Monday, July 24, 2017

KỲ ĐỒNG



Kỳ Đồng vốn tên là Nguyễn văn Cẩm, người làng Trung Lập, phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên. Sinh cuối đời Tự Đức, thiên tư rất là dĩnh ngộ. Lúc bé, thân phụ là một nhà nho uyên bác bắt đầu dạy sách Tam tự kinh như thường lệ. Một hôm người bạn của cha ra cho một vế đối lấy ngay chữ liền trong sách ấy:

Tam tài: thiên, địa, nhân

Ông ứng khẩu liền:

Tứ thi: phong, nhã, tụng

Câu ra: Tam tài là trời, đất, người . Câu đối: Bốn thơ là thể phong, thể đại nhã, thể tiểu nhã, thể tụng . Câu đối khó là vì: tam là số 3 thiên, địa, nhân là ba thứ, mà đối lại tứ là số 4 thì là thừa 1, song phong, nhã, tụng, tuy 4 mà cũng chỉ có 3 thể, vì đại nhã và tiểu nhã kể là một

Ông khách phục là bật thiên tài .

Hồi lên mười tuổi, ngũ kinh, tứ thư đều thông, vì ông chỉ trông qua là nhớ, mỗi ngày học đến trăm trang sách in.

Năm ấy, nhân có kỳ hạch ở tỉnh Hưng Yên, để năm sau thi hương ở trường Nam Định, ông và thân phụ đều lên tỉnh hạch. Khi các quan tỉnh và huấn đạo, giáo thụ, hội đồng ở Văn miếu, thấy ông còn nhỏ mà đã đi thi đều lấy làm lạ, cho gọi đến để hỏi quê quán. Ông thưa ở làng Trung Lập, phủ Tiên Hưng. Quan tỉnh ra câu đối:

Đứng giữa làng Trung Lập.

Ông đối ngay:

Dấy trước phủ Tiên Hưng.

Câu ra, chữ trung lập, nghĩa là đứng giữa.

Ông đối chữ tiên hưng, nghĩa là dấy trước.

Các quan tấm tắc khen hay, ra cho câu nữa:

Khổng môn truyền đạo chư hiền, Tăng tử, Tử tư, Mạnh tử

Ông đối:

Chu thất khai cơ liệt thánh, Thái vương, Vương quý, Văn vương.


- Các đấng hiền truyền đạo lý đức Khổng, có Tăng tử, Tử tư, Mạnh tử.
- Mọi ông thánh mở cơ nghiệp nhà Chu, có Thái vương, Vương quý, Văn vương.

Câu ra, khó và lắt léo; dùng ba chữ Tử, mà trong tên Tử tư chữ Tử ở trên. Còn tên Nhan tử, Mạnh tử hai chữ Tử đều ở dưới. Ông đối được hay, là có ba chữ Vương, Vương quý chữ Vương ở trên. Còn Thái vương, Văn vương, chữ Vương ở dưới. Hội đồng đều lấy làm khen ngợi.

Kỳ Đồng bị đày đi ở đảo Tahiti 

Hồi ấy, nước ta trọng văn học, các quan thấy ông còn ít tuổi mà đã có kỳ tài, bèn làm sớ trong đó biên cả hai câu đối dâng về kinh.

Vua Tự Đức, xem thấy bèn sắc cho hai chữ Kỳ Đồng, và phê:

Thử hệ niên khinh, vị khả lục dụng, trước giao Hưng Yên tỉnh thần giáo dục, trừ vi quốc gia tha nhật chi dụng.

- Tên này còn ít tuổi, chưa thể thu dụng được, nay giao cho tỉnh Hưng Yên dạy bảo, dành để khi lớn lên, nhà nước sẽ dùng.

Vì có chữ vua cho nên mọi người gọi ông là Kỳ Đồng.

Từ đấy tiếng tăm lừng lẫy, ai ai cũng có triển vọng về ông. Cách mấy năm sau, Pháp chiếm Bắc kỳ đặt cuộc bảo hộ. Ông vốn có chí khí, lại được mọi người tin phục, bèn mộ những thanh niên suýt soát tuổi với mình, lập đạo quân kéo lên khôi phục tỉnh thành. Người Pháp thấy một đoàn thiếu sinh cầm dáo mác gậy gộc, cho là trò trẻ con không quan tâm, cứ để vào tỉnh rồi cho lính khố xanh ra bắt. Tra hỏi thì 28 người đều khai ra Kỳ Đồng. Pháp tha 28 người về, còn giữ ông lại, sau cho sang Pháp học. Học mấy năm thi đỗ Tú tài. Nước ta đỗ Tú tài Pháp, có lẽ ông là người trước nhất.

Ông ở Pháp mấy năm, sự học biết càng rộng, người Pháp muốn cho ông về nước làm quan. Ông cố ý từ chối:

- Tôi về làm quan không có ích gì cho dân cả, nay xin về mở mang việc làm ruộng có lẽ hơn. Xin chính phủ cho một khu ruộng ở Bắc kỳ và cấp ngưu-canh điền khí để khẩn hoang.

Người Pháp chiều ý, & tư về phủ thống sứ Bắc kỳ, để ông được tuỳ ý chọn khu đất nào muốn khai khẩn. Năm Đinh Dậu ( 1897 ), đời Thành Thái, ông lên Yên Thế mở đồn điền.

Ành Kỳ Đồng chụp chung với một quan chức Pháp ở Marquises, Tahiti. 

Ông có làm bài thơ tự thuật lúc ra đi Yên Thế:

Đường Yên Thế

Thiên lý du du nhất lộ kỳ
Kỵ lô tương cố một tương tùy
Tuy tường thiên nhận, do ngu nạn
Nan ngụ cô sơn tác trụ trì
Trị trù nguyện học Y tiên giác
Dang tiết nan phù Hán cố ky
Ký cô lạc ngã canh sừ hạ
Hà sự yêm yêm tác tríu my


- Đường thiên lý quanh co dài dằng dặc
- Cưỡi lừa, ngảnh cổ lại không thấy người đi theo
- Dẫu bay cao đến nghìn nhận, vẫn lo đến quốc nạn
- Khó lòng ở chốn cô sơn này làm nơi trụ trì được
- Nay ta làm ruộng, học như ông Y-Doãn ngày xưa, cầy ở đất Hữu Sần
- Dẫu đưa hết khí tiết, cũng khó phù được nhà Hán
- Thôi ta tạm lấy việc cầy bừa làm vui khi nhàn rỗi
- Việc gì phải đăm đăm nghĩ ngợi chau mày!

Thể thơ độc đáo, và thuần túy Việt Nam: hai chữ cuối câu trên, nói lái lại tiếp thành hai chữ đầu câu dưới .

Nhưng xem khẩu khí đã có ý chán nản: dang tiết nan phù Hán cố ki .

Bài thơ truyền tụng đi trong Trung ngoài Bắc mộ tiếng ông, theo đến rất nhiều . Trên đường đi Yên Thế lũ lượt quần nâu áo vải, tay xách nách mang, thành cả một phong trào di cư lập ấp. Lại tiện chỗ đồn điền gần với đất Phồn Xương, rất dễ cho ông liên lạc với Đề Thám. Pháp thấy thế có ý lo ngại, bèn bắt ông đi đầy ở Tahiti.

Ông ở đây, chung quanh toàn dân mọi, nên ông lấy vợ người mọi, sau sinh được một con trai đặt tên là Paul Văn Cẩm và một con gái là Thérèse Văn Cẩm.

Vì sinh kế, ông làm chuyên viên thí nghiệm hóa học tại nhà thương Tahiti . Thường làm thơ tiêu khiển bằng Pháp ngữ, và sinh hoạt theo hẳn lối Âu-tây, không còn nghĩ ngợi gì đến nước cũ, việc cũ .


Ông mất năm 1928 tại Tahiti.

Con trai làm nghề ấn loát, con gái lấy chồng người Pháp, công chức ở đảo. Khi ông mất, để lại cái nón lông cốc chóp bạc ( nước ta cái nón chóp bằng lông chỉ có những bậc quí phái đương thời mới dùng )

Cho hay hoa đẹp chưa ắt đã kết thành quả ngon, buổi thiếu thời thông minh mẫn tiệp như thế. Mà về sau - tiếc thay - chỉ còn để lại mấy câu thơ, một cái nón và... một tên phố!

(Theo Giai thoại làng Nho)