Saturday, July 15, 2017

CÂY THUỐC NÀO CHỊU NHIỀU ĐẮNG CAY ?

Dù là Bác Sĩ y khoa Tây học nhưng BS Hoàng cho ta bài phân tích và giới thiệu sau đây đáng cho chúng ta suy nghĩ và học hỏi:


CÂY THUỐC NÀO CHỊU NHIỀU ĐẮNG CAY ?

Ai đã sống qua những năm đầu tiên sau 1975 ắt chưa quên câu chuyện Xuyên Tâm Liên. Trong bối cảnh kinh tế vô cùng khó khăn sau nhiều năm chinh chiến, ngành y tế thời đó, cũng như các ngành khác, đã phải đối đầu với tình trạng thiếu thốn đủ thứ. Xuyên Tâm Liên khi đó đã được áp dụng khắp nơi như một loại thuốc trị bá bệnh. Tất nhiên với hiệu quả không thể như mong muốn, thậm chí với nỗi thất vọng của không ít người bệnh do dùng thuốc không đúng chỉ định, do dùng thuốc trên tinh thần không bổ bề dọc cũng bổ chiều ngang, hay tệ hơn nữa, theo kiểu có còn hơn không.
Xuyên Tâm Liên sau đó thậm chí đã trở thành một dẫn chứng để giới Tây Y có cớ đả kích Đông Y dù chỉ là nhận xét phiến diện theo kiểu vơ đũa cả nắm. Cho đến hôm nay vẫn còn không ít thầy thuốc và bệnh nhân bĩu môi khi nhắc đến Xuyên Tâm Liên. Bằng chứng là Xuyên Tâm Liên thuộc nhóm vị thuốc ít được ghi toa nhất, thậm chí không hề có tên trên toa thuốc của một số không ít thầy thuốc y học cổ truyền, theo kết quả ghi nhận qua thống kê được tiến hành ở một số nhà thuốc đông dược trong phạm vi TP HCM.


Quả thật đáng tiếc vô cùng. Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu trong thập niên gần đây xoay quanh căn bệnh viêm gan cho thấy hiệu quả của các loại thuốc đặc hiệu với tác dụng trên hệ miễn dịch, như Interferon, không hẳn tối ưu như mong muốn. Nhiều thầy thuốc, kể cả ở các nước Âu Mỹ, vì thế đã và đang có khuynh hướng ưu tiên áp dụng dược thảo để hạ men gan thay vì chỉ tập trung vào thuốc hóa chất tổng hợp. Lý do rất đơn giản, gan chỉ bị tổn hại khi nhu mô gan bị phá hủy. Hạ được men gan cũng như ổn định chức năng gan chính là biện pháp cơ bản để viêm gan không thể chuyển sang dạng xơ gan. Không thiếu dược thảo có công năng như thế, nhưng đáng nói hơn nhiều là Xuyên Tâm Liên, sau nhiều công trình nghiên cứu ở Trung Quốc và Ấn Độ, đã từ lâu được xem một trong các dược liệu hữu dụng cho bệnh nhân viêm gan do siêu vi cũng như do nhiễm độc vì hóa chất, vì độ cồn…
Tác dụng này càng rõ rệt hơn nữa khi phối hợp Xuyên Tâm Liên với Diệp Hạ Châu. Kết quả khi áp dụng Xuyên Tâm Liên + Diệp Hạ Châu cho hàng trăm bệnh nhân viêm gan do rượu ở TP HCM cho thấy hai loại cây thuốc này cộng hưởng để hạ men gan SGOT, SGPT và GGT với thời gian khởi động tác dụng tương đối ngắn, khoảng sau 2 tuần dùng thuốc, và thời điểm tác dụng cực đại không quá lâu, thường trong vòng 6 tuần dùng thuốc. Thêm vào đó, thuốc có tác dụng rất rõ với men gan GGT là loại men gan rất “cứng đầu” một khi đã tăng cao.


Không chỉ khu trú trên chức năng gan, cặp bài trùng Diệp Hạ Châu và Xuyên Tâm Liên còn cho thấy khả năng chống dị ứng thông qua ảnh hưởng thuận lợi trên hàm lượng kháng thể Globulin và vận tốc lắng máu. Không lạ gì khi hơn 60% bệnh nhân dị ứng có vận tốc lắng máu trở lại bình thường song song với dấu hiệu cải thiện về triệu chứng lâm sàng sau vài tuần được điều trị với hai cây thuốc vừa kể. Đi xa hơn nữa, lượng đường huyết của 70% trong nhóm 100 bệnh nhân tiểu đường trước đó có men gan GGT tăng cao và đường huyết không ổn định được cải thiện thấy rõ khi hai cây thuốc này được cài đặt trong liệu pháp. Công thức Diệp Hạ Châu + Xuyên Tâm Liên, trên cơ sở vừa phân tích, rõ ràng không những hữu dụng cho bệnh nhân viêm gan mà có thể được phối hợp rộng rãi trong nhiều phác đồ điều trị nếu có nhu cầu cải thiện chức năng giải độc của lá gan, chẳng hạn ở người phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, ở đối tượng phải tiếp xúc với độc chất sinh ung thư, người phải làm việc với hóa chất nông nghiệp, phế phẩm kỹ nghệ…


Xuyên Tâm Liên không thể vô cớ từ nhiều thế hệ vẫn có tên trong danh mục thuốc quý trị bệnh gan của nền y học cổ truyền Ấn Độ, Tây Tạng. Câu chuyện về Xuyên Tâm Liên là dẫn chứng cho thấy trong y học không được phép có định kiến. Thuốc tốt hay xấu là do thầy thuốc dùng thuốc có đúng chỉ định và liều lượng hay không? Tại sao lại trách thuốc khi thầy biên toa… trật?!
Có một điều chắc chắn. Rất nhiều bệnh nhân viêm gan không thể dùng thuốc đặc hiệu, như Interferon, không chỉ vì cơ tạng khó dung nạp mà do không thể theo đuổi liệu pháp vì hoàn cảnh kinh tế. Họ không lẽ chỉ vì túi tiền eo hẹp mà đành bó tay chờ chết? Việc áp dụng các cây thuốc đã được xác minh tác dụng qua nghiên cứu lâm sàng cũng như thực nghiệm chính là lối thoát không chỉ cho người bệnh nghèo mà với tất cả bệnh nhân muốn tìm về thiên nhiên để chọn phương tiện an toàn thay vì phó mặc may rủi.
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng

Xuyên Tâm Liên

XUYÊN TÂM LIÊN (穿心蓮)
.
Xuyên tâm liên (穿心蓮), danh pháp khoa học Andrographis paniculata (đồng nghĩa Justicia paniculata), hay còn gọi là công cộng, hùng bút, nguyên cộng, lam khái liên, cây lá đắng, khô đảm thảo, nhất kiến kỷ, là một loài cây thảo thuộc họ Ô rô (Acanthaceae), có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka.
Cây này là bản địa của khu vực Ấn Độ và Sri Lanka, được di thực và trồng phổ biến ở Nam Á, Đông Nam Á, miền nam Trung Quốc, nơi mà nó được dùng để trị một số bệnh viêm nhiễm, được dùng trước khi có thuốc kháng sinh. Người ta dùng chủ yếu lá và rễ của nó để làm thuốc. Hiện nay cũng được trồng tại khu vực Caribe, Trung Mỹ, Australia và châu Phi.


Những nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy nước sắc xuyên tâm liên với tỉ lệ 5/1, 2/1 có tác dụng yếu đối với các chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Bacillus subtilis[cần dẫn nguồn]. Hàm lượng andrographolide cao khi mới thu hái, có tác dụng diệt khuẩn mạnh; càng để lâu thì hàm lượng hoạt chất giảm nhanh, tác dụng diệt khuẩn giảm.
Theo tính vị ghi trong tài liệu y học dân gian Quảng Châu thì cây này có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, giảm đau. Được dùng chữa vết thương, tẩm gạc đắp vết thương hoặc làm dịch nhỏ giọt rửa vết thương; chữa viêm họng, viêm phế quản, lị cấp (nước sắc Xuyên tâm liên cùng với bồ công anh, sài đất...).
Tại một số tỉnh miền Trung Việt Nam, người ta dùng cây này làm thuốc bổ cho phụ nữ sau khi sinh đẻ xong bị ứ huyết, đau nhức tê thấp, kinh nguyệt bế tắc, nhọt ở hai bên cổ.
(theo Wikipedia)

Diệp Hạ Châu

DIỆP HẠ CHÂU (叶下珠)
.
Diệp hạ châu đắng còn có tên gọi khác là “chó đẻ răng cưa”, chúng được coi như một loài thuốc quý, vị đắng, tính mát, có khả năng chữa được khá nhiều bệnh như: lợi mật, khôi phục chức năng gan, điều hòa huyết áp trong cơ thể…
Diệp hạ châu đẳng có tên khoa học là phyllanthus urinaria L, họ dầu Euphorbiaceae. Chúng có thân thẳng đứng, nhẵn, lá mọc sole, phần lá khá thon, chiều dài của lá từ 5-15mm, bề rộng từ 2-5mm. Chúng là loài mọc hoang, sinh sống ở khu vực nhiệt đới, có thể dễ dàng tìm kiếm chúng ở nhiều nơi nước ta.


Diệp hạ châu đẳng có vị ngọt kèm theo vị hơi đắng, tính mát, chúng có tác dụng sát trùng, tiêu độc, thông huyết, điều hòa kinh nguyệt ở chị em phụ nữ, giúp sáng mắt, hạ nhiệt. Ngoài ra các nhà khoa học còn tìm ra được rằng chúng có tác dụng diệt nấm và một số loại khuẩn nhờ vào tác dụng của hoạt chất acid phenolic và flavonnoid có trong loài cây này, hay hoạt chất Coderacin lại được dùng để chế thuốc nhỏ mắt, mỡ tra mắt,diệt một số loại vi khuẩn gây hại cho mắt.
Chúng còn được dùng dể chữa chứng đau yết hầu, bị viêm cổ họng, giúp chữa trị cho người bị mụn nhọt, đinh râu, người mắc bệnh viêm da thần kinh, trẻ em bị tưa lưỡi, có nốt chàm trên má, phụ nữ sau sinh bị sản hậu ứ huyết. Ngoài những bệnh kể trên chúng còn được người ta dùng để trị rắn cắn, chữa bệnh sưng đau đầu khớp.
(theo Vườn Dược Thảo)
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: