Y tế nước Úc có lẽ là một trong những nước tiên tiến và tốt nhất thế giới, gần như miễn phí hoàn toàn cho mọi người và tất cả bệnh nhân đều được chăm sóc chu đáo. Cầu kỳ hơn bạn có thể mua bảo hiễm y tế tư để được quyền chọn lựa bác sĩ hay bệnh viện tư mà bạn thích.
Người VN qua Úc đi khám bệnh coi như là vô tội vạ vì khỏi phải trả tiền, nếu là người già hay thất nghiệp thì mua thuốc trả rất rẻ vì có tài trợ của chánh phủ. Có nhiều người gặp bác sĩ VN còn yêu cầu ra toa thuốc theo ý muốn, muốn thuốc mạnh, thuốc trụ sinh, để mau hết, thuốc nhẹ lâu hết là chê ông bác sĩ không giỏi.
Cái tư tưởng cũ rít muôn đời không muốn tiến bộ từ quan niệm về cuộc sống, về gia đình, về chính trị, về giáo dục.... nói chung rất là "out of date" và lại không bao giờ muốn "update" trong cuộc sống mới.
Bệnh mà muốn mau hết thì phải có thuốc trụ sinh mạnh thì đúng là:
"Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào"
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào"
Mời các bạn đọc bài sau của BS Lương Lễ Hoàng, cái ý của BS Hoàng viết thì chắc chắn ai cũng biết nhưng dường như ở VN không có nhiều người muốn nghe:
NGHE QUA NGẬM ĐẮNG NUỐT CAY THẾ NÀO!
Xứ mình bao giờ cũng có điểm khác người. Thuốc trụ sinh là mặt hàng bán ế nhất trong dược phòng phương Tây. Thuốc trụ sinh hầu như chỉ được áp dụng một cách thận trọng và giới hạn trong điều trị nội trú tại các quốc gia Âu Mỹ. Trong khi đó, không cần phải làm thống kê cũng thừa hiểu về số lượng thuốc trụ sinh đang được tiêu thụ mỗi ngày ở Việt nam. Đồng ý là tình trạng bội nhiễm vẫn còn là gánh nặng của ngành y tế. Nhưng ở đây còn có vấn đề thói quen.
Trong đa số trường hợp, phía sau câu nói ví von “đau Nam, chữa Bắc” thường là ý nghĩa châm biếm loại nhà điều trị chữa bệnh qua kiểu đoán mò. Một số không ít trong giới bác sĩ Tây y có thói quen áp dụng ngạn ngữ này với ngụ ý xem nhẹ thao tác điều trị của thầy thuốc Đông y cổ truyền, cho dù nhiều khi chưa hẳn đã hiểu rõ thuật điều trị của thầy lang.
Nói thế không phải để bênh vực cho thầy lang. Tôi chọn một quan điểm đơn giản hơn. Nếu Hippocrates, y tổ ngành Tây y, đã khẳng định “Ai chữa lành, người đó có lý” thì người bệnh có đau Nam, đau Bắc như thế nào bất kỳ, thầy thuốc muốn chữa Đông, trị Tây gì cũng được, miễn là có hiệu quả thật sự, miễn là người bệnh hài lòng với kết quả thực tế.
Xin đơn cử một dẫn chứng cụ thể về mối tương quan giữa phương tiện và mục tiêu: bội nhiễm đường hô hấp dưới dạng viêm xoang, viêm phế quản… là bệnh chứng hiện nay thường gặp trong nước, thậm chí quá thường đến độ phải lo ngại! Nhiều đồng nghiệp trong nước hiện có khuynh hướng áp dụng tương đối rộng rãi nhiều loại thuốc trụ sinh. Người bệnh dù muốn hay không thì trước sau cũng phải đối đầu với hai phản ứng phụ rất phổ biến của dược phẩm kháng sinh: rối loạn tiêu hóa và mất quân bình vi sinh trên nền ruột. Triệu chứng điển hình là tình trạng biếng ăn, khó tiêu, táo bón hay ngược lại tiêu chảy sau thời gian dùng thuốc trụ sinh. Thêm vào đó, chức năng giải độc của khung ruột cũng từng bước trở nên mỏi mệt. Người bệnh, do đó, bên cạnh khuynh hướng dễ bị mụn nhọt, mẩn ngứa… sẽ rơi dần vào tình trạng mệt mỏi, dễ cảm khi trái gió trở trời, nghĩa là lại bị bội nhiễm đường hô hấp! Thực trạng này là điều khó tránh chẳng qua vì sức đề kháng của cơ thể không làm sao còn nguyên vẹn sau nhiều hiệp quần thảo với bệnh nguyên và cả với… thuốc kháng sinh!
Như thế, nếu muốn chữa bệnh đường hô hấp mà quên hẳn vai trò hữu ích của lực lượng vi sinh trên nền ruột thì đúng là “đau đâu chữa đó”. Chính vì dùng thuốc kháng sinh theo tinh thần “giết gà bằng dao mổ trâu” mà thầy thuốc tiếp tay đánh gục sức kháng bệnh khi vô tình tiêu diệt cộng đồng vi sinh hữu ích trong lòng ruột. Trên cơ sở vừa trình bày, nếu không “chữa Bắc” bằng cách tiếp tế, bảo vệ và huy động thành phần vi sinh trong khung ruột để góp phần chống bệnh thì “đau Nam” sớm muộn cũng trở thành “bệnh bốn phương tám hướng”!
(trích từ “Thuốc đắng đã tật”)
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng