Hồi nào tới giờ khi nghe câu"
"Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến"
Trong lòng tôi lúc nào cũng nghĩ Kinh Kỳ tức Thăng Long, Hà Nội, còn Phố Hiến chắc là Hội An vì là một thương cảng lớn của "đàng trong" thời ấy. Cho tới hôm nay đọc được bài của Tuấn Khanh và sưu khảo thêm vài tài liệu mới biết kiến thức của mình quả là non nớt. Phố Hiến thuộc tỉnh Hưng Yên và thời đó là một thương cảng quan trọng của "đàng ngoài".
Bạn nào biết rồi thì thôi, bạn nào là "ếch ngồi đáy giếng" như tôi thì đọc thêm chơi cho biết bài của Tuấn Khanh nói về Phố Hiến. (LKH)
NHỮNG MÙA GIÁNG SINH Ở NGÔI NHÀ THỜ CỔ PHỐ HIẾN.
Trong hàng ghế của ngôi nhà thờ ở Phố Hiến, Hưng Yên, một cụ già im lặng nhìn những thanh niên đang trang trí Giáng sinh trong nhà thờ.
NHỮNG MÙA GIÁNG SINH Ở NGÔI NHÀ THỜ CỔ PHỐ HIẾN.
Trong hàng ghế của ngôi nhà thờ ở Phố Hiến, Hưng Yên, một cụ già im lặng nhìn những thanh niên đang trang trí Giáng sinh trong nhà thờ.
Mắt cụ ngời sáng, thăm thẳm những điều không nói hết về một lẽ sống mà ông đã chọn khi đã 83 năm đi vào nhà thờ Phố Hiến đón Giáng sinh, bất chấp khi đó tối om, bất chấp chỉ có một ngọn nến con hay được trang hoàng tươm tất như hôm nay.
Khi hỏi vì sao cụ Dương Hồng Đức, tên của cụ, không theo người chị gái vào Nam năm 1954, cụ nhìn và nói trong một ánh mắt kiêu hãnh: “Tôi thấy nhà thờ Phố Hiến quạnh quẽ quá, tôi muốn ở lại. Vì tôi tin Chúa ở khắp mọi nơi”. Khi hỏi cụ rằng ở lại có khó khăn không. Cụ Đức run run nói, nhưng cao giọng hơn trong niềm kiêu hãnh ẩn giấu: “Vâng, tôi biết, và tôi cũng đã sống với khó khăn nhưng tôi tin rằng tôi sẽ vượt qua, vì tôi yêu thương”.
Nếu dựa trên sự có mặt của ngôi nhà thờ Phố Hiến (1650), có lẽ đây là nhà thờ Công giáo lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam, đến nay đã có trên 300 năm tuổi. Năm 1650, những người Hà Lan đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ này với các chất liệu chủ yếu bằng gỗ, thông qua sự cho phép của chúa Trịnh (Thanh Đô Vương Trịnh Tráng/1623 – 1652) để phục vụ cho những người thương buôn ngoại quốc đầu tiên Đàng Ngoài.
Lý do của việc cho phép này, bởi chúa Trịnh lúc đó đang mở rộng thương cảng ở Phố Hiến, cửa ngõ đường sông cách Hà Nội 55 cây số, nhằm đẩy mạnh việc mua bán với thương nhân nước ngoài, cũng như học hỏi các vấn đề về quân sự và vũ khí trong cuộc đối đầu với nhà Nguyễn (lúc đó là Nguyễn Phúc Tần/1620 – 1687). Sự có mặt của nhiều người ngoại quốc như Pháp, Anh, Nhật, Ấn Độ, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… đặc biệt là người Hà Lan và đạo Công giáo, đã khiến cho chúa Trịnh mở rộng ứng xử, cho phép xây một nhà thờ của tín ngưỡng bên ngoài, ngay tại đường đê, cho các tàu nước ngoài ghé vào xem lễ, trước và sau chuyến đi biển của họ.
Tuy sách vở ghi rằng chúa Trịnh không mặn mà với thương buôn, người nước ngoài như ở Đàng Trong, nhưng thực tế ở Phố Hiến cho thấy thế kỷ 17 – 18, nơi này đã có một thời kỳ rực rỡ của ngoại giao, xuất khẩu, nhập khẩu. Chính vì vậy mà người miền Bắc vẫn có câu “Nhất kinh kỳ, nhì Phố Hiến”.
Như vậy, từ năm 1651, người Việt đã chứng kiến một lễ Giáng sinh đầu tiên trong lịch sử, dù lúc đó giáo dân chưa nhiều. Nhà thờ Phố Hiến (hay còn gọi là Nam Hoà) này khởi đầu chỉ được dựng bằng các vật liệu đơn giản như gỗ, tre, lá… (có thể khởi đầu còn dè dặt, vì sợ chúa Trịnh cho là phô trương thanh thế ngoại giáo) nhưng sau một vài lần do hoả hoạn, mưa gió… nhà thờ dần dần được mở rộng và kiên cố hơn. Đến năm 1898, một linh mục Bồ Đào Nha đã mang bản vẽ đến, cùng nhân công người Việt xây dựng hoàn chỉnh đến ngày nay. Đây cũng là ngôi nhà thờ hiếm hoi trên đất nước Việt Nam có phong cách Bồ Đào Nha, với vẻ đẹp dịu dàng hiện ra vào từng mùa.
Bên trong nhà thờ lại là một cảnh quan độc đáo khó tả, khi nhà kiến trúc ngoại quốc tác tạo nên một vẻ đẹp hoàn toàn Á Đông. Tư duy của người đi trước mới đáng kinh ngạc làm sao. Đến năm 1898 thì giáo dân người Việt và người nước ngoài đã có số lượng khá tương đồng, nên các ghi chú trong và ngoài nhà thờ đã có tiếng Latinh lẫn tiếng Hoa.
Khi hiệp định đình chiến Genève 1954 được ký kết, nhiều gia đình Công giáo đã vào Nam, khiến không chỉ Hưng Yên mà toàn miền Bắc trở nên thưa vắng người của nhà thờ. Từ chỗ có hơn 1.300 giáo dân, hôm nay, nhà thờ Phố Hiến chỉ có lại được 187 giáo dân, sau nhiều năm vận động (60 năm), nhiều năm đón Giáng sinh lạnh lẽo và hiu quạnh.
Đó là một giai đoạn đầy biến động. Miền Nam đột nhiên đón Giáng sinh ngày càng lớn do hàng trăm ngàn người Công giáo xuất hiện, mang theo nhiều lễ hội ăn mừng, treo đèn kết hoa… khiến các mùa Giáng sinh ở miền Nam ngày càng nhộn nhịp hơn, thậm chí biến thành ngày vui của cả Lương giáo. Ngược lại, do số giáo dân, linh mục… giảm thiểu mạnh, nên sinh hoạt của các nhà thờ cũng co lại.
Những năm dài chiến tranh và khó khăn trong việc lo cái ăn, việc sinh hoạt tinh thần với nhà thờ cũng bị ảnh hưởng. Có những năm chỉ có một linh mục trong tỉnh, tổ chức sinh hoạt cho cả 16 giáo xứ thì nhà thờ Phố Hiến cũng không còn đủ sức làm nên những mùa Giáng sinh đẹp như ý muốn. Bên cạnh đó, do dư phòng ốc, lại thiếu cộng đoàn nên khuôn viên nhà thờ, kể cả nơi làm lễ cũng có rất nhiều gia đình kéo nhau vào ở, mang theo cả thỏ, gà… cùng với nơi ở của mình.
Tình trạng liên tục thất thoát các cổ vật của ngôi nhà thờ độc đáo này, khiến không ít người yêu mến lịch sử của Phố Hiến, của Hưng Yên đau lòng, mà không biết làm sao để thay đổi. Những mùa Giáng sinh ở đây, đã từng khe khẽ, từng nhẫn nại để cùng chung sống hoà bình với gần 15 gia đình chia nhau sống khắp ở nhà thờ.
Có thể đêm Giáng sinh ở Hà Nội hay Sài Gòn tràn ngập người đi, tràn ngập ánh đèn… nhưng ở ngôi nhà thờ xưa như cổ tích Việt Nam này, tiếng chuông nho nhỏ, một ánh đèn nhấp nháy và lòng người đầy thương vọng của cụ Đức, Giáng sinh lại một lần nữa bừng lên ý nghĩa về một mùa lễ không còn là của riêng nhà thờ, của người có đạo hay của riêng bất cứ ai, mà đó là mùa để nhắc về tình yêu và lòng thương khó trên khắp nhân gian, trên đất nước Việt Nam, mà mỗi ngày như đang càng phai nhạt.
Tuấn Khanh
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment