Tôi gọi đại là "xoài rừng" vì trái nhỏ xíu không lớn hơn cái trứng gà nhưng vàng lượm, thơm mùi xoài. Dùng tay lột vỏ, cắn vào ngọt lịm, toàn là thịt xoài thơm ngon và cái hột thì dẹp lép. Tuyệt vời, ngon lắm.
Xoài rừng VN thì sao ? Tôi chưa ăn qua nhưng hôm nay có món xoài rừng "tiến vua" nên post cho các bạn đọc chơi. (LKH)
MÓN TIẾN VUA, NGÀY ẤY - BÂY GIỜ.
Nhiều người đã thử mang giống cây trồng ở vườn nhà nhưng đều thất bại vì chẳng bao giờ giữ được hương thơm quyến rũ và vị ngọt dịu thanh của xoài Đá Trắng.
MÓN TIẾN VUA, NGÀY ẤY - BÂY GIỜ.
Nhiều người đã thử mang giống cây trồng ở vườn nhà nhưng đều thất bại vì chẳng bao giờ giữ được hương thơm quyến rũ và vị ngọt dịu thanh của xoài Đá Trắng.
Bà Trần Thị Nhạn đã sống dưới chân núi Bạch Thạch (núi Đá Trắng, ở xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) 72 năm nay. Năm nào cứ đến mùa xoài chín là bà chống gậy lên núi lượm xoài. “Bây giờ xoài bát ngát, không thiếu thốn như xưa, vườn nhà cũng trồng mấy cây nhưng không ở đâu xoài ngon như ở chùa Đá Trắng (tức chùa Từ Quang - PV)” - bà Nhạn nói.
Quả hiếm nơi cửa Phật
Ngày còn nhỏ, cứ đến mùa xoài chín, bà Nhạn và lũ trẻ trong xóm lên chùa từ lúc gà mới gáy để tranh nhau lượm xoài. Đứa nào đi muộn, chẳng nhặt được trái nào, mặt tiu nghỉu, hôm đó chẳng còn muốn chăn trâu. Ngược lại, có đứa đi sớm quá, trong bóng tối cứ thấy gì đen đen là chụp, nhiều khi chụp phải bãi phân bò nhưng chẳng dám nói, cứ lau vội xuống cỏ rồi tìm lượm xoài tiếp.
Sau khi lượm xoài xong, cả nhóm tập trung lại đếm quả. Đứa nào lượm được quả xoài to nhất, đẹp nhất thì không được mang về mà phải rửa sạch, tự đem lên cúng chùa. Nhiều đứa lượm được xoài mang về cũng chẳng dám ăn, chỉ cất đầu giường để ngửi.
Phú Yên có nhiều câu ca nói về loại sản vật tiến vua này. “Rủ lên Đá Trắng ăn xoài/ Muốn ăn tương ngọt thiên thai thiếu gì” hoặc “Cam Xuân Đài, xài (xoài) Đá Trắng, sắn phường lụa, cua Ô Loan”. Thế nhưng, ngay cả những người làm trong ngành văn hóa cũng không mấy người được nếm thử hương vị xoài Đá Trắng bởi theo Hòa thượng Thích Đồng Tiến, trụ trì chùa Đá Trắng, xoài ra trái rất ít. Đến mùa xoài ra hoa thì trắng rợp cả cây nhưng đậu chẳng mấy quả.
“Những cây xoài ở đây có điểm khác lạ là cho hoa trắng muốt, trái nhỏ nhưng khi chín có màu vàng tươi rất đẹp, vỏ mỏng, vị ngọt thanh, đặc biệt là hương thơm dịu nhưng thoảng rất xa, lại để được lâu” - Hòa thượng Thích Đồng Tiến cho biết.
Đến bây giờ, vẫn không ai có thể lý giải vì sao xoài Đá Trắng chỉ giữ được hương vị khi được trồng trong khuôn viên chùa Đá Trắng. Ngay cả những người dân sống dưới chân núi Bạch Thạch mang giống xoài Đá Trắng về trồng trong vườn nhà, đến khi ra trái cũng phải lắc đầu. Vì vậy mà “thương hiệu” xoài Đá Trắng hàng trăm năm nay chẳng thể bị giả, bị nhái như một số đặc sản khác.
Theo Hòa thượng Thích Đồng Tiến, có lẽ giống xoài chùa Đá Trắng thích hợp với nguồn nước trong vắt và ngọt mát trong vườn chùa và có khả năng hội tụ được những gì tinh túy nhất ở vùng linh sơn này.
Trở thành món tiến vua
Chùa Đá Trắng được Hòa thượng Pháp Chuyên (hiệu Diệu Nghiêm) lập ra từ năm 1797 trên đỉnh núi Bạch Thạch lung linh những cụm đá trắng, mặt hướng ra biển Đông, một bên là dòng sông Cái nước xanh biếc. Theo Hòa thượng Thích Đồng Tiến, nhiều khả năng xoài Đá Trắng có trước khi chùa thành lập, tức khi Hòa thượng Pháp Chuyên (hòa thượng đời thứ 36 phái Lâm Tế) đến đây lập am tranh để dịch kinh Hoa Nghiêm. Bây giờ, trong chùa vẫn còn những cây xoài cổ thụ thân to 2 người ôm không xuể.
Về việc xoài Đá Trắng tiến vua, trong sách “Đại Nam thực lục” có ghi: Mỗi năm, vào dịp Tết Đoan ngọ, Phú Yên phải dâng từ 1.000-2.000 quả xoài ở chùa Từ Quang. Tương truyền, trong một lần đi kinh lý, chúa Nguyễn Ánh cùng quân lính dừng chiến thuyền bên vịnh Xuân Đài (thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên ngày nay). Thấy thế núi Bạch Thạch đẹp lại lung linh những cụm đá trắng nên chúa Nguyễn Ánh lên đây vãn cảnh. Đúng lúc này đang vào mùa xoài chín, hương tỏa ngát cả một vùng rộng lớn.
Nhìn lên cây vẫn còn một vài quả chưa bị chim ăn, chúa sai người hầu lên hái, nếm thử. Quả xoài nhỏ, vàng ánh nhưng tỏa ra hương thơm quyến rũ. Chúa nếm đến đâu, vị ngọt thanh dịu cùng hương thơm lan tỏa đến đó, xua tan mệt nhọc. Về sau, khi lên ngôi hoàng đế, ông đã truyền cho phủ Phú Yên mang xoài Đá Trắng tiến vua mỗi dịp Tết Đoan ngọ.
Đã có rất nhiều câu chuyện được truyền tụng từ việc xoài tiến vua. Vì xoài Đá Trắng ít quả, lại tỏa hương thơm bay xa, đến mùa, lũ chim két ngửi thấy hương thơm bay về hàng đàn tranh ăn nên chỉ tiêu 1.000-2.000 quả tiến vua mỗi năm là một thách thức. Quan tri phủ giao cho quan tri huyện đích thân canh giữ, hái quả. Đã có quan tri huyện bị cách chức chỉ vì không đủ xoài tiến vua. Những quan tri huyện sau này phải cắt cử lính canh giữ, cả ngày lẫn đêm mắc võng dưới gốc xoài để đuổi chim, giữ không cho hái trộm. Đến khi hái quả cũng chỉ chọn ra dăm trái để chùa cúng Phật, còn lại mang về cho đủ số lượng tiến vua. Ngay cả quan tri phủ có năm cũng phải chịu nhịn thèm.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Chúc - một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian với hơn 20 năm nghiên cứu về đền, chùa miền Trung - việc xoài Đá Trắng tiến vua xuất phát từ quan Bố chánh trấn nhậm Phú Yên triều Nguyễn. Sau khi đến Phú Yên, một lần vị quan này đến thăm chùa vào mùa xoài chín nên được chùa cho thưởng thức hương vị thơm ngon của xoài Đá Trắng. Quan Bố chánh chọn mấy sọt dâng lên vua. Không ngờ vua thích quá, truyền ngay năm sau và những năm sau nữa phải dâng loài quả quý này.
Kể từ đó, xoài Đá Trắng cùng với trái bòn bon của Quảng Nam trở thành “nhị bảo ngự thiện”. Và cũng một phần nhờ sản vật này, chùa Đá Trắng được vua Thành Thái ban sắc tứ vào năm 1889 và được công nhận di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1997. Đến tháng 2-2014, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức trao bằng công nhận Cụm cây di sản đối với quần thể 20 cây xoài Đá Trắng hơn 220 tuổi trong khuôn viên chùa Đá Trắng.
(Sưu tầm trên mạng)