Tuesday, December 20, 2016

NHÀ THỜ ĐÁ PHÁT DIỆM

Nhà thờ chính tòa Phát Diệm (thường gọi là Nhà thờ đá Phát Diệm) là một quần thể nhà thờ Công giáo rộng khoảng 22ha, nằm tại thị trấn Phát Diệm (H. Kim Sơn, Ninh Bình), cách Hà Nội khoảng 120km về hướng nam.


Nhà thờ Phát Diệm là một trong những nhà thờ đẹp nhất, được ví như "kinh đô công giáo" của Việt Nam.

Quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm 1 nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ (trong đó có một nhà thờ được xây dựng bằng đá tự nhiên, được gọi là nhà thờ đá), 1 phương đình (nhà chuông), ao hồ và 3 hang đá nhân tạo.

Một hồ nước hình chữ nhật, rộng khoảng 4ha, được kè đá xung quanh nằm trực diện với con đường từ thị trấn Phát Diệm dẫn vào nhà thờ. Giữa hồ là một hòn đảo trên đó có bức tượng Chúa. Quang cảnh chung quanh hồ nước rất thanh bình và yên ả.


Nhà thờ Phát Diệm được khởi công vào năm 1875 và đến năm 1898 thì cơ bản hoàn thành. Nét độc đáo của công trình này ở chỗ: mặc dù là nhà thờ Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam

Quần thể kiến trúc này được chủ trì xây dựng dần dần bởi linh mục Phêrô Trần Lục (còn gọi là cụ Sáu - linh mục ở giáo phận Phát Diệm từ năm 1865) và các giáo dân Công giáo trong hơn 30 năm.

Nhà thờ được xây dựng với trình độ kỹ thuật và điều kiện giao thông của những năm cuối thế kỷ 19. Từ hướng nam đi vào nhà thờ Phát Diệm gồm các phần: ao hồ, phương đình, nhà thờ lớn, ba hang đá nhân tạo và nhà thờ đá.


Phương đình - nhà chuông trong quần thể Nhà thờ đá được khởi dựng năm 1899, là một công trình kiến trúc cao 25m, rộng 17m, dài 24m gồm ba tầng được xây dựng bằng đá phiến, lớn nhất là tầng dưới cùng được xây dựng bằng đá xanh

Trên 4 đỉnh tháp có 4 pho tượng bốn vị Thánh Sử, mà từ đường nét, tư thế đến đường mây nếp áo khiến ta dễ lầm với các pho tượng trong các đền chùa Việt Nam. Các vòm cửa bằng đá được lắp ghép đến trình độ tinh xảo.

Mái của nhà thờ Phát Diệm không cao vút kiểu ngọn tháp như những nhà thờ khác mà là mái cong thấp cổ kính như mái đình, mái chùa.


Du khách tham quan sập đá nguyên khối được đặt ở giữa phương đình. Từ bên ngoài vào trong là những bức phù điêu được khắc chạm trên đá hình ảnh chúa Jêsu và các vị thánh với những đường nét thanh thoát


Lối đi lên tầng trên của phương đình nhỏ hẹp, chỉ vừa thân người, với những ô cửa được bố trí dọc theo hành lang để lấy sáng


Tầng thứ hai của phương đình treo một trống lớn. Qua hơn trăm năm, mặt trống đã không còn nguyên vẹn


Lối đi lên tháp chuông ở tầng 3 của phương đình được làm bằng gỗ


Tầng ba phương đình treo một quả chuông cao 1,4m, đường kính 1,1m, nặng gần 2.000kg. Quả chuông được đúc vào năm 1890. Một tiếng chuông vang xa cả một số vùng thuộc 3 tỉnh (Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa) đều nghe thấy


Nhà thờ chính nhìn từ tầng 3 của phương đình. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1891 với tên chính thức là nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, nay là nhà thờ chính tòa của vị Giám mục Phát Diệm


Nhà thờ lớn dài 74m, rộng 21m, cao 15m, có bốn mái và có năm lối vào dưới các vòm đá được chạm trổ


Trong nhà thờ có 6 hàng cột gỗ lim (48 cột) nguyên khối, hai hàng cột giữa cao tới 11m, chu vi 2,35m, mỗi cột nặng khoảng 10 tấn


Gian thượng của thánh đường có một bàn thờ lớn làm bằng một phiến đá nguyên khối dài 3m, rộng 0,9m, cao 0,8m, nặng khoảng 20 tấn


Mặt trước và hai bên được chạm trổ các loài hoa đặc trưng của bốn mùa làm cho bàn thờ như được phủ một chiếc khăn màu thạch sáng. Hai phía bên nhà thờ có bốn nhà thờ nhỏ được kiến trúc theo một phong cách riêng

Nhà thờ đá được khởi công xây dựng từ năm 1883. Tên nguyên thủy: Nhà nguyện Trái tim Vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ. Tất cả mọi thứ ở nhà thờ này đều được làm bằng đá, từ nền, tường, cột, chấn song cửa...


Phía trong nhà thờ đá được chạm nhiều bức phù điêu đẹp, đặc biệt là bức chạm tứ quý: tùng, mai, cúc, trúc, tượng trưng cho thời tiết và vẻ đẹp riêng của bốn mùa trong một năm. Ðường nét khắc họa những con vật như sư tử, phượng sống động đến lạ thường

Phượt ký của An Dy
Theo IHay