Sunday, July 9, 2017

NGƯỜI ĐIÊN THƠ MỘNG

Cư dân cùng xóm, khi đi dạo trên lối mòn quanh co ven dòng suối, thường dừng bước trước hàng hiên tôi, vừa ngắm nghía, vừa thì thào khen ngợi.


Mà có chi nhiều đâu! Hai rừng lựu, một vườn hồng, hai bồ đề đại thụ, hai rừng mai, một vườn quýt, một bụi chuối, hai vườn chanh, một bờ rào trúc tím hoa vàng, uốn ghép theo ngẫu hứng từ bốn câu kệ của các thiền sư “Thanh thanh túy trúc. Tận thị pháp thân. Uất uất hoàng hoa. Vô phi Bát Nhã”, đại ý “Trúc biếc xanh xanh, đâu cũng là pháp thân. Hoa vàng rậm rạp, đâu chẳng là Bát Nhã”, rồi dăm giò phong lan tựa lưng đó đây và một chậu rau thơm đủ loại, cũng chen chân vào cho … thêm hương.

Tả thế này, chắc bạn nghĩ cái hàng hiên tôi là công viên mới chứa đủ! Thưa không, tất cả cây cỏ lá hoa này đều bị tôi dỗ dành “Đừng lớn! Đừng lớn nghe em! Hãy cứ là trẻ thơ để đùa với mưa, cười với nắng, chứ lớn sẽ khổ lắm!” Chúng đều nghe lời tôi, trừ chậu rau thơm (vì rau không lớn thì tôi lấy chi mà cuốn với bánh tráng!) Còn lại tất cả đều chung một họ là Bonsai, dù anh chị nào cũng xấp xỉ thập tam, thập lục niên.

Chúng đều là những đứa con tôi cưu mang từ trứng nước, nghĩa là, tôi gieo hạt từ những giống cây tôi thích. Khi chúng nhú lên, tôi lựa những cây mạnh, sang vào chậu. Khoảng hơn một tháng, từ khi sang chậu mới biết cây nào ở, cây nào đi. Đã chủ ý tạo chúng thành bonsai thì cho đất ít, nhưng thuốc bổ phải đầy đủ. Khi rễ đã bén vững vàng thì chăm sóc chúng, chẳng nhọc công gì. Nếu trời nóng thì hai ngày, mát thì ba ngày tưới một lần, ở dạng shower( là những tia nước nhỏ). Thêm chút lưu tâm là sự ân cần lắng nghe ngôn ngữ thầm lặng của chúng. Nếu lá lựu vàng, chúng dư hay thiếu nước đây? Nếu chanh không trổ hoa, chắc chúng đang xin thêm thuốc bổ. Ngược lại, quýt đã lác đác kết nụ rồi, không thấy, mà cho thuốc bổ vào là nụ rụng hết!

Chẳng phải chỉ con người cần hiểu và thương, mà vạn hữu cũng cần như ta, để cùng mang cho nhau hạnh phúc. Không tin, bạn cứ thử thủ thỉ chuyện trò với cây cỏ mà xem, bạn sẽ ngạc nhiên vì tìm thấy tri kỷ ngay trong vườn nhà bạn.



Hôm qua, đang tưới tới gốc bồ đề, khi khổng khi không, hai câu thơ Bùi Giáng bật lên trong trí, mạnh tới mức vòi nước nghiêng sang vườn chanh:

“Người điên, cái bóng cũng điên
Người khùng, cái mộng oan khiên cũng khùng”(*)

Dường như cội bồ đề mỉm cười bảo: “Đại thụ thơ gọi rồi đó”

Tôi bèn tắt nước, lấy chổi quét sàn. Và những nhát chổi chậm, thong dong theo bước chân thi nhân độc đáo của thế kỷ này.

“Ngó chân, ngón thiếu ngón thừa
Còn bao nhiêu bước, duỗi vừa cuộc chơi?”(*)

Tôi thảng thốt dừng chổi. Đúng là cụ Bùi Giáng mới thả được chữ “duỗi” tuyệt hảo vào cái khí phách phiêu bồng thế này.

Có lẽ, không người Việt Nam nào không một lần từng nghe đến tên Bùi Giáng, nhất là sau thời điểm cuối tháng Tư 75. Cái hình ảnh bị cho là một ông già điên, lang thang đầu đường xó chợ, ngửa cổ ngâm thơ, vung tay ca hát, không xa lạ gì với đám trẻ trong làng, ngoài phố. Nhưng với người lớn, nhất là những người trong giới văn học nghệ thuật thì Bùi Giáng có điên không?

Ngót bốn mươi năm, thiên hạ đã tốn quá nhiều giấy mực để viết về người điên tài hoa này rồi, và hình như càng viết lại càng thấy chính mình mới điên, vì có vận dụng bao nhiêu cái tỉnh cũng chẳng diễn tả nổi phần nào cái điên này!

Biết thế, tôi dại gì mà viết! Sát na bất chợt gặp lại người, chỉ xin vừa thong thả quét sân, vừa lâng lâng hạnh phúc khi tàng-thức trải ra dăm câu thơ đã thuộc tự bao giờ:

“Tôi cười, tôi khóc bâng quơ
Người nghe cười khóc, có ngờ chi không?”(*)

Dạ không. Không ngờ chi cả! Đứng trước gương, hình hài vật lý sẽ hiện trung thực 100%, nhưng chỉ là bóng của hình “Người điên, cái bóng cũng điên” Bùi Giáng đứng trước gương, thấy một ông già râu tóc bù xù, áo quần tơi tả thì đó là cái bóng của người điên! Phàm những gì không theo ước lệ người đời đặt ra thì bị cho là điên? A ha!


Nhưng những gì bên trong cái bóng, không hiện ra trong gương là chi? Ai thấy được cái đó? Ai thấy được những oan trái, nhân quả, luân hồi, vay trả? Ai thấy được cánh bướm này có thể là cha, nụ hoa kia có thể là mẹ từ vô lượng kiếp nào?

Có Chư Phật, Chư Bồ Tát thấy, nhưng nhắc nhở hoài, hầu hết chúng sanh vẫn không tin, vì nếu tin, thì cõi ta-bà đâu đến nỗi tiếp tục ngập ngụa tang thương thế này!

Nếu nhìn hình hài người điên Bùi Giáng qua gương thì thấy “cái bóng cũng điên” nhưng nhìn tâm Bùi Giáng “Người khùng, cái mộng oan khiên cũng khùng”, lại chẳng thấy điên khùng chút nào! Điên khùng mà biết tới oan khiên ư? Thử hỏi bao người tỉnh, e rằng họ đang lao vào “mộng-oan-khiên” mà cứ tưởng “thực-hạnh-phúc” (trong đó có tôi, một thời!)

Một người làm thơ dễ và nhanh, như thò tay lấy chữ trong túi ra, đã tự phác họa mình:

“Điên cuồng mà tưởng nên thơ
Cuồng điên mà tưởng làm thơ như thần!”(*)

Điều này, chắc cư sỹ Thanh Tuệ, giám đốc nhà xuất bản An Tiêm năm xưa biết rõ hơn ai hết. Ông rất trân quý Bùi Giáng, nên gặp đâu là nói:

- Có gì mới, đưa tôi in đi!

Vừa nói buổi sáng, buổi chiều đã thấy nhà thơ lững thững ghé quán sách, móc trong bị ra một xấp dầy, ném huỵch xuống bàn. Thanh Tuệ sửng sốt:

- Viết hồi nào thế?

- Thì viết lúc ông bảo viết đó. Muốn nữa không?

Ông Thanh Tuệ chia sẻ với thân hữu là đã từng không in kịp thơ Bùi Giáng, vì cứ hỏi thì thơ tuôn ra ngay!

Mà có phải chỉ là thơ đâu! Viết và nói về những triết gia lừng danh Âu, Á, từ Nietzsche, Heidegger, Sartre, Camus đến Khổng Tử, Lão Tử, đối với Bùi Giáng cũng chỉ đơn giản như đang giỡn thôi; nhưng giới văn học nghệ thuật cùng thời và cả hàng hậu bối, khi lần giở những trang tiểu luận đại luận này, đều kinh hồn bạt vía vì những nhận định sắc bén và cực kỳ mới mẻ.


Tài hoa như thế mà cứ bị gán là ông già điên, nên mới có những câu ỡm ờ cho vui vẻ cả làng:

“Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa
Gọi tên? Là một, hai, ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm”(*)

Ai người tỉnh, xin giải dùm mấy câu trên, xem có thấy rưng rưng trước tấm lòng của một người sanh lầm thế kỷ hay không. Rồi lời này mới thấm thía hơn nữa:

“Rong chơi râu tóc bạc phơ
Còn nghe đắm đuối vần thơ yêu người” (*)

Ngàn trang giấy tỏ bày nhân bản cũng chỉ đến thế mà thôi. Tình yêu đời, yêu người, xót xa cùng cực, đồng thời cũng cô đơn cùng cực khi đã biết chẳng tìm đâu tri kỷ:

“Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy không?
Ta đi, còn gởi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù!”(*)

Giữa những ngày tháng ly tan, người người hoảng loạn chạy xa đất mẹ, là những vết đau cắt da xẻ thịt trong cơn ác mộng, thấy mình lạc lõng ngay giữa quê nhà. Người điên nào trong cơn đau ấy mà khóc lên được bằng nước mắt của cả biển đông, chỉ qua hai câu thơ tê tái này không:

“Hỗn mang về giữa hiên nhà
Bây giờ cố quận tên là Chiêm Bao!”(*)

Chắc hẳn, trong cô đơn cùng cực, cũng có lần thi nhân chắp tay hướng về một giáo pháp đã hứa khả rằng, mỗi chúng sanh đều có một viên minh châu như nhau. Viên ngọc đó vốn sẵn, không từ đâu đến, không đi về đâu, nương viên ngọc ấy thì không chi mà không qua được, vì ánh sáng đó soi đường chỉ lối cho ta chuyển vọng thành chân, chuyển khổ thành vui, chuyển mê thành ngộ.

Ánh sáng viên minh châu trong Người-Điên từng rực rỡ tuyệt vời Bát Nhã thế này:

“Uống xong ly rượu cuối cùng
Bỗng nhiên chợt nhớ đã từng đầu tiên
Uống như uống nước ngọc tuyền
Từ đầu tiên mộng, tới phiền muộn sau” (*)

Nếu được đổi một ngàn phút tỉnh quờ quạng của mình, lấy một phút điên siêu đẳng này, tôi sẵn sàng xếp hàng ngay, chờ tới phiên. Phải xếp hàng, vì tôi chắc, không riêng tôi nhiệt thành xin đổi.


Thế kỷ này, tìm đâu thêm một người điên cực kỳ thơ mộng như tiên sinh Bùi Giáng!

Thế nên đành:

“Thưa em, rượu uống bây giờ
Là thiên cổ lụy còn trơ bên mình!” (*)

(*) Thơ Bùi Giáng

Hạnh Chi
(Tào-Khê tịnh thất – sau một thời thiền tọa)
Tưởng niệm Thi Sỹ Bùi Giáng (17/12/1926 – 7/10/1998)