Wednesday, December 21, 2016

NHẠC SĨ PHẠM DUY - VÀI CHUYỆN TÌNH Ở HUẾ

Phạm Duy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hơn một phần ba cuộc đời ông sống ở Sài Gòn, hơn một phần ba sống ở ngoại quốc. Ông đi nhiều, yêu và được yêu cũng nhiều, kể cả người Pháp. Nhưng rồi qua trải nghiệm ông thấy người con gái Huế ông yêu là đẹp nhất, sâu sắc nhất…


Mỗi nghệ sĩ Đông cũng như Tây, xưa cũng như nay đa số đều có nhiều người yêu, nhiều cuộc tình. Nhưng theo tôi, dưới con mắt của nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật thì ta chỉ nên quan tâm đến những người tình, những cuộc tình có tác động đến tác phẩm văn học nghệ thuật của tác giả ấy mà thôi. Mà, biết được chuyện tình của các tác giả đã khó, biết nó tác động đến tác phẩm của họ như thế nào lại càng khó hơn. Rồi khi đã biết cả rồi nhưng nếu những người tình đó còn đang tại thế, chưa được sự đồng ý của họ thì người viết cũng không được công bố, trừ trường hợp được người trong cuộc cho phép. Vì thế tôi đã theo đuổi đề tài “Những người tình của nhạc sĩ Phạm Duy” hằng mấy chục năm qua mà chưa tiện động bút. Nay nhạc sĩ Phạm Duy sau khi bước qua tuổi 93, sức yếu, nhiều bệnh, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng đã phải vô bệnh viện cấp cứu nhiều lần, không thể hẹn được nữa nên tôi xin giới thiệu một vài chuyện hy vọng sẽ được nhạc sĩ Phạm Duy xem qua và góp ý giúp tôi những chỗ bất cập.

Tôi xin bắt đầu từ Huế. Bởi vì…Từ năm 1955, tôi được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dạy cho tôi biết cái hay, cái đẹp, cái giá trị của nhạc phẩm Tình Ca của Phạm Duy. Nội dung bản nhạc ấy ảnh hưởng suốt cả cuộc đời tôi. Tôi mong có dịp được gặp nhạc sĩ để hỏi ông: “Trong lời bài Tình Ca ông viết – Biết ái tình ở dòng sông Hương – Xin ông cho biết người tình đó là ai vậy?”. Một cậu học trò lớp 6 mà mong như vậy thì thật viễn vông. Không ngờ, đúng nửa thế kỷ sau, với biết bao lần gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi thư từ, gần gũi chuyện vãn, vào năm 2005, tôi có dịp phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy cho tạp chí Sông Hương. Tôi mở đầu cuộc phỏng vấn bằng câu hỏi đã nằm trong đầu tôi nửa thế kỷ trước. Nhạc sĩ Phạm Duy đồng ý trả lời nhưng hẹn sau khi thực hiện cuộc phỏng vấn xong đã. Giữ đúng lời hứa, sau khi cuộc phỏng vấn hoàn tất, ông đã cho tôi biết người ấy là ai và yêu cầu tôi không được đưa vào bài trả lời phỏng vấn. Tôi cam kết sẽ không….Và ông đã cho biết người ấy là “K. M. – một nữ sinh trường Đồng Khánh yêu kiều diễm lệ đang nổi tiếng với hát bài Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong”. Tôi kêu lên: “Té ra chị K.M. à? Em biết. Đến nay chị ấy vẫn còn đẹp, vẫn còn hát rất hay, vẫn được xem là một giọng hát tiểu biểu của Cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế. Hèn chi mỗi lần hát nhạc kháng chiến của Phạm Duy chị hát say sưa lắm!”. Phạm Duy giải thích: “Mình gặp K.M. trong không khí của Cách mạng Tháng tám/1945 ở Huế mà!”


Sự thực, trước khi quen biết K.M. ở Quán Nghệ Sĩ, Phạm Duy ra Huế lần đó theo tiếng gọi của B.T.- một nữ sinh Đồng Khánh khác, con gái một vị đại thần cũ, nhà ở trên đường Nam Giao (đường Điện Biên Phủ ngày nay). Nàng yêu say đắm tiếng hát Phạm Duy qua sóng Radio Sài Gòn. Nàng muốn làm vợ Phạm Duy. Phạm Duy có cảm tưởng “Nàng là Mỵ Nương ở trần thế xem Phạm Duy là một Trương Chi”. Người đẹp con quan sống trong lầu son ấy không hợp với đời sống anh hát rong với phông màn sân khấu bụi trần. Chuyện tình chỉ còn là một kỷ niệm. Mỵ Nương của Phạm Duy được gả cho một chàng trai xuất thân trong gia đình “môn đăng, hộ đối”. Chàng Trương Chi Phạm Duy tiếp tục kiếp cầm ca. Nhưng dù sao chuyện tình đó cũng đã gây hứng cho Phạm Duy sáng tác nên bài Khối tình Trương Chi. Nàng ở chốn lầu son trên đường Nam Giao, chàng là người hát rong đêm đêm vang vọng tiếng hát xuôi ngược sông Hương. Câu chuyện được kể bằng thanh âm da diết, sâu lắng, thấm đậm tình đời.
“Đêm năm xưa khi cung đàn lên tơ,
Hoa lá quên giờ tàn,
Mây trắng bay tìm đàn,
Hồn người thổn thức trong phòng loan.
Đêm năm xưa nghe cung đàn gây mơ,
Âu yếm nâng tà quạt,
Hôn gió đưa về thuyền,
Tưởng người trên sóng ru thần tiên…

[…]
Đêm năm xưa ôm mối tình dở dang,
Chôn đáy sông hôn cầm,
Ai chết đêm nguyệt rằm
Ngợ tình còn đó chưa trả xong…

[…]
Ôi duyên xưa ai đã trả cho ai
Cho mắt rơi lệ rồi
Cho chén tan thành lời
Để thành bài hát ru lòng tôi”
Khối Tình Trương Chi ra đời vào năm 1946, sau đó một năm thì Toàn quốc kháng chiến. Phạm Duy đi theo kháng chiến, vừa hát vừa sáng tác và được quàn chúng từ thành phố đến nông thôn rất mến mộ, ông trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng. Khổng rõ trong trường hợp nào nàng Mỵ Nương trong bài “hát ru trong lòng” ông gặp lại ông. Không giấu được nỗi khát khao yêu đương mà không được đáp lại, nàng Mỵ Nương đã thổ lộ hết tâm tình của mình với chàng. Người chứng kiến và hiểu được mối tinh dang dở đó là Võ Thị Hoài Trinh. Không rõ Hoài Trinh xúc động trước mối tình đó quá sâu sắc hay cô cũng gặp một trường hợp tương tự nên cô đã bộc lộ một cách mãnh liệt vào bài thơ Kiếp Nào Có Yêu Nhau (sau in trong tập Lang Thang xuất bản ở Paris vào năm 1960). Năm 2006 gặp Hoài Trinh ở Cali., tôi hỏi cô chuyện ấy thực hư như thế nào, cô chỉ cười cười để tôi muốn hiểu sao thì hiểu. Cô tặng tôi cuốn sách VĂN NGHIỆP và CUỘC ĐỜI MINH ĐỨC HOÀI TRINH và đĩa Thơ được phổ nhạc của cô, trong đó có hai bài Kiếp Nào Có Yêu Nhau và Đừng Để Em Một Mình do Phạm Duy phổ nhạc.


Cái đĩa thơ phổ nhạc của Hoài Trinh làm cho tôi nhớ lại: Khoảng năm 1958, nhạc sĩ Phạm Duy vấp phải một chuyện tình “bất bình thường”. Nếu không được ca sĩ Thái Hằng – vợ ông, ra tay giải cứu thì “tóa hoạ” rồi. Ông không được gặp người yêu ông nữa, buồn tình ông mượn bài thơ Kiếp Nào Có Yêu Nhau của Hoài Trinh để phổ nhạc và gởi cho người tình hát. Trong lúc dư luận báo chí ở Sài Gòn lúc ấy tiếc cho “Chuyện tình bất bình thường” của ông, thì trên làn sóng Đài Phát thanh Sài Gòn vang lên tiếng hát Khánh Ngọc với bài hát Kiếp Nào Có Yêu Nhau. có thể xem như một thách thức dư luận của ông. Giọng Khánh Ngọc mạnh mẽ, uất nghẹn, đau đớn, tiếc nuối, quyết liệt nhưng cũng không giấu được sự sợ hãi:
Ðừng nhìn em nữa anh ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi
Ðừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi
Ðôi mi đã buông xuôi, môi nhăn đã quên cười
Hẳn người thôi đã quên ta
Trăng Thu gẫy đôi bờ
Chim bay xứ xa mờ.
Gặp người chăng, gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ đêm sâu gối ơ thờ.
Kiếp nào có yêu nhau
Thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở
Tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau
Thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi
Anh đâu anh đâu rồi
Ðừng nhìn nhau nữa anh ơi
Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã quên rồi
Còn nhìn chi, còn nhìn chi nữa anh ơi
Nước mắt đã buông suôi, theo tiếng hát qua đời
Ðừng nhìn nhau nữa.. anh ơi!


Những ai được nghe K.N. hát lúc ấy liền thông cảm cho “chuyện tình bất bình thường” của hai người. Sau “biến cố” ấy tôi không còn nghe K.N. hát ở Sài Gòn nữa. Báo chí cho biết cô đã xuất ngoại. Thật oái oăm. Nhờ “chuyện tình bất bình thường” ấy mà tân nhạc Việt Nam có thêm được một bài ca bất hủ Kiếp Nào Có Yêu Nhau. Không ngờ cái thiện và cái ác đã “tương sinh”.
Chuyện ấy bắt đầu từ những cô gái Huế, nói đúng hơn là từ các cô nữ sinh Đồng Khánh Huế. Năm 1953, một buổi tối nghệ sĩ Vũ Đức Duy đưa nhạc sĩ Phạm Duy đến thăm một gia đình có họ hàng với Đức Từ Cung – thân mẫu của Cựu hoàng Bảo Đại.
Gia đình thân quen của Vũ Đức Duy rất hân hạnh được đón tiếp tác giả của bài Tình Ca vừa mới ra đời và là một thành viên của ban Hợp ca Thăng Long đang nổi tiếng ở Sài Gòn.
Cuộc chuyện trò, đàn hát diễn ra giữa đêm hè huyền ảo tuyệt vời của xứ Huế. Giọng hát ấm áp, tài hoa, gợi tình của chàng trai trên ba mươi tuổi đẹp trai Phạm Duy đã làm cho các cô gái Huế được nghe Phạm Duy hát đêm đó yêu chàng say đắm. Các cô không giấu được tiếng nói thổn thức của con tim với chàng. Nhưng Phạm Duy đã có Thái Hằng, đã có con đầu lòng Duy Quang lên bốn năm tuổi nên chàng chỉ có thể đáp lại những người tình xứ Huế bằng âm nhạc mà thôi. Phạm Duy soạn bài Dạ Lai Hương để tặng Thu Vân và Dạ Thảo – hai người đẹp nổi tiếng của Huế lúc ấy[1]. Âm thanh của bài hát tạo nên một không gian mênh mông êm ả, lung linh, thủ thỉ tiếng nói của tình yêu, tình người và tình đời. Một bài hát tràn đầy hạnh phúc.


[…] Lung linh trăng lại về nữa
Cánh gió đưa, hương ngả đầu mây, phất phơ
Ðêm thơm không phải từ hoa
Mà bởi vì ta thiết tha tình yêu, Thái Hòa
Ðời ngon như men say, tình lên phơi phới
Ðẹp duyên người sống cho người
Ðời vui như ong bay, ngọt lên cây trái
Góp chung mật sống lâu dài
Nhịp bàn tay nhân gian ơi!
Nhịp bàn chân nhân gian ơi!
Rồi hơn mười năm sau, sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ (1-11-1963), tôi hay đi nói chuyện với đồng bào về cuộc tranh đấu của Sinh viên Huế chống chế độ Ngô Đình Diệm. Các buổi nói chuyện đều được ca sĩ X.M. cháu ruột của bà Từ Cung đi theo hát giúp vui. X.M. xuất thân trong một gia đình hoạt động nghệ thuật Huế, đẹp, có giọng hát khỏe, cô nổi tiếng với bài hát ngoại quốc Tiger. Sinh viên tranh đấu Huế quý X.M. xem cô như một người “đồng chí” của Sinh viên. Sau đó, mỗi lần Phạm Duy ra Huế giới thiệu Trường ca Con Đường Cái Quan, Dân nhạc Việt Nam tôi đều mời X.M. tháp tùng hát minh họa cho các bài nói chuyện của Phạm Duy. Thế rồi trong dư luận của sinh viên cho biết Phạm Duy và X.M. phải lòng nhau.
Vào một buổi sáng ngồi ăn sáng và uống cà-phê ở phòng khách nhà Giáo sư Lê Văn Hảo tại cư xá Đại học 2 Lê Lợi, chúng tôi có ý không đồng tình về chuyện ông dan díu với X.M. Chúng tôi sợ sự dan díu ấy sẽ gây ra một dư luận không hay trong giới sinh viên Huế. Phạm Duy không trả lời chuyện đó có hay không. Ông lặng thinh coi như không có chuyện gì quan trọng cả. Một lúc ông cầm một tờ báo cũ và đứng dậy mở cửa vào toilette bên cạnh phòng khách. (Vì hồi ấy chưa có giấy vệ sinh như bây giờ). Chúng tôi ngồi chờ câu trả lời của ông. Dăm phút sau bỗng có tiếng đấm cửa toilette thình thình. Tôi tưởng ông bị sốc vì sự thẳng thắn của chúng tôi mà gặp chuyện không hay nên nhảy tới vặn hột xoài mở cửa toilette. Ông nhoài cái đầu tóc hoa râm ra bảo tôi:
-“Cho tớ tờ báo khác!”


Tôi không hỏi ông lấy thêm tờ báo làm gì mà xoay người lại với trên bàn lấy đưa cho ông một tờ báo khác. Tất cả mọi người nhìn theo một cách khó hiểu. Phạm Duy trong bộ bà-ba nâu từ trong toilette bước ra đặt lên bàn cà-phê một mảnh báo cũ trên ấy viết bằng bút dạ đen bài hát Tôi còn yêu tôi cứ yêu. Cái đầu đề bài hát như một lời thách thức “ông còn yêu ông cứ yêu, không ai cấm ông yêu được”. Câu trả lời của ông quá đủ. Chưa biết bài hát hay hay dở ra sao, nhưng trong ý nghĩ của mọi người, sự khâm phục tài sáng tác âm nhạc của Phạm Duy thay vào chỗ phiền trách ông.
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu, mãi mãi mãi mãi…!
Tôi còn yêu…đời tôi còn yêu người,
Tôi còn yêu tôi
Cho dù tôi đã chết rồi
Cho dù ai đã giết tôi

[…]
Chưa thôi. Sau đó ông vào Sài Gòn một thời gian rồi gởi ra Huế cho tôi bản nhạc Tôi còn yêu tôi cứ yêu vừa được xuất bản với bức tranh bìa của Duy Liêm vẽ một cô gái nằm gối tay trên thảm cỏ non. Ai nhìn qua cũng liên tưởng đến X.M. ngay. Qua sự “va chạm” ấy tôi ngộ ra rằng: Phạm Duy yêu không ai ngăn cấm khuyên răn ông được điều gì. Ca sĩ Thái Hằng một người vợ được ông tôn là “Á thánh” cũng phải xem đó là một thực thể: Để cho ông được yêu tự do, ông có yêu ông mới có sáng tác mới. Khi ông “gặp nạn” thì chính bà ra tay “cứu”. Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, trong giới nghệ thuật Việt Nam xưa nay chưa từng có ai yêu và được yêu bạo như Phạm Duy và cũng chưa có tác giả nào được nhiều phụ nữ gợi hứng sáng tạo nên những tác phẩm hay như âm nhạc của Phạm Duy.


Phạm Duy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hơn một phần ba cuộc đời ông sống ở Sài Gòn, hơn một phần ba sống ở ngoại quốc. Ông đi nhiều, yêu và được yêu cũng nhiều, kể cả người Pháp. Nhưng rồi qua trải nghiệm ông thấy người con gái Huế ông yêu là đẹp nhất, sâu sắc nhất. Trong một bài phỏng vấn, ông đã trả lời tôi rằng: “Từ khi biết Huế (1944) cho đến khi tôi đã yêu bà Thái Hằng rồi thành vợ chồng (1948), tôi vẫn ước mơ có một người tình xứ Huế. Con gái Huế, lẽ dĩ nhiên là đẹp rồi. Cái mà tôi thích nhất là người đàn bà xứ Huế còn giữ được nhiều nữ tính. Cái nữ tính ấy lại được nuôi dưỡng trong khung cảnh nên thơ của vùng có nhiều đền đài lăng tẩm núi Ngự sông Hương làm cho nó có một sức hấp dẫn mạnh đối với loại người có nhiều “đàn ông tính” như tôi. Theo tôi, không một nơi nào trên cái nước Việt Nam nầy có người phụ nữ được sống trong cái môi trường văn hoá thơ mộng sâu sắc như thế cả. Bởi vậy, Hàn Mặc Tử mới hỏi “Sao anh không về chơi thôn Vỹ?” Có anh chàng văn thi nhạc sĩ Việt nào mà không ước mơ đến Huế, không ước mơ có một mối tình ở Huế?”
Phạm Duy yêu Huế và ông đã được yêu. Những chuyện yêu không hay sẽ theo ông chôn sâu vào lòng đất. Bao giờ những tình ca có thật của ông còn được yêu thích, còn sống với núi Ngự sông Hương, thì những chuyện tình của ông với Huế sẽ trở thành tình sử. Bài viết nầy chưa phải sử xin gởi đến ông trước khi nó trở thành sử.
Theo: Nguyễn Đắc Xuân (Tạp chí Sông Hương)
[1] Lúc ấy ở Huế có câu nói dân gian: “ Bến Ngự âm thầm tình Nhơn-Phú; An Cựu mơ màng bóng Thảo Vân". (Dạ Thảo và Thu Vân).