Thursday, December 15, 2016

TRÁI SA-PÔ

Tôi có kể cho các bạn là lần ra Hà Nội mấy năm trước có mua Sa-bô, trái thật lớn, 3 trái mà gần ký. Nhớ hồi đó ở Cần Thơ mình đâu có trái lớn như vậy cho dù là sa-bô Xiêm cho nên mới tìm hiểu xem. Lên mạng rồi mới thấy không biết cái tên của nó phải viết như thế nào. Ngày xưa gọi là sa-bô có khi thì gọi là sa-bô-chê nhưng bây giờ trên mạng viết tứ tung: sa bô chê, sa pô chê, xa bô chê, xa pô chê...vậy thì chữ nào là chuẩn ?


Miền Bắc thì gọi loại này là Hồng Xiêm hoặc "lồng mức", người TQ thì gọi là Nhân tâm quả (人心果) tức trái tim người có lẽ là dựa theo hình dáng của nó. Theo một tài liệu kỹ thuật nông nghiệp thì giải thích như thế này, tôi tạm chấp nhận:
"Sa-Pô thuộc họ Sapotaceae,tên khoa học Manilkara Zapota,Linn.Van Royen (tên cũ Achras Zapota,Linn.).Họ này có loài Manilkara Kauki (Linn)Dub.cũng cho trái ăn rất ngon.Từ” Sa-pô”. Bắt nguồn từ tiếng pháp Sapotille và “Sapodilla” của tiếng Anh.
Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thường trồng phổ biến 2 giống Sa-Pô:
- Sa-Pô ta : Cây cao khoảng 10 m,Mọc khỏe, ít bị nhiễm sâu bệnh, cho nhiều trái (trên 2000 trái/cây/năm), nhưng trái tròn, nhỏ (nặng 50-150g), vị lạt, thịt thô (cát). Do phẩm chất kém nên ít được ưa chuộng, diện tích ngày càng giảm dần.


- Sa-Pô Xiêm (Sa-Pô lòng mứt): Cây cao 7-10m sau 10-30 năm trồng, tán rộng 6-10m. Lá xanh sậm và dày hơn Sa-Pộ ta. Cây cho năng suất 50-200kg trái/cây/năm tùy điều kiện chăm sóc. Trái to, nặng 150-300g,dài 7-10cm, đường kính 4,5-6,0 cm, thịt mịn, thơm ngọt, rất hợp thị hiếu người tiêu dùng.Trồng tốt, Sa-Pô xiêm có thể cho năng suất 20-40t/Ha (Với mật độ 150-200 cây/ha trên đất có mương líp của ĐBSCL. Giống này có 2 dòng ruột (thịt ) tím và ruột hồng thường được trồng ở ĐBSCL.Giống nầy cho tỷ lệ hoa rụng khá cao nên cần trồng xen thêm trong vườn một ít cây Sa-Pô ta (có nhiều phấn) để tăng thêm khả năng đậu trái của giống.
Ngoài 2 giống trên còn có loại Sa-Pô dây(trứng ngỗng)(trái to 200-300g,thịt hơi nhão); Sa-Pô dây Bến Tre (trái to,400-600g, thịt mịn), Sa-Pô vỏ xanh (thịt mịn,ngọt), và Sa-Pô rừng (trái nhỏ, phẩm chất kém)."
Ngoài ra sa-bô còn nhiều tính năng khác mời các bạn cùng đọc. (LKH)

DINH DƯỠNG TỪ SA PÔ CHÊ:


Có tên khoa học là manilkara zapota, sa pô chê hay hồng xiêm là loại trái cây rất phổ biến ở xứ nhiệt đới, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Với vỏ mỏng màu nâu nhạt, thơm, khi chín rất ngọt và mọng nước, sa pô chê là loại quả lý tưởng dùng để tráng miệng hay giải khát.
Tuy nhiên, ít người biết là sa pô chê chứa rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe và bên trong còn có một chất nhựa ăn được gọi là chicle, dùng làm một thành phần trong kẹo chewing gum. Dưới đây là một số giá trị dinh dưỡng từ quả sa pô chê, theo Times of India:
- Sa pô chê có vị ngọt thanh là do bên trong chứa nhiều đường fructose và sucrose, và cũng chính vì thế đây là thực phẩm tự nhiên giúp tăng cường năng lượng cho cơ thể.
- Sa pô chê còn là nguồn cung cấp chất xơ phong phú, nhờ đó giúp hạn chế tình trạng táo bón, đồng thời giúp bảo vệ màng nhầy của ruột khỏi các độc tố gây ung thư.
- Chứa các hoạt chất chống viêm, nhờ đó sa pô chê giúp ngăn tình trạng viêm dạ dày và các bệnh liên quan tới đường ruột. Đặc biệt chất zapotin chiết xuất từ sa pô chê có hoạt tính tiêu diệt các tế bào ung thư ruột già nên còn có thể dùng làm chất ngừa và chống ung thư ruột già.


- Tanin, một hợp chất phenolic poly, được tìm thấy trong quả sa pô chê có tác dụng chống khuẩn và chống vi trùng xâm nhập cơ thể.
- Ngoài ra, quả sa pô chê chín chứa nhiều khoáng chất như sắt, đồng, kali, vitamin A và C cùng những chất khác như niacin, folate... có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, đồng thời giúp tóc và da khỏe mạnh.
Nhật Vân (theo TNO)