Wednesday, March 21, 2018

CHUYỆN NHÀ SƯ ĐI THỈNH KINH TRƯỚC CẢ ĐƯỜNG TĂNG

Tối nay 22/06/2014, đang xem bộ phim truyền hình Tây Du Ký phát sóng trên đài TVB Hong Kong (tuần sau mới kết thúc), tình cờ đọc được bài này. Thú thật mình chưa từng nghe qua từ trước cho đến nay, hồi nào tới giờ chỉ biết sư Tam Tạng đi thỉnh kinh và là nhân vật có thật, lúc mình đi Tây An ở Trung Quốc, hướng dẫn viên có đưa tới chùa cổ nơi Đường Tăng tu hành sau khi thỉnh kinh về. Xin chia sẻ với cac bạn, những ai cũng chưa từng biết như mình. (LKH)


CHUYỆN NHÀ SƯ ĐI THỈNH KINH TRƯỚC CẢ ĐƯỜNG TĂNG
Trước Đường Tam Tạng rất lâu, chính sư Huệ Viễn đã tổ chức những chuyến thỉnh kinh.
Người đời nhớ tới ông trong vai trò là vị Tổ đầu tiên có công truyền bá pháp môn Tịnh độ tông – một trong những phái phật giáo còn phổ biến nhất tại Trung Quốc cho tới thời điểm này.
30 năm ẩn mình tu tập ở Lô Sơn
Đại sư Huệ Viễn là người sống ở triều đại Đông Tấn, đời vua Thành Đế năm thứ 9. Sư Huệ Viện mang họ Giả, sinh ra ở Nhạn Môn, huyện Lâu Phiền, ngày nay là Đại Châu, tỉnh Sơn Tây. Ngay từ thuở nhỏ, Huệ Viện đã rất chăm chỉ đọc sách, tỏ ra là người có tố chất thông minh. Đến năm 13 tuổi, Huệ Viễn bắt đầu đến Hứa Châu tỉnh Hà Nam du học.
Với bản tính thông minh, nhanh nhẹn nên chẳng bao lâu Huệ Viễn đã thông thạo Lục Kinh và rất tâm đắc với giáo học của Lão Trang. Các bạn cùng học lúc bấy giờ của Huệ Viễn coi đại sư là tấm gương sáng, rất quý trọng Huệ Viễn và khâm phục tài học của ông. Cũng vì thế nên chẳng bao lâu sau tài năng của Huệ Viễn nổi tiếng khắp vùng.
Năm 21 tuổi, vì muốn nâng cao tầm hiểu biết của mình nên Huệ Viễn quyết định du hành đến Giang Đông tìm thầy học. Nhưng vì lúc ấy chiến tranh liên miên, đường sá lại rất khó khăn nên Huệ Viễn đành phải gác lại ý định này. Tuy vậy, lòng muốn học hỏi, cầu đạo của sư Huệ Viễn vẫn không suy giảm.
Ông luôn luôn mong ngóng được gặp một bậc minh sư để thỏa ước nguyện của mình. Thế rồi một thời gian sau đó, Huệ Viễn nghe tin có một đại sư tên là Đạo An đang xây dựng tu viện và giảng pháp ở Hằng Sơn nên vui mừng tìm đến đó. Khi vừa tới nơi thì gặp đúng lúc sư Đạo An đang giảng giải cho chúng tăng về “Kinh Bát Nhã”, Huệ Viễn nghe Đạo An giảng xong, thông suốt ngay, thấy đạo Phật cao diệu nên quyết tâm xuất gia làm sư, bái Đạo An làm thầy.
Sau khi xuất gia, Huệ Viễn chuyên tâm sớm hôm tụng đọc kinh Phật, không hề ngại khó, ngại khổ. Với bản chất thông minh, lại từng là người thông hiểu tư tưởng Nho, Đạo trăm nhà, Huệ Viễn không chỉ thấu hiểu rất nhanh giáo lý nhà Phật mà còn tự tìm cho mình cách lý giải riêng. Vì vậy, mới 24 tuổi Huệ Viễn đã lập đàn giảng kinh thuyết pháp.
Mỗi lần giảng đến đoạn nào các đệ tử không hiểu, Huệ Viễn lại sử dụng những tư tưởng Lão Trang hay Nho giáo để liên hệ so sánh giúp người nghe dễ dàng thông hiểu. Vì vậy, lúc bấy giờ, các buổi giảng kinh của Huệ Viễn thu hút rất đông các tăng chúng khắp nơi về nghe. Thấy đệ tử của mình không chỉ thông minh lanh lợi mà còn tự có cách lý giải riêng, Đạo An mừng lắm, ngầm khen ngợi Huệ Viễn rằng: “Đạo Phật sau này có được lưu truyền rộng rãi trên đất Trung Quốc có lẽ là nhờ Huệ Viễn này đây”.
Sau nhiều năm theo thầy tu hành, đến một hôm, Đạo An bắt đầu cho các đệ tử của mình tự đi truyền bá Phật pháp. Mỗi khi có một đệ tử nào đó quyết định ra đi, Đạo An cũng ân cần chỉ bảo những điểm cần phải ghi nhớ. Nhưng đến khi Huệ Viễn ra đi thì Đạo An không nói gì cả. Huệ Viễn tự nhiên cảm thấy tủi thân vì tự nghĩ bản thân mình từ khi theo thầy đã rất chăm chỉ không hề quản ngại điều gì, tu tâm học Phật nhưng khi dời đi thì thầy không hề nhắn nhủ như những đệ tử khác, lẽ nào thầy xem mình không xứng đáng được chỉ bảo?
Huệ Viễn băn khoăn lắm, cuối cùng quỳ xuống trước mặt Đạo An nói rằng: “Đệ tử đợi mãi mà không nghe thầy nhắn nhủ điều gì cả … phải chăng đệ tử chẳng đủ khả năng để được thầy giao phó?”. Lúc này đại sư Đạo An lúc này mới mỉm cười đáp rằng: “Người như thầy đây thì lão tăng còn gì để lo lắng nữa… Ta cũng không còn gì để nói cho thầy! Từ nay về sau nhất định thầy sẽ làm rạng rỡ Phật pháp. Thôi! Thầy hãy đi đi, rất nhiều Phật sự đang chờ thầy hoàn thành đấy”.
Nghe đại sư nói vậy, Huệ Viễn cảm thấy rất an lòng. Sau đó Huệ Viễn chia tay thầy Đạo An rồi cùng mười đệ tử đi về hướng nam đến Kinh Châu và dừng chân tại chùa Thượng Minh. Kế đó, ngài lại muốn dời đến núi La Phù nhưng khi đi qua Lô Sơn, thuộc tỉnh Giang Tây thấy cảnh vật núi này thanh tịnh rất thích hợp cho việc hành đạo của mình, nên quyết định ở lại, xây dựng tịnh xá Long Tuyền.
Vì có tiếng giảng giải giỏi nên chẳng bao lâu sau đó đã có rất nhiều tăng chúng đến theo học Huệ Viễn tại đây, lo sợ một ngày nào đó số lượng tăng chúng quá đông sẽ không có đủ cơ sở tu viện để hành đạo. Chuyện này đến tai Thứ sử Hoàn Y và Hoàn Y đã phát tâm ủng hộ Huệ Viễn hết mình. Thứ sử cho xây chính điện và rất nhiều phòng ngay bên phía đông núi Lô Sơn. Đây chính là ngôi chùa Đông lâm nổi tiếng trong lịch sử. Kể từ đó Huệ Viễn an tâm hành đạo tại Lô Sơn.
Đại sư ở đây 30 năm và chưa hề ra khỏi vùng này một bước. Gặp lúc cần thiết như đưa tiễn khách quý thì đại sư cũng chỉ tiến đến ranh giới suối Hổ Khê là cùng, tuyệt nhiên không đi quá Hổ Khê nửa bước. Nhờ Huệ Viễn mà chùa Đông Lâm đã trở thành một trung tâm phật giáo hùng mạnh nhất ở phương nam. Có rất nhiều tăng chúng xuất gia quy tụ về chùa Đông Lâm, trong số ấy có cả các bậc hiền tài.
Chuyện kể rằng ở Lô Sơn có rất nhiều rắn độc, đã có nhiều người dân ở trong vùng bị rắn cắn nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí là bỏ mạng. Nhưng từ khi có chùa Đông Lâm, các loài rắn độc đều trở nên hiền lành, ngày lẫn đêm quy tụ xung quanh chùa để nghe đại sư giảng kinh. Người đời cho rằng chính lòng từ bi của đại sư đã cảm hóa loài rắn độc. Cũng chính bởi chuyện này mà đại sư Huệ Viễn được người đời tôn hiệu là Bích Xà Thánh Giả. Rồi trong khi đang xây chùa, sau một đêm gió bão, sáng ra người ta thấy cát đá, cây gỗ chất đầy sân, sẵn sàng để cất chùa.
Vị đại sư có chuyến thỉnh kinh trước cả Đường Tam Tạng
Chuyện kể rằng, khi ở Lô Sơn, sư Huệ Viễn thấy ở phương Đông Phật pháp phát triển rất nhanh song kinh sách thì lại rất thiếu. Những bộ kinh sách được các nhà sư Ấn Độ mang vào Trung Quốc thường không đầy đủ và đã được dịch ra ngôn ngữ của người Trung Quốc để tiện cho việc truyền giáo vì vậy thường không chính xác. Nhiều chuyến thỉnh kinh của các nhà sư từ Trung Quốc trước đó cũng không đem lại nhiều kết quả vì đường xá xa xôi, cách trở, ngôn ngữ lại bất đồng.
Huệ Viễn nghĩ rằng, nếu như muốn truyền bá đạo Phật thì nhất định phải có những bộ kinh sách được dịch một cách đầy đủ và chính xác. Vì vậy, ông đã bàn với những người đệ tử của mình tổ chức một chuyến “tây du” để “thỉnh kinh”. Cuối cùng, Huệ Viễn sai các đệ tử là Pháp Tịnh và Pháp Lĩnh cùng nhiều người khác vượt ngọn núi Thông Lãnh cao ngất sang đất Tây Thiên lấy về những bộ kinh nguyên bản bằng tiếng Phạn.
Sư Huệ Viễn lúc đó cũng muốn tự mình sang Thiên Trúc cùng với các đệ tử, tuy nhiên, vì tuổi đã cao, đường xá lại quá xa xôi và nguy hiểm nên Huệ Viễn đành giao trọng trách này cho hai người đệ tử thân tín nhất của mình. Trải nhiều năm vượt suối băng ngàn, dãi nắng dầm sương, chịu đủ mọi nỗi khó khăn trở ngại, đoàn thỉnh kinh từ chùa Đông Lâm của Bạch Liên Xã cũng đã trở về mang theo một số lượng lớn những sách kinh điển từ quê hướng đức Phật.


Tuy nhiên, khi đã có được những kinh sách nhà Phật thì một vấn đề khác lại nảy sinh, đó là tất cả những kinh sách này đều bằng tiếng Phạn vậy ai sẽ là người có thể dịch được những kinh sách này một cách chính xác nhất. Bản thân Huệ Viễn không phải là một người thạo tiếng Phạn, hơn nữa, Huệ Viễn cho rằng, những người có thể dịch kinh sách Phật giáo chính xác nhất chính là những nhà sư Ấn Độ đến Trung Quốc truyền giáo.
Chính vì vậy, Huệ Viễn không quản khó nhọc tìm kiếm khắp nơi trên cả nước để mời các đại sư Ấn Độ về Đài Bát Nhã tại Lô Sơn mà ông lập ra để tổ chức biên dịch kinh sách nhà Phật. Đây cũng là trung tâm dịch thuật tư nhân đầu tiên trong lịch sử.

Chuyện kể rằng, khi nghe tin một vị đại sư của Ấn Độ đến Trung Nguyên, từ tận vùng Lô Sơn xa xôi nhưng Huệ Viễn đã tức tốc sai đệ tử của mình là Đàm Ung vượt đèo lội suối đến Trường An để tìm vị đại sư nọ. Bản thân Huệ Viễn còn viết một lá thư dài khẩn thiết nhờ vị đại sư này đến Lô Sơn giúp mình dịch kinh sách nhà Phật nhằm truyền bá Phật pháp cho các thế hệ sau.
Chính nhờ sự nhiệt tình và hết lòng cho sự nghiệp xiển dương Phật pháp, Huệ Viễn đã lấy được lòng rất nhiều các đại sư đến từ Ấn Độ cũng như những người Trung Nguyên từng đến Trung Quốc và biết tiếng Phạn. Công lao của Huệ Viễn đối với sự nghiệp phiên dịch và truyền bá các kinh sách Phật giáo vì vậy không hề kém so với công lao của Đường Tam Tạng sau này.
Có thể nói, trước Đường Tam Tạng hàng nhiều thế kỷ, chính sư Huệ Viễn đã tổ chức những chuyến “thỉnh kinh” và chuyển dịch kinh điển Phật giáo với quy mô rất lớn.
Đạo hạnh tuyệt vời
Đại sư Huệ Viễn chí bền hơn đá, đạo hạnh cao vời, chẳng quyền thế nào có thể uy hiếp và chẳng có vinh hoa nào có thể cám dỗ được ông. Là một đại sư, ông chỉ làm những điều mà một người Tăng sĩ phải làm, không hề lấy lòng mọi người, cũng không lui tới nhà quyền quý. Chuyện kể rằng, thời đó đang là thời đại chuyên chế, quyền uy của đế vương là cao tột nhất, chẳng ai dám trái lệnh. Nếu vua đến đâu thì quan dân ở đó nhất định phải xuống đường tung hô vạn tuế ba lần.

Nhưng đại sư Huệ Viễn thì không làm như vậy, lúc vua Tấn An Đế từ Giang Lăng về kinh đô, quan Phụ quốc Hà Vô Kị bảo sư đến bờ sông nghênh giá nhưng sư cáo bệnh không đi. Thế nhưng vua Đế không những xem chuyện này là phạm thượng với mình, trái lại còn viết thư đến vấn an đại sư Huệ Viễn, vua viết: “Nghe đại sư bệnh nặng chưa khỏi, trẫm rất băn khoăn! Đại sư ẩn mình tu học ở chốn núi rừng lại mắc bệnh nặng, đường sá xa xôi trẫm không đến thăm được, chắc đại sư trách trẫm lắm!”.
Nhiều người cho rằng chính đạo đức của đại sư đã khiến nhà vua khâm phục và không hề tỏ ra trách cứ, trái lại còn hỏi han quan tâm đến sức khỏe của đại sư.

Rồi khi tể tướng Hoàn Huyền đi đánh dẹp Ân Trọng Kham, nhân lúc hành quân ngang núi Lô Sơn, ông ta yêu cầu đại sư Huệ Viễn ra khỏi Hổ Khê để gặp mặt. Ai cũng nghĩ một người quyền cao chức trọng lẫy lừng như Hoàn Huyền thì chẳng ai dám từ chối việc đến bái kiến. Song cũng như với nhà vua, sư Huệ Viễn đã thoái thác đang bệnh không thể đến được, chứ không phá lệ để ra khỏi Hổ Khê tiếp khách.
Kết quả là Hoàn Huyền tự động lên núi xem đại sư Huệ Viễn rốt cục là người như thế nào. Ban đầu trên đờng đi ông ta kiêu ngạo nghĩ rằng sẽ không hành lễ đại sư, bởi việc ra bái kiến mình cũng còn từ chối nữa là. Nhưng vừa thấy phong thái thanh thoát của đại sư, Hoàn Huyền bất giác cúi chào rất cung kính. Lúc lên núi, trong thâm tâm Hoàn Huyền cũng đưa ra nhiều câu hỏi đế vấn nạn đại sư, nhưng mới đàm luận với đại sư được một lúc thì ông ta chẳng dám đưa ra một câu hỏi nào nữa. Chỉ cảm thấy đại sư quá vĩ đại còn mình thì bé nhỏ, hạn hẹp.
Do đó sau khi xuống núi, Hoàn Huyền đã nói với mọi người rằng: “người như đại sư Huệ Viễn thật từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ ta chưa từng gặp qua, ngài đúng là một bậc cao tăng thạc đức!”.
Về sau tể tưởng Hoàn Huyền ra lệnh sa thải tăng chúng nhưng ông cẩn thận dặn quan sở thuộc rằng: “Những sa môn làu thông kinh điển, bàn luận thao thao nghĩa lý hoạc trai giới thanh tịnh thì giữ lại cho hành đạo, những vị nào không đủ các điều trên thì cho hoàn tục. Riêng Lô Sơn là nơi hội tụ các vị đạo hành siêu thoát thì không nằm trong quy định trục xuất đề ra”.
Theo truyện kí thì pháp sư Huệ Nghĩa là người cương trực, không kiêng dè bất cứ điều gì, ông ta không tin đại sư Huệ Viễn có đạo phong và tiếng tăm như vậy nên đã đến xem thử sư Huệ Viễn là người thế nào. Pháp sư Huệ Nghĩa bảo với Huệ Bảo – đệ tử của đại sư Huệ Viễn rằng: “Các ông đều là hạng người tầm thường nên mới dốc lòng bái phục đại sư Huệ Viễn. Còn ta thế nào nhỉ? Ôi! Chắc chắn ta không hành sự như các ông đâu!”.

Nói thì vậy, chứ khi đến Lô Sơn gặp lúc đại sư giảng kinh pháp hoa, mấy lần Huệ Ngĩa định vấn nạn nhưng cuối cùng vì trong lòng quá run sợ nên một câu cũng chẳng dám hỏi. Đó là câu chuyện ngài Huệ Nghĩa khâm phục đại sư Huệ Viễn.

Đại sư Huệ Viện ở Lô Sơn hơn 30 năm nhưng đại sư không lúc nào rời khỏi núi, và bước chân cũng chưa từng in dấu nơi chốn phàm tục. Trong hơn mấy mươi năm ấy, đại sư trước sau cố nhiên không bao giờ sao nhãng việc hoằng dương phật pháp. Đối với sư tu trì bản thân đại sư cũng không để gián đoạn trễ nải.
Nhưng sinh lão bệnh tử là quy luật muôn đời, đại sư Huệ Viễn cũng không ngoài lẽ thường tình kia. Do đó, đến tháng 8 năm thứ 12 niên hiệu Nghĩa Hy đời Tấn, đại sư Huệ Viễn có bệnh nhẹ. Trong thời gian sư bị bệnh, chư tăng khuyên sư dùng thuốc rượu để điều trị, sư khước từ bảo nguyện giữ giới luật hoàn toàn thanh tịnh.

Các đại đức thỉnh sư dùng cơm nước, sư nói không thể được vì đã quá ngọ. Chư trưởng lão yêu cầu sư tạm dùng mật, đại sư bảo hãy giở luật xem có đề cập đến điều này không. Và khi tra cứu chưa xong thì đại sư đã viên tịch. Ông thọ 83 tuổi.


Về cái chết của đại sư Huệ Viễn có rất nhiều điều thần kì, người ta nói rằng, ông đã trông thấy đức Phật trước khi viên tịch. Đức Phật nói với ông rằng: “Sau bảy ngày nữa ngươi sẽ được sinh về nơi cực lạc”. Đúng bảy ngày sau đó, Huệ Viễn qua đời. Chẳng biết chuyện này đúng sai ra sao nhưng có một điều chắc chắn rằng, nó chứng tỏ Huệ Viễn có một sức ảnh hưởng vô cùng lớn đối với các tín đồ của Phật giáo.
Theo Kiến Thức

No comments: