Saturday, July 8, 2017

TỰ THÁN - NGUYỄN DU


Nhắc đến Nguyễn Du ai cũng nghĩ ngay đến "Truyện Kiểu" thật ra Nguyễn Du còn có rất nhiều thi phẩm khác chữ Hán có, chữ Nôm có.
Thanh Hiên Thi Tập (清軒詩集) là tập thơ chữ Hán đầu tiên của Nguyễn Du. Tập thơ này Nguyễn Du làm trong thời kỳ còn hàn vi và có thể phân chia ra làm ba giai đoạn:
1. Mười năm gió bụi (1786-1795) là thời gian ông lẩn trốn ở Quỳnh Côi. 
2. Dưới chân núi Hồng (1796-1802), về ẩn ở quê nhà.
3. Làm quan ở Bắc Hà (1802-1804).
Khác với Bắc hành tạp lục là những bài thơ viết về cảm nghĩ của Nguyễn Du với những cảnh trí, địa phận ông đi ngang qua, về nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, phần Thanh Hiên thi tập nói về cá nhân Nguyễn Du và những tình cảm của ông trong hoàn cảnh đương thời.
Mời các bạn đọc một bài thơ trích trong Thanh Hiên Thi Tập:

自嘆 (其一)
生未成名身已衰
蕭蕭白髮暮風吹
性成鶴脛何容斷
命等鴻毛不自知
天地與人屯骨相
春秋還汝老鬚眉
斷蓬一片西風急
畢竟飄零何處歸



Tự thán (kỳ nhất)
Sinh vị thành danh thân dĩ suy
Tiêu tiêu bạch phát mộ phong xuy
Tính thành hạc hĩnh hà dung đoạn (1)
Mệnh đẳng hồng mao bất tự tri
Thiên địa dữ nhân truân cốt tướng
Xuân thu hoàn nhữ lão tu mi
Đoạn bồng nhất phiến tây phong (2) cấp
Tất cánh phiêu linh hà xứ quy



Than Thân (Dịch thơ: Đông A)
Sống chửa nên danh thân yếu rày 
Bơ phờ tóc bạc gió chiều bay 
Tính như chân hạc khôn đành cắt 
Mệnh tựa lông hồng chẳng tự hay 
Trời đất phú cho truân cốt tướng 
Xuân thu bù lại bạc râu mày 
Gió tây thổi ngọn bồng lìa gốc 
Không biết về đâu phiêu dạt đây


Chú thích:
(1) Hạc hĩnh: Ống chân hạc. Trang Tử nói:
"Chân le dù ngắn, nối thêm thì nó lo, chân hạc dù dài, chặt bớt thì nó xót"
(Phù hĩnh tuy đoản, tục chi tắc ưu, hạc hĩnh tuy trường, đoạn chi tắc bi 
脛雖短, 續之則憂, 鶴脛雖長, 斷之則悲, Trang Tử 莊子, Biền mẫu 駢拇). Ý nói không thể làm trái tánh tự nhiên. 
(2) Tây phong: Gió tây. Trong văn thơ,  Nguyễn Du thường nhắc đến gió tây, để ám chỉ nhà Tây Sơn.

Sơ lược tiểu sử tác giả:
Nguyễn Du 阮攸 (Sinh năm Ất Dậu 1765– mất năm Canh Thìn 1820), tự Tố Như 素如, hiệu Thanh Hiên 清軒, quê gốc làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh và trải qua thời niên thiếu ở Thăng Long. Cha là Nguyễn Nghiễm đã làm tới chức tể tướng triều Lê. Mẹ là bà Trần Thị Tần, vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, người xứ Kinh Bắc (Nguyễn Nghiễm có tám vợ, hai mươi mốt người con). Mười tuổi, Nguyễn Du mồ côi cha, mười ba tuổi mồ côi mẹ. Vì thế tiếng là con quan đại thần nhưng ngay từ thời thơ ấu Nguyễn Du đã phải sống vất vả thiếu thốn.
Ông là một nhà thơ lớn của Việt Nam, được người Việt kính trọng gọi ông là "Đại thi hào dân tộc". Năm 1965, Nguyễn Du được Hội đồng hòa bình thế giới công nhận là danh nhân văn hóa thế giới và ra quyết định kỷ niệm trọng thể nhân dịp 200 năm ngày sinh của ông.
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: