Ninh Kiều ở Cần Thơ hay ở... Hà Nội?
Hồi còn nhỏ, tôi chưa được đi nhiều để biết đó biết đây nên chưa có dịp đến và biết bến Ninh Kiều ở Cần Thơ. Thế nhưng tôi lại biết đến địa danh Ninh Kiều! Và tôi nhớ như in rằng đó là một nơi ở gần thành Đông Quan (tức là Hà Nội bây giờ), không phải thông qua tài liệu du lịch mà qua bài học... lịch sử!
Trận Ninh Kiều là một trận thắng lẫy lừng của nghĩa quân Lam Sơn diễn ra năm 1426, còn gọi là trận Chúc Động. Ninh Kiều là chiếc cầu bắc qua sông Ninh Giang (sông Đáy), khi quân Minh tháo chạy qua sông, nghĩa quân Lam Sơn đã tập kích và chặt đứt cầu, quân Minh chết đuối làm nghẽn cả một khúc sông. Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi có nhắc đến sự kiện này trong câu:
Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm
Ninh Kiều ngày ấy nay là thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Sau này, nghe bài Chiếc áo bà ba rất mùi mẫn của Trần Thiện Thanh:
Về bến Ninh Kiều thấy chàng đợi người yêu
Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba
Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm
Qua bến bắc Cần Thơ
Tôi đâm ra hoang mang quá, không biết mình có nhớ lộn không, bởi vì với hình ảnh
Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm
Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ mong manh
Nón lá đổ nghiêng tóc dài con nước đổ
Hậu Giang ơi, em vẫn đẹp ngàn đời
thì đâu có thấy hình ảnh đằng đằng sát khí, máu chảy thành sông của trận đánh năm xưa đâu? Ở đây nếu có chết thì là chết mê chết mệt ấy!
Tôi đến bến Ninh Kiều lần đầu tiên năm 2001, và sau đó còn đến đây rất nhiều lần. Chắc chắn đây không phải là nơi diễn ra trận đánh năm xưa rồi, nhưng vì sao lại có sự trùng tên? Ngẫu nhiên hay cố ý? Và tên bến Ninh Kiều có tự bao giờ?
Theo tài liệu cũ:
Năm 1957, tỉnh trưởng Phong Dinh (tức Cần Thơ) là ông Đỗ văn Chước đã cho lập nơi bến sông Cần Thơ một công viên cây kiểng và bến dạo mát. Sau đó, theo gợi ý của ông Ngô văn Tâm là trưởng ty nông nghiệp lúc ấy, ông Chước đã đệ trình lên tổng thống Ngô Đình Diệm xin đặt tên công viên và bến là Ninh Kiều. Tên Ninh Kiều được lấy theo địa danh lịch sử thời chống quân Minh như đã kể ở trên.
Ngày 04/08/1958, công bố Nghị định đặt tên cho bến và công viên là Ninh Kiều.
Không hiểu vì sao người xưa lại liên tưởng đến trận đánh Ninh Kiều khi đặt tên cho một bến sông thơ mộng của Cần Thơ, chỉ biết rằng cái tên Ninh Kiều lịch sử máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm đã nhạt nhòa mất rồi, để bây giờ nhắc đến Ninh Kiều ta chỉ còn thấy bảng lảng say mơ với câu hát:
Về bến Ninh Kiều, thấy chàng đợi người yêu
Phạm Hoài Nhân