Tuesday, December 20, 2016

MÙA ĐÔNG NGỒI TRÔNG CHÉN CƠM RUỐC SẢ

Tôi đã có nhiều lần kể cho các bạn biết là tôi không ăn được mắm nhưng gia đình tôi thì rất thích các món mắm kể cả bà nội tôi là Tàu chánh hiệu 100% vẫn thích mắm. Món thông thường nhất là mắm kho, mắm ruột Long Xuyên hay Châu Đốc, nhưng món quen thuộc và dễ làm nhất là món mắm ruốc xào thịt ba rọi và sả ớt, nhất là khi có người cho hay mua được mắm ruốc "Bà giáo Thảo" ở Vũng Tàu thời trước.


Khi má tôi xào món này cả nhà đều khen ngon và thơm phưng phức nhưng mà sao tôi không cảm thấy thơm chút nào mà đành ra chổ khác ngồi ăn. Bây giờ ra nước ngoài rồi ít khi ngữi được mùi mắm chỉ đôi lúc làm bò nướng vỉ thì có thêm món chấm là mắm nêm nhưng tôi cũng chịu thua trong khi con gái tôi Aussie 100% thì lại khen ngon quá xá.
Dầu muốn hay không, món mắm của VN là một tình tự dân tộc đã chan hòa vào huyết quản, dù tôi không biết thưởng thức nhưng không bao giờ chê hay đả phá mà còn tìm tòi thêm những cách nấu nướng để vinh danh một đặc sản VN.
Hôm nay có đọc được một bài viết về món mắm ruốc kiểu Huế nên muốn giới thiệu với các bạn, nhìn hình thì khác với kiểu má tôi xào nhưng gia vị thì giống như nhau, có lẽ là món xào cho khô hay xào ướt để có chút nước chan vào cơm (?). Mỗi miền điều có món ngon nhưng có lẽ không phải ai cũng biết thưởng thức.(LKH)


MÙA ĐÔNG NGỒI TRÔNG CHÉN CƠM RUỐC SẢ
Trong cái rét se se, bữa cơm chiều đến là lúc tôi nhớ sao chén mắm ruốc sả có ít thịt heo mỡ, hành, tiêu của mẹ thuở nào.
Ẩm thực miền Trung được sáng tạo, góp nhặt từ sự gian khổ, khó nghèo của vùng đất khô cằn nhưng vẫn mang nét đặc trưng khiến không ít người phải ghiền cái hương vị quê mùa, dân dã ấy.

Đừng chê mắm ruốc tanh hôi
Có mắm có ruốc mới rồi bữa cơm


Đúng vậy, mắm ruốc hiện diện trong rất nhiều món ăn của người miền Trung, thậm chí chỉ cần kho với sả thôi cũng đã đủ sức để trở thành món “tủ” khi đông về của nhiều gia đình. Nếu khi xưa ruốc sả chỉ là món ăn của nhà nghèo thì ngày nay với sự biến tấu của các mẹ, các chị, nó lại là món ăn mà du khách nhất định phải thử khi tới miền Trung.
Cách chế biến đơn giản nhưng món ăn có hấp dẫn hay không lại phụ thuộc vào sự tinh tế và khéo léo của bàn tay nội trợ
Người ta nói rằng cách làm ruốc sả thì cực kỳ đơn giả nhưng có hấp dẫn hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào sự tinh tế, khéo léo của người nội trợ. Thịt ba chỉ sau khi thái hạt lựu đem ướp với sả bằm, đậu phộng sống giã, mắm ruốc và một ít muối. Để thịt ngấm gia vị trong khoảng 10 tới 15 phút.


Thịt đã ngấm, bắc chảo lên bếp, cho vào một chút dầu ăn đun nóng, rồi đổ hỗn hợp thịt, sả, đậu phộng sống vào xáo bằng lửa liu riu, đảo đều tay cho hỗn hợp ráo nước từ từ, không bị cháy. Công đoạn này có thể tốn từ 30 đến 40 phút để sả khô lại.
Khi thịt đã hơi ráo, nêm đường vào từ từ. Không nêm đường ngay từ đầu cùng lúc với muối và mắm ruốc vì khi xào thịt sẽ rất dễ bị cháy. Nếm thấy vừa miệng thì cho mè vào xáo chung cho đến lúc hỗn hợp khô như ruốc thì tắt bếp.
Đến lúc mắm ruốc đã keo lại và thịt cũng đã mềm thì mùi thơm của món ăn đã tỏa khắp, khó mà cưỡng lại được.


Cái cảm giác mặn mặn, ngọt ngọt, cay cay xuýt xoa quyện lẫn trong mỗi miếng cơm nóng hổi, vị thơm lừng hội tụ trong từng miếng thịt, mùi thơm của sả, mắm ruốc, vị cay cay đặc trưng từ trái ớt đậm đà thấm từng kẽ răng chắc chắn sẽ đọng lại trong lòng bất cứ ai từng thử qua.

Nhật Hạ
(Theo Thanh niên)