Monday, August 8, 2016

CỬA NÀO BỎ NGỎ ?

Cho dù đành mang tiếng “mèo khen mèo dài đuôi” cũng phải khen tiếng Việt xứ mình không thiếu phần thâm thúy. Bằng chứng là câu hỏi đơn giản “Khỏe không?” thay vì “chào buổi sáng” hay “chào buổi chiều” như trong tiếng nước ngoài, thừa thải khi ai nấy đều rõ là khi đó thuộc buổi sáng hay chiều! “Khỏe không?” tuy ngắn gọn nhưng trọn nghĩa vì đôi bên đều hiểu sức khỏe quan trọng đến thế nào? Thiếu sức khỏe thì mọi chuyện lớn nhỏ cũng như không. “Khỏe không?” tuy đơn giản nhưng khoa học vì phản ảnh chính xác định nghĩa của Tổ Chức Y Tê Thế Giới về sức khỏe, theo đó không chỉ là tình trạng không bệnh hoạn mà là tâm trạng và thể trạng thoải mái của con người.

Thực trạng đó, vai trò quan trọng của sức khỏe, càng rõ nét hơn bao giờ hết trong thiên niên kỷ mới, trong cuộc sống được tiếng văn minh hiện đại. Lý do rất đơn giản, vì bệnh tật đủ loại rõ ràng vẫn chiếm thế thượng phong trong khi ngành y tiếp tục tự hào về tiến bộ nhảy vọt trong kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị. Có gì đó nghịch lý! Trong khi thầy thuốc đời nay có thừa trong tay phương tiện để phát hiện ung bướu thậm chí khi mới lớn có vài ly!, có đủ loại thuốc tốt hơn xưa rất nhiều thì tỷ lệ tử vong của những căn bệnh trầm kha như nhồi máu cơ tim, tiểu đường, ung thư… vẫn không giảm, nếu không nỡ nói là tăng rồi mất mặt ngành y.

Đứng trước bối cảnh đó ai lại không sợ bệnh? Không sợ sao được khi số bản tin y học nhuộm màu xám thê lương rõ ràng nhiều hơn số bài viết gây phấn khởi cho người đang bệnh, gây lạc quan cho người chưa bệnh. Làm sao không sợ khi hình ảnh ghê rợn của đủ loại biến chứng đang là thực tế không thể chối cãi? Thực trạng đó tất nhiên là động cơ để nhiều người, tùy theo hoàn cảnh cá biệt, tìm cách phòng bệnh, thay vì đợi nước đến chân mới nhảy.

Nói đến phòng bệnh tất nhiên trước hết phải nhắc đến biện pháp chủng ngừa để mượn phản ứng của hệ miễn dịch để tổng hợp kháng thể tương ứng. Lợi ích thấy rõ, nhất là với bệnh lây lan, với các bệnh chứng cần được phòng ngừa ở trẻ con. Điều đáng tiếc là số bệnh có thể dự phòng nhờ tiêm chủng chỉ là số ít. Ngay cả với một số bệnh trước đây tưởng chừng có thể kiểm soát như viêm gan, cảm cúm cũng không xong vì ngừa chưa xong viêm gan B thì C đã đến, tìm được thuốc chủng chống cảm cúm loại này thì siêu vi đã biến thể sang dạng khác từ lâu! Một biện pháp tưởng chừng như chủ động cuối cùng cũng vẫn là thụ động vì mấy khi qua mặt cho nổi nếu lãnh phần rượt đuổi một đối thủ quá nhanh!

Kế đến, nói đến ngỏ vào của bệnh tật thì từ góc nhìn tượng hình ai cũng nghĩ đến đường tiêu hóa. Đã vậy lại thêm đòn đánh nguội của số bản tin về rối loạn biến dưỡng do chế độ dinh dưỡng không hợp ý của… thầy thuốc! Nhiều người vì thế cân đong trong bếp kỹ lưỡng đến độ sinh bệnh! Nhưng nào có ích gì khi chất độc núp kỹ trong chất phụ gia, ngày càng tinh vi hơn, ngày càng tàn bạo hơn do dã tâm của nhà sản xuất. Nhưng cũng không thể vì thế mà nhịn hết! Đó là chưa kể đến hoàn cảnh của xứ mình khi vệ sinh an toàn thực phẩm hầu như vẫn còn là quan niệm gì đó xa lạ với viên chức ngành y tế! Phòng bệnh qua đường tiêu hóa vì thế khó hiệu quả vì đằng nào cũng đỡ không nổi đủ loại ám tiễn trong thế thập diện mai phục!
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.

No comments: