Thursday, December 29, 2016

"BỆNH" KHOE CỦA

Việc một số người giàu có say sưa khoe của giữa một cộng đồng còn đầy rẫy cảnh đói nghèo, thậm chí có người phải tự tử vì không lối thoát dù đã cố gắng đủ đường, đã không khỏi gợi lên cảm giác bất nhẫn


Trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2011, Mark Zuckerberg - ông chủ thuộc thế hệ 8X (sinh năm 1984) của mạng xã hội Facebook, một trong hai tỉ phú trẻ nhất nước Mỹ và sở hữu khối tài sản trị giá tới 13,5 tỉ USD, được tạp chí Time (Mỹ) bình chọn là “Nhân vật của năm 2010” - đã làm nhiều người bất ngờ. Bất ngờ bởi lẽ nhiều người vốn quen nếp nghĩ một tỉ phú đô-la trẻ như Mark chắc phải vung tiền không chớp mắt, tiêu xài xa hoa để chứng tỏ sự giàu có của mình. Thế nhưng, mọi chuyện diễn ra ngược lại.
Thông tin báo chí khi ấy cho biết khi đến Sa Pa, Mark đã đi thăm nhà dân, tìm hiểu về cuộc sống của người dân tộc thiểu số miền Bắc Việt Nam, chủ yếu là cộng đồng người Mông và người Dao đỏ, thử cảm giác cưỡi trâu và ăn trưa với những món ăn truyền thống Việt. Một tờ báo thuật lại: Khi Mark và vợ chưa cưới tới Việt Nam, nhìn những hình ảnh cặp đôi này trên đường phố, nhiều người tỏ ra thất vọng vì cứ ngỡ giàu như họ thì mặc đồ hiệu “kinh khủng”, chứ ai ngờ Mark đi dép lê, còn cô người yêu Priscilla Chan thì ăn mặc dưới mức giản dị. Một bạn đọc mạng thậm chí chê bai: “Em xin nói thẳng là chưa thấy tỉ phú nào mà lại có người yêu xấu thế này, thất vọng với ông bạn Mark này quá”.


Cảm giác thất vọng của bạn đọc nói trên thật dễ hiểu khi nhiều người Việt đã quen với cảnh đại gia thì phải xài tiền như nước, thậm chí tên tuổi còn được gắn với một loại ngoại tệ mạnh nào đó; đại gia thì phải sánh vai với người đẹp, chân dài; đại gia, người nổi tiếng trong giới showbiz thường xuyên khoe của, khoe biệt thự, nội thất triệu đô; khoe xế hộp đắt tiền; khoe quần khoe áo, trang sức nhiều ngàn đô, thậm chí khoe chiếc giường nhập hàng trăm ngàn đô; khoe tài sản qua việc tổ chức đám cưới “khủng” cho con cái… Quan chức thì tuy không khoe của trên báo, trên mạng nhưng không hiếm người giờ cũng chẳng ngại xây biệt thự, dinh cơ hoành tráng giữa những vùng quê nghèo khó.
Phải nói rằng trong nền kinh tế thị trường, trong một xã hội thừa nhận quyền tự do kinh doanh và quyền tư hữu tài sản, việc một số người vượt lên giàu có hơn những người khác là chuyện bình thường. Dân giàu thì nước mới mạnh, ai cũng đồng tình. Và một khi giàu có, người ta có quyền tự do tiêu xài của cải họ làm ra, đó cũng là điều tự nhiên, không phải bàn cãi.


Chỉ có điều là chưa bàn đến việc họ làm giàu chân chính từ mồ hôi nước mắt và tài năng của họ hay là nhờ mánh khóe thì xét về mặt văn hóa, việc một số người giàu có say sưa khoe của giữa một cộng đồng, một xã hội còn đầy rẫy cảnh đói nghèo, thiếu ăn, thậm chí có người phải tự tử vì nghèo không lối thoát dù đã cố gắng đủ đường như trường hợp chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân ở Cà Mau hồi năm ngoái, đã không khỏi mang lại một cảm giác bất nhẫn. Cái cảm giác mà một con người bình thường không thể tránh khỏi khi thấy trên bàn của mình thừa mứa thức ăn bỏ đi trong khi trước mặt là đứa trẻ ốm đói đang ngửa tay xin. Cảnh đó như một sự phỉ báng đối với những con người tuy không lười biếng nhưng đang phải chật vật kiếm ăn chỉ vì họ chưa được tạo đủ điều kiện để thoát cảnh bần cùng.
Mặt khác, xét về mặt quản trị quốc gia, điều đó cũng cho thấy sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng trong xã hội. Báo cáo “Đánh giá nghèo Việt Nam năm 2012” của Ngân hàng Thế giới cho thấy bất bình đẳng về thu nhập tại Việt Nam đã gia tăng, dù là ở mức khiêm tốn. Chênh lệch giữa thu nhập trung bình đầu người của nhóm 20% hộ khá giả nhất với 20% hộ nghèo nhất đã tăng từ mức 7 lần năm 2004 lên 8,5 lần năm 2010. Đó là một thực tế không thể không làm cho các nhà quản lý phải trăn trở và cộng đồng - trong đó có cả những người thành công trong kinh doanh - cũng cần suy nghĩ.


Bởi như Melinda Gates, người bạn đời của tỉ phú Mỹ Bill Gates - “người phụ nữ 100 tỉ đô” đã cùng với chồng sáng lập quỹ từ thiện mang tên ông bà - đã nói trong lễ tốt nghiệp trung học trước các thầy cô và bạn đồng học: “Nếu các bạn thành công là bởi vì vào một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, có ai đó đã sinh thành ra các bạn hay có ai đó đã cho các bạn một ý tưởng nào đó để giúp bạn đi đúng đường. Hãy nhớ rằng các bạn mang một món nợ đời cho đến khi bạn giúp được cho một ai đó kém may mắn hơn bạn, theo như cách mà bạn đã được nâng đỡ”. Chính với suy nghĩ đó mà Melinda và Bill Gates đã sáng lập quỹ từ thiện hoạt động trên toàn cầu, trong lĩnh vực giáo dục, y tế, diệt trừ các chứng bệnh gây tử vong nhiều nhất cho con người, tài trợ cho việc chủng ngừa, các công cuộc nghiên cứu tìm những loại thuốc chữa các chứng bệnh hiểm nghèo. Họ là những người không chỉ giàu có tiền bạc nhờ tài năng mà còn giàu có cả về tình người, về tâm hồn.
Nếu các đại gia Việt Nam cũng suy nghĩ và hành động như Melinda và Bill Gates thay vì khoe của thì xã hội này sẽ đẹp hơn biết bao!
ĐOÀN KHẮC XUYÊN
(đăng trong Người Lao Động)




Ghi thêm:
Quá khác biệt về văn hóa hưởng thụ
“Có lẽ trong quan niệm của nhiều người Việt khi họ nhìn vào một số đại gia ở Việt Nam rằng đã là đại gia thì phải cưới một cô vợ có “ngoại hình” để ra đường có người trầm trồ, ngưỡng mộ, thậm chí phải nổi tiếng, chân dài. Quan niệm đại gia phải lấy chân dài hình như chỉ có ở những nước đang phát triển như chúng ta, vì nghèo khó lâu nên giờ có chút tiền sinh ra học đòi! Cách hưởng thụ của họ và chúng ta là cả một sự khác biệt với cái gốc là sự phát triển hàng trăm năm, những giá trị cuộc sống không thể đánh giá màu mè qua cách nhìn “trọc phú bán đất” được” - một bạn đọc bình luận trong dịp Mark Zuckerberg thăm Việt Nam.
Liệu có cách gì rút ngắn cái khoảng cách trăm năm về văn hóa hưởng thụ này không?
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: