1. Bệnh nổ là gì?
Bệnh này không có trong y văn thế giới và cũng không có trong từ điển. Nên không thể định nghĩa và cũng không có hồ sơ bệnh án, không có cách điều trị bằng thuốc.
2. Đối tượng nhiễm bệnh:
Bệnh nổ xuất hiện trong một thời đại mà ở nơi đó đồng tiền, danh vọng và thân thế con người được tôn vinh, còn giá trị về đạo đức và tài năng đích thực của con người bị xem nhẹ. Do đó ta dễ kết luận được rằng đối tượng nhiễm bệnh không phân biệt giới tính nên các ông thích được trọng vọng và các bà thích được tung hê chắc chắn đều bị mắc phải. Bệnh nổ thường xuất hiện ở những người thiếu tự tin hoặc muốn lợi dụng người khác. Bệnh lại có tính lây lan vì người đời vẫn thường bị "con gà ghét nhau tiếng gáy". Cũng bởi như vậy nên bệnh không thể lây nhiễm sang các bậc chính nhân quân tử vì ở họ chất đề kháng với virus bệnh nổ rất cao.
3. Các thể loại nổ:
- Nổ thân thế: con bệnh thường trưng bày các thể loại chức tước, người nổi tiếng, quyền thế danh gia vọng tộc.... của gia đình hoặc bà con họ hàng hang hốc, bạn bè, những mối quan hệ có tầm xa trên mấy phát đại bác, thậm chí có khoảng cách đến vài ngàn năm ánh sáng. Trong phạm trù này thì con bệnh có biểu hiện hay phát thanh bất tử khi ở chỗ đông người, nếu thấy mọi người há hốc miệng ra để nghe và tròn xoe mắt tỏ vẻ thán phục thì mọi người sẽ còn bị tra tấn thêm bằng âm thanh. Hoặc một biểu hiện khác là chụp hình với nhân vật tai to mặt lớn nào đó rồi phóng to tấm hình treo chần dần ngay giữa cửa chính cho chúng sinh còn trông vào.
- Nổ tiền bạc giàu sang: con bệnh thường khoe những gì mình có và thậm chí họ không quên những thứ họ không có. Tiện thể khoe luôn tiền bạc của những người quen biết và rất lấy làm hãnh diện vì mình được quen biết với những người có tầm cỡ như vậy; họ hãnh diện như thể khối của cải tiền bạc và danh vọng của người khác là của chính họ vậy.
- Nổ khoe con cái, nhà cửa, của cải, năng lực và địa vị bản thân: ôi! Về lãnh vực này thì tha hồ nổ với muôn màu muôn vẻ. Nào là con cái làm đến chức gì, lương tháng bao nhiêu. Trong nhà xài những món đồ gì, giá cả bao nhiêu, ăn những thức ăn gì....
Có những người mới phất lên nhờ trúng vài chuyến buôn bán đất đã vội xây ngay ngôi nhà đủ các kiểu và bắt thằng con đi học đàn để chứng tỏ rằng họ đã gia nhập tầng lớp thượng lưu. Rồi khi khách đến thì lại bắt đứa con ngồi bên cây đàn tra tấn khách.
Lại có người ít học nhưng nhờ có chút năng khiếu nên được nổi tiếng trong giới sô-bít và có được người chồng biết làm ăn nên cũng phất lên. Vì vậy họ phải nâng cấp lên hàng trí thức bằng cách họ chưng trong phòng khách hàng bao nhiêu sách về mỹ học, thần học, tâm lý học và nhiều loại có chữ "học" khác. Bên cạnh là chiếc đàn piano mở sẵn bàn phím và trên đó là cuốn sách học nhạc đang mở ra đúng cái trang rắc rối phức tạp khó đàn nhất. Chưa hết! Lại còn một cái giá vẽ với bức tranh đang vẽ dở dang (!) thì có chết không chứ?!
Nói về giới sô-bít lại nhớ tới một anh ca sĩ nọ, tên tuổi cũng vừa phải nên tiền cát-sê cũng khiêm tốn. Nhưng mỗi lần đi diễn anh bảo người phát tiền ghi tiền thù lao của anh gấp nhiều lần cao hơn để chứng tỏ anh là người nổi tiếng. Để cho xứng với tầm cỡ của người nổi tiếng nên anh phải mướn xe hơi đi diễn, mướn thêm dàn múa phụ họa và mướn luôn cả một tốp người đóng vai fan hâm mộ để tặng hoa và gấu bông (tất nhiên là anh mua). Đương nhiên là thu không đủ để chi nhưng anh vui vì được sống trong vai người nổi tiếng.
4. Mục đích nổ:
Những người mắc bệnh nổ đều có chung một bệnh tưởng nên họ tưởng rằng khi họ nổ thì sẽ có bao nhiêu người cúi rạp theo từng hước chân đi của họ. Tưởng rằng ai ai cũng sẽ nể nang họ đến mức ớn lạnh. Bởi vậy bệnh nổ còn xuất hiện ở những người tâm thần phân liệt thể hoang tưởng điên điên khùng khùng. Mà cũng có người nể thật nên họ cũng nhờ đó mà kiếm được bao nhiêu mối lợi. Chuyện này sẽ được phanh phui ở phần sau.
5. Những bà con tương cận:
Bệnh nổ có họ hàng với bệnh sĩ.
PHẦN KẾT:
Ngoài chuyện được nể nang trọng vọng thì kết cuộc người mắc bệnh nổ được gì?
Lừa được người ta: Có người lừa được tình, có người lừa được tiền. Cũng có khi được cả hai. Và, đôi khi họ trở thành con mồi ngọt, rơi vô cái bẫy nổ văng miểng do tự mình cài đặt. Thí dụ chuyện này: Nàng kia sống ở nước ngoài làm nghề gom hụi và có một tổ hợp may giỏ xách với khoảng mười nhân công. Nhưng về nước thì nổ banh nhà lồng chợ, nàng tự cho rằng mình là đại gia với số tài sản kết sù. Tất nhiên là cũng có vài người vây quanh. Trong số đó nàng để ý đến một người và rơi tỏm vào bể tình với người ấy. Nàng cần tình nhưng anh ta cần tiền. Thế là nàng đại gia bỏ tiền ra mua nhà, bỏ vốn ra cho chàng làm ăn. Ngặt một nỗi là chàng không yêu nàng mà yêu nhiều anh chàng khác.
Tin mới nhận được là cái tổ hợp may giỏ xách đã không còn tồn tại vì nàng không đủ tiền trả cho nhân công nên người ta giải tán có trật tự. Còn cái nhà thì đã bị ngân hàng siết vì nàng không đủ tiền để trả góp.
Thế nhưng nàng vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt để đóng cho trọn vai Việt Kiều đại gia.
LỜI BÀN:
Người đời thường hay bảo "không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng". Thế nhưng người trần mắt thịt vẫn hay nhảy bổ vào bất cứ cái gì lấp lánh. Và cũng vì thế mà bệnh nổ vẫn cứ tồn tại và ngày càng phát triển.
Nghệ sĩ Xuân Hương
No comments:
Post a Comment