Bạn đọc nếu có hảo ý theo dõi các hoạt động truyền thông của tôi thì đã ít nhiều có thể ghi nhận tôi là nhà điều trị không đặt nặng giá trị tuyệt đối vào các hình thức kiêng khem đơn điệu. Theo tôi, chức năng của thầy thuốc là trị bệnh cho dứt, trị bệnh cho sớm, trị bệnh cho hay. Nếu người bệnh tìm đến thầy thuốc trong cảnh não nề tuyệt vọng chỉ để nhận thêm một bản giới răn khắc nghiệt nào đó, thì “thầy thuốc”, cho dù có được bệnh nhân lịch sự ưu ái đặt tên như thế, chỉ mới làm “thuốc” nhưng quên làm “thầy”.
Tuy nhiên, tôi đành phải phá lệ một lần vì khó lòng tách khỏi khuôn khổ kiêng khem với nội dung bài viết lần này, cho dù ai đó có ráng sức biện bạch “nam vô tửu như kỳ vô phong”.
Nếu luận về tầm nguy hại của rượu mạnh trên gan, thận, thần kinh, tâm lý… thì đúng là làm mất thời giờ của bạn đọc vì trước tôi đã không có không biết bao nhiêu nhà khoa học mổ xẻ vấn đề này đến tận chi tiết cuối cùng. Bỏ công bài bác men cay thì nhiều nhưng thành quả lại rất khiêm tốn, vì rượu vẫn được bày bán nhan nhản. Nhắm mắt cũng đoán được, đường biểu diễn con số đối tượng nghiện rượu, viêm gan, xơ não… sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn dân số trên các nước nghèo! Thôi thì đành bó tay làm ngơ với rượu mạnh để bàn về… bia! Nước Đức thường ví von như xứ sở của bia. Sai, nếu nhìn cảnh hè phố Sài Gòn sau giờ tan sở ( tôi cố tránh không viết “trong giờ làm việc”), thì nước ta mới xứng đáng là đất nước đang lên… men!
Phải viết ngay để trấn an số ẩm khách đang vui vì bia. Bia không có hại cho sức khỏe nếu dùng trong tiết độ. Thanh gươm quý là thanh gươm còn cài trong vỏ. Rút gươm quá thường thì bảo kiếm có khác gì dao đồ tể! Chuyên gia ở Đại học J. Hopkins đã xác minh rõ ràng, người uống đúng nửa lít bia mỗi ngày ít bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim hay viêm tĩnh mạch thuyên tắc! Các nhà nghiên cứu ở Anh còn dễ thương hơn nữa khi tán thêm, chỉ cần uống đúng một phần tư lít bia mỗi ngày thậm chí có thể cải thiện chức năng gan! Các nhà điều trị ở Đại học Goettingen, Đức, cũng đã mạnh miệng bào chữa cho bia khi chứng minh, người uống bia thật điều độ có hàm lượng chất béo trong máu thậm chí còn tốt hơn người lắc đầu ngoảnh mặt với hơi cay. Điều độ bao giờ cũng mật thiết với liều lượng.
Nhưng đừng quá vội mừng. Tất cả dẫn chứng nêu trên chỉ có kết quả mong muốn trên người có lá gan chưa bị thương tổn về rượu. Như thế, nếu chưa có lần vào bệnh viện vì rượu thì nên liệu mà điều chỉnh lượng bia mỗi ngày để biến bia thành… thuốc! Được như thế thì y thuật mới trọn nghĩa toàn hảo, vì có thuốc nào ngon như… bia!
Việc lạm dụng bia chính là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh chứng đang rất thường gặp trong giới doanh nhân:
• Trước hết bia làm tăng chất sinh sạn khớp (acide urique) và dẫn đến bệnh thống phong, sạn thận, bệnh ngoài da… Chiêu thuốc hạ acide urique bằng ngụm bia cho trơn cổ họng thì quả thật trọn nghĩa mâu thuẫn của cuộc đời.
• Bia làm tăng huyết áp. Nhiều loại thuốc hạ huyết áp dễ bị mất tác dụng chỉ vì người bệnh sau ít giờ uống thuốc lại khui chai bia. Thường thì không trúng xe du lịch mà lại trúng xe… cấp cứu!
• Người uống trên 15 lít bia mỗi tháng, theo kết quả nghiên cứu ở Anh, nơi nổi tiếng với bia đen, thì cầm chắc trong tay phần ung thư, không ruột thì cũng bàng quang! Chắc chắn sẽ có nhiều khách sành điệu tìm cách bào chữa: bia ở nước mình là bia trắng mà! Trắng hay đen gì cũng thế, đã là bia mà uống đến phình bụng thì người uống sớm muộn gì cũng là tấm… bia của bệnh tật!
Rượu cũng có năm bảy đường… rượu! Nếu rượu mạnh là chất độc, nếu bia dễ trở thành chất độc khi bia bước nhẹ ra ngoài đường ranh liều lượng, thì rượu chát, trong hình thức tiết độ, lại là thuốc quý! Thức uống được Pasteur không ngần ngại tán dương như món uống có giá trị cao nhất trong tập quán dinh dưỡng của loài người, đã từ lâu được chứng minh về tác dụng kháng khuẩn, thông mạch, giúp tiêu hóa cải thiện biến dưỡng, phòng chống ung thư, chống lão hóa… Nói theo kiểu “quảng cáo”, biết cách uống rượu chát thì sống lâu, ít bệnh. Điều đáng tiếc là thói quen dùng ly rượu chát sau bữa ăn chiều (ly khác với chai, ly đề cập ở đây cũng không đồng nghĩa với ly… cối!) vẫn còn quá xa lạ với nhiều người trong nước. Điều đáng tiếc hơn nữa là hiện có nhiều loại rượu chát “made in Vietnam” với chất lượng không thua hàng ngoại. Điều đáng tiếc hơn nữa là nhiều nhà sản xuất rượu chát trong nước cứ tiếp tục bỏ công làm rượu cho khéo, nhưng lại quên quảng bá sự hữu dụng về mặt sức khỏe của rượu chát cho người tiêu dùng.
Bỏ hẳn rượu, tránh hẳn bia là điều chưa hẳn đúng, thậm chí quá sai là khác. Thử tưởng tượng, buổi tiệc cưới linh đình liệu có còn giữ lại dư âm ngày vui, nếu thực khách khi nâng ly chỉ toàn… nước suối! Tôi không có ý mượn bài viết này để rao lời thánh hiền. Công việc đó xin nhường cho các bậc chân tu. Với ít dòng phân tích thô thiển, tôi chỉ mong người còn nặng nợ với men cay cứ yên tâm thưởng thức, nhưng cần quán triệt với hai tiếng “rượu chè”. Vấn đề chỉ xoay quanh một điểm rất đơn giản: chú muốn bao nhiêu chén là quyền của chú vì cuộc đời của chú thuộc về… chú!, nhưng anh đây trước sau chỉ một chén, hay cao lắm là… hai!
Thêm một lời gây nhiều bất mãn cho một số đồng nghiệp: nếu người lái xe không được phép uống rượu vì an nguy của khách đi đường, thì tại sao thầy thuốc được phép hành nghề khi nhà điều trị đang… xỉn!
(trích từ Thuốc đắng đã tật”)
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng