Friday, December 30, 2016

NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI HOA Ở CẦN THƠ

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Cần Thơ bắt đầu có một số người Hoa đến định cư, lập nghiệp. Nhờ vị thế trung tâm của Cần Thơ, cộng đồng người Hoa ở đây ngày càng thành công về kinh tế. Các dãy phố, nhà xưởng sầm uất mọc lên; nhiều chành lúa với những tên tuổi nổi tiếng một thời: Lâm Chi Phát, Lâm Dung Xương, Khổng Cẩm Hưng... góp phần cho sự phát triển, giao thương của cả vùng. Cùng với sự phát triển về kinh tế, những ngôi chùa của người Hoa được xây dựng từ khá sớm, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh người Hoa và cả cộng đồng.
Những ngôi chùa, miếu được cộng đồng người Hoa di cư có ý thức xây dựng ngay từ buổi đầu, khi cuộc sống của họ chưa ổn định, vì đây là điều kiện tiên quyết giúp họ ổn định đời sống tinh thần nơi miền xa xứ lạ. Quê nhà không yên ổn, họ phải ly hương. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, họ mới được bình an trên vùng đất mới. Điều này đã khiến nhu cầu tín ngưỡng càng cao và kết quả là những ngôi chùa, miếu được xây dựng. Tín ngưỡng mà người Hoa di cư mang theo từ quê nhà, kết hợp với tín ngưỡng bản địa đã tạo nên nét đặc trưng riêng của cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ nói chung, ở Cần Thơ nói riêng.

Quảng Triệu Hội Quán (Ninh Kiều)
Từ các ngôi chùa, miếu đơn sơ của những ngày đầu định cư, khi đời sống kinh tế phát triển, những ngôi chùa của cộng đồng người Hoa tại Cần Thơ được trùng tu, xây dựng lại theo hướng ngày càng bề thế hơn, rực rỡ hơn. Bên cạnh đó là những ngôi chùa mới được xây dựng đáp ứng sự gia tăng dân số và nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Có thể nói, tại Cần Thơ, ở đâu có người Hoa cư trú, ở đó có chùa Hoa và phần lớn được xây cất ở cặp mé sông, như: Hiệp Thiên Cung Ba Láng (Cái Răng), Võ Đế Cổ Miếu (Ô Môn), Quan Đế Võ Miếu (Bình Thủy)... hoặc được xây dựng ở những nơi dân cư đông đúc như: Hiệp Thiên Cung (Cái Răng), Thất Phủ Võ Miếu (Thốt Nốt), Quảng Triệu Hội Quán (Ninh Kiều)...

Thiên Hậu Miếu (Cái Răng)

Việc lựa chọn địa điểm xây chùa cũng thể hiện một phần đời sống và tín ngưỡng của người Hoa ở Cần Thơ. Do buổi đầu đường bộ chưa phát triển, phương tiện đi lại chủ yếu là ghe xuồng nên việc xây chùa cặp mé sông đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Ngoài ra, trong tâm thức của người Hoa, sông nước là một phần không thể tách rời đời sống, bởi khi di cư đến Việt Nam, họ chủ yếu đi bằng đường thủy, công việc làm ăn, buôn bán buổi đầu cũng chủ yếu diễn ra ở bến sông. Họ quan niệm chính các vị thần sông, thần biển, chư Phật chuyên cứu người trên biển như Bà Thiên Hậu, Phật Bà Quan Âm đã phù hộ cho họ rất nhiều trong những chuyến hải trình xa xôi đến Việt Nam, cũng như trong công việc mua bán sau này. Ngôi chùa được xây cất ở cặp mé sông chính là để các vị thần trấn giữ, ngăn chặn mọi điều xui xẻo, đem những điều may mắn, tốt lành đến với cư dân.

 Hiệp Thiên Cung (Cái Răng)
Nhìn vào hệ thống chùa Hoa ở Cần Thơ, có thể thấy tính thực tiễn của cộng đồng rất cao và điều này thể hiện ở việc thờ cùng lúc nhiều vị thần trong chùa, với mong muốn các vị thần này phù hộ cho họ về mọi mặt trong cuộc sống. Chùa Hoa có thờ Quan Công, Bà Thiên Hậu, Bà Quan Âm, Phúc Đức Chính Thần. Bên cạnh tượng trưng cho sự trung hiếu tiết nghĩa, Quan Công còn mang ý nghĩa đuổi tà ma để trong ngoài được yên ổn. Thờ Bà Thiên Hậu mang ý nghĩa tri ân Bà đã phù hộ cho cộng đồng được bình an sau những chuyến hải trình xa xôi. Thờ Bà Quan Âm với mong ước Bà cứu khổ cứu nạn, giải trừ tai ách. Thờ Phúc Đức Chính Thần với ý mong cầu sự nghiệp hanh thông, buôn bán phát đạt… Tính thực tiễn còn thể hiện rõ nét qua một số hoành phi, câu đối trong chùa: Ân triêm hậu trạch (Ơn cao đức dày) / Tài tinh cao chiếu (Tài lộc trên cao soi xuống). Hay: Địa tiếp côn sơn khai bảo thụ / Môn thông lệ thủy khởi đan sa (Đất có Côn Sơn nở nhiều cây quý / Cửa như dòng nước có nhiều đan sa). Tất cả đều thể hiện mong mỏi một cuộc sống an lành, hạnh phúc.

Quan Đế Võ Miếu (Bình Thủy)
Chùa Hoa ở Cần Thơ là cơ sở tín ngưỡng và mỗi người chung tay góp sức gầy dựng các cơ sở thờ tự, nên dễ dàng liên kết cộng đồng. Người Hoa quan niệm rằng không ai trong cộng đồng có thể làm hài lòng hết thảy mọi người và nhất trí trong tất cả mọi việc, nhưng khi tất cả có cùng tín ngưỡng và cùng góp công, góp của xây dựng một ngôi chùa, ngôi miếu để thờ chư Phật và các vị thần mà họ tin tưởng, thì các cá nhân sẽ vì việc chung mà đoàn kết. Vì vậy sinh hoạt trong chùa Hoa ở Cần Thơ không chỉ có giá trị về tâm linh, mà còn có ý nghĩa liên kết cộng đồng trong các hoạt động xã hội. Hằng năm, chùa Hoa ở Cần Thơ có nhiều lễ hội, mỗi lễ hội đều quy tụ một số lượng lớn người tham gia. Phần lớn những người này đều thành đạt trong buôn bán kinh doanh nên rất "mạnh tay" quyên góp. Tất cả số tiền thu được này đều được Ban trị sự dùng vào việc có ý nghĩa, như: trích ra một phần để dành sửa chữa chùa; một phần cho trường Hoa ngữ; phần còn lại dùng làm việc từ thiện (góp tiền xây trường, xây nghĩa trang, ủng hộ người nghèo địa phương, phát gạo và tiền cho người nghèo trong dịp rằm tháng Bảy…).


Trong quá trình sinh sống và hòa nhập tại nơi ở mới, người Hoa vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời, mở rộng giao lưu văn hóa với các dân tộc cùng cộng cư. Điều này được thể hiện qua việc ngày càng có nhiều người từ các dân tộc khác đến viếng chùa của người Hoa và Ban trị sự các ngôi chùa Hoa cũng đến tham dự các lễ lớn của các đình, chùa của người Kinh, người Khmer. Sinh hoạt tôn giáo ở những ngôi chùa Hoa không chỉ giúp cộng đồng cân bằng tâm lý, vững tin vào cuộc sống; mà còn tạo sự đoàn kết trong cộng đồng; đồng thời góp phần tích cực vào việc từ thiện xã hội.
Trần Phỏng Diều
(đăng trong Cần Thơ online 10/10/2015)