Wednesday, July 12, 2017

CHỢT THÈM TRÁI GIÁC NẤU CHUA...

Khi mùa mưa kéo về miệt bưng biền U Minh tưới tắm cho cây rừng đâm chồi nảy lộc, tôi lại nhớ đến món canh chua trái giác bà thường nấu cho ăn vào những ngày thơ bé. Bà tôi mê món canh chua trái giác như mê con người và vùng đất miệt bưng biền này. Món canh chua tuy giản dị ấy của bà đã thấm đẫm vào tuổi thơ tôi, theo tôi lớn lên cùng những buổi trưa hè hanh nắng, và bây giờ vẫn còn ngòn ngọt đầu môi tôi mỗi khi ký ức của những ngày thơ bè ùa về.


Chi giác bao gồm khoảng 45 loài, một số loài trong đó có giá trị tiện ích cho con người. Chúng được tìm thấy ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Á, châu Phi, Australia và các đảo của Thái Bình Dương. Ở nước ta, dây giác mọc hoang khắp nơi, dọc các hàng rào, cây bụi trong rừng, nhưng nhiều nhất là mọc quấn quanh những lùm cây ven sông rạch ở vùng rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ...


Dây giác là loài dây leo thân hóa gỗ, sống đa niên. Trái giác tròn, hơi dẹp, nhỏ và đơm thành từng chùm. Khi còn non, trái nhỏ như hạt đậu xanh. Càng lớn trái càng có màu xanh đậm đà và bóng bẩy. Trái chín chuyển sang màu đen thẫm, thịt trái màu tím như trái mồng tơi chín. Trái giác non có vị chua chát, nhưng càng lớn vị càng thay đổi, từ chua thanh đến chua ngọt. Bởi vậy, nhà nào thích vị canh kiểu gì thì chọn hái trái giác lứa đó về chế biến món ăn.


Bà tôi thì thích nấu canh chua với trái giác hường hường, nghĩa là bà chỉ chọn những chùm giác vừa chín tới. Bà nói những trái giác vừa chín tới như thế luôn làm cho nồi canh chua chua thanh và ngon hơn. Bà còn nói, người có kinh nghiệm chế biến ít khi chọn trái giác chín quá, bởi nó tạo màu nước dùng tím đen không đẹp mắt. Bà chèo ghe dọc theo bờ rạch, chọn hái những chùm trái già hoặc vỏ hơi hườm hườm về rồi lặt từng trái, sau đó rửa sạch để ráo. Cá rô, lươn hoặc cá lóc đồng cũng làm sạch, để ráo. Rau bà dùng để nấu canh chua trái giác thường là những ngọn rau muống đồng mọc hoang ngoài bờ ruộng, vườn tạp.


Chuẩn bị xong, bà bắc nồi nước lên nấu cho thật sôi rồi thả trái giác vào đến khi trái mềm rệu rã thì lược lấy trái ra tô. Sau đó, bà lại cho một ít nước sôi vào tô, dầm vừa tay cho trái giác nhuyễn từ từ, cho thêm một ít nước sôi nữa hòa vào phần đã dầm để lọc lấy nước và trút lại vào nồi canh đang nấu. Khi nước trong nồi sôi trở lại bà cho cá hoặc lươn vào, nhanh tay nêm nếm cho nồi canh chua vừa ăn với các gia vị quen thuộc rồi đợi cá chín cho tiếp rau vào. Nồi canh chua vừa ăn, cá và rau chín đều thì nhấc nồi xuống. Cắt nhỏ rau ngò om cho vào sau cùng để mùi thơm của rau dậy hơn. Chỉ đơn giản vậy thôi là bà đã hoàn thành xong nồi canh chua trái giác với cá hoặc lươn đồng ngon hết ý đãi cả nhà.


Ngoài dùng làm gia vị để nấu canh chua, kho cá để tạo hương vị cho những món ăn thêm ngon, dây giác còn có thể dùng làm thuốc trị một số bệnh thông thường. Theo Đông y, rễ dây giác có vị cay, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, làm săn da, trị nhọt phổi và đinh nhọt. Thân, lá và quả giác còn được nấu để lấy nước tắm trị rôm, sảy cho trẻ em cũng rất tốt.
Nguồn: Món Ngon Việt Nam