Friday, December 23, 2016

CON TRÙNG TRỤC

Đừng vội đọc bài viết, các bạn xem những tấm hình tôi post lên trước rồi các bạn đoán là con gì. Riêng tôi thì với cái nhìn đầu tiên tôi nghĩ ngay đến con "chem chép" mà ở Úc người ta hay gọi là con "mussel". Dọc theo các bãi biển, các ghềnh đá, chân cầu tàu chúng hay bám vào đấy. Có khi trong tiệm bán hải sản, có bán con rất to dài khoảng 8-10 cm.


Nếu bạn cũng nghĩ như tôi thì hoàn toàn sai trừ các bạn ở VN đã có ăn qua con này vì đây là một loại đặc sản chỉ có ở VN (loại đặc hữu của Việt Nam). Nhất là dân miền Nam và là dân của vùng ĐBSCL thì chắc là chẳng có cơ hội biết qua trừ khi đọc được sách. Nó là con "Trùng Trục". Cái tên nghe lạ qúa phải không ?

TRÙNG TRỤC CÓ KHÍA
Lanceolaria fruhstorferi (Bavay et Dautzenberg, 1901)
Unio fruhstorferi Bavay et Dautzenberg, 1901.
Họ: Trai cánh Unionidae
Bộ: Trai Unionoida
Đặc điểm nhận dạng:
Trùng trục cỡ trung bình, vỏ tương đối ngắn, rộng bản vuốt nhọn đột ngột. Vỏ dày vừa, vùng đỉnh vỏ thấp. Cạnh trước tròn đều, cạnh bụng thẳng hơi lõm ở khoảng giữa, cạnh lưng hơi cong xuống. Mặt ngoài vỏ nhẵn ở vùng đầu trước, ở đỉnh vỏ thấy các gờ dọc ngắn song song và các dãy nốt sần chữ chi. Phần đuôi vỏ có những khía dọc lớn song song chạy ra tới đầu mút. Vỏ màu nâu đen, xà cừ màu trắng, ánh ngũ sắc.


Sinh học - Sinh thái:
Sống trong sông vùng núi, đáy mềm bùn, cát.
Phân bố:
Trong nước: Cao Bằng (sông Bằng), Thừa Thiên - Huế, Nam Trung Bộ (Phúc Sơn).
Thế giới: Chỉ có ở Việt Nam.
Giá trị:
Có giá trị khoa học, thực phẩm.
Tình trạng:
Loài đặc hữu, vùng phân bố bị chia cắt, đang bị khai thác nhiều. Trước năm 1975, gặp phổ biến trong sông Bằng (Cao Bằng). Sau năm 1975, đặc biệt từ 1990 tới nay, do có giá trị làm thực phẩm, lượng khai thác hàng năm tăng cao, làm giảm số lượng rõ rệt, có thể tới 20%. Diện phân bố Trùng trục có khía trước 1975 có ở Cao Bằng, Trung và Nam Trung Bộ. Hiện nay, do khai thác mạnh và tình trạng ô nhiễm các sông, diện tích thu hẹp. Các điều tra và phỏng vấn nhân dân địa phương năm 2000, 2001 tại sông Bằng (Cao Bằng) đã không thu được mẫu sống của loài này.
Biện pháp bảo vệ:
Đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành Thuỷ sản từ trước 1996. Kiến nghị: hạn chế khai thác, bảo vệ tránh gây ô nhiễm nước sông. Nghiên cứu bổ sung số lượng bằng biện pháp nuôi nhân tạo.
(theo Sinh Vật Rừng Việt Nam)


Trùng Trục có thể biến chế thành nhiều món ăn bổ dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Bây giờ mời các bạn đọc bài sau:

LẠ MIỆNG VỚI MÓN TRÙNG TRỤC ĐỒNG QUÊ

Vào mỗi buổi chiều thu, những bà mẹ quê vùng trung du Bắc bộ lại trổ tài khéo tay chế biến món trùng trục dân dã, riêng có ở nơi này.
Những ngày này, muốn đổi khẩu vị, người dân thôn quê miền trung du Bắc bộ chỉ cần xắn quần lội xuống ao ngòi hì hụp mò trùng trục về chế biến món ăn. Loài trùng trục dân dã, sống dưới ao bùn vốn quen thuộc nhưng khi chịu khó "biến tấu" sẽ thành những món ăn ngon, vô cùng lạ miệng.
Trùng trục bé hơn con trai, cọc rào rất nhiều, mình chỉ độ to hơn ngón tay trỏ, con dài cũng chỉ khoảng hai đốt tay. Ấy vậy mà chúng sống và sinh sôi khỏe đến lạ. Trùng trục sống sâu dưới đáy ao, bờ ngòi, ven ruộng nước, cắm mình tua tủa xuống bùn để sống và sinh nở.


Từ lâu, người nông dân Bắc bộ luôn coi trùng trục là con vật lành, dân dã và dùng nó như một thứ thực phẩm tự nhiên giàu chất dinh dưỡng.
Trùng trục béo nhất là vào giữa và cuối thu. Vì thế, vào mùa này, người ta tranh thủ lúc nông nhàn, lội xuống chừng nửa đầu gối nước là có thể mò về hàng chậu đầy trùng trục.
Những chú trùng trục đang độ béo vỏ bóng mượt, chỉ cần ngâm nước độ hai giờ cho trùng trục nhả bớt bùn là có thể mang ra chế biến.
Người dân quê chế biến trùng trục thành nhiều món ăn khác nhau. Mỗi món để lại dư vị riêng đầy ấn tượng.
Giữa tiết trời mùa thu mát mẻ, ngồi bên chõng tre thưởng thức món trùng trục hấp lá bưởi thì không còn gì thú vị bằng. Món này dễ chế biến như để ngon thì cần sự cầu kỳ về gia vị.
Trùng trục rửa sạch, cho vào nồi cùng vô số lá bưởi tươi cùng một chút củ sả. Đun lửa chừng 15 phút là có một món trùng trục hấp nóng hổi. Khi ấy, trùng trục tự tách đôi vỏ, để lộ phần thịt vàng ươm bên trong. Khi ăn chấm nước mắm ngon, cộng với ớt chín đỏ băm nhuyễn.


Dân sành ẩm thực thường ăn trùng trục kèm chuối xanh, mấy quả ớt tươi, rau tía tô và uống thêm bát nước luộc đậm đà. Thưởng thức món này, thực khách như cảm nhận được vị thơm ngọt tự nhiên của trùng trục, như thu tất cả các hương vị thơm ngon vườn nhà.
Thú nhất là ngồi bên bếp than hồng, kẹp từng con trùng trục vào cặp tre rồi nướng trên than. Món trùng trục nướng vừa thơm vừa béo ngậy, vừa ngon cả ở sự chờ đợi khi nướng.
Tinh tế và đậm đà dư vị hơn với món cháo trùng trục ăn vào cuối thu và cả đầu đông. Người ta dùng thịt trùng trục băm nhỏ với củ hàng khô sau đó phi hành mỡ xào khô dùng làm nhân cháo.
Nồi cháo được nấu riêng với nước luộc trùng trục, khi ăn múc ra tô rồi rắc nhân thịt trùng trục lên trên kèm theo rau thơm thái chỉ.
Bát cháo trùng trục vừa quen lại vừa lạ. Thực khách thấy quen ở cái vị gạo ngọt bùi nơi đồng quê nhưng lại thấy lạ ở cái nhân thịt trùng trục vừa ngọt vừa thơm.


Cháo trùng trục thêm chút lá tía tô còn là bài thuốc giải cảm khá tốt của dân gian, ăn xong, người thấy nhẹ nhõm, toát mồ hôi.
Vào mỗi buổi chiều thu, những bà mẹ quê vùng trung du Bắc bộ lại trổ tài khéo tay chế biến món ăn chỉ có ở nơi này. Món trùng trục dân dã là thế vậy mà qua bàn tay thơm thảo của những người dân quê lại trở thành món ăn đầy dư vị, đậm đà khó quên.
Nguyễn Thế Lượng
(Sưu tầm trên mạng)




No comments: