Có lẽ điều mà nhiều người đầu tiên nghĩ tới là cần phải xét quần áo to hay nhỏ (dài, ngắn, rộng hẹp) và nếu nghĩ như thế thì cái to sẽ là nam và cái nhỏ sẽ là nữ, hoặc có người sẽ tìm kiếm những sự khác nhau nhỏ về kiểu dáng : có nhiều phần truyền thống thì là nam, có nhiều phần đổi mới thì là nữ.
Tất nhiên các cách như thế để phân biệt phục trang của đàn ông và đàn bà thì cũng có lí lẽ nhất định, song những người trong nghề thì dứt khoát sẽ chỉ xem vị trí của các khuyết áo. Nếu là áo của đàn ông thì lỗ khuyết ở tà bên trái, còn khuy thì ở tà bên phải. Còn áo của đàn bà thì trái ngược lại, khuyết ở tà bên phải còn khuy ở tà bên trái. Ở Trung Quốc như thế mà ở nước ngoài cũng như thế.
Ở phương Tây các khuy áo đầu tiên đã xuất hiện như những vật trang sức. Đến khoảng thế kỉ XIII, các chi tiết trang sức ấy mới trở thành những khuy áo thực sự và có mặt trên trang phục của nam giới cũng như nữ giới.
Theo truyền thuyết thì cánh đàn ông trong các gia đình quý tộc của thời kỳ Trung thế kỷ, bên lưng họ phải đeo kiếm, khi khuy áo đính ở tà bên phải, còn tà áo bên trái không có gì, nếu dùng tay phải thì có thể rút kiếm ra ở bên trái mà không gặp trở ngại gì cả, rất là thuận tiện, ngoài ra ở châu Âu mùa đông rất lạnh, muốn bảo vệ cho bàn tay phải cầm đao kiếm khỏi bị lạnh giá, thì nếu khuyết áo ở tà bên trái, tay phải sẽ có thể thọc vào trong tà áo để được ấm áp.
Còn chuyện khuyết áo của phụ nữ ở bên phải thì đó là vì đàn bà con gái trong xã hội thượng lưu thời bấy giờ, những khi mặc áo họ phải có những người đầy tớ gái giúp việc. Để tiện cho những người đầy tớ gái có thể đứng đối diện với chủ mà dùng tay phải để cài khuy áo, khuy áo tất nhiên phải đính trên tà áo bên trái, còn khuyết áo thì chỉ có thể làm ở tà bên phải.
Ngoài ra khi phụ nữ cho con bú, nói chung họ thường dùng bên tay phải khỏe hơn để ôm lấy con, nếu khuy áo ở tà bên trái thì dùng tay trái cởi áo sẽ dễ hơn.
Do các nguyên.nhân kể trên đã hình thành tập quán khuy áo của đàn ông thì đính ở bên phải, còn khuy áo của đàn bà thì đính ở bên trái.
HIỂU BA