Tục lệ ăn chay có từ bao giờ? Các món sẽ được nấu ra làm sao? Ăn như thế nào? Rất có thể bạn chưa biết hết đâu…
Ở Việt Nam, nhắc đến ăn chay không thể không nhắc tới Huế, nơi có nhiều món ăn chay nhất, thậm chí việc nấu đồ ăn chay ở Huế đã trở thành một nghệ thuật. Việc ăn chay đã thịnh hành từ thời Lý – Trần cho đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Huế trở thành thủ phủ của Phật giáo, tục ăn chay cũng bắt đầu phổ biến ở Huế trong cả tầng lớp quý tộc lúc bấy giờ. Cho đến ngày nay, người Huế, từ bình dân đến quý tộc, đều có truyền thống ăn chay, cốt để cho tâm hồn thanh tịnh.
Nếu như bạn có dịp ghé thăm Huế vào những dịp lễ, đến các ngôi chùa ở nơi đây, bạn sẽ được thưởng thức cỗ chay mà nhà chùa thường làm để đãi phật tử bốn phương. Mâm cỗ chay rất đơn giản chỉ gồm tương, muối, rau, dưa… đều là những sản vật do các vãi cùng những phật tử trồng ngay trong vuờn chùa. Bữa cơm đạm bạc là thế nhưng lúc nào cũng thu hút rất nhiều người.
Người Huế không chỉ ăn chay vào ngày rằm, ngày mồng một hay ngày lễ, họ ăn chay như một thói quen thường nhật. Dường như quanh năm, cơm chay đều thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của những gia đình người Huế. Họ định ngày ăn chay trong tháng gọi là trai kỳ; ăn chay hai ngày rằm, ngày ba mươi gọi là nhị trai; ăn chay bốn ngày gọi là tứ trai. Và cứ ngày mười bốn và cuối tháng âm lịch hay ngày Phật đản, phần lớn các quán bún bò của Huế đều đổi món bán bún chay.
Ở Huế, hầu hết các gia đình đều tự nấu những món chay cho bữa ăn. Bữa cơm chay tham đạm cũng là cách mà người Huế bày tỏ sự quý mến và tấm chân thành với bạn bè. Đây là một nét văn hóa độc đáo mà có lẽ chỉ có riêng ở xứ Huế. Bữa ăn ngày Tết cũng vậy, mâm cỗ ngày Tết ở Huế thường là mâm cỗ chay, cho đến ngày nay, tuy đã có nhiều thay đổi, nhưng món chay vẫn là những món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Huế.
Đến với Huế, bạn sẽ được thưởng thức từ cơm chay, bún chay,…cho đến đùi gà chay, cá chay, giò chay… Củ, quả, đậu, dầu thực vật phút chốc đều biến thành những món ăn bắt mắt và hấp dẫn vô cùng. Đủ các món sơn hào hải vị từ nem công, chả phượng, giò lụa, thịt gà đến tôm hùm, cá rán nom đẹp mắt vô cùng nhưng đều được chế tác từ… thực vật. Điểm đặc biệt là ngay khi thưởng thức, vẫn cứ ngỡ như là thịt cá thật. Đó chính là cái tài chế tác từ những bàn tay nội trợ điệu nghệ xứ Huế. Sự kết hợp hài hòa màu sắc của rau, đậu, hoa quả đã được xào nấu bằng dầu thực vật, xì dầu, hoặc những món rau sống, khế chua, dưa hành, nộm hoa chuối…v.v, rồi bày trí các món ăn trên bàn ăn sao cho đẹp mắt cũng rất được quan tâm.
Các món ăn thường được bày ít, và xếp trên những chiếc đĩa nho nhỏ, khiến thực khách thưởng thức rồi mà vẫn có cảm giác thòm thèm muốn ăn thêm chút nữa. Món khai vị cho một bữa tiệc chay ở Huế thường là cà rốt, đu đủ được tỉa thật khéo để trang trí xung quanh những lát chả phù được làm từ lá phù chúc màu vàng mơ, xen lẫn là mì căn gói bánh tráng chiên giòn làm nem rán. Súp măng cua được nấu từ bắp non, nấm rơm, hạt sen… Và tất nhiên không thể thiếu cơm, xôi…
Không chỉ vậy, bạn còn có thể được thưởng thức bánh bèo, bánh lọc, bánh ít… với nhân chay. Và một món ăn quen thuộc thường xuất hiện trong những bữa cơm chay của người Huế chính là món chao. Chao là món ăn có vị gần giống như một món mặn, được chế biến từ đậu nành, làm thành đậu khuôn, đậu khuôn ủ lên men thì thành chao. Chao có hương vị rất hấp dẫn và bảo quản được lâu ngày.
Đất Huế thơ mộng, lại mang nét văn hóa ăn chay độc đáo, thật dễ khiến lòng người nhớ mãi không nguôi…
Theo PLXH
(Sưu tầm trên mạng)