Đọc bài viết này đăng trên TTO mà tôi có cảm giác như sống lại thời thơ ấu của tôi. Hồi đó rảnh, sau khi ăn cơm tối xong là tôi hay đi theo bà nội tôi đi xuống Cầu Xéo, vào Triều Châu hội quán (?) coi tập hát Tiều. Đa số diễn viên chỉ là nghiệp dư nhưng phong cách trình diễn cũng hay lắm. Vốn liếng tiếng Tiều của tôi rất ít, nói chuyện thông thường thì nghe và nói tàm tạm, lúc chỉ nghe hát thì hoàn toàn mù tịt không hiểu gì hết nhưng vẫn khoái đi.
XEM "HÁT TIỀU" Ở MIỀN TÂY NAM BỘ
“Hát Tiều” là ca kịch của người Triều Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Hiện nay, ở quận 5, TP.HCM, có đoàn ca kịch Thống Nhất của người Hoa, gồm hai bộ phận: Ca kịch Triều Châu và ca kịch Quảng Đông. Năm 1996, có đoàn ca kịch Triều Châu - Sán Đầu của tỉnh Quảng Đông sang biểu diễn ở TP.HCM, được đồng bào người Việt gốc Hoa nhiệt liệt hoan nghênh.
Có dịp đi xem chương trình “hát Tiều” của đoàn ca kịch Thống Nhất ở quận 5, tôi bùi ngùi nhớ lại thời thơ ấu của mình, Khi còn là một chú bé con, đêm này đến đêm khác, cứ lê la ở các chùa chiền của người Hoa để xem các đoàn “hát Tiều” biểu diễn nhân những ngày lễ hội.
Chuyện đó xảy ra đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Quê tôi là thị xã Bạc Liêu, nơi người Hoa sinh sống rất đông, họ nắm hầu hết các ngành kinh tế của thị xã, có trường học riêng của người Hoa, rất nhiều chùa chiền của người Hoa. Người Hoa ở Bạc Liêu cũng như ở các tỉnh miền Tây Nam bộ tuyệt đại đa số là người Triều Châu. Còn ở Chợ Lớn (nay gồm các quận 5, 6, 10, 11 của TP.HCM) người Hoa đa số là người Quảng Đông.
Triều Châu 潮州 là một huyện của tỉnh Quảng Đông 廣東, huyện lỵ là thành phố Sán Đầu 汕頭 . Tuy chỉ là dân của một huyện, nhưng người Triều Châu di cư sang các nước Đông Nam Á rất đông (Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan). Triều Châu có một nền văn hóa địa phương rất độc đáo, có tiếng nói riêng (tiếng Tiều), nghệ thuật ẩm thực riêng (cháo Tiều khác với cháo Quảng), nền âm nhạc riêng, nền ca kịch riêng, gọi là Triều kịch 潮劇 (còn nền ca kịch của Quảng Đông thì gọi là Việt kịch 粵劇).
Hằng năm, cứ đến mùa lễ hội của các chùa Hoa (các ngày lễ này lại thường gần nhau) là có một hoặc hai đoàn ca kịch Triều Châu từ Sán Đầu sang biểu diễn. Họ diễn ở mỗi chùa vài đêm, lần lượt từ chùa này đến chùa khác. Kéo dài một vài tháng, xong rồi đi đến các tỉnh khác ở miền Tây Nam bộ rồi kéo lên Nam Vang (Phnôm Pênh) là những nơi có nhiều người Triều Châu.
Vì người dân lao động ở miền Tây Nam bộ phát âm chữ “r” rất khó khăn, nên người Triều Châu thì họ gọi là người Tiều, đoàn ca kịch Triều Châu thì gọi là gánh hát Tiều. Hát Tiều gồm hai loại: loại bình dân thì biểu diễn ở sân chùa, loại sang hơn thì thuê rạp (tức nhà hát) mà biểu diễn. Hát Tiều bình dân đến thị xã Bạc Liêu biểu diễn thường có hai đoàn: gánh thùng đen và gánh thùng đỏ.
Sở dĩ gọi như thế là vì một đoàn thì đựng các trang phục, phông màn trong những cái thùng (rương, hòm) màu đen, còn một đoàn thì đựng trong các thùng màu đỏ. Thỉnh thoảng, lại còn có gánh thùng xanh. Họ di chuyển bằng đường thủy, trên những chiếc ghe bầu to lớn như ghe chài (loại thuyền to để chở lúa), ăn ngủ, tập tành trên ghe, chứ không thuê phòng trọ hoặc dựng lều trên bãi đất trống mà ở.
Khi một đoàn hát Tiều nào đến thì bọn trẻ con như chúng tôi nắm được thông tin nhanh nhất. Chạy ra sân chùa, thấy người ta đóng cọc dựng sân khấu, đóng băng gỗ làm ghế ngồi cho khán giả, là chúng tôi thấy lòng rộn lên vì vui sướng. Rồi kéo nhau đến bờ sông, xem quang cảnh gánh hát.
Trước tiên là xem họ ăn sáng. Kẻ ngồi trong khoang, người ngồi đầu thuyền, cuối thuyền, họ điểm tâm bằng bát cháo to tướng nấu với khoai lang, kèm theo một ít dưa cải muối hoặc trứng vịt muối. Đặc điểm của cháo Tiều là cháo nấu chín nhưng hạt gạo còn nguyên, khác với cháo Quảng là phải nấu thật nhừ, không còn dấu vết hạt gạo.
Ăn xong thì kéo vào trong khoang chiếc ghe lớn nhất để diễn tập lại, chuẩn bị cho buổi diễn ở chùa đêm đó. Các diễn viên nam nữ đều rất trẻ, tôi ước chỉ độ 15, 16 tuổi. Có một số chỉ độ 10, 12 tuổi. Các trẻ em nam giới đều cạo đầu trọc. Điều khiển buổi diễn tập là một ông thầy tuồng, với một chiếc roi mây to tướng trong tay. Ai hát sai hoặc làm động tác sai là roi mây quất vào người tới tấp.
Các cô cậu diễn viên đau lắm, nước mắt chảy ròng mà không dám khóc thành tiếng, dừng lại lấy tay quệt nước mắt rồi diễn lại cho đúng bài bản. Tất cả những em bé này đều là con nhà nghèo, cha mẹ không nuôi nổi nên đem bán cho đoàn hát, do đó đã trở thành vật sở hữu của ông bầu gánh.
Sau giờ tập họ cũng được đi dạo phố, nhưng phải xếp hàng đi thành đoàn có người canh gác, xem phố phường chợ búa xong thì trở về thuyền, không một ai được quyền lẻn đi riêng. Sau này, khi xem bộ phim Vĩnh biệt ái cơ của đạo diễn Trần Khải Ca, tôi thấy những đoạn phim mô tả sinh hoạt của một đoàn tuồng cổ Bắc Kinh cũng na ná như kiểu gánh hát Tiều mà tôi chứng kiến hồi còn bé. Tối đến, xem những ông vua, bà hoàng, các văn võ đại thần oai phong lẫm liệt trên sân khấu, mấy ai đã hiểu được trong cuộc sống hằng ngày, họ phải ngậm đắng nuốt cay thế nào.
Đặc điểm của hát Tiều là diễn luôn một mạch từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau, diễn liên tục, không có kéo màn hạ màn trong suốt buổi diễn. Đến nửa đêm, khán giả nào mệt thì về nhà ngủ một giấc, còn nếu xem hát Tiều trong rạp hát thì tựa lưng vào ghế ngủ luôn tại chỗ. Nhưng không thể ngủ lâu, vì chỉ một lúc thì bị dàn nhạc Triều Châu đánh thức dậy.
Đặc điểm của dàn nhạc Triều Châu là có rất nhiều nhạc cụ gõ gồm trống lớn, trống nhỏ, thanh la, chập chõa các cỡ khác nhau. Dàn nhạc đó gọi là đại la cổ (la là thanh la, chập chõa, còn cổ là trống), dân Bạc Liêu quen gọi theo tiếng Triều Châu là tòa lò cấu. Mỗi lần đến cao trào, các thanh la và trống đánh hết cỡ, làm vang động cả một góc trời, ở bên ngoài rạp hát và các nhà kế cận đều nghe tiếng. Điều này trái ngược hẳn với dàn nhạc Quảng Đông, chủ yếu gồm nhạc cụ thổi, như kèn, sáo, tiêu… nên người nghe âm thanh ò í e rõ hơn tiếng trống.
Khán giả người Kinh đi xem hát Tiều cũng rất đông, nhiều nhất là các bà tiểu thương và vợ các công chức, bởi vì tuy không nghe được lời, nhưng họ đều hiểu và thuộc hầu hết các tuồng tích: Tiết Nhơn Quý chinh đông, Tiết Đinh San với Phàn Lê Huê, Địch Thanh với Thoại Ba công chúa, Bàng Quyên đấu với Tôn Tẫn, Bao Công tra án Quách Hòe, Tam Anh chiến Lữ Bố…
Thích nhất là vào khoảng một, hai giờ đêm, có màn biểu diễn võ thuật. Lúc bấy giờ mọi phông màn được dẹp hết, để sân khấu trống trải, lộ rõ cả bàn thờ tổ ở hậu trường. Tiếng trống nổi lên ầm ĩ, các diễn viên nam cởi bỏ hết áo mũ cân đai, nai nịt gọn ghẽ theo lối hiệp sĩ, bắt đầu biểu diễn võ thuật và nhào lộn. Khi đến pha đấu hấp dẫn nhất, tiếng trống dừng lại, cả sân khấu im lặng, chỉ nghe tiếng phách gỗ gõ đều đều, khiến cho khán giả phải tập trung chú ý. Tiết mục biểu diễn võ thuật kéo dài chừng nửa tiếng đồng hồ. Sau đó, sân khấu được bố trí lại để tiếp tục tuồng tích cho đến sáng.
Còn một đặc điểm nữa là xung quanh chùa hoặc ở ngoài rạp hát, hàng quán ì xèo suốt đêm, vì xem hát từ tối đến sáng thì ai cũng phải đói, phải khát. Tôi và các bạn trẻ rất thích ăn các món bình dân nhưng là đặc sản của Bạc Liêu như hủ tiếu xào tép, bánh cống (người địa phương gọi là bánh xì- tún), bánh xếp, bánh củ cải. Còn những em gái thì mang chiếc mâm nhỏ đi len lỏi giữa các hàng ghế khán giả rao bán củ năng, củ sắn, để ăn giải khát.
Bây giờ, đoàn ca kịch Triều Châu ở Chợ Lớn không biểu diễn suốt đêm, cũng không có màn võ thuật đặc biệt lúc nửa đêm. Trang phục thì đẹp hơn, ánh sáng sân khấu rực rỡ hơn, nhưng âm nhạc, ca khúc, vũ điệu thì vẫn như xưa, vì đó là truyền thống văn hóa của địa phương không thể cải biên được. Trong thời đại hiện nay, những gánh hát Tiều thùng đen, thùng đỏ với những đào kép bị đối xử như đầy tớ, không tồn tại nữa. Nhưng ký ức về một quãng đời thơ ấu gắn liền với những đoàn hát đó vẫn còn in đậm trong tâm trí của tôi.
(theo TTO)