Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lần đầu tiên đi Chùa, cách đây khoảng nữa năm. Khi niềm tin mà Tôi xây dựng hai năm qua hoàn toàn sụp đổ, rơi vào trạng thái mất ngủ triền miên, đầu đau liên tục. Có đứa em bảo Tôi xuống chùa chơi đi, không cần làm gì cả, không cần lạy Phật, hay niệm Phật, đơn giản đến ngồi trong Chánh điện thôi cũng được. Chần chừ mãi, rồi cũng quyết định đi và Tôi cũng chỉ ngồi trong Chánh điện, cắm tai phone nghe nhạc, lúc em ấy gọi vào nói chuyện với Thầy, cũng không chịu vào. Và cũng không có cảm giác gì tốt hơn. Rồi dần dần tham gia những đợt phóng sanh, đi làm từ thiện, đi Chùa…với mục đích đơn giản “Chỉ cần cảm thấy vui là được” Tôi chỉ đang làm những việc làm cho cuộc sống của Tôi ý nghĩa và hạnh phúc hơn, vẫn chưa có một niềm tin nào cả.
Tôi cũng nói với Chị: “Tâm của em vẫn chưa hướng về Phật.” Chị bảo “Rồi sẽ tới một ngày em sẽ hướng về thôi.” Tôi là một kẻ cố chấp, chưa bao giờ Tôi nghĩ sẽ theo bất kỳ một Đạo nào, chị nói vì Tôi luôn tin vào chính bản thân mình, nhưng tới một ngày Tôi gặp sự tuyệt vọng nào đó, và ngay chính bản thân mình không còn tin được nữa thì lúc đó Tôi sẽ tìm đến một niềm tin khác là Phật Pháp. Tôi lại bướng cãi “Tại sao lại là Phật Pháp, nếu có ngày đó, em tìm một niềm tin khác không được sao?” “Ừ! Cứ để rồi xem, chắc chắn có ngày em sẽ hướng Phật.” Chị bảo: “Chị tìm đến với Phật Pháp đơn giản chỉ tìm một chỗ tựa, một niềm tin cho bản thân, tìm sự bình yên trong tâm hồn.”
Tôi bắt đầu tìm hiểu Phật Giáo và tôi tin vào triết lý Đạo Phật. Đó là những chân lý thực sự gần gũi với cuộc sống con người và không thể phủ nhận được những giá trị thực tiễn của Phật Giáo. Như Albert Einstein đã nói: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó.”
Tuy nhiên, Tôi hoàn toàn không hướng về Phật, chính bởi Tôi vẫn chưa thể hiểu được ý nghĩa của các nghi thức Đạo Phật. Ý nghĩa của cái việc tụng kinh, niệm Phật, ý nghĩa của những câu trì chú mà các Phật Tử thường nghe và tụng, hay đơn giản là ý nghĩa của việc khấn câu Nam Mô A Di Đà Phật. Và ngay cả những người mộ đạo, họ cũng không thể giải thích thuyết phục cho Tôi được ý nghĩa của câu “Om Mani Padme Hum”, chỉ biết rằng nó có một sức mạnh rất lớn. Tôi không hiểu cái mục đích của lễ Quán Đảnh tôi vừa mới tình cờ tham gia, ở đó hầu hết mọi người tham dự mục đích chủ yếu để cầu tài lộc, theo như Tôi biết thì Đức Phật không ban phát cho ai bất cứ điều gì, Đức Phật chỉ dạy cho chúng ta làm điều thiện, hướng tới những điều tốt, và từ những điều thiện đó chúng ta sẽ nhận được những phước lành. Thực tế, Có rất nhiều người thực hành tín ngưỡng và dâng hiến vật phẩm hiến tế chỉ để mục đích cầu mong được sự phù hộ. Tôn giáo theo nghĩa này được Einstein gọi là Tôn giáo sợ hãi.
Nếu chúng ta thi hành các nghi lễ tín ngưỡng mà thực sự không hiểu được nó để làm gì, nó có ý nghĩa như thế nào cũng giống như cái việc chúng ta đang chạy theo những trào lưu, chúng ta hành động như một cái máy mà không có suy nghĩ. Liệu nó có ý nghĩa gì không? Tôi tin mọi tín ngưỡng đều là những chân lý, mọi tôn giáo đều nhằm mục đích hướng con người giữ được nhân phẩm của mình, tất cả mọi đạo cũng đều hướng con người tới Chân – Thiện – Mỹ. Tôi rất thích câu nói của cậu bé Pi – 16 tuổi trong tác phẩm “Cuộc Đời của Pi” , cậu bé đi theo cả ba tôn giáo : Hindu, đạo Hồi và đạo Cơ Đốc. Khi bị mọi người phát hiện ra, các vị thầy cả của ba đạo cứ khăng khăng cậu ấy mới là tín đồ của họ, và lúc họ quay sang nhìn Pi, cậu ấy mới ngập ngừng nói: “Bác Gandhi có dạy mọi tín ngưỡng đều là chân lý. Con chỉ mong được yêu thương Thượng Đế mà thôi.”
Do đó, theo Tôi vấn đề là không phải bạn theo hay không theo Tôn giáo nào, mà vấn đề là bạn học được những gì từ các Tôn giáo ấy. Vấn đề không phải là Tâm của Tôi đã hướng về Phật hay chưa, mà vấn đề là Tôi học được những giá trị gì từ Phật Pháp.
Trang Nguyễn
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment