Tình con còn lại bấy nhiêu thôi.
(“Trang sách xưa”)
Trở lại với Quê Ngoại, chép bài “Phong Châu”:
Giếng vàng ánh ngọc nghìn xưa
Giở trang sách cũ hương thừa còn bay
Mà sao người đó ta đây
Tình duyên phảng phất như ngày đã xa.
Người về ta mới nhớ ra
Yêu là thế ấy mơ là thế thôi.
Bài “Giang Tây”, và bài “Phút Linh Cầu” khiến tôi bải hoải tay chân. Không còn can đảm đọc thơ Nguyễn Du, Huy Cận, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính gì được nữa.
Hồ Dzếnh cũng không thể nào làm thơ tiếp được nữa.


Gauguin bỏ chạy trốn Âu Châu, tìm tới một hải đảo vô biên vô tế, suốt bình sinh ngồi vẽ lại màu mắt gái trùng khơi trong những buổi hoàng hôn đại hải, ấy cũng là một lối đi tìm cái dư vang nào trong thơ Hồ Dzếnh.
Biển chiều vang tiếng nhân ngư
Non xanh thao thiết trời thu rượu sầu
Nhớ thương bạc nửa mái đầu
Lòng nương quán khách nghe màu tà huân.
Bùi Giáng - Đi vào cỏi thơ

LẦU XANH VÀ THẦN MÀY TRẮNG


"Lầu xanh" tên chữ "Thanh lâu". 

Tào Thực đời Tam Quốc (220-264) có viết: 


青樓臨大路,
高門結重關.

Thanh lâu lâm đại lộ,
Cao môn kết trùng quan.


Nghĩa là:

Lầu xanh bên đường lớn,
Cửa cao mấy lần then.

Ngày xưa, lầu xanh là nơi các nhà quyền quý, những thiếu nữ khuê các ở. "Đại lộ khi thanh lâu" nghĩa là đường lớn dựng lầu xanh.

Nhà Tề, vua Võ Đế bắt dân phu và bộ Công cất những lầu cao thật đẹp. Cửa sổ đều sơn xanh. Nơi này để cho nhà vua ở cùng với các mỹ nữ cung tần. Rồi lầu đài của các hàng công khanh cũng sơn cửa bằng màu xanh, nên dân chúng thường gọi chỗ ở của vua chúa, quan lại ở là "lầu xanh".

Về sau, những nhà quyền quý có con gái đẹp, ước mong con nhà mình được vào chầu nơi cung khuyết nên thường sơn nhà màu xanh cho con gái ở. Những nhà nào có cửa sổ hoặc lầu đài sơn xanh là nhà có gái đẹp được nhiều bực vương tôn, công tử chú ý.

Lúc ấy, bọn buôn son bán phấn đem gái đẹp mở nhà rước khách thưởng hoa, muốn quyến rũ khách yêu hoa hay các bực vương tôn, công tử nên cũng sơn nhà xanh đón khách.


Ý nghĩa "lầu xanh" biến đổi, lần lần trở thành hoàn toàn một nơi rước khách yêu hoa, tìm hoa giải muộn.

Vì thế, đến đời nhà Lương, Lưu Diễn có hai câu thơ nói về chữ Thanh lâu để chỉ chỗ ở của bọn gái điếm: 

娼女不勝愁,
結束下青樓.

Xướng nữ bất thăng sầu, 
Kết thúc hạ thanh lâu. 

Nghĩa là: 

Gái hát chẳng xiết buồn, 
Thu vén xuống lầu xanh. 

Thanh lâu (lầu xanh) về sau dùng để chỉ nhà điếm nuôi bọn gái mãi dâm.


Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du có nhiều tiếng "lầu xanh":

Lầu xanh có mụ Tú Bà, 
Làng chơi nổi tiếng về già hết duyên

Và khi nói về cuộc đời của Kiều: 

Hết nạn nọ đến nạn kia, 
Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.
Lại đoạn tả về tính tình, tư cách hành động của Sở Khanh:

Bạc tình nổi tiếng lầu xanh, 
Một tay chôn biết mấy cành phù dung. 

Đỗ Mục, một thi hào đời nhà Đường có bài Khiển Hoài (
遣懷)

落魄江湖載酒行,
楚腰纖細中輕. 
十年一覺楊州夢,
贏得青樓薄倖名.

Lạc phách giang Hồ tải tửu hành, 
Sở yên tiêm tế trường trung khinh. 
Thập niên nhứt giác Dương Châu mộng, 
Doanh đắc thanh lâu bạc hạnh danh.


Nghĩa (bản dịch của Bùi Khánh Đản):


Quẩy rượu lang thang khắp đó đây, 
Lưng thon gái Sở nhẹ trên tay. 
Mười năm tỉnh giấc Dương Châu mộng, 
Để lại lầu xanh tiếng mặt dầy. 

Ở các lầu xanh ngày xưa, các mụ Tú Bà thường dựng một bàn hương án giữa nhà, có treo một tượng đồ. Tượng này vẽ hình người có đôi lông mày trắng gọi là thần Bạch Mi (thần Mày Trắng).

Sách "Dã Hoạch biên" có chép: các thanh lâu thường thờ thần Bạch Mi. Thần này mặt to, râu dài, cưỡi ngựa cầm dao, xem na ná như hình Quan Công, nhưng lông mày trắng và mắt đỏ.


Không ai hiểu được tranh vẽ ai và lai lịch thần Mày Trắng ra sao. Nhưng các thanh lâu đều quen thờ như vậy, coi là một vị tổ sư để cầu phù hộ cho nghề được phát đạt, cửa hàng được đông khách, cũng như tất cả các nghề khác.

Đời nhà Minh (1368-1628), các cô bán dâm ở lầu xanh có cách đuổi vía lạ lùng. Khi nào một cô xui xẻo, ế hàng thì đến trước thần Mày Trắng, trút bỏ áo quần, đốt hương van vái cầu xin. Đoạn lấy hoa mới đổi lấy hoa đã cúng trên bàn thờ đem lót dưới chiếu mình nằm. Như vậy cô sẽ đắt khách hàng. Theo quan niệm của họ như thế, không biết có thực đắt khách không.



Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn tả cảnh thanh lâu của Tú Bà, có những câu:

Giữa thì hương án hẳn hoi, 
Trên treo một tượng trắng đôi lông mày. 
Lầu xanh quen thói xưa nay, 
Nghề này thì lấy ông này tiên sư. 
Hương hoa hôm sớm phụng thờ. 
Cô nào xấu vía, có thưa mối hàng. 
Cởi xiêm trút áo sỗ sàng; 
Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm. 
Đổi hoa lót xuống chiếu nằm, 
Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi.

Nguyễn Tử Quang

GIAI THOẠI VỀ HOA HẬU ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM

Có ai biết qua câu chuyện này chưa ?


GIAI THOẠI VỀ HOA HẬU ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM:
Trước năm 1975, Sài Gòn nói riêng và Nam Kỳ Lục Tỉnh nói chung, có rất nhiều người đẹp mà nhan sắc đã đi vào giai thoại.
Điều kỳ lạ chính là, một trong những nhan sắc đã được tấn phong danh hiệu "Hoa hậu Việt Nam" lại khá kín tiếng và không mấy nổi bật so với người đẹp Đặng Tuyết Mai (vợ của tướng Nguyễn Cao Kỳ) hay nữ diễn viên Thẩm Thúy Hằng.
Trao đổi với nhiều đồng nghiệp lớn tuổi, người viết phần nào có được tư liệu khá chính xác về cuộc đời của hoa hậu đầu tiên tại Việt Nam này. Bà tên là Công Thị Nghĩa, nhưng cái tên quen thuộc hơn với đám đông lại là Thu Trang.
Văn sĩ trở thành hoa hậu
Bà Công Thị Nghĩa sinh năm 1932, quê gốc tại Hà Nội. Học xong bậc tiểu học, bà theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống để thuận lợi cho công việc của thân phụ bà.
Ngay từ thời con gái, bà đã đam mê viết văn, viết báo. Đặc biệt là nghiên cứu về sử học (sau này, bà là tiến sĩ sử học, hiện định cư tại Pháp). Năm 20 tuổi, bà tham gia vào tổ chức Việt Minh, với nhiệm vụ là hoạt động điệp báo trong nội thành Sài Gòn. Tháng 7/1952, mật thám của Pháp phát hiện ra vai trò của bà trong tổ chức, bà bị bắt giam tại bót Catinat (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch TP HCM - đường Đồng Khởi, quận 1).
Thụ án ở bót này một thời gian, bà bị chuyển qua Khám Lớn - Sài Gòn (nay là Thư viện Tổng hợp TP Saigon - đường Lý Tự Trọng, quận 1). Khoảng cách giữa bót Catinat và Khám Lớn là không xa. Những ngày thụ án của bà chỉ được khép lại khi luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã thắng lý quan tòa trong phiên xử về tội danh mà bà mắc phải.
Ra tù, với vốn chữ nghĩa sẵn có, bà tham gia một khóa học ngắn và bắt đầu theo nghề ký giả. Bà chuyên viết mảng, mà hiện tại tạm gọi là văn hóa - nghệ thuật. Bà ký bút danh Thu Trang, đây là bút danh chính cho tất cả các trang viết, nghiên cứu lịch sử của bà.

Hoa hậu Thu Trang
Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm phát đi thông tin sẽ tổ chức một cuộc thi hoa hậu, thành phần ban giám khảo của cuộc thi này bao gồm nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà báo. Trong một lần đến phỏng vấn thành phần ban giám khảo để đưa tin, vài thành viên ban giám khảo đã khuyên bà "Cô đẹp như vậy, nên đăng ký tham gia cuộc thi này". Nghe rủ rê, bà đăng ký tham gia với mục đích ban đầu là… để vui.
Ngày 20/5/1955, nhân lễ Kỷ niệm Hai Bà Trưng, tại rạp hát Lido ở khu Chợ Lớn, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam chính thức được diễn ra. Gần như tất cả mỹ nhân đang sinh sống tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam đều xuất hiện tại cuộc thi này.
Do quan niệm ở thời điểm đó, nên không có phần thi áo tắm trong suốt cuộc thi hoa hậu. Xuất sắc vượt qua hàng loạt nhan sắc khác, Thu Trang chính thức đăng quang vương miện Hoa hậu. Á hậu 1 thuộc về cô Nguyễn Thị Ninh, người Hà Nội di cư vào Nam và Á hậu 2 là cô Ngô Yên Thu, người Cần Thơ.
Bà Thu Trang đoạt ngôi Hoa hậu, với những thông số mà xét ở thời điểm này thì rất khó để đạt chuẩn, nhất là về chiều cao. Bà chỉ cao 1,61m, số đo 3 vòng là 86-62-88.
Phần thưởng cho danh hiệu Hoa hậu mà bà sở hữu là một chiếc môtô hiệu Lambretta, kiềng vàng, nước hoa và nhiều loại mỹ phẩm danh tiếng khác. Khi tôi gọi điện thoại tham vấn phần tư liệu về bà, nhà báo Hà Đình Nguyên (Báo Thanh Niên) cho biết: "Lambretta thời điểm đó có giá lắm, mà anh không nhớ giá chính xác của nó là bao nhiêu. Chỉ biết đó là dòng xe hai bánh cao cấp bậc nhất. Vì chiếc xe này, mà bà Thu Trang được nhiều người gọi đùa là "Hoa hậu Lambretta".

 Thu Trang trong một vở diễn
Sau khi trở thành Hoa hậu, cuộc đời bà bước sang một trang mới. Cũng như trào lưu bây giờ, bà trở thành nữ diễn viên trong nhiều bộ phim của Sài Gòn thời điểm đó.
Năm 1956, bà đảm nhiệm các vai diễn trong nhiều bộ phim, như "Chúng tôi muốn sống" (đạo diễn Vĩnh Noãn), “Lục Vân Tiên” (đạo diễn Tống Ngọc Hạp)…
Mối tình không lối thoát với đạo diễn Tống Ngọc Hạp
Đầu năm 1957, bà cùng đạo diễn Tống Ngọc Hạp mang theo bộ phim Lục Vân Tiên sang Nhật để làm hậu kỳ. Đồng thời, cũng là để tham gia Đại hội Điện ảnh châu Á đang được tổ chức tại đây.
Gần một tháng ở Nhật cùng với đạo diễn Tống Ngọc Hạp, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, giữa bà và đạo diễn nảy sinh tình cảm. Chuyện gì đến cũng đến, bà có mang.
Trong cuốn hồi ký của mình, bà có thổ lộ khá chi tiết về mối tình không lối thoát này, bà viết: "Tới tuổi 25 tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm. Bị đưa vào những tình huống mà tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Khi người đàn ông đam mê, nên dễ bị say trong nỗi cuồng điên man dại? Hay chính tôi là một đối tượng có những nét gì khó gần, quá giữ gìn càng gây kích thích trong sự phải chiếm đoạt? Phải chinh phục do tự ái của đàn ông tính, pha lẫn với ít nhiều tưởng tượng là tình yêu? (...) Ngang trái thay, tôi đã không biết abc gì trên phương diện tình dục. Tôi có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo (…) Chúng tôi đã sống trong thảm cảnh kế tiếp khi về tới Sài Gòn cuối năm 1957. Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội Việt Nam thời ấy chưa có chút vị tha nào cho những sự kiện như vậy".
Về lại Sài Gòn, bà liên tiếp hứng chịu sự chỉ trích của dư luận. Đơn giản, đạo diễn Tống Ngọc Hạp đã có vợ và con. Mặc cho điều đó, bà vẫn kiên quyết giữ lại đứa con. Sau này, bà vẫn cho con theo họ của bố, bà đặt tên là Tống Ngọc Vân Tiên.

Hoa hậu Thu Trang và GS Trần Văn Khê tại Pháp.
Cái tên như lưu dấu kỷ niệm về tình cảm mà bà dành cho đạo diễn Tống Ngọc Hạp. Chắc chắn, đó là tình yêu chân thành và đầy vị tha. Rất nhiều năm sau, bà vẫn không mở miệng oán trách vị đạo diễn này bất cứ lời nào.
Là một mỹ nhân, lại đang trên đà danh vọng, đột nhiên lâm vào tình cảnh "không chồng mà có con", thế nhưng không vì vậy mà sức quyến rũ của bà đối với người khác giới suy chuyển. Một trong những người đàn ông rất nổi tiếng mê đắm bà đến quên ăn quên ngủ chính là… thi sĩ Bùi Giáng.
Giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn đoán chắc rằng câu thơ đầy lạ lùng và nổi tiếng của Bùi Giáng là "Còn hai con mắt, khóc người một con" chính là viết cho riêng bà. "Khóc người một con", tức là thương cảm cho người phụ nữ có một con. Chứ không liên quan gì đến chuyện… nhãn cầu. Tất nhiên, với chữ nghĩa của một thi sĩ như Bùi Giáng, thì ai suy nghĩ sao… cũng được.
Ngoài việc bà là "tác nhân chính" cho câu thơ trên cùa Bùi Giáng, thì thi sĩ Bùi Giáng còn viết nhiều bài thơ khác cho bà, có bài công bố, có bài không công bố. Trong tập "Mưa nguồn" của thi sĩ Bùi Giáng, in năm 1962, ông có viết tặng bà như sau: "Không biết nữa trời tròn hay méo/ Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay/ Anh ngó lên trời mây gió gửi nhau bay/ Trời bên kia/ Nhan sắc ở bên này".
Họa sĩ Bửu Ý, có công bố bài thơ do họa sĩ chép lại mà thi sĩ Bùi Giáng làm riêng cho bà với tựa đề chính là Thu Trang, với những câu thấm đẫm tình cảm tuyệt vọng lẫn hờn trách, "Trang của tờ giấy cũ/ Của vầng tóc ban đầu/ Trang của hồi vàng tụ/ Về mệt mỏi mai sau/ Anh nhớ em vô cùng/ Đất sầu không xiết kể/ Anh kêu gọi mông lung/ Trang ồ, Trang rất tệ".

Hoa hậu Thu Trang và con trai tại Pháp.
Sang Pháp định cư
Với đạo luật 10/59, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu quá trình xét lại tội danh với tất cả những người từng tham gia cách mạng. Nhiều đồng chí từng hoạt động chung với bà, khuyên bà nên rời khỏi Sài Gòn càng sớm càng tốt để tránh sự trả thù.
Năm 1961, nhận được lời mời tham dự tuần lễ phim ảnh tại Pháp, bà đã rời Sài Gòn và tìm cách định cư lâu dài tại đất nước này.
Sang Pháp, bà không tham gia bất cứ hoạt động nghệ thuật cũng như điện ảnh nào. Mà thay vào đó, bà quay trở lại thú đam mê của mình thời con gái là viết và nghiên cứu lịch sử. Bà đăng ký theo học chính quy.
Năm 1978, bà bảo vệ thành công đề tài "Những hoạt động của Phan Châu Trinh" và trở thành tiến sĩ sử học tại Đại học Paris VII. Ngoài ra, bà còn viết nhiều sách nghiên cứu về quá trình hoạt động của nhiều nhà cách mạng khác. Nghiên cứu của bà được in thành sách và được dịch ra tiếng Việt.
Vì nhiều lý do khác nhau, trong suốt thời gian học tập và sinh sống ở Pháp, bà không tiết lộ thân phận hoa hậu của mình, chỉ một số rất ít người biết bà là hoa hậu đầu tiên của Việt Nam. Sau này, bà có về Việt Nam để tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học trong nước.

Tiến sĩ Thu Trang trong một lần giảng dạy tại Việt Nam.
Bà viết trong hồi ký của mình về Bùi Giáng vào một ngày mưa đến thăm bà, khi thi sĩ biết bà sắp sang Pháp. Bằng cảm quan của một nghệ sĩ lớn, ông biết bà đi là không trở lại.
Bà viết: "Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó, anh nhặt lên và lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: Tôi về!".
Có lẽ, đó là lần gặp mặt cuối cùng giữa bà và thi sĩ Bùi Giáng.
(theo Kiến Thức)

Saturday, July 29, 2017

NGHĨA VỤ ĐỐI VỚI TỔ QUỐC

Cả trại giam xôn xao về cái tin ấy.

-Này, các đằng ấy đã biết tin gì chưa? Ichxan Vadêlin đang ở đây đấy!

-Làm gì có chuyện!

-Tớ nói điêu tớ làm con chó!

-Hắn đã "đoạn" từ lâu rồi kia mà!

-Lại còn mở tiệm cà phê đàng hoàng nữa chứ?

-Cóc tin được! Cậu nói láo!

-Tớ nói láo tớ chết! Người ta mới giải hắn về hồi chiều, bằng tàu chở thư mà! Giải từ Aiđiliê về. Chính tớ nhìn thấy hắn ở dưới sân. Hắn tắm ở nhà tắm xong bị dẫn về biệt khám.

-Thế đấy! Đã tưởng dứt được rồi, thế nào mà bỗng dưng lại bị tóm gáy điệu về ở với cánh ta không biết?

-Nhưng Ichxan Vadêlin là ai vậy?

-Các chú mày còn nhóc con nên không biết hắn. Hồi hắn còn làm ăn, các chú mày hãy còn bú tí mẹ! Tao quen hắn từ hồi ở Mactreckhan kia! Hồi ấy trại giam này chưa có. Mới có trại Mactreckhan thôi! Bọn ta được ngồi ở đó.

-Hồi ấy phải nói hắn nhanh thật!

Ichxan phải nằm ở biệt khám 2 tuần, rồi được chuyển sang khu 2. Đó là khu giam các phạm nhân đặc ân, những kẻ tái phạm cũ biết rõ hắn.

-Chào người anh em!

1 người vừa đun xong trà trên 1 cái hoả lò. Ichxan Vadêlin sỗ sàng quăng tờ giấy 100 xuống khay. Người ta lại bắt đầu đun 1 ấm trà ngon nữa.

Người ngồi trước mặt Ichxan Vadêlin là Nuri - bị kết án 60 năm tù về tội tham ô. Nuri mặc 1 chiếc áo choàng màu mận chín trông hết sức sang trọng. Ichxan Vadêlin - chạc 50 tuổi - chỉ chuyện trò với mỗi mình, dường như không nhìn thấy ai xung quanh nữa.

-Thế đầu đuôi làm sao hả Ichxan?

-Tôi kể ra chỉ sợ anh không tin, cho tôi là nói phét. Vì chính tôi cũng thấy chuyện này thật khó tin. Ai chứ tôi thì, chắc anh biết đấy, đã như chim bị đạn rồi! Lạy chúa! Năm nay tôi đã 50 tuổi đầu, tóc đã bạc, vậy mà chưa bao giờ tôi bị 1 vố cay như thế này. Mà lần này tôi bị lại là do tôi tận tâm phục vụ cho tổ quốc, do tôi làm nghĩa vụ công dân của mình mới tức chứ!




Chắc anh biết đấy, lâu nay tôi vẫn có 1 tiệm cà phê riêng. 1 hôm, có 2 tay của Sở Cẩm đến nhà tôi bảo:

-Mời ông đi theo chúng tôi về Sở!

Các tay mật thám cũ tay nào tôi cũng nhẵn mặt cả. Nhưng 2 tay này là lính mới, nên tôi không biết. "Được! Đi thì đi!" tôi nghĩ bụng thế, "mình chẳng làm gì nên tội thì sợ đếch gì!"; đến Sở, tôi thấy Haiđa đã ngồi chờ ở đó... Haiđa làm ở Sở Cẩm từ hồi tôi còn làm ăn. Bây giờ ông ta đã lên chức Chánh Cẩm. Haiđa có 1 mắt hơi lé, trông lúc nào cũng có vẻ lờ đờ, nên được mọi người tặng cho biệt hiệu là Lé. Haiđa Lé dữ hơn cọp.

-Bẩm quan cho gọi em có việc gì đây ạ? - tôi hỏi Haiđa Lé.

-Ngồi xuống đây đã Ichxan! - Haiđa Lé đáp và chỉ vào chiếc ghế. Tôi đoán ngay là ông ta cần đối tôi. Vì tính ai chứ tính Haiđa Lé tôi biết rõ lắm. Tôi mà có tội tình gì thì ông ta đã nhảy xổ vào tôi mà bóp cổ cho thấy ông bà vải rồi, chứ chả mời mọc tử tế như thế.

-Thưa Haiđa - tôi nói - em đã đoạn tuyệt hẳn nghề cũ rồi! Sau cái lần cuối vớ được 1 mẻ bẫm, em đã thanh toán sòng phẳng các món, và còn dư 1 ít thì mở tiệm cà phê để làm ăn sinh sống. Bây giờ quan muốn gọi em có việc gì vậy ạ?

Haiđa nghe tôi nói rồi bảo:

-Đúng. Các khoản cũ coi như đã thanh toán xong. Hôm nay ta cho gọi anh đến đây là muốn anh thực hiện nghĩa vụ công dân của anh đối với tổ quốc.

Tôi nghĩ bụng: không biết nghĩa vụ đối với tổ quốc là nghĩa vụ gì? Chắc chỉ có chuyện đi lính thôi! A! Ra người ta muốn bắt tôi đi lính!

-Bẩm quan! - tôi nói - em xin thưa với quen là em đã hoàn thành nghĩa vụ công dân rồi ạ! Em đã phục vụ trong hải quân đúng 6 năm chẵn, không kém 1 ngày. ấy là chưa kể em còn nằm mấy tháng trong hầm nhà thờ Đivankhan ở Caxưmpasa. Bây giờ em đã ngoài 50 rồi, quan còn muốn gì ở em nữa ạ?

Haiđa Lé sai mang cho tôi tách cà phê và rút thuốc lá mời. Tôi lại nghĩ ngay: chắc ông ta muốn mình làm chỉ điểm đây!

-Thưa ông anh, nếu ông anh có ý định gì khác thì xin ông anh cứ nói thẳng. Nếu giúp được, em sẵn sàng ngày... Còn cái tiệm cà phê của em thì ông anh cứ coi là của ông anh!

-Anh nghĩ nhầm rồi, Ichxan ạ! - Haiđa Lé đáp - Không ai định bắt anh đi lính! Nhưng tổ quốc muốn giao cho anh 1 nhiệm vụ khác. Anh phải cứu lấy danh dự cho quốc gia, cho chính phủ! Chính phủ rất cần đến sự giúp đỡ của anh.

-ấy chết! Sao ông lại giễu em thế! Có đâu 1 quốc gia hùng mạnh như nước ta mà lại cần đến sự giúp đỡ của 1 tên trộm già như em!

-Chuyện gì mà không thể có! - Haiđa Lé đáp - Việc quốc gia nó phức tạp lắm, nên đòi hỏi phải có sự giúp đỡ của mỗi người công dân. Và bây giờ đến lượt nó đòi hỏi sự giúp đỡ của anh.

-Thôi được! Nếu ông anh đã nói là nghĩa vụ quốc gia thì em đâu dám từ chối. Ông anh có bảo chết em cũng xin chết ngay...

Đến đây Haiđa Lé mới nói thật cho tôi biết rõ sự thể.




Hoá ra là có 1 đoàn khách quốc tế sang thăm nước ta. Đoàn rất đông người. Có đủ cả người Mỹ, người Đức, người Đan Mạch, người Pháp. Có cả thương gia, bác sĩ, kỹ sư, giáo sư... Họ muốn đến tìm hiểu tình hình để viện trợ kinh tế cho ta. Nhưng đến chỗ nào họ cũng thấy tình trạng hết sức bí bét. Nghe nói tình hình lâm nghiệp họ phát ớn, tìm hiểu tình hình y tế họ thấy ngán ngẩm. Đến xem các nhà máy họ lại càng kinh. Tóm lại là đi đến đâu ta cũng ngượng chính mặt với họ đến đấy. Vì thế chính phủ ta mới quyết định bằng bất cứ giá nào phải làm cho họ kinh ngạc 1 phen.

-Bởi vậy, Ichxan ạ! Bây giờ là trách nhiệm của anh đối với tổ quốc. Anh phải cố mà làm tròn nó!

Tôi đoán chắc chính phủ ta không có cách gì làm cho các quan khách quốc tế hài lòng, nên quyết định chứng tỏ cho họ thấy trình độ chống nạn trộm cắp của ta cao đến mức nào. Tôi bảo:

-Thưa Haiđa, em hiểu, xin Haiđa tin rằng chắc chắn em sẽ cho họ biết trình độ ăn cắp của ta rất cao, chứ không như các nghề khác!

-Anh đoán gần đúng - Haiđa xác nhận - Chúng ta phải cho họ biết cảnh sát của chúng ta mạnh như thế nào, và biết cách làm việc ra sao.

-Thế thì em thấy hơi khó... - tôi thở dài.

-Tất nhiên là khó rồi! Có thế mới gọi anh đến...

Anh là 1 tên móc túi chuyên nghiệp, đã từng nhiều lần vào tù ra tội. Anh rất sành sõi cái việc này. Vậy anh hãy thi hành nghĩa vụ công dân của mình.

-Xin ông anh cho em biết rõ hơn là em phải làm gì ạ? - tôi yêu cầu ông ta.




Haiđa Lé giảng giải cho tôi biết nhiệm vụ. Người ta sẽ chỉ cho tôi cái khách sạn có đoàn quốc tế ở. Nhiệm vụ của tôi là phải vét nhẵn túi các vị trong đoàn, không để sót 1 thứ gì. Tất nhiên các quan khách sẽ thi nhau kêu trời và chạy đến báo cảnh sát. ở sở cảnh sát người ta sẽ bảo họ: "Xin các vị yên trí! Cảnh sát của chúng tôi làm việc rất cừ! Chỉ 5 nữa chúng tôi sẽ tóm hết những tên ăn trộm!" Còn tôi thì ngay sau đó đem tất cả những thứ lấy được về nạp cho Sở. Thế là những người bị mất cắp sẽ nhận được nguyên vẹn tài sản của họ.

"Đây! Xin mời các vị nhận lại đồ vật của mình!" Cảnh sát của ta sẽ giơ tay chào và bảo họ như vậy. Các vị khách ngốc nghếch kia tất nhiên sẽ phải nghĩ: "Chà! Thế mới gọi là làm việc chứ!"

-Em không làm được đâu, Haiđa ạ! - tôi từ chối - Bây giờ em thấy không đang tâm...

-Sao vậy? - Haiđa Lé hỏi.

-Thứ nhất là vì em bỏ nghề đã lâu, bây giờ chân tay ngượng nghịu sợ không làm nổi...

-Không lo! Anh vẫn làm được thôi!

-Thứ hai, bấy lâu nay em đã giữ được mình không nhúng tay vào chuyện ấy...

-Giữ mãi rồi cũng có ngày không giữ được đâu! Cũng như đôi giày mới ấy rồi cũng có lúc nó phải nhúng bùn.

-Tụi trẻ bây giờ có nhiều đứa bợm lắm! Ông anh giao cho chúng nó việc này có lẽ tốt hơn.

-Nhưng lũ ôn con ấy chúng lưu manh lắm! Xoáy thì chúng xoáy được đấy. Nhưng xoáy xong chúng nó biến thì có mà thánh tìm!... Lúc ấy thật là bẽ mặt với các vị khách quốc tế. Vì thế chúng ta mới cần 1 tên trộm thật thà như anh. 

-Đội ơn ông anh đã có lòng tin em. Nhưng quả thật em không làm được đâu ạ!

-Tuỳ đấy, Ichxan ạ! Có điều nếu anh không chịu làm, ta buộc phải đóng cửa tiệm cà phê của anh lại. Ta còn lạ quái gì cái tiệm của anh! Nó vừa là sòng bạc, vừa là ổ thuốc phiện lậu...




Thế là tôi đành phải nhận lời.

-Thôi được em xin làm - tôi nói - nhưng làm nghĩa vụ cho tổ quốc thì em cũng được cái gì chứ ạ? Chả lẽ em lại làm không công?

Haiđa Lé nổi cáu quát:

-Người ta nghĩ đến nghĩa vụ công dân, mà anh thì lo chuyện lợi lộc. Thật không biết xấu hổ!

-Xin ông anh bớt giận! - tôi nói - ông anh làm việc cho cảnh sát, tức là cũng làm nghĩa vụ công dân, thì ông anh được lương. Ngay cả các ngài nghị viên có lẽ cũng chả ngài nào muốn làm nghĩa vụ công không cho chính phủ. Tình bạn đi đằng tình bạn, còn công việc đi đằng công việc chứ ạ! Việc nào nó phải đi việc nấy. Nghĩa vụ là 1 chuyện, còn quyền lợi lại là chuyện khác chứ ạ! Tiền bạc có hại gì đến nghĩa vụ đâu!

-Thôi được. Ta thoả thuận thế này vậy nhé! - Haiđa Lé dấu dịu - ta cho anh muốn làm gì ở cái tiệm cà phê của anh thì làm. Có điều anh pảhi nhớ là "moi" được cái gì của khách, anh phải đem nộp cho ta ngay, rõ chưa?

-Dạ, rõ ạ!

Cầu chúa Ala phù hộ cho anh! Ta đặt mọi hy vọng vào anh đấy! Nếu anh moi được ví của ngài trưởng đoàn thì càng đáng khen. Thôi, cho anh đi! Chúc anh may mắn!

ừ, thì tôi đi! Gì chứ cái chuyện xoáy vặt đối với tôi ngon hơn óc chó!

Tôi đến khách sạn và bắt đầu ngồi chờ.

Chờ đến tối thì thấy các vị khách bắt đầu kéo nhau về. Tôi giở tập ảnh ra xem lại. Đích thị ông trưởng đoàn đang đi cùng bà vợ kia rồi! Tôi đứng lên, đi sát hẳn vào người ông ta lần chỗ để ví, rồi bất ngở hích nhẹ vào ngực ông ta 1 cái. Thế là xong! Êm như ru! Té ra tôi vẫn chưa quên nghề...

Sau đó tôi chạy ngay đến nhà vệ sinh công cộng ở quảng trường Tacxim, mở ví ra xem. trong ví toàn giấy bạc mới tinh! Thề có thánh Ala chứng giám, tôi đã kìm được lòng tham, không lấy 1 tờ nào. Có bao nhiêu tôi mang nguyên về Sở.

-Anh biến đi đâu thế? - vừa thấy mặt tôi từ ngoài cửa, Haiđa Lé đã quát hỏi ngay. Nhưng khi tôi chìa chiếc ví ra thì ông ta sướng đến nỗi hôn luôn tôi 1 cái vào trán.

-Cừ lắm! Anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ - ông ta khen tôi - ông trưởng đoàn vừa đến báo cho ta biết là bị mất cắp. Trông ông ta rất buồn. "Xin ngài cứ yên trí!" ta bảo với ông ta như vậy, "chậm nhất là ngày mai chúng tôi sẽ tìm lại cho ngài chiếc ví. Cảnh sát của chúng tôi làm việc rất giỏi!"

-Em đã hoàn thành nghĩa vụ đối với tổ quốc rồi, bây giờ xin chào ông anh! Chúc ông anh mọi sự tốt đẹp! - tôi nóiv ới Haiđa thế, nhưng ông ta bảo:

-Khoan đã! Mới 1 lần thế thì ít quá! Chú em phải lần lượt moi túi tất cả các ông khách ấy cho ta!

-Nhưng em chỉ sợ làm mãi quen tay, đến lúc muốn thôi không được.

Nhưng Haiđa chẳng thèm nghe tôi.




Tôi lại bắt đầu đi moi các đại biểu khác. Có 1 ông rất khù khờ, bị tôi moi nhẵn cả túi quần túi ấo, lấy hết cả ví, cả chìa khoá buồng, khăn mùi soa, bật lửa, hộp thuốc lá, thậm chí cả ghim cài ve áo, mà vẫn chẳng hay biết gì hết. Không khéo bị lột cả quần ngủ mà ông ta vẫn không biết gì cũng nên!... "Hay ta thử cắt hết cúc áo của hắn ta xem sao?" Tôi nghĩ bụng như vậy, rồi cắt thật, không để lại 1 cái nào. Sau đó tôi đem ngay tất cả về Sở, bày ra trước mặt Haiđa.

-Giỏi lắm, Ichxan ạ! - ông ta bảo - Anh làm việc khá lắm!

Tôi bảo ông ta:

-Ông anh ạ! Em đã định lột truồng hắn ra, nhưng sau nghĩ thương hại...

Tóm lại là suốt 15 ngày tôi cứ đi moi hết vị này đến vị khác trong đoàn... Tôi làm việc như 1 nhà phẫu thuật lành nghề. Nói thật chứ, giá tôi có lấy mất 1 lá phổi của những anh chàng đù đờ này thì có lẽ họ cũng hay biết gì.

Haiđa nghe tôi kể thì cứ ôm bụng mà cười.

1 hôm, tôi moi được nhẵn ví đầm của 1 bà và đem đến cho Haiđa Lé. Nhưng không thấy bà này đến báo cảnh sát gì cả. Thấy vậy 1 viên cảnh sát biết tiếng nước ngoài bèn gọi điện về khách sạn:

-Các ngài có bị mất gì không?

-Không - người ta trả lời.

-Các ngài cứ soát kỹ lại tất cả các ví xách và túi quần túi áo xem!

1 lát sau bỗng có tiếng chuông.

-Có 1 bà của chúng tôi bị mất sạch các tưứ trong túi sắc.

-Bà đó có 1 chiếc khăn tay màu hồng phải không ạ?

-Phải rồi! Sao các ông biết?

-Cảnh sát của chúng tôi cái gì cũng biết hết!




Cảnh sát của chúng tôi cứ thế đấy: họ báo cho người mất trộm biết anh ta bị mất trộm, và tên trộm đã bị bắt!... 

Trước khi đoàn về nước, 1 phóng viên nhà báo hỏi vị trưởng đoàn:

-ở nước chúng tôi ngài thích nhất cái gì ạ?

Vị trưởng đoàn là 1 người có học thức, ông ta im lặng không đáp.

1 nhà báo khác nói:

-Cảnh sát của các ông rất mạnh!

Bấy giờ vị trưởng đoàn mới trả lời như thế này:

-Đoàn chúng tôi có 9 người cả thảy. Chúng tôi ở Xtămbun có 15 hôm, mà mỗi người trong đoàn chúng tôi đã bị mất cắp 9, 10 lần!... Cảnh sát của các ông cũng có thể là mạnh, nhưng những tên trộm của các ông còn mạnh hơn nhiều!

Lập tức sáng hôm sau những lời phát biểu này được đăng ngay trên các báo: ngài trưởng đoàn tuyên bố rằng nạn trộm cắp ở Thỗ Nhĩ Kỳ hết sức phát triển!

Nhưng thế thì việc gì đến tôi kia chứ? Tại sao mấy ông cảnh sát lại nổi cáu và hạ lệnh tống giam tôi? Hay tôi đã thực hiện vượt mức yêu cầu của họ?

Tôi bảo họ:

-Nhưng chính các ông bảo tôi phải đi ăn cắp để tưực hiện nghĩa vụ đối với tổ quốc cơ mà! Tôi sẽ đưa chuyện này ra toà. Tôi sẽ kể hết với mọi người cho mà xem! - tôi doạ Haiđa Lé.

-Nếu anh làm như thế, ta sẽ đổ cho anh là thủ phạm của tất cả các vụ trộm chưa tìm ra. Những vụ như thế ta có hàng trăm. Anh tin ta đi! Ta sẽ có cách làm cho anh phải nhận và ký vào biên bản hỏi cung. Anh sẽ phải chịu 1000 năm tù là ít!

Cuối cùng trước toà tôi đành phải câm như hến và người ta kết án tôi 2 năm tù. Ichxan Vadêlin kết thúc câu chuyện của mình.

-2 năm cũng chả mấy! Ngoảnh đi ngoảnh lại là hết ngay thôi! - 1 người ngồi nghe chuyện lên tiếng an ủi.

Ichxan Vadêlin bảo:

-Đã đành thế rồi. Nhưng tuổi tôi đâu còn ít ỏi gì để mà ngồi tù. May phước là chỉ bị có 2 năm! Làm nghĩa vụ của tổ quốc sướng thế đấy! Hoan hô nước ta!



Azit Nezin
(Những Người Thích Đùa)
Nguồn: vnthuquan.org