Monday, July 10, 2017

LA-VE CON CỌP

La-de Con Cọp: Mời anh nâng ly

Trước năm 1975, người miền Nam ít khi nói đến từ bia, mà nói là la-de nhưng viết thì là la-ve. Rủ nhau đi làm ít la-de, nhâm nhi la-de, mời anh nâng ly...



Khúc đường Phạm Ngũ Lão - Bùi Viện bây giờ là phố Tây ba lô, trước năm 1975 vốn là khu ăn nhậu sầm uất, chiều chiều bàn ghế bày ra đầy vỉa hè, khách bình dân hay trung lưu vẫn tạt vào. Món nhậu bình dân khoái khẩu của người Sài Gòn lúc đó là uống la-de Con Cọp nhắm với tôm khô củ kiệu (bây giờ thì cả la-de Con Cọp không còn và món tôm khô củ kiệu cũng dần mai một trên bàn nhậu). Giống như Honda được gọi cho xe máy, la-de cũng được gọi cho bia nhưng từ đâu mà lại có chữ la-de?

La-de từ đâu anh tới?

Giả thuyết thứ nhất cho rằng xuất phát từ cụm từ beer Lager, Lager là một dòng bia nhẹ kiểu Đức, nên người ta nói chệch từ lager thành la-de.

Giả thuyết thứ hai liên quan đến sự ra đời của hãng bia BGI làm ra bia Con Cọp. Lần ngược thời gian, năm 1875 hãng BGI được thành lập tại Sài Gòn bởi một sĩ quan hàng hải giải ngũ có tên Victor Larue. Tên BGI là viết tắt của Brasseries Glacières d’Indochine (hãng bia và nước đá Đông Dương, đến năm 1954 không còn Đông Dương nữa nên chữ “In” đổi lại là Internationales - Quốc tế), lúc đầu chủ yếu làm nước đá, sau mấy năm mới sản xuất bia và nước giải khát.

Sản phẩm bia Con Cọp bên cạnh hình con cọp trên nhãn, hai bên có hai chữ Pháp là Biere Larue, Larue chính là tên ông chủ hãng, phát âm theo tiếng Việt là la-ruy-ê đọc liền nhau, dân Việt đọc chệch đi thành la-de, rồi lâu dần bỏ luôn chữ bia, gọi la-de thôi và la-de cũng dần trở thành cách hiểu để nói về bia của người miền Nam.

Tùy mỗi người tin, còn bản thân tôi tin rằng chữ la-de xuất phát từ giả thuyết thứ hai.


Con Cọp làm trùm

Ngoài hai loại bia Bière Royale và Bière Hommel (loại nhẹ), hãng BGI sản xuất chính hai loại bia khác nổi tiếng hơn.

Loại thứ nhất là bia xuất khẩu, gọi là bia 33 Export, cái tên 33 đơn giản là do nó đựng trong chai có dung tích 0,33 lít. Bia này có độ cồn cao hơn nên vị uống đậm hơn. Trên nhãn bia ghi chữ bia theo nhiều ngôn ngữ khác nhau:Bière (tiếng Pháp), Beer (tiếng Anh), Bier (tiếng Đức), Bir (tiếng Indonesia), Birra (tiếng Ý)…

Loại thứ hai phổ biến nhất là bia Con Cọp, đựng trong chai có dung tích 0,66 lít nhưng không hiểu sao ở vỏ chai chỉ ghi dung tích là 0,61 lít. Đây là loại bia phổ biến được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, từ người lao động bình dân cho đến trí thức hay đại gia, từ nhà hàng đến quán cóc lề đường đều có hình ảnh của bia Con Cọp.

Binh lính và sĩ quan Việt Nam Cộng hòa cũng rất ưa chuộng bia Con Cọp nhưng giá mua cao, nên Chính phủ đã ký hợp đồng với BGI sản xuất bia với nhãn riêng để bán lại cho quân đội, cảnh sát và viên chức, giá rẻ hơn, gọi là bia Quân Tiếp Vụ.

Năm 1965, quân Mỹ đổ vào miền Nam, năm 1966 Mỹ xây dựng căn cứ Long Bình làm kho hậu cần khổng lồ phục vụ quân đội. Dân Tam Hiệp, Biên Hòa đua nhau mở cửa hàng ăn uống phục vụ nhu cầu lính Mỹ, trong đó có bán bia Con Cọp. Họ phát hiện ra lính Mỹ có bia lon riêng do quân đội cung cấp (phát hay bán rẻ gì đó) nhưng lính Mỹ chê, họ nói là chua và nhạt nên không thèm uống, mà đi mua bia Con Cọp uống. Điều này đủ thấy khẩu vị của bia Con Cọp cuốn hút ra sao từ ta đến Tây.


Chiến thắng thuộc về kẻ thừa kế

Sau năm 1975, BGI bị quốc hữu hóa và hãng mẹ BGI tiếp tục dùng nhãn hiệu này trên toàn thế giới, trong khi đó loại bia tại Việt Nam được Nhà máy bia Sài Gòn (tức BGI cũ) sản xuất ra theo công thức của bia 33 không được mang nhãn hiệu 33 vì đây là nhãn hiệu đã đăng ký toàn cầu, nên đổi là 333, chỉ thêm số 3 vào cho khác đi.

Đến năm 1991, BGI mới quay lại Việt Nam nhưng không giành lại thời huy hoàng, dù cho những tháng đầu tiên đã khiến bia Sài Gòn không bán nổi một két và sau cùng BGI phải bán lại cho Foster của Úc. Lý giải thất bại của BGI, đó là bia Con Cọp đã trở lại với chất lượng kém hơn xưa. Có hai nguyên nhân chưa hề được xác nhận chính thức:

Thứ nhất, BGI đã sử dụng công nghệ mới hiện đại, ủ men nhanh hơn nên mùi vị khác trước. Trong khi bia Sài Gòn vẫn dùng công nghệ cũ, lạc hậu của BGI trước đây nên vẫn giữ nguyên được chất lượng quen thuộc.

Thứ hai, lúc đầu BGI rất muốn liên doanh với bia Sài Gòn để sản xuất tại nhà máy cũ ở Sài Gòn nhưng không được, đành phải về Tiền Giang. Một bí quyết then chốt trong sản xuất bia Con Cọp trước đây chính là nguồn nước, ở Tiền Giang không có nguồn nước ngầm giống của nhà máy ở Sài Gòn nên chất lượng cũng không bằng. Điều này cũng tương tự rượu Bắc Hà nổi tiếng ở Lào Cai, khi người làm rượu ở Bắc Hà đi nơi khác làm rượu, cũng con người đó, công thức đó, nguyên liệu đó nhưng rượu không ngon vì dùng nguồn nước khác…

Thế nên kẻ thừa kế của bia Con Cọp lại đánh bại được chính chủ. Nhãn hiệu Con Cọp nổi tiếng năm xưa không còn nhưng hương vị của nó vẫn ở lại cùng các “bợm bia”.


Sự thật về bia Con Cọp Trái Thơm

Năm 1973, hãng BGI tung ra một nhãn hiệu mới, cũng chai 0,66 lít có hình con cọp nhưng hai bên có vẽ thêm hình ảnh dây leo và một trái tròn tròn khía vuông mà người ta thấy giống như trái thơm, nên người ta gọi là bia Con Cọp Trái Thơm. Điểm đặc biệt là bia này bỏ chung với các chai bia Con Cọp khác, cứ một két thì có một chai, có khi có 2-3 chai. Thiên hạ đồn đây là loại bia đặc biệt, ngon hơn loại thường nên tặng kèm theo một két để khuyến mãi khách hàng mua sỉ. Thành thử từ đó người ta hay mua cả két bia để được lấy chai “trái thơm”, trong bàn nhậu, bậc trưởng thượng, chủ xị… được ưu tiên uống chai này. Trong phân chia chất lượng bia của BGI thì bia Con Cọp Trái Thơm đứng đầu, sau đó tới bia Con Cọp thường và đứng chót sổ, bị chê nhiều nhất là bia Quân Tiếp Vụ.

Sự thực bia Con Cọp Trái Thơm có phải là loại bia ngon nhất?

TS luật Phan Văn Song, từng là trưởng phòng tiếp thị rồi giám đốc BGI từ năm 1973 đến 1976 tại Việt Nam, đã bác bỏ điều này. Ông nói: “Nấu hai loại bia đã tóe phở, hộc xì dầu. BGI đâu có hưỡn nấu ba, bốn loại còn vô chai vô cộ, đổi kíp đổi người. Phức tạp lắm. Nội cách đổi vỏ chai cho hạp với rượu cũng đủ hao tiền. Nhưng cắt nghĩa hổng ai tin”.

Vậy vì sao BGI lại tung ra nhãn bia chai Trái Thơm? Nguyên nhân này cũng được tiết lộ từ người trong cuộc: Năm 1973, BGI muốn thay đổi nhãn bia mới, để đỡ tốn tiền thuê họa sĩ thiết kế ở pháp như mọi khi, ông Song giao cho họa sĩ quảng cáo trong công ty vẽ. Cũng là nhãn Con Cọp cũ nhưng vẽ thêm hoa houblons (còn gọi là hốt bố - là loại hoa tạo ra vị đắng của bia), khổ nỗi họa sĩ chưa từng nhìn thấy hoa houblons tươi bao giờ, chỉ thấy hoa khô trong hãng nên từ đó tưởng tượng vẽ ra. Cả khâu duyệt cũng trót lọt vì dân marketing ngồi văn phòng có ai biết hoa houblons tươi thế nào. Đem qua nhà máy thủy tinh Khánh Hội đặt in trên 100.000 vỏ chai xong mang về nhà máy Chợ Lớn, mấy kỹ sư trong xưởng bia mới cười rần rần vì vẽ sai, thế là thôi không in tiếp nữa. 100.000 chai đã lỡ in sai không lẽ bỏ, thế là số chai này được phân công bỏ chen vào các két bia mỗi két một chai để phân tán ra.


Từ đâu dẫn đến diễn biến về bia Trái Thơm đặc biệt khiến thiên hạ lùng mua để uống? Cũng từ các Hoa kiều làm công việc phân phối bia của BGI mà ra. Người Hoa rất nhanh nhạy với các cơ hội làm ăn, họ chụp lấy sự kiện này để “bỏ nhỏ” với các đại lý: Bia Trái Thơm là loại đặc biệt, mỗi két chỉ có một chai nhưng nếu “nị” lấy hàng nhiều, chịu chi thêm thì “ngộ” sẽ thêm mỗi két vài chai, thậm chí muốn có cả một két toàn Trái Thơm cũng có… Quy tắc mỗi két một chai bị phá tan nhưng bộ sậu lãnh đạo ở BGI lờ đi, mặc cho nhóm nhân viên phân phối thao túng. Ai đời từ một sai sót kỹ thuật vớ vẩn như vậy lại được biến thành một sự kiện khiến nhãn hàng gây chú ý với người tiêu dùng miễn phí và khiến doanh số bán tăng vọt thì họa có… điên mới đi giải thích, đính chính (!).

Nói như vậy, không lẽ cả mấy vạn “bợm bia” không phân biệt được bia ngon, bia dở? Thật ra những ai hiểu về tâm lý học và marketing sẽ biết rằng cùng một sản phẩm nhưng nếu cho vào chai lọ, bao bì thật đẹp, bán giá cao… người ta sẽ cảm thấy nó ngon và tốt hơn cũng sản phẩm đó cho vào bao bì xấu hoặc giá rẻ. Đó cũng là lý do bia Quân Tiếp Vụ ngày xưa bị chê trong khi nó cũng “y chang” hai loại kia, chẳng qua là đặt sỉ giá rẻ mà thôi.

Phạm Trường Giang 
(Theo Plo.vn)