Friday, December 30, 2016

HỌ ĐẠO PHỤNG HIỆP

Tôi đang tìm thêm về những món ăn ngon hay chốn đẹp của miền Tây Đô, thấy giới thiêu về chợ nổi Phụng Hiệp mà bây giờ chắc không còn. Chợ nổi thì nhiều nơi có nên không tìm thêm nữa, tình cờ xem được một tài liệu làm cho tôi không dè là họ đạo ở Phụng Hiệp lâu đời đến như vậy.


Tôi không phải là người có đạo nên không biết nhiều về các nhà thờ ở Cần Thơ dù tôi có nhiều bạn người Công Giáo mà đôi lần đến nhà bạn dự lễ Noel hay đến nhà thờ chánh tòa Cần Thơ ở Cầu Xéo. Sau này biết thêm dường như có một nhà thờ nữa ở nửa đường vào Cái Răng, cập theo mé sông (?), lúc tôi làm việc một thời gian ngắn ở trường An Thạnh 2 (?) không biết nhớ đúng không nhưng nhớ là trường Trinh Vương cũ trước 1975) khoảng cuối năm 1978 (dường như bây giờ là trường Lương Thế Vinh thì phải) trước khi rời quê hương.
Tài liệu này đăng trong trang mạng của Giáo Phận Cần Thơ, nó mang tính chất lịch sử cho bạn nào muốn tìm hiểu. (LKH)

HỌ ĐẠO PHỤNG HIỆP – 70 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN


Bảy nhánh sông chảy vào Phụng Hiệp,
Sóng nước ân tình như điệp khúc hoan ca.
Ai về Phụng Hiệp quê ta,
“Đất lành chim đậu”, phù sa dâng tràn.

I. NGUỒN GỐC ĐỊA DANH
Sau khi chiếm trọn Nam kỳ Lục tỉnh (1867), ngày 01/01/1868, thực dân Pháp nhanh chóng lập hạt thanh tra Cần Thơ trên cơ sở huyện Phong Phú cũ. Ngày 23/3/1876 lại đổi thành hạt tham biện Cần Thơ với 9 tổng, 90 làng. Thời điểm này, Cần Thơ vẫn chưa thành lập quận. Chịu khó truy tìm tư liệu ở giai đoạn này, ta mới lần ra manh mối vùng Phụng Hiệp - Ngã Bảy xưa thuộc đơn vị hành chính nào.
Theo Tự điển địa danh hành chính Nam bộ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (xuất bản năm 2008) ghi nhận: "Làng Phụng Hiệp, tổng Định Hòa thành lập vào ngày 01/01/1903". Lại truy tìm địa danh tổng Định Hòa, mới khám phá thêm chi tiết: "Tổng Định Hòa thuộc hạt tham biện Cần Thơ, lập mới từ ngày 28/01/1892, gồm 15 làng: Thạnh Hưng, Thạnh Xuân, Trường Khánh, Thường Bình, Như Lăng (trước thuộc tổng Định Bảo), cùng các làng mới thành lập là: Đông Sơn, Long Sơn, Mỹ Trường, Phú Hòa, Phụng Sơn, Phụng Tường, Tân Thạnh Hòa, Tân Hiệp, Mỹ Thanh Đông, Xuân Hòa". Như vậy, về phía Bắc tổng Định Hòa giáp đến Cái Tắc (Làng Như Lăng), phía Nam cận kề làng Xuân Hòa (thuộc huyện Kế Sách sau này).


Đến năm 1903, bổ sung thêm làng Phụng Hiệp. Mổ xẻ tên "Phụng Hiệp" phải chăng đó là từ ghép xuất xứ bởi sự chia tách, giải thể các làng có mang từ "Phụng" và từ "Hiệp" trước đó như Phụng Sơn, Phụng Tường và Tân Hiệp cũng đều thuộc đầu thời Pháp thuộc tổng Định Hòa? Hoặc giải nghĩa theo lối chiết tự: "Phụng" là loài chim quí, "Hiệp" là hợp lại. Phải chăng Phụng Hiệp xưa có nhiều loài chim sinh sống, nên nhà cầm quyền đặt địa danh Phụng Hiệp để cho thấy: đây là nơi đất lành chim đậu, ngụ ý mong muốn người tứ xứ kéo về sinh sống làm ăn?
Năm 1903 tổng Định Hòa lại chia đôi thêm tổng Định Phước. Có lẽ đây là giai đoạn khởi đào kinh Ngã Bảy, dân cư quy về đông hơn nên có điều kiện lập thêm làng mới.
Định Phước lúc này có 7 làng: Thường Phước, Như Lăng, Trường Thạnh Sơn, Long Mỹ, Song Mỹ, Đông Sơn, Phụng Hiệp. Tổng Định Hòa còn lại 8 làng: Thạnh Xuân, Thạnh Hưng, Tân Bình, Hội Mỹ, Trung Hưng, Tân Hưng, Mỹ Phước, Tân Lập.
Như vậy đã rõ: tổng Định Hòa là địa danh hành chính đầu tiên của vùng Phụng Hiệp - Ngã Bảy xưa.
II. GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP
Năm 1942, tại Thị trấn Phụng Hiệp chỉ có ba gia đình Công Giáo sốt sắng, nhiệt thành, hàng tuần, hàng tháng phải đi vô trong Phụng Tường dự lễ và lãnh Bí tích. Những gia đình này khởi đầu như men, làm nảy sinh ra các gia đình khác.
Đến năm 1945, vì vấn đề an ninh cha JB. Võ Hiền Sư – cha sở Phụng Tường phải rời bỏ Phụng Tường ra ở Phụng Hiệp. Trong khoảng thời gian này, ngài vẫn còn trở về Phụng Tường để dâng Thánh Lễ và ban các Bí Tích. Đến năm 1946, ngài mới chính thức nhậm chức cha sở họ đạo Phụng Hiệp.
Khởi đầu bao giờ cũng khó khăn và nhiều thiếu thốn: không một nơi để thờ phượng, không có chỗ cho chủ chăn, ngài phải ở tạm nhà giáo dân.
Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, ngay giai đoạn đầu khó khăn này, họ đạo có những giáo dân nhiệt thành và quảng đại, cùng với vị chủ chăn của mình chung góp công sức xây dựng họ đạo. Ông bà Tư Trinh là một gia đình Công Giáo nhiệt thành và sốt sắng, ông bà đã dâng cho họ đạo miếng đất mua lại của ông Galine (người pháp) làm nhà xứ, nhường hai lẫm lúa làm nhà thờ và trường học.
Lòng nhiệt thành, sự lo lắng của Cha JB. Võ Hiền Sư đã càng ngày càng làm cho bầu khí của họ đạo thêm ấm cúng và sốt sắng.
III. GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
Trong thập niên 1940, những vùng xung quanh càng ngày càng mất an ninh, số đông dân chúng, trong đó có số đông người công giáo đã lánh ra Phụng Hiệp sinh sống. Do đó, số giáo dân ngày càng đông. Cha JB. Võ Hiền Sư cố gắng lo cho họ đạo phát triển về mọi mặt. Đến năm 1954, vì nhu cầu giáo vụ, ngài được Đức Giám Mục bổ nhiệm về coi sóc họ đạo Bãi Giá (1954 – 1958). Sau đó, 1958, cha được bài sai vể làm cha sở Năng Gù (giáo phận Long Xuyên ngày nay). Cha qua đời đột ngột ngày 30.10.1962. Trong lúc đang ngồi lấy khẩu cung hôn phối, cha cúi mặt xuống bàn và tắt thở. Linh cửu cha Gioan Baotixita được an táng tại đất thánh Năng Gù.


Đến năm 1954, cha Ca-rô-lô Huỳnh Tuấn Tú (1954 – 1955) kế nhiệm cha JB. Sư. Trong thời gian này, Cha vừa là cha sở Phụng Hiệp, kiêm nhiệm các họ đạo khác như: Phụng Tường, Xuân Hòa, Ba Trinh. Sau hiệp định Genève (1954), tình trạng an ninh đã giãn hồi, nên một số gia đình công giáo trở về quê hương của mình, số giáo dân giảm đi. Nhưng cha đã cố gắng làm cho sinh hoạt của họ đạo được phát triển tốt đẹp.
Đến năm 1956 – 1957:
Cha Phê-rô Nguyễn Quang Trọng về phụ trách họ đạo. Chỉ trong một năm, mà cha cố gắng sửa sang lại nhà thờ, nhà xứ. với tầm nhìn xa về tương lai của họ đạo, căn nhà nhỏ bé không đủ dung nạp số giáo dân trong tương lai, nhất là Nhà Chúa cần phải khang trang, xứng hợp hơn.
Cho nên, ngài đã mua miếng đất của bà Thử; ông bà Phê-rô Nguyễn Văn Đức dâng thêm miếng đất 2780 m2; ông bà Phê-rô Nguyễn Văn Sang dâng thêm 1200 m2. Nơi này, lúc đầu chỉ là miếng đất xình lầy và cỏ rác. Nhưng cha cố gắng quy động nhân công để vượt nền nhà thờ, xây trường tiểu học… công việc đang tiến hành tốt đẹp, ngài vâng phục Đức Cha sang du học tại Roma.
Từ năm 1957 – 1960 :
Cha Giuse Trần Minh Chiêu là cha sở Vinh Phát, cha cố gắng tiếp nối công việc còn dang dở, rất nặng nề của họ đạo Phụng Hiệp. Ngôi trường Tiểu Học Phụng Sự ra đời, với ba lớp học khang trang, mát mẻ. bà con lương giáo ai ai cũng phấn khởi vì từ nay, con em họ có nơi học giáo lý và văn hóa đàng hoàng.
Cơ sở giáo dục đầu tiên của họ đạo bắt đầu sinh hoạt với số học sinh lương giáo khá đông, với sự phục vụ của nữ tu dòng Chúa Quan Phòng. Tiếp đến, ngài vận dụng nhân công để tiếp tục vượt nền nhà thờ. Trong thời gian cha Giuse coi sóc, cha đã thành lập các hội đoàn: Gia Đình Phạt Tạ, Legio Mariæ, hội Con Đức Mẹ….
Từ năm 1960 – 1966:
Tiếp nối công việc của cha Giuse Trần Minh chiêu, cha Giacôbê Lê Văn Tỏ lo cho các đoàn thể CGTH được sống mạnh, và hăng say trong việc tông đồ. Năm 1962 ngài xây cất nhà quý Sœur, đơn sơ nhưng tiện nghi, ngăn nắp. nhờ đó quý Sœur có điều kiện để phục vụ họ đạo và giáo dục các em thiếu nhi trong họ đạo.
Năm 1963, khởi công xây Thánh Đường Phụng Hiệp (chiều dài = 36m; ngang = 14m, với tháp chuông cao 22m). Đến tháng 7 – 1964, cha được gọi về TGM làm quản lý.
Trong thời gian này, cha Gia-cô-bê vẫn quan tâm, lo lắng và cộng tác với cha Tô-ma Võ Thành Năng để xây cất ngôi nhà thờ. Trong năm này, ngôi Thánh Đường Phụng Hiệp đã được khánh thành.
Từ năm 1966 – 1967:
Cha Augustino Huỳnh Văn Mão đã cố gắng tô điểm thêm cho tháp chuông, bàn ghế cho lớp học và nhà thờ được hoàn chỉnh, và củng cố lại các hội đoàn, làm cho tinh thần sinh hoạt họ đạo ngày càng phát triển.
Một năm sau, cha vâng lệnh Đức Giám Mục lên đường nhận nhiệm vụ mới……


Từ năm 1967 – 1970:
Cha Antôn Nguyễn Hữu Văn được Đức Cha bổ nhiệm về coi sóc họ đạo. một cha sở nhiệt tâm và có nhiều sáng kiến, cha đã hăng say với phong trào Công Giáo Tiến Hành, làm cho các hội đoàn sống lại trong tinh thần mới và trẻ trung hơn, sốt sắng hơn.
Cha đã xây nhà xứ, một trệt, một lầu, với 4 phòng rộng rãi mát mẻ, và các cơ sở hạ tầng: nhà bếp, phòng giáo lý. Và vì nhu cầu giáo dục trong thị trấn, ngài xây cất và mở trường Trung Học Phụng Sự với ban giáo sư uy tín, tận tình với học sinh. Trong thời gian này Đức Giám Mục bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Đức Cường về để giúp cha sở điều hành nhà trường và chia sẻ với ngài trách nhiệm họ đạo.
Từ 1970 – 1974:
Cha Đôminicô Vũ Ngọc Tường đang phụ trách trường Trung Học Rạng Đông (Sóc Trăng) được Đức Giám Mục bổ nhiệm làm cha sở.
Với tinh thần hoạt động hăng hái, và có nhiều kinh nghiệm về giáo dục, ngài đã tiếp tục lo cho trường Trung – Tiểu Học Phụng Sự càng thêm phát triển.
Trong thời gian này cha phó Giuse Cường chuyển đi, cha Phê-rô Chu Quang Minh về thay thế. Một thời gian sau, cha Đôminicô Cao Quang Ngoạn về thay thế Cha Minh.
Đến 8/1974, vì lý do sức khỏe, cha Đôminicô phải nghỉ bệnh, Đức Giám Mục bổ nhiệm cha Giuse Phạm Văn Chỉnh về thay thế cho đến khi có cha sở mới.
Từ năm 1975 – 1976:
Cha Giuse Nguyễn Công Định rời Lộ 20 về nhậm sở họ đạo Phụng Hiệp, được tròn 1 tháng cha phải đi nơi khác. Trong thời gian này, họ đạo không có cha sở. Nhưng có các nữ tu Chúa quan Phòng phụ giúp. Cha sở Phụng Tường Augustinô Nguyễn Huy Tưởng đến dâng Thánh Lễ, ban các Bí Tích khi cần thiết.
* CHA GIOAN BAOTIXITA NGUYỄN THANH TƯỚC:
Từ năm 1976 – 2004: Ngày 12-2-1976, tin vui đã đến với họ đạo. khi Đức Giám Mục bổ nhiệm cha Gioan Baotixita. Nguyễn Thanh Tước. một linh mục trẻ trung năng động, với nhiều kinh nghiệm mục vụ tại Chánh Tòa, với nhiều kinh nghiệm giáo dục ở trường Đồng Tâm, Tây Đô…
Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ngài cố gắng đem lại bầu khí tin tưởng, sốt sắng cho mỗi giáo dân trong họ đạo. trong tinh thần giao tiếp tế nhị, cha đã gây được uy tín về đạo cũng như đời. Cha còn phải vất vả kiêm nhiệm lo cho họ đạo Vinh Phát.


* XÂY DỰNG KIẾN THIẾT: Cho dù nền kinh tế tụt hậu do chiến tranh, nguồn lợi của họ đạo cũng không có bao nhiêu. Thế nhưng, nhờ sự cộng tác tích cực của Quý Hội Đồng Giáo Xứ, và giáo dân, ngài đã kiến thiết một số công trình đáng kể:
1. Đài Đức Mẹ: ngày 19-10-1977 khởi công xây Đài Đức Mẹ.
Tượng đài Đức Mẹ do Đại Chủng Viện Thánh Quý tặng cho họ đạo Phụng Hiệp .
Chúa Nhật ngày 5-12-1977, ba hồi chuông vang lên, cung nghinh Đức Mẹ lên Đài, trong sự hiện diện của toàn thể giáo dân trong họ đạo. Mọi người phấn khởi vui mừng, có người xúc động đến rơi lệ, vì từ nay khi bước vào nhà Chúa đều qua Mẹ, thấy Mẹ đứng đó, hiền từ tha thiết mời gọi đoàn con hãy vững tin trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
2. Cung Thánh: ngày 14-01-1980, tu sửa lại gian Cung Thánh cho phù hợp với Công đồng chung. Cung thánh mang nhiều sắc thái đông phương, dochính cha sở thiết kế. Tiếp đến, ngài cũng lo tu sửa lại mái nhà thờ, tôn tạo lại nền nhà thờ, chỉnh trang lại khuôn viên nhà thờ ngăn nắp, kín đáo hơn.
Sau hơn 28 năm gắn bó với họ đạo. Cha Gioan Baotixita đã được Chúa gọi về ngày 10/07/2004. Trong tâm tình kính nhớ, họ đạo chúng con chân thành ghi nhớ công ơn của cha Gioan Baotixita, và luôn cầu nguyện cho cha.
Từ năm 9/2004 – nay:
Khoảng hai tháng sau, ngày 22-09-2004, Đức Cha Emmanuel bổ nhiệm cha Alphonso Lê Kim Thạch về coi sóc họ đạo. Với tinh thần chịu khó, hòa nhã, khiêm tốn, cha Alphonso tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm của mình trong việc củng cố các hội đoàn, và tái thiết các công trình làm cho nhà Chúa trang nghiêm hơn.
Lúc bấy giờ, cơ sở hạ tuần xuống cấp: nhà thờ ẩm thấp, thấm nước, nhà sinh hoạt còn thô sơ, sân nhà thờ thì ngập nước…
* XÂY DỰNG NHÀ SINH HOẠT:
Ngày 19/3/2007 khởi công xây dựng ngôi nhà sinh hoạt cho họ đạo.
Ngôi nhà được thiết kế kiểu hội trường, một trệt, một lầu, phù hợp cho việc sinh hoạt giáo lý, và hội họp.
Nhờ ơn Chúa giúp qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria Nữ Vương. Ngày 01/01/2008, Đức Cha Emmanuel làm phép và khánh thành.


* XÂY DỰNG NGÔI THÁNH ĐƯỜNG MỚI:
Ngày 01/08/2009 khởi công xây dựng ngôi Thánh Đường mới. Trong thời buổi kinh tế bị khủng hoảng toàn cầu, vấn đề kinh phí dự trù quả là khó khăn. Nhưng với sự tin tưởng mạnh mẽ vào bàn tay Chúa Quan Phòng, và Mẹ Maria Nữ Vương Hòa Bình, bổn mạng của họ đạo, và sự khéo léo, kiên trì, nhã nhặn của cha Alphonso. Cho đến ngày hôm nay (2012) công trình xây dựng đang sớm bước vào khâu hoàn thiện.
Mặc dù vậy, nhưng khó khăn thách thức vẫn còn đó. Để cho công việc xây dựng nhà Chúa được hoàn thành. Chúng con xin quý cha, quý tu sĩ, quý ân nhân xa gần tiếp tục cầu nguyện, và giúp đỡ cho họ đạo chúng con. Chúng con mãi mãi khắc ghi công ơn của quý vị.
Đây là những tư liệu còn lưu giữ lại, chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Kính xin những ai còn lưu giữ tư liệu cũng như hình ảnh liên quan đến họ đạo Phụng Hiệp. xin gởi về cho chúng con, để chúng con sớm hoàn thành quyển kỷ yếu “70 năm thành lập họ đạo”.
Nguồn: Giáo Phận Cần Thơ (16/10/2014)