Tôi mới post bài trước về Phạm Duy với vài chuyện tình ở Huế, qua bài hát "Kiếp nào có yêu nhau" phổ nhạc từ thơ của Minh Đức Hoài Trinh. Xin giới thiệu sơ lược tiều sử của bà qua bài giới thiệu của Cao My Nhân
HÀNH TRÌNH CỦA MỘT NỮ SĨ
"Minh Đức Hoài Trinh tên thật Võ Thị Hoài Trinh, sinh ngày 5 tháng 10 năm 1930 tại Huế, à con cụ Võ Chuẩn, Tổng đốc tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ đi học ở các tỉnh theo cha, lớn theo học ngành báo chí, chính trị và xã hội học tại Pháp. Đã từng làm ký giả và đặc phái viên cho nhiều báo, có chân trong Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam và Hội ký giả Ngoại quốc tại Pháp.
Trên cõi đời, có lẽ số người tôn trọng nguyên tắc chỉ độ non nửa, già nửa nhân khẩu còn lại, thường ỷ y, xem thường, hoặc vô phương...cứu chữa cái cố tật “nước tới chân mới nhảy”. Tôi là số người đứng ở phần hai này.
Trong câu chuyện 60 năm cuộc đời hôm nay, mà tuần tới đây, nhà văn NGUYỄN QUANG, tác giả tập truyện ÔNG GIÁO LÀNG đã ra mắt bạn đọc ở Nam California cách nay mấy tháng, sẽ là người chủ chốt giới thiệu với độc giả về 60 năm cuộc đời của nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH, mà ông anh, nhà văn NGUYỄN QUANG đã thông báo cho tôi, lớp sau của nữ sĩ phu nhân ông, rằng ông sẽ cố gắng làm một buổi sinh hoạt văn chương kỷ niệm “60 năm MINH ĐỨC HOÀI TRINH trên ngay phần đất Bolsa, thủ đô tị nạn của những người Việt đang và vẫn còn lưu vong này, cho dù thời gian trước đây, ông chưa nghĩ tới, hoặc giả vân vân khác...và tôi cố gắng góp chút kỷ niệm cho có tình tỉ muội với nhau.
Tôi bày tỏ với anh chị nhà văn NGUYỄN QUANG và nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH, là tôi ngại quá, ở một cái nôi hơn ba thập niên văn vật, với con đường xa lộ hào quang 24 / 24, âm vang từ năm châu vọng về điểm tới Bolsa đỉnh chung danh vọng, đất hứa của những tài hoa mọi lãnh vực, đến nỗi từ trong nước hết lớp sóng này, tới lớp sóng khác, tràn qua đại dương, lưu diễn ngành nghề đơn điệu hay đa hiệu tùy theo thời vận.
Nhà văn NGUYỄN QUANG cười hỉ hả:
-Không sao, không sao, việc ai nấy làm, mình ghi lại thời điểm 60 năm hoạt động văn học nghệ thuật của MINH ĐỨC HOÀI TRINH thôi mà.
-Dạ.
-Dạ.
Vào thượng tuần tháng 4.2008, tôi đã tháp tùng đôi uyên ương văn nghệ này, lên San Jose để giới thiệu cuốn sách đồ sộ Văn Nghiệp và Cuộc Đời MINH ĐỨC HOÀI TRINH, gồm những hình ảnh và bài vở liên hệ với nữ tác giả đương nêu, do chính nhà văn NGUYỄN QUANG sưu tầm, biên soạn.
Với lý do gần cũng như xa, trong cũng như ngoài, nhà văn NGUYỄN QUANG nhận định, nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH đã rất nhiệt thành từ thực tế tới văn chương, thành ông muốn thu thập lại.
MINH ĐỨC HOÀI TRINH là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo thực sự, nhưng nếu chỉ là...ba nhà như thế thì cũng na ná các nhà văn, thơ, báo hiện nay, rất đại trà ở hải ngoại, cái điều khiến người ta, hay ít nhất là tôi thấy được, chị đã khởi đi từ một ký giả truyền thông chuyên nghiệp, có học hành, đỗ đạt ở một phân khoa đại học danh tiếng nước Pháp.
Chị đã là phóng viên chiến trường cấp quốc tế, đã là ký giả hoạt động ở mọi lãnh vực, chị đã hiện diện ở Châu Âu, Châu Phi, và sau cùng ở Châu Á, trong đó có chiến trường Việt Nam trước 30.4.1975. Sau đó chị lại rời quê hương, trước thời điểm trên, lại vẫn vừa học, vừa hành...khi hay tin miền Nam rơi vào tay cộng sản, MINH ĐỨC HOÀI TRINH đành trở qua Pháp, bước tiếp hành trình cuộc đời chị, sinh hoạt văn hóa, xã hội và đấu tranh cho lý tưởng Tự Do mà từ thuở nào chị hằng theo đuổi.
Kể từ giữa thập niên 70, nhất là những năm cuối 70 này, những cơn sốt di tản xuất phát từ các ngả Đông, Nam Việt Nam, dân chúng bất kể thuộc thành phần nào ở các tỉnh bên này sông Bến Hải, đã phải tìm đường vượt biên vì sợ hãi, chán ghét, thù hận chế độ vô thần, vô sản, vô nhân đạo, họ quyết kiếm sự sống trên nỗi chết, hằng ngày sóng biển Đông vật vã tàu đò, thân xác người lênh đênh.
Để nói lên tiếng nói chung, một cách điệu duy nhất có thể biểu lộ được, phản bác được cho năm châu thế giới mau chóng biết được, hiểu ngay, vì sao dân miền Nam phải rời bỏ quê hương ra đi, là, phải có một sinh hoạt cấp quốc tế, nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH đã nung nấu ý chí thành lập VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI, với hoài bão dựa vào diễn đàn này, nói lên nguyện vọng của từng lớp người di tản, vượt biển, lưu vong, tị nạn. Do đó, năm 1977, MINH ĐỨC HOÀI TRINH đã từng vận động, từng bước xây dựng được trung tâm VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI, chính thức sinh hoạt cùng VĂN BÚT THẾ GIỚI năm 1978. Nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH là chủ tịch VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI nhiệm kỳ tiên phong. Thành bên cạnh Văn Nghiệp, MINH ĐỨC HOÀI TRINHvới 30 tác phẩm đủ thể loại, từ thơ, văn, tiểu luận, ký mục v.v...nữ sĩ có một sự nghiệp song song, đó là người đã hiện diện trong lãnh vực VĂN BÚT VIỆT NAM, kể từ khi mới khai mạc buổi đầu tiên thập niên 60 ở thế kỷ trước, do các nhà văn, nhà thơ tiền nhiệm, lão làng thiết lập, trách nhiệm tổ chức điều hành như nhà văn NHẤT LINH NGUYỄN TƯỜNG TAM, nhà văn ĐỖ ĐỨC THU, các nhà thơ VŨ HOÀNG CHƯƠNG, ĐÔNG HỒ, trẻ hơn như các nhà văn DUY LAM, NGUYỄN THỊ VINH, LINH BẢO v.v...trong số đó có các nữ sĩ sinh hoạt rất đều đặn, đi họp VĂN BÚT THẾ GIỚI từ những năm trước 1975, như MỘNG TUYẾT, QUỲNH HƯƠNG, TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG, HOÀNG HƯƠNG TRANG và nhất là văn, thi sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH.
Nhiệm kỳ VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI do nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH giữ chức chủ tịch, đã đấu tranh tích cực cho những văn nghệ sĩ thuở đó đang bị chính quyền cộng sản Việt Nam cầm tù, như nhà văn DUY LAM, nhà thơ CUNG TRẦM TƯỞNG, nhà thơ TÔ THÙY YÊN, tất nhiên ba văn, thi sĩ đó đã được các trung tâm Văn Bút nước bạn như Pháp, Thụy Sĩ nêu ra thành tích và tên tuổi từ trước Tháng Tư Đen 1975 ở Miền Nam Việt Nam.
Điểm khó trình bày với tôi hiện nay, là giai đoạn hai của VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI sau năm 1995 đã bị phân hóa, khiến VĂN BÚT THẾ GIỚI phải đặt VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI trong tình trạng dừng lại, thì một lần nữa, nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH lại phải dấn thân đi vận động VĂN BÚT THẾ GIỚI nghiên cứu và chấp thuận việc tái sinh hoạt, để danh xưng VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI tồn tại đến hiện thời. Nếu không vì yêu mến, xót thương danh nghĩa VĂN BÚT VIỆT NAM xưa gọi là BÚT VIỆT, nay là VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI, thì nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH đã chẳng bận tâm, tuổi tác và sức khỏe không cho phép nữ sĩ làm việc, suy nghĩ nhiều nữa. 60 năm văn chương, nghệ thuật của MINH ĐỨC HOÀI TRINH thiết tưởng đã quá tải với những ưu tư, viết lách, hội thoại v.v...Nhưng, bù lại nữ sĩ có những sinh hoạt văn nghệ tươi mát, hồn nhiên khác như hướng dẫn và biểu diễn đàn tranh, cắm hoa.
Ngày anh chị cư ngụ ở Vườn Trúc (trước nhà, chị trồng toàn trúc vàng), chị còn hướng dẫn một lớp chữ Hán. Tôi hỏi tại sao thời chị du học ở Pháp, chị lại học chữ Hán? Chị bảo học chữ Hán để không quên tiếng Việt, và tất nhiên để thưởng thức văn chương Đường, Tống.
Riêng tôi, đứng trước nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH, một người trọng nguyên tắc, tôi vẫn tìm thấy được những nét thoải mái, khi nghe hai bài thơ của chị được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc: ”Kiếp nào có yêu nhau”, và “Đừng bỏ em một mình”. Nhiều bài thơ khác của MINH ĐỨC HOÀI TRINH cũng được các nhạc sĩ khác phổ nhạc, song tôi đan cử hai bài trên, vì hai bài đó đã “thời đại hóa” một thời Miền Nam trước 1975.
Sự nghiệp văn hóa, xã hội vậy, mà nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH không hay chưa viết Hồi ký như một số văn, thi sĩ ở hải ngoại đã từng tự sự kể đời mình. Có lẽ yếu tố thực tế đôi lúc khiến chị không tha thiết lắm, bởi khi tác giả hồi ký cầm bút, thì sẽ bắt đầu kể từ đoạn nào đời nào, từ thuở tấm bé, con nhà quan, lúc tham gia sinh hoạt yêu nước như thế hệ trước năm 1954 của chị, hay khi bắt đầu rời xa quê mẹ, đến nửa địa cầu phía Tây, rồi trở về đất nước, xong lại tha hương tới bây giờ...Thật nhiều quá, có nguyên tắc đến đâu thì cũng trễ muộn, như tôi nói mở đầu, phàm việc gì, nước đến chân mới nhảy cũng dễ bị thiếu sót. Do đó, nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH đã không viết hồi ký, nhưng chị lại may mắn, là có phu quân - người bạn đời hào phóng, mã thượng là nhà văn NGUYỄN QUANG - đã tổng hợp giùm chị đường trường Văn Nghiệp, với 253 bức hình, thuyết minh cuộc hành trình trong cuốn sách, dày như cuốn album khổ XL đồ sộ “Văn Nghiệp và Cuộc Đời MINH ĐỨC HOÀI TRINH đã xuất bản, nay lại tổ chức một buổi “60 năm MINH ĐỨC HOÀI TRINH ngày chủ nhật 6.11.2009, vô cùng tình nghĩa."
Xin mời các bạn đọc thêm bài thơ "Đừng bỏ em một mình" của Minh Đức Hoài Trinh mà nhạc sĩ Phạm Duy đã lấy ý thơ mà phổ nhạc với bài hát "Đừng bỏ em một mình"
ĐỪNG BỎ EM MỘT MÌNH
thơ Minh Đức Hoài Trinh
Đừng bỏ em một mình
Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Chậm rãi tiếng cầu kinh
Đừng bỏ em một mình
Khi mưa chiều rào rạt
Lũ chim buồn xơ xác
Tìm nhau gục vào mình
Đừng bỏ em một mình
Trời đất đang làm kinh
Rừng xa quằn quại gió
Thu buốt vết hồ tinh
Đừng bỏ em một mình
Đừng bắt em làm thinh
Cho em gào nức nở
Hòa đại dương mông mênh
Đừng bỏ em một mình
Biển đêm vời vợi quá
Bước chân đời nghiêng ngả
Vũ trụ vàng thênh thênh
Đừng bỏ em một mình
Môi vệ thần không linh
Tiếng thời gian rền rĩ
Đường nghĩa trang gập ghềnh
Đừng bỏ em một mình
Bắt em nghe tiếng búa
Tiếng búa nện vào đinh
Hòa trong tiếng u minh
Đừng bỏ em một mình
Bóng thuyền ma lênh đênh
Vòng hoa tang héo úa
Yêu quái vẫn vô tình
Đừng bỏ em một mình
Cho côn trùng rúc rỉa
Cỏ dại phủ mộ trinh
Cho bão tố bấp bênh
Đừng bỏ em một mình
Mấy ngàn năm sau nữa
Ai mái tóc còn xinh
Đừng bỏ em một mình.
MINH ĐỨC HOÀI TRINH
No comments:
Post a Comment