Về mối quan hệ giữa tính mạng và chính nghĩa, Mạnh Tử cũng đưa ra một thí dụ thú vị, ông đem tính mạng so sánh với món cá, còn chính nghĩa thì ông so sánh với bàn tay gấu. Ông nói ta thích ăn cá mà cũng thích ăn bàn tay gấu, nhưng nếu không được cùng ăn cả hai thứ, thì tất nhiên ta bỏ món cá mà ăn món tay gấu.
Mọi người đều biết rằng cá là một món ăn bình thường, chẳng có gì là kì lạ. Nhưng bàn tay gấu lại khác hẳn, không những nó có vị ngon lạ lùng mà lại còn hết sức khó kiếm, vì gấu là một loài rất khó gặp mà săn được nó đem về thì lại càng khó. Do đó từ thời cổ bàn tay gấu vẫn là thứ quý hiếm trong số các món ăn, và vì gấu ở trong núi sâu cho nên bàn tay gấu được gọi là một thứ sơn hào.
Tất nhiên các món sơn hào không chỉ có bàn tay gấu mà thôi, có người còn tổng kết lại nói rằng ngoài tay gấu ra, các món có được ở nơi sơn dã như bướu lạc đà, đầu khỉ, ếch nhái, môi đười ươi, bào thai báo, đuôi tê giác, gân hươu, cũng có mùi vị rất ngon. Vì thế các món nói trên được gọi gộp lại là "sơn bát trân" (tám món quý trên núi).
Người ta lại còn tổng kết trong các loài chim có "cầm bát trân"(tám loài chim quý), trong các thứ thực vật có "thảo bát trân" (tám thứ cỏ quý), thủy sản thì có "hải bát trân" (tám thứ hải sản quý), ngoài ra lại phân biệt thượng bát trân, trung bát trân, hạ bát trân. Cuối cùng tất cả các món ăn nổi tiếng nhất nấu bằng các vật quý tìm thấy được trên núi và dưới biển, được gọi chung tất cả là sơn hào hải vị.
Sơn hào hải vị là những thứ món ăn khó kiếm, có mùi vị rất ngon, giá tiền lại rất cao. Thời cổ xưa nếu tìm thấy được thì đều phải dâng nộp cho các đế vương thụ hưởng. Ngoài ra nói chung chỉ có các vương tôn quý tộc và những con người phú quý thì mới có dịp được thưởng thức. Nhưng ngày nay, theo với đà tiến bộ của xã hội, mức sinh hoạt của nhân dân đã được nâng cao, thì trong các thứ sơn hào hải vị, nhiều món đã thấy được bầy trên bàn ăn của những nhà bình thường.
KHANG BÌNH
No comments:
Post a Comment