Tối hôm qua khi ra ngoài ăn cơm với mấy người bạn, trên xe bà xã tôi nói: "Hôm nay là Đông Chí mà quên mua đồ về cúng". Trong đầu tôi nghĩ vậy là có một đề tài để post lên cho các bạn về đến nhà rồi quên luôn. Hôm nay mới nhớ thì dù trể nhưng nhắc lại một chút cũng không sao đâu hả?
Lòng vòng FB cũng không mấy ai nhớ hay nói đền, có lẽ gần Noel nên chỉ thấy chúc nhau "Giáng Sinh vui vẻ" mà thôi. Có một bài đồng dao TQ vùng Hoa Bắc mà tôi nghĩ ít người biết đến khi nói về tiết Đông Chí:
冬九九歌
一九二九不出手,
三九四九冰上走,
五九六九沿河看柳,
七九河开, 八九雁来,
九九加一九, 耕牛遍地走.
ĐÔNG CỬU CỬU CA
“Nhất cửu nhị cửu bất xuất thủ,
Tam cửu tứ cửu băng thượng tẩu,
Ngũ cửu lục cửu duyên hà khán liễu,
Thất cửu hà khai, bát cửu nhạn lai,
Cửu cửu gia nhất cửu, canh ngưu biến địa tẩu”.
Tạm dịch:
“Cửu một, cửu hai, tay không động,
Cửu ba, cửu bốn, bước trên băng,
Cửu năm, cửu sáu, liễu rủ xanh bờ,
Cửu bảy băng tan, cửu tám nhạn về,
Cửu chín, hết mùa đông, trâu ta lại ra đồng”.
Sau đây là một tài liệu dịch của anh Huỳnh Chương Hưng về tiết Đông Chí:(LKH)
TIẾT ĐÔNG CHÍ
TIẾT ĐÔNG CHÍ
Tục ngữ có câu:
Đông chí đại như niên
冬至大如年
(Tiết Đông chí cũng lớn như tết)
冬至大如年
(Tiết Đông chí cũng lớn như tết)
Người xưa xem Đông chí 冬至 là một tiết lớn chỉ sau tết, thời kì của tiết là trong tháng 11 âm lịch, ước khoảng trước sau ngày 22 tháng 12 dương lịch. Vào ngày này, mặt trời dường như chiếu thẳng vào đường nam hồi quy, ngày ở bắc bán cầu ngắn nhất, sau đó mặt trời chiếu thẳng di chuyển dần về phương bắc, ngày dần dài ra. Cho nên người xưa có nói “Đông chí nhất dương sinh”, xem Đông chí là khởi điểm của các tiết khí. Tiết Đông chí cũng gọi là “Á tuế” 亚岁, trước Đông chí một ngày gọi là “Tiểu chí” 小至, đêm “Tiểu chí” gọi là “Đông trừ” 冬除, “nhị trừ dạ” 二除夜. Hoạt động chúc mừng cũng giống trừ tịch, tân niên, chỉ có điều mức độ long trọng kém một chút, nhưng lại hơn các lễ tiết khác.
Theo truyền thuyết, quân vương thời Tiên Tần mỗi khi gặp Đông chí đều không hỏi đại sự quốc gia , nghe âm nhạc 5 ngày, bách tính cũng ở nhà vui chơi. Trong Hậu Hán thư 后汉书 có nói:
Trước và sau Đông chí, quân tử an thân tĩnh thể, bách quan không làm việc, không nghe việc triều chính, chọn giờ tốt để tỉnh sự.
Trong Tấn thư 晋书 cũng nói:
Thời Nguỵ Tấn, ngày Đông chí nhận lời chúc mừng của vạn quốc cùng bách liêu ….. nghi thức của Đông chí chỉ sau Chính đán.
Mạnh Nguyên Lão 孟元老 đời Tống trong Đông Kinh mộng hoa lục 东京梦华录 có nói:
Tháng 11 Đông chí, tiết này quan trọng nhất ở kinh sư, tuy người nghèo nhất, quanh năm tích góp vay mượn, đến ngày này cũng thay áo mới, chuẩn bị món ăn, tế tự tổ tiên. Quan lại qua lại chúc mừng nhau như năm mới.
Ngày Đông chí, hoàng đế còn tiếp nhận bách quan chúc mừng, lễ nghi rất long trọng, tục gọi “bài đông trượng” 排冬仗.
Tiết Đông chí còn có tập tục ăn “hồn đồn” 馄钝 (vằn thắn). “Hồn đồn” và “niên cao” 年糕 (bánh tổ) là 2 loại thực phẩm truyền thống vào ngày Đông chí và Nguyên đán. Phan Vinh Bệ 潘荣陛 đời Thanh trong Đế kinh tuế thời quảng kí 帝京岁时广记 có nói:
Chuẩn bị cho Đông chí, ngoài cơm canh tế tổ tiên ra, còn dùng dùng thịt băm nhuyễn làm nhưn bánh để dâng cúng. Ngạn ngữ nói: ‘Đông chí hồn đồn, Hạ chí miện’ 冬至馄钝夏至面 (Đông chí thì có hồn độn, Hạ chí thì có mì sợi).
Trong Yên Kinh tuế thời kí 燕京岁时记 của Phú Sát Đôn Sùng 富察敦崇 có nói:
Hình dạng của hồn đồn như quả trứng gà, giống tượng trời đất hỗn độn, cho nên ngày Đông chí ăn hồn đồn.
Hoá ra, người xưa xem Đông chí như là ngày kỉ niệm khai thiên lập địa.
Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguyên tác Trung văn
ĐÔNG CHÍ TIẾT
冬至节
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC ĐẠI TỪ ĐIỂN
中国风俗大辞典
Chủ biên: Thân Sĩ Nghiêu 申士垚, Phó Mĩ Lâm 傅美琳
Trung Quốc Hoà Bình xuất bản xã xuất bản, 1994.