Monday, July 24, 2017

VÔ THƯỜNG (無常)

Trong nhiều bài kệ hay giảng giải về "vô thường" mà tôi đã đọc qua, bài này đơn giản nhất nhưng lại dễ hiểu và sâu sắc nhất. (LKH)


VÔ THƯỜNG
無常
Chúng ta vẫn thường nghe cũng như đã từng thấy vật đổi sao dời, bãi bể nương dâu, sáng còn chiều mất, hay sớm nở tối tàn. Chung quy những cái đó không ngoài hai chữ “Vô Thường”. Vậy mà mấy ai có thể nhận chân được.

“Cuộc đời rồi chẳng còn chi
Ruộng vườn nhà cửa có gì của ta
Trắng tay lòng mẹ sinh ra
Một hơi vĩnh biệt cũng là tay không”.
Đó chính là quy luật muôn thưở của nhân sinh trong vũ trụ, tất cả vạn vật đều theo định luật Vô Thường “Thành- Trụ - Hoại – Không, Sinh – Trụ - Dị - Diệt, Sanh- Lão – Bệnh – Tử” đã là con người làm sao tránh khỏi cái quy luật đó. Dù nghèo hèn hay giàu sang, địa vị rồi cũng bị vô thường chi phối khổ đau. Khi nhận thức được sự vô thường khổ đau ấy phải trực diện thấy rõ lý vô thường không có cái gì trường tồn vĩnh viễn,tâm thức sẽ xa lìa dục vọng ham muốn, tu hạnh viễn ly sẽ tiến đến giác ngộ giải thoát.
Vậy Vô Thường là gì?
Vô là không.
Thường là thường còn và tồn tại.
Vô Thường là không thường còn và không tồn tại, vậy cái gì không thường còn và tồn tại. Chính là vạn vật, vạn sự ở thế gian này.


Vô Thường có 3 nghĩa:
- Thân vô thường
- Tâm vô thường
- Hoàn cảnh vô thường
Thứ nhất “ Thân vô thường”: Nói đến thân vô thường thì nó sanh diệt từng giây từng phút, xâu chuỗi thời gian âm thầm đẩy đưa chúng ta tiến dần vào cõi chết.
Khoa học cũng đã chứng minh các tế bào trong cơ thể con người luôn luôn thay đổi làm cho ta mau lớn, chóng già rồi chết. Mỗi giây phút trong cơ thể đều có sự sinh – diệt không ngừng.
Chính vì vậy mà Cổ Đức có dạy rằng:

“Dép dưới giường lên giường vội biệt
Sống ngày nay khó biết được ngày mai
Mạng người hô hấp kinh thay
Nghĩ còn vĩnh biệt tuyền đài mà đau.”
Lời dạy tuy mộc mạc nhưng thiết thực, hàm chứa biết bao điều biến đổi của vô thường, nó không phán xuống cho những người bần cùng hà tiện cũng không hề sùng ái đối với những bậc chức trọng quyền cao, mà hễ có thân ắt sẽ bị vô thường chi phối. Do đó Tổ Quy Sơn có dạy: “ Vô thường lão bệnh bất dữ kỳ, triêu tồn tịch vọng sát na dị thế”.( Vô thường già chết không hạn cùng ai, sáng còn tối mất trong một sát na đã qua đời khác).


Khi xưa Đức Phật hỏi các vị Tỳ Kheo, mạng người trong bao lâu?
- Vị thứ nhất trả lời: Trong một ngày, Đức Phật lắc đầu.
- Vị thứ hai trả lời: Trong một bữa ăn, Đức Phật cũng lắc đầu.
- Vị thứ ba trả lời: Trong hơi thở, Đức phật bảo đúng vậy, mạng người chỉ trong một hơi thở mà thôi.
Thiền Sư Vạn Hạnh cũng nhắc:

“ Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thinh suy như lộ thảo đầu phô”.
Nghĩa là:

“ Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời
Xả chi suy thịnh cuộc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành”.
Bởi vì có thân nên khổ vì thân, chúng ta cũng vì nó mà bôn ba xuôi ngược tìm cầu miếng cơm manh áo cũng để nuôi thân, lại còn ốm đau đủ thứ. Thân đã vô thường như vậy Tâm có vô thường không?.
Thứ hai “ Tâm vô thường”: Thân đã thay đổi là thế. Tâm càng vi tế hơn , nếu không nhìn sâu vào vấn đề ắt khó mà thấy được.
Tâm niệm của chúng ta thay đổi từng phút từng giây, xuyên theo ngoại cảnh, vui đó rồi buồn đó, thương đó rồi giận đó. Phút trước ta nhớ chuyện này, phút sau ta nghĩ chuyện khác. Thật đúng như Đức Phật đã dạy: “ Tâm người như vượn chuyền cây, như ngựa rông nơi đồng nội”.


Tâm niệm ta sanh diệt trong từng sát na, và chính vì nó sanh diệt mau lẹ như thế nên ta có cảm tưởng như nó không bao giờ thay đổi.
“ Tâm do cảnh mà sanh
Cảnh do tâm mà thành”.
Như chúng ta thấy một cái hoa đẹp thì sanh tâm hái đem về làm của riêng, nhưng có giữ cho hoa đẹp mãi được đâu, rồi nó cũng chóng úa tàn theo ngày tháng.
Tâm là vậy đó, người xuất gia chúng ta cũng vậy, nếu không có chánh niệm thì sẽ không thấy được sự vô thường hoại diệt của vạn vật.
Trong kinh 42 chương Đức Phật có dạy: “ Tâm như độc xà ác thú, lửa dữ ,v.v….”.
Chính sự chuyển biến của dòng tâm thức mang đến một ảnh hưởng lớn lao cho kiếp sống, bởi có tâm nên mới có thân, bởi có thân nên hình thành thế giới vũ trụ và tất cả hoàn cảnh mà con người đa số nương vào hoàn cảnh đó mà sống, vậy hoàn cảnh có vô thường không?.
Thứ ba “ Hoàn cảnh vô thường”:Luật vô thường ở khắp mọi nơi chẳng những thân , tâm vô thường sơn hà đại địa cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng của vô thường.


Ngày xưa nhìn đâu cũng là ruộng đất mênh mông, núi rừng chập trùng hoang dã, nhà đất lợp tranh, khi hoàng hôn buông xuống thì heo hắt bóng đèn dầu, vậy mà giờ đây nhìn lại, trước mắt ta là một thành phố nguy nga tráng lệ, với ánh đèn rực rỡ muôn màu muôn sắc. Nếu không phải vô thường thì làm gì có được như ngày hôm nay, nhưng bên cạnh đó, con người hiện nay cũng chịu không ít- nhiều đau khổ vì thiên tai, lũ lụt tàn phá núi đồi thiên nhiên, tài sản của con người, triệt tiêu biết bao mạng sống của vô vàn sinh linh.
Dòng sông không thay đổi nhưng dòng sông cũng có khi lỡ khi bồi. Cũng vì hoàn cảnh vô thường mà có nhà văn đã viết: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.
Nghe qua có vẻ phi lý. Nhưng đó thật đúng. Vì chỉ trong chốc lát nước khi ta tắm sẽ trôi đi để thay thế cho dòng chảy từ trên nguồn xuống.
Hoàn cảnh kiếp người cũng thay đổi “ Không ai giàu ba họ , không ai khó ba đời”, lên voi xuống chó như áng mây trôi, như dòng chảy, như đóa hoa tươi đặt dưới ánh mặt trời. Chỉ trong phút chốc đã thay đổi nhanh chóng điển hình như nạn bão kinh hoang năm 1985 đã làm cho nhiều nhà màn trời chiếu đất, tan cửa nát nhà. Hay nạn hồng thủy 1999 cũng vậy.
Qua đây cho chũng ta thấy thân thì bị vô thường chi phối, tâm thì luôn luôn biến đổi, hoàn cảnh cũng theo dòng chảy mà hoại diệt. Chính vì vậy mà Kinh Bát Đại Nhân Giác Đức Phật có dạy:
“ Thế gian vô thường, Quốc độ nguy thúy. Tứ đại khổ không. Ngũ ấm vô ngã. Sinh diệt biến dị. Hư ngụy vô chủ. Tâm thị ác nguyên. Hình vi tội tẩu. Như thị quán sát. Tiệm ly sanh tử”.


Là người con Phật chúng ta phải quán ngọn lửa vô thường đang thêu đốt các pháp ở thế gian mà phải siêng năng tu tập theo dấu chân của các Ngài đã đi qua để được giải thoát và giác ngộ.

“Quán xem muôn pháp ở đời,
Dường như mộng huyễn có rồi lại không.
Kìa xem nhân loại thế gian,
Khác chi bọt nước sương cành ban mai.
Hữu sanh hữu biệt trần ai,
Đây là định luật không sai vô thường”.
Đạo Phật trong con 
(bài của Trung tâm Văn hóa Phật Giáo Liễu Quán.)