Loài lan thủy tinh có thân hoàn toàn trong suốt, không có diệp lục và cành nào cũng là hoa.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Thế (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam) cùng đồng nghiệp vừa công bố loài lan thủy tinh trong chuyến khảo sát tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa) hồi tháng 3/2016.
Loài này thường rất khó phát hiện vì không có diệp lục, chỉ mọc lên khi ra hoa kết quả rồi chết trong thời gian ngắn. Mặt khác, chúng bé nên rất dễ bị bỏ qua trong các đợt khảo sát thực địa. "Tôi nghĩ mình may mắn khi bắt gặp được loài này. Vì ít nhìn thấy nên ban đầu tôi nghĩ đó là loài mới, sau đó mang mẫu về phân tích, đối chiếu mới biết đó lan thủy tinh", ông Thế cho biết.
Lan thủy tinh có tên khoa học là Monotropastrum humile (D.Don) H.Hara, thuộc họ thực vật đỗ quyên Ericaceae, chứ không phải họ lan như tên gọi.
Lan thủy tinh dạng thân cỏ, mọc thành khóm nhỏ trên đất dầy mùn. Chúng cao khoảng 8-12 cm, trên thân của loài có lá dạng vảy dài một cm, rễ như san hô. Hoa cô độc ở ngọn, nghiêng và đôi khi hướng xuống dưới.
Chúng mọc trong rừng nguyên sinh, nơi có các loài cây hạt trần chiếm ưu thế như pơ mu, sa mộc dầu ở độ cao khoảng 1.300 m. Chúng mọc từ đất lên nơi có tầng mùn dày và hơi khô.
Tên gọi lan thủy tinh bắt nguồn từ đặc điểm của loài là toàn thân không diệp lục, màu trắng tinh. Khi già chúng chuyển màu tím nhạt, sau khô chuyển màu đen.
Loài có phân bố khá rộng, gần như khắp châu Á: Trung Quốc, Đài Loan, Bhutan, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Myanmar... Trên thế giới chỉ có hai loài trong chi lan thủy tinh, loài còn lại là Monotropastrum sciaphilum (Andres) G.D.Wallace mới phát hiện ở Vân Nam, Trung Quốc.
Trong "Cây cỏ Việt Nam" của giáo sư Phạm Hoàng Hộ ghi nhận lan thủy tinh phân bố ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Các ghi nhận sau này cũng ở vùng này. Gần đây có thông tin chúng phân bố ở dãy Hoàng Liên Sơn (Lào Cai).
Phạm Hương
Ảnh: Phạm Văn Thế
Nguồn: VNExpress
Link đọc thêm: