Tuesday, July 25, 2017

BẠN LÀ NGƯỜI SỐNG HAY NGƯỜI CHẾT ?

Mình xin phép được vào đề luôn.


Theo định nghĩa của bản thân, “người chết” (không kể những người mà khoa học gọi là “tử vong” còn văn tế thì khóc rằng: “Đã về với cõi vĩnh hằng”) là những người tự nhận là mình vẫn còn sống nhưng lại không hề ý thức được mình ĐANG như thế.
Họ ăn cơm trưa và đầu óc lại để ở buổi hẹn hò mà 8 tiếng nữa mới (có thể) diễn ra, họ ngồi ôn thi nhưng thật ra lại đang bay lượn ở trên chín tầng mây khi mải mê tưởng tượng lại nụ hôn từ cái buổi hẹn hò đó. Họ nổi giận với nhau mà chẳng biết rằng mình đang giận chỉ vì họ quá bận rộn với chính cái việc giận ấy. Tóm lại, người hành động mà không có ý thức về những việc mình làm chính là một người chết đích thực.
Mình cam đoan là không có ai ngoài kia dám khẳng định rằng trong suốt cả cuộc đời, họ chưa từng một lần mất kiểm soát rồi đã hành động như một kẻ phát rồ, nếu như không nói rằng cả một đời sống mà không hề biết rằng mình đang sống, cứ lơ đễnh mọi thứ như một cái xác không hồn, trống rỗng như một ngôi nhà vô chủ. (Tất nhiên, họ không bao giờ tự nhận là mình lơ đễnh và trống rỗng cả, vì đơn giản chỉ có “người sống” mới nhận ra được điều đó. Mà “người sống” lại chẳng hề lơ đễnh và trống rỗng!)
Hiển nhiên, cuộc đời của một “người chết” sẽ bị lôi đi xềnh xệch vì họ chẳng có lúc nào ở trong hiện tại để mà chèo lái nó. Những người chết đó còn đang bận chuyện hôm qua với chuyện ngày mai, cái mà chẳng bao giờ ở trong tầm tay của họ cả. Thậm chí, khi ở hiện tại rồi họ cũng không biết đó là hiện tại của mình. Chính vì không ở trong vị trí “kẻ biết” nên họ sẽ phải nhận vai kẻ giận dữ, kẻ đố kỵ, kẻ tham lam, u mê, ngã mạn,… Hay thậm chí nhận tất tần tật những vai đó, và tệ hơn nữa là cùng một lúc.


Rồi họ vào vai kẻ yếu đuối một cách xuất sắc khi liên tục than trời thở đất, mất hết niềm tin sức mạnh, và cứ ở trong cái vòng xoáy điên đảo đó cho đến chết mặc dù họ đã thật sự đã chết từ lâu lắm rồi. Nhưng khốn một nỗi, trước khi “được” đi nằm vào trong quan tài và nghe bài văn tế nức lòng dành cho chính mình thì họ lại được “cứu sống”, khi quá nửa thế giới vác loa, thét vào tai họ rằng hãy ăn mặc cho thật bảnh giống người A kia kìa, hay đi cứu nhân độ thế giống người B ấy, hoặc là suy nghĩ tích cực như người C này cũng được, thế là “hồi sinh” lại ngay ấy mà. Nhưng thật sự họ lại được chết hoành tráng thêm một lần nữa.
Sinh ra được ở trên cõi đời là một điều may mắn nếu người đó thật sự sống, sống với một ý thức toàn vẹn về giây phút hiện tại của mình, dù trong giây phút đó họ có đang nghĩ về tương lai đi chăng nữa. Họ vẫn BIẾT rằng mình đang làm gì. Chỉ cần một cái BIẾT đó thì dù không làm gì cả thì họ vẫn sống, còn nếu không BIẾT thì dù có đang lấp trời vá bể thì họ vẫn là một cái xác biết đi và cùng lắm thì có thể biết khiêu vũ nữa.
Chính vì sống trong vô thức nên “người chết” nhìn cuộc đời như một mớ hỗn loạn, như một chậu cây vỡ trồng một con mèo bị bệnh lở mồm long móng. Đến Chúa chắc cũng không hiểu được cái cuộc đời khốn khổ đó vì bản thân người này vốn đã không hiểu được cuộc đời của chính mình. Mà khi họ càng cố hiểu thì con mèo đó lại càng mắc thêm những chứng bệnh nặng, còn chậu cây thì lại càng trông giống một cái bệ xí. Vì để sống được, họ cần “biết”. Mà cái “biết” đó lại không sinh ra để hiểu mà chỉ có thể được cảm nhận. Giống như khi có những chuyện khó tin đến mức điên rồ xảy ra trước mắt và bạn cần ai đó tát vào mặt mình một cái thật mạnh để xem đó có phải là giấc mơ không. Thì lúc bạn cảm nhận cái tát đó, bạn sống. Nếu không tin thì bạn cứ thử tặng mình một cái tát hồi sinh mà coi!
Và nếu cuộc đời đó không hỗn loạn thì nó sẽ là tẻ nhạt. Hoặc là cả hai. Để dễ dàng hình dung, bạn có thể mở MV “Wrecking Ball” của Miley Cyrus, tắt tiếng, tạm quên hết nội dung bài hát gốc đi và hãy tưởng tượng: Người không nhận diện được hiện tại, không chèo lái được cuộc đời mình giống như đang ngồi trên quả bóng kim loại đó và cứ để nó lao từ bên nọ sang bên kia, chính xác là từ cực “hỗn loạn” sang cực “tẻ nhạt” rồi lại quay về, và cứ như thế tiếp diễn. Còn ở dưới là đống gạch vụn do sức tàn phá của cuộc đời mất kiểm soát đó gây nên.


Phải nói đây là khung cảnh hỗn loạn, nhưng theo một cách tẻ nhạt (chưa kể ở là mỗi cực đó lại chia ra các cực nhỏ hơn nữa nên trông quả bóng lại càng chao đảo như vậy). Nếu muốn nó dừng lại thì kẻ ngồi trên đó làm ơn đừng truyền lực vào con lắc khổng lồ ấy nữa (!) Chắc chắn không ít người ngoài kia sau khi trải qua giai đoạn “sôi nổi, kịch tính” thì lại tuột trở về với trầm lặng, nhàm chán kèm theo một cảm giác thật hụt hẫng.
Một kẻ lớn lên, bị tiêm vào người những “chuẩn mực” của xã hội rằng cái này là đúng, cái kia là sai, cô này xinh, bà kia xấu, ông này là phàm, ngài kia là thánh… kết hợp với sự không ý thức về hiện tại của bản thân, người đó lại càng sa vào vũng lầy của sự phân cực đau khổ.
Thế đấy, khi đã nhìn đời như vậy thì “người chết” cư xử với bản thân và với cuộc sống xung quanh cũng theo một cách có tính chất tương đương. (Nhưng một sự thật mỉa mai đó là do tâm trí của họ không được an ổn nên cuộc đời của họ mới có trạng thái như vậy). Họ đánh răng và nghĩ về lời tỏ tình bị từ chối tối qua rồi nổi cơn khó chịu thọc bàn chải vào lợi chảy cả máu. Họ rán cá nhưng mắt mũi cứ mải dán vào cái màn hình điện thoại và rồi đến bữa có món cá đen thui. Họ vội vã đi thi cho khỏi trễ giờ và đến trường phát hiện ra mình để quên thẻ dự thi ở nhà. Họ kêu ca năm tháng tháng đơn điệu, còn họ thì chỉ như một cái máy được lập trình ăn, ngủ, học tập, làm việc ngày qua ngày. Họ thấy chán đời, nhưng thật nực cười là họ lại sợ chết.
Chỉ một hạt mầm không tĩnh lặng sẽ mọc ra cả một cái cây của sự hỗn loạn, cái cây sẽ đơm trái điên rồ, rồi rơi đôm đốp xuống đầu người đó, khiến họ lại càng nhảy choi choi lên cáu tiết. Khi những sự không như ý xảy đến dồn dập, người đó sẽ tự hào phong mình làm “Thánh Nhọ” trong một status facebook thảm hại (thôi thế cũng được an ủi phần nào vì số người like tăng hơn so với mọi ngày!). Nếu không thì họ sẽ biểu hiện sự tiêu cực qua những suy nghĩ, lời nói, hành động không lành mạnh khác, thậm chí theo một cách cực đoan, người đó có thể tự tử để chứng tỏ rằng họ vẫn nắm trong tay quyền kiểm soát với ít nhất một thứ trong đời mình, đó là mạng sống.
Còn bây giờ thì chỉ cần nhìn lại một lượt và hình dung một chút thôi là các bạn cũng thấy rõ cái vòng tròn luẩn quẩn úp lên đầu những “người chết” là như thế nào rồi. Riêng mình thì nhớ đến Tôn Ngộ Không trong phim Tây Du Ký, trên cái đầu ngó ngoáy của hắn là Vòng Kim Cô đang bị sư phụ Đường Tăng niệm chú. Trông vẻ mặt nhăn nhó như khỉ là người khác có thể thấy ngay sự khó chịu, đau đớn là như thế nào. Mãi cho đến khi lấy được chân kinh và được phong danh hiệu “Đấu chiến thắng Phật” (thật ra đây chỉ là phần thưởng đính kèm) thì cái vòng đó mới thật sự biến mất. Còn chúng ta, lúc nhận ra được giây phút hiện tại và được phong danh hiệu “người sống đích thực” thì cái vòng luẩn quẩn rối bời của mỗi người cũng sẽ tự tiêu tan.


Vậy bạn thật sự là người sống hay chết? Mỗi người ắt hẳn đã có câu trả lời cho riêng mình. Và điều cuối cùng mình muốn nói đó là: Chỉ người nào sống tỉnh thức thì mới có được những sự lựa chọn trong cuộc sống, còn “những người chết” thì không có sự lựa chọn nào cả. Cũng gần giống như: Một kẻ khôn ngoan thì có thể giả vờ ngu, còn một kẻ ngu thì cùng lắm chỉ có thể giả vờ khôn theo một cách ngu dốt mà thôi!
Vũ Thanh Hòa
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: