Hồ Dzếnh
Bài “Rằm Tháng Giêng” của Hồ Dzếnh quả thật là một bài thơ hay:
Chị tôi vào lễ trong chùa
Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên
Lòng thành lễ vật dâng lên
Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng
Chị tôi phụng phịu má hồng
Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi
Tam quan ngoài mát chị ngồi
Chị nghe đoán quẻ chị cười luôn luôn
Quỉ thần thóc mách mà khôn
Số này chồng đắt đẻ con cũng nhiều
(“Rằm tháng Giêng”)
Người Việt Nam có thể không đọc Nguyễn Du, nhưng không thể nào không đọc bài thơ kia của Hồ Dzếnh.
Bài “Lời Về” của ông riêng bốn câu cuối cũng đủ là một tuyệt tác cổ kim:
Vó ngựa từ ngày vỗ xuống Nam
Truông mòn đưa lối Hải Vân San
Áo nâu phai nhạt màu cây cỏ
Lá rụng hoa rơi đất nước Chàm.
Một bài tứ tuyệt như thế đúng là một tặng vật của Đường Thi. Nhưng Đường Thi ghé xuống Việt Nam, Đường Thi đã nhảy một bước vô biên. Không còn Lý Bạch, Thôi Hiệu, Tô Đông Pha nào chạy kịp được nữa.
Vì trong đó có ba sử lịch đang gùn ghè nhau. Sử lịch Trung Hoa, sử lịch Việt Nam, sử lịch Chiêm Thành:
Lá rụng hoa rơi đất nước Chàm
.Một câu thơ đơn giản như thế mang toàn khối Như Lai trong mấy trăm bộ kinh Phật. Và thừa dư công lực hư vô để thiết lập căn cơ cho Siêu Hình Học Tây Phương. Ông Heidegger khỏi phải bận tâm hỳ hục lôi cả Hoelderlin, Sophocle, Parménide, vào trong cuộc thiết lập cơ sở mới làm gì.
Cái cuộc Lữ dị thường của Khổng Tử bỗng nhiên tiếp giáp với Thái Hư Tịch Mịch trong bốn câu thơ kia của Hồ Dzếnh. Đó là điều mà trong tập Điêu Tàn của Chế Lan Viên, ta mỏi mắt tìm không thấy.
Phải quên mấy bài lục bát của ông Hồ Dzếnh thì mới còn can đảm làm thơ. Hoặc còn chịu khó đọc thơ Tây thơ Tàu.
Nhưng mỗi phen đang giữa cơn chịu khó liên trì mà chợt sực nhớ cái bài “Phút Linh Cầu” của Hồ Dzếnh, thì ối thôi! ối thôi! Chẳng còn thể nào tiếp tục công việc gì nữa cả. Linh hồn bỗng nhiên xô ùa máu me chạy tuột đi hướng khác, vô phương nắm cầm lại…
Khói trầm bén giấc mơ tiên
Bâng khuâng trăng rải qua miền quạnh hiu
Tô Châu lớp lớp phù kiều
Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam.
Không còn một loại thơ kim cổ nào đứng nổi trước cái trận chiêm bao kỳ ảo kia. Tôi thách các bạn tìm trong thi ca cổ kim bất cứ một bài thơ nào đứng vững nổi trước mấy vần lục bát của ông bạn Minh Hương kia.
Hễ thong dong tự tại thả mình theo thơ đó, thì cảm thấy như mình biến làm thiên thần. Mà hễ hì hục cố bàn giải vào, thì bỗng nhiên tức thở, ngột hơi, cảm thấy mình là một con đười ươi lếu láo trơ trẽn, không biết xấu hổ là gì.
Lỡ viết ra đôi lời giải thích thì về sau sẽ ân hận, sẽ mòn mỏi máu me kịch liệt.
Cũng may cho ông Nguyễn Du sinh ra ở thế kỷ trước. Nếu sinh ra đồng thời với Hồ Dzếnh, ắt ông Nguyễn Du không còn chịu viết Đoạn Trường Tân Thanh làm gì.
Mọi thy sỹ ngày nay đều là kẻ bất hạnh. Bị đọa đày làm thy sỹ, trong khi cõi thơ không còn lối để bước. Mấy chục bài lục bát của Hồ Dzếnh là đại dương thi ca. Ta còn đem vài giọt nước rót vào đại dương làm gì?
Có lẽ Hồ Dzếnh cũng rõ điều ấy, và vì lòng từ bi, ông bèn làm thêm nhiều bài thất ngôn xoàng xoàng in xen lẫn vào. Cốt để che bớt cõi bao la của đại dương. Nếu không làm thế, thì mặc nhiên lên án tử hình hết mọi thy sỹ năm châu.
Ấy có nghĩa rằng: tập thơ Quê Ngoại của ông cho người đọc nhìn ra ẩn ngữ thơ mộng của mặt đất chỗ này: một tâm hồn nhỏ dại, quanh quẩn với những nhớ nhung nhõng nhẽo tâm tình bê tha, mỗi phút xuất thần kỳ ảo bỗng nhiên nhảy vọt một bước lên tột đỉnh thiên tài, không có gì giải thích được.
(HỒ Xuân DzẾnh)
Tôi thêm chữ Xuân vào tên ông, ấy chẳng phải là hoàn toàn làm điều phi lý. Chính ông đã có tập thơ Hoa Xuân Đất Việt. Tôi không thể tự ban thêm cho mình một tiếng xuân vào trong tên tuổi. Nhưng riêng biệt với Hồ Dzếnh, chúng ta được quyền gọi ông là Hồ Xuân Dzếnh. Chính ông cũng đã ngang nhiên tuyên bố:
Ý thiêng người thiếu ta thừa
Nghìn kho ân lộc trăm mùa mạnh xuân.
Một loại xuân kỳ lạ cứ về kêu gào làm nứt rạn những vần lục bát của ông. Nứt rạn không phải là vỡ toang. Nứt rạn là cái vùng ẩn mật để cho mọi thứ mùa xuân có chỗ len lấn đi về trong một mùa xuân. Chất thơ xuân của ông từ đó mang tính chất hàm hỗn bát ngát. Xuân vui mà nghe như buồn. Xuân buồn mà nghe như vui.
Ý thiêng choán hết linh hồn
Còn đâu gió nhớ cung buồn mà ca.
Ông vừa dứt câu, quyết liệt như thế, thì mọi người bỗng nhiên tê lạnh cả máu me, vì biết rằng cái cung buồn kỳ ảo đang lù lù thị hiện trong câu thơ đòi xóa sạch cung vui. Và quả thật người ta không lầm. Trong Hoa Xuân Đất Việt bốn câu này vẫn nằm sừng sững đó:
Ngoài kia niên thiếu ca xuân mới
Trong lũy tre xanh đời vẫn buồn
Ai biết để lòng yêu một buổi
Bay về thăm viếng mái cô thôn.
Bài “Mái Lều Tranh” ghi lại hình ảnh đối kháng nhau; đi sát bên nhau, vẫn không làm sao hòa vào nhau cho được. Hai hình ảnh thăm thẳm riêng biệt trong lịch sử người ta:
Mẹ tôi sống lặng trong làng nhỏ
Đâu biết thời gian đổi mới rồi
Lòng vẫn đau buồn thiên vạn cổ
Nào hay non nước hãy reo vui
Cái tiếng “hãy” đơn sơ kia lại đang làm nứt rạn câu thơ một lần nữa. Cũng như tiếng “đâu biết, đổi mới rồi”. Còn tê buốt hơn tiếng “Đau buồn thiên vạn cổ”.
Vú mẹ đã khô nguồn sữa cũ
Tình con còn lại bấy nhiêu thôi.
(“Trang sách xưa”)
Trở lại với Quê Ngoại, chép bài “Phong Châu”:
Giếng vàng ánh ngọc nghìn xưa
Giở trang sách cũ hương thừa còn bay
Mà sao người đó ta đây
Tình duyên phảng phất như ngày đã xa.
Người về ta mới nhớ ra
Yêu là thế ấy mơ là thế thôi.
Bài “Giang Tây”, và bài “Phút Linh Cầu” khiến tôi bải hoải tay chân. Không còn can đảm đọc thơ Nguyễn Du, Huy Cận, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính gì được nữa.
Hồ Dzếnh cũng không thể nào làm thơ tiếp được nữa.
Hồ Dzếnh cũng không thể nào làm thơ tiếp được nữa.
Gauguin bỏ chạy trốn Âu Châu, tìm tới một hải đảo vô biên vô tế, suốt bình sinh ngồi vẽ lại màu mắt gái trùng khơi trong những buổi hoàng hôn đại hải, ấy cũng là một lối đi tìm cái dư vang nào trong thơ Hồ Dzếnh.
Biển chiều vang tiếng nhân ngư
Non xanh thao thiết trời thu rượu sầu
Nhớ thương bạc nửa mái đầu
Lòng nương quán khách nghe màu tà huân.
Bùi Giáng - Đi vào cỏi thơ