Trong «Tam Quốc diễn nghĩa», cố sự về Quan Vân Trường có thể nói là nhà nhà đều biết, cả phụ nữ và trẻ em cũng biết. Xin cảm tạ La Quán Trung và các tác giả đời sau đã yêu mến, đem Quan Vân Trường ra tả oai hùng oanh liệt như vậy, hào khí ngút trời.
“Kết nghĩa vườn đào”, “tam anh chiến Lã Bố” trong «Tam Quốc diễn nghĩa» đều là chuyện có thật, thế nhưng tình tiết là có chỗ khác. Ở đây chỉ xin đưa ra ví dụ “rượu ấm trảm Hoa Hùng” cho các độc giả yêu thích Tam Quốc.
Võ tướng thời cổ đại, phần lớn là có tính cách giống nhau, chính là giảng nghĩa khí. Hai bên đấu nhau, đều là vì chủ, thắng thì cũng phải thắng đường đường chính chính, thua thì cũng phải thua rõ ràng minh bạch, chết thì cũng phải chết oanh oanh liệt liệt.
Võ tướng thời cổ đại, phần lớn là có tính cách giống nhau, chính là giảng nghĩa khí. Hai bên đấu nhau, đều là vì chủ, thắng thì cũng phải thắng đường đường chính chính, thua thì cũng phải thua rõ ràng minh bạch, chết thì cũng phải chết oanh oanh liệt liệt.
Trong màn “rượu ấm trảm Hoa Hùng”, tác giả vì để làm nổi bật hình tượng chính diện của Quan Vân Trường, nên đã thêm nghĩa xấu vào cho Hoa Hùng. Kỳ thực Hoa Hùng là một Hán tử đội trời đạp đất, một anh hùng đường đường chính chính.
Mười tám lộ chư hầu phát binh vây Lạc Dương, trận đầu tiên chính là gặp phải tướng trấn ải Tị Thủy — Hoa Hùng. Khi ấy Hoa Hùng trước trận giao tranh giữa hai bên đã trảm mấy viên đại tướng, trong tâm không tránh khỏi có một chút đắc chí. Bởi vậy khi giao chiến với Quan Vân Trường, mới biết hôm nay đã gặp phải kình địch.
Trước trận đại chiến tại ải Tị Thủy, Hoa Hùng và Quan Vân Trường đã đấu với nhau ba trăm hiệp, bất phân thắng bại, đồng thời hai bên cũng rất bội phục võ công của đối phương. Như vậy vì sao Quan Vân Trường cuối cùng chiến thắng? Vấn đề nằm ở ngựa mà hai người cưỡi.
Chiến mã của Hoa Hùng là chiến mã không có điểm gì đặc biệt, do vậy khi hai ngựa xông vào nhau, theo quán tính, ngựa của Hoa Hùng phải chạy một đoạn mới có thể quay đầu chiến tiếp hiệp thứ hai. Còn ngựa của Quan Vân Trường gọi là Đăng Quải Loan Mã, loại ngựa này có một công phu, đó là ngay khi hai ngựa vừa mới xông vào nhau, nó đã có thể rất nhanh quặt lại. Có lúc nó chỉ dùng một móng chạm đất, còn ba móng kia dùng lực chuyển một cái, động tác càng nhanh. Đến khi ngựa Quan Vân Trường chuyển mình rồi, thì ngựa Hoa Hùng theo quán tính vẫn lao về phía trước. Quan Vân Trường bèn thừa cơ truy kích. Quan Vân Trường dùng sống đao đập một cái vào mông ngựa Hoa Hùng, ngựa đau quá lao về phía trước, Hoa Hùng bại trong một hiệp.
Hiệp thứ hai là Hoa Hùng truy Quan Vũ. Đăng Quải Loan Mã của Quan Vũ còn có một đặc điểm, đó là chỉ cần Quan Vũ cúi lên mình ngựa, vỗ nhẹ một cái vào cổ ngựa, thì ngựa biết chủ nhân có ý, mới cúi xuống một cái. Khi ấy Hoa Hùng tưởng ngựa Quan Vũ đã mất móng, bèn giương đao lớn lên, hướng sau đầu Quan Vũ mà chém. Trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, Quan Vũ giương đao chém vào móng trước ngựa của Hoa Hùng. Ngựa đã mất móng trước, chiến mã Hoa Hùng tự nhiên ngã xuống, chèn vào một bên đùi của Hoa Hùng. Khi ấy Thanh Long Yển Nguyệt Đao của Quan Vân Trường kề vào cổ của Hoa Hùng, trong nháy mắt đã trở thành lịch sử thiên cổ.
Phải nói rằng khi ấy Quan Vân Trường lấy đầu Hoa Hùng dễ như trở bàn tay. Vì sao ông lại chậm chạp không động thủ? Bởi vì Quan Vũ phải nghe xem Hoa Hùng có lời gì để nói không. Hoa Hùng thấy Quan Vũ còn chưa động thủ, mới biết Quan Vũ có dụng ý. Hoa Hùng nghĩ thầm: “Quan Vũ có khác, đúng là nghĩa sĩ, chi bằng nhân cơ hội này kết nghĩa huynh đệ với hắn, rồi chết cũng không muộn”. Bởi vậy Hoa Hùng nói: “Quan tướng quân, hai bên đấu nhau, đều là vì chủ. Tôi từ khi tòng quân tới nay vẫn chưa gặp ai có thể đấu với tôi ba trăm hiệp, hôm nay được chết dưới đao của Quan tướng quân, cũng là chết đúng chỗ vậy, chết như anh hùng. Trước khi Quan tướng quân động thủ, tôi có hai điều thỉnh cầu, không biết tướng quân có thể đáp ứng hay không”. Quan Vũ thấy Hoa Hùng đầy vẻ anh hùng khí khái, đúng là bậc Hán tử, mới nói: “Mời Hoa tướng quân cứ nói đừng ngại”. Hoa Hùng nói: “Tôi kiếp này chỉ hận gặp Quan tướng quân quá muộn, Quan tướng quân nếu không ghét bỏ kẻ bại tướng này, thì tôi nguyện kết tình huynh đệ với Quan tướng quân, không biết ý tướng quân thế nào?” Quan Vũ thấy lời nói Hoa Hùng tha thiết, liền đáp ứng, nói: “Quan mỗ tôi chính có ý như vậy. Tướng quân chết rồi, vợ con lớn bé nhà tướng quân, tôi sẽ chiếu cố như gia nhân nhà tôi vậy. Còn di thể tướng quân, tôi nhất định sẽ chiếu theo quy định trong quân, dùng lễ mà an táng. Vậy xin hỏi thỉnh cầu thứ hai của tướng quân là gì?” Hoa Hùng thấy Quan Vân Trường thẳng thắn chính trực, nên rất cảm kích, nói: “Tạ Quan tướng quân. Việc thứ hai, tôi bị trảm rồi, mười tám lộ chư hầu có thể thừa thắng truy sát binh sĩ của tôi, quân tôi không biết có thêm bao nhiêu vợ trẻ con côi nữa. Tôi chết rồi thì dù mười tám lộ chư hầu đắc thắng, thỉnh Quan tướng quân ngăn cản mười tám lộ chư hầu, đừng để họ làm hại binh sĩ của tôi”. Quan Vũ nghe xong, mới biết Hoa Hùng đúng là một vị nghĩa sĩ, bởi vậy lập tức đáp ứng thỉnh cầu thứ hai của Hoa Hùng. Nếu không phải trước trận doanh hai bên, thì vì tư tình, có lẽ Quan Vũ đã sớm thả Hoa Hùng đi rồi.
Quan Vũ giơ tay lên nói: “Đem rượu đến đây!” Quân sĩ phía sau lập tức mang hai chén rượu nóng tới, Hoa Hùng tay phải rút bảo kiếm vạch lên tay trái một đường, rồi lấy máu tươi nhỏ vào chén rượu. Hoa Hùng cố nén nước mắt vui mừng, đầy cảm xúc nói: “Đại ca, kiếp này hận gặp quá muộn, nếu như có kiếp sau, tôi nguyện cùng đại ca uống rượu nghìn chén, say ngã sa trường, tôi trước tiên kính đại ca một chén”. Hoa Hùng nâng cao chén rượu lên, ực một hơi toàn bộ hết sạch. Quan Vũ cũng cảm khái nói: “Hiền đệ, chúng ta tuy rằng đều vì chủ, nhưng hiền đệ khảng khái hiên ngang, xem thường cái chết, có khí phách của bậc anh hùng, khiến Quan mỗ rất cảm động, tướng sĩ toàn quân cũng đều rất cảm động. Tôi đã đáp ứng việc thì nhất định sẽ làm theo, nếu như có gì trái ý hiền đệ, thì trời tru đất diệt! Tôi cũng kính hiền đệ một chén”. Nói xong Quan Vũ nâng cao chén rượu lên, ực một hơi cũng hết sạch.
Khi ấy mặt trời dần khuất theo bóng chiều tà, những đám mây xanh tỏa ánh hoàng hôn, một trận gió thổi khiến cát vàng bay mù mịt, cờ quân bay phần phật, chiến mã hí vang. Tướng sĩ hai bên tận mắt chứng kiến màn ly biệt sinh tử, khảng khái bi thương của hai vị anh hùng cái thế.
Hoa Hùng ứa nước mắt vì mừng rỡ, quỳ gối dưới đất, hét lớn một tiếng: “Đại ca, xin nhận của tiểu đệ một lạy!” Hoa Hùng khấu đầu ba cái trước Quan Vũ. Quan Vũ cũng nước mắt lưng tròng, gối quỳ trên đất, bái Hoa Hùng ba bái: “Hiền đệ, đi đường bảo trọng!” Hoa Hùng vẫn quỳ gối, nói với Quan Vũ: “Đệ và đại ca tuy không sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, nhưng nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm. Đại ca, xin hãy động thủ”.
Khi ấy quả thực rất nghĩa khí, trước trận doanh hai bên, Quan Vũ không hề trói Hoa Hùng, mà Hoa Hùng hoàn toàn có thể thừa cơ chạy thoát về trận địa, tìm đường thoát thân, hoặc Hoa Hùng có thể rút kiếm đâm trộm Quan Vũ, thậm chí có thể chuyển bại thành thắng, nhưng hai người đều vô cùng thành thật nghĩa khí.
Quan Vũ đứng dậy, cởi chiếc chiến bào màu xanh lá ra, trải trước mặt Hoa Hùng, tay giương cây Thanh Long Yển Nguyệt Đao, chỉ thấy một luồng sáng sượt qua, thủ cấp của Hoa Hùng đã rơi vào chiến bào. Quan Vũ lại lạy ba lạy trước di thể của Hoa Hùng, rồi khoác lại chiến bào và nhảy lên chiến mã.
Khi ấy minh chủ Viên Thiệu của mười tám lộ chư hầu phát xuất mệnh lệnh, toàn quân xuất kích. Chẳng ngờ Quan Vũ lập tức giương đao lên, thét lên một tiếng: “Ai dám tiến thêm một bước, thì đừng trách đao của Quan mỗ vô tình!” Tướng sĩ hai bên đã sớm bị khí khái của hai vị anh hùng cảm động đến phục sát đất, giờ không còn tâm tư nào đánh trận nữa. Viên Thiệu thấy lòng quân đã bị Quan Vũ chiếm mất, chẳng bằng thu lại cái tình cá nhân, liền hạ lệnh thu binh.
Thực ra Quan Vũ trảm Hoa Hùng, nhưng không hề diệt mất uy phong của Hoa Hùng, mà khiến cái chết của Hoa Hùng tỏa ánh sáng chói lọi, hùng vĩ oanh liệt, hào khí ngút trời. Sự hy sinh của Hoa Hùng cũng tôn lên tấm lòng cao cả, đức độ chói sáng, nghĩa tới mây xanh của Quan Vũ. Tôi nghĩ đây chính là nội hàm chữ “nghĩa” trong «Tam Quốc diễn nghĩa».
Năm tháng trôi qua như bể dâu, lịch sử tựa như chuyển luân, sự việc năm xưa đã trải qua cả nghìn năm. Cố sự “rượu ấm trảm Hoa Hùng” lưu truyền đến nay, mà ký ức vẫn như còn mới mẻ, sáng chói như mới ngày hôm qua vậy.
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment