Mùa giáng sinh đang đến, đâu đó, “Giáo đường im bóng” của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ vang lên, dìu dặt. Năm nay nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đón Noel một mình vì người bạn đời của ông, nguồn cảm hứng để ông viết “Giáo đường im bóng” đã về với vòng tay của Chúa.
Bốn nhạc sĩ nổi tiếng cùng mê đắm một giai nhân
Bốn nhạc sĩ nổi tiếng cùng mê đắm một giai nhân
Bốn nhạc sĩ đó là nhạc sĩ Lê Thương, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Đặng Thế Phong và nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, còn giai nhân tên Vũ Hà Tiên, người mà nhan sắc và tài cầm ca nổi tiếng khắp thành Nam.
Giai nhân và 3 nhạc sĩ đã thành người thiên cổ: Nhạc sĩ Đặng Thế Phong mất năm 1942, nhạc sĩ Lê Thương khuất bóng năm 1996, nhạc sĩ Phạm Duy qua đời năm 2013, bà Vũ Hà Tiên về với vòng tay của Chúa vào năm 2014. Chỉ còn nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ ở tuổi 93.
Nhạc sĩ Phạm Duy viết trong hồi ký: "Tại thành phố Vinh tôi được làm quen - một cách không trực tiếp - với một người tôi rất phục tài là nhạc sĩ Lê Thương qua một người con gái tên là Hà Tiên... Bây giờ tôi biết chắc chắn khi soạn ra bài hát nhan đề "Nàng Hà Tiên", quả thực rằng nhạc sĩ LêThương có yêu một người con gái có xương có thịt mang tên Hà Tiên.
Hà Tiên có gương mặt tròn như trăng, có đôi mắt sáng như ánh sao, có đôi môi như chùm hoa chín, có đôi má lúm như quả táo ngon, tính tình nhanh nhẹn, cởi mở. Cùng với cô chị xinh đẹp không kém nhưng tính tình khép kín hơn, hai cô gái thành Vinh này rất thích những bài ca mới, nhất là bài "Buồn tàn thu" đã được nghe tôi hát ở gánh hát Đức Huy".
Nhạc sĩ Phạm Duy viết tiếp: "Có ai trong đám chúng tôi có được đầu óc phong phú như chàng Lê, tạo ra một câu chuyện hư hư thực thực, chuyện người đẻ ra tiên, rồi nàng tiên biến thành một bến nước? Nhưng khởi sự ra câu chuyện này, chắc chắn đã có một động lực là cô người con gái má lúm đồng tiền mang tên Hà Tiên...
Chẳng lẽ một người đàn anh mà mình kính phục là Lê Thương đã yêu một cô gái đẹp và viết ra một truyện ca tuyệt vời mà mình lại có thể dửng dưng trước cô ta hay sao? Tôi bèn bắt chước ông anh nhưng dở hơn chàng Lê, tôi chẳng soạn nổi một câu nhạc nào cho nàng tiên này cả! Sau này được gặp anh Lê Thương yêu quý ở Sài Gòn, hai anh em nhắc tới chuyện cùng yêu Hà Tiên thì cả hai người cùng tồ tồ như hai con vịt đực...".
Chẳng lẽ một người đàn anh mà mình kính phục là Lê Thương đã yêu một cô gái đẹp và viết ra một truyện ca tuyệt vời mà mình lại có thể dửng dưng trước cô ta hay sao? Tôi bèn bắt chước ông anh nhưng dở hơn chàng Lê, tôi chẳng soạn nổi một câu nhạc nào cho nàng tiên này cả! Sau này được gặp anh Lê Thương yêu quý ở Sài Gòn, hai anh em nhắc tới chuyện cùng yêu Hà Tiên thì cả hai người cùng tồ tồ như hai con vịt đực...".
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong cùng quê Nam Định với Hà Tiên nên hai người thường tham gia các hoạt động âm nhạc tại đây. Chị em gái của Đặng Thế Phong là bà Đặng Bạch Tuyết và Đặng Thanh Kim kể rằng nhạc sĩ tài danh mệnh yểu "say nắng" Vũ Hà Tiên - cô nữ sinh lớp Nhất trường Sarcré Coeur Nam Định nhưng câu chuyện chỉ dừng ở đó. Cũng như Phạm Duy, Đặng Thế Phong không viết bài hát nào về Hà Tiên.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, người đã chinh phục được giai nhân, thì kể: "Mỗi bài hát gắn với một kỷ niệm, mỗi bài hát có riêng một số phận. Hình như thời của chúng tôi, những bài hát thường bắt đầu từ một câu chuyện có thật, một tâm trạng có thật".
"Trong một lần tham gia hướng đạo sinh, tôi về Nam Định biểu diễn từ thiện và gặp cô gái thành Nam Vũ Hà Tiên. Cô ấy chơi đàn và hát trong buổi biểu diễn từ thiện này. Nhan sắc yêu kiều, quý phái của nàng đã khiến tôi bần thần vì xúc động. Tôi yêu nàng từ cái nhìn đầu tiên. Khi ấy tôi đang là học sinh trường Thăng Long, Hà Nội. Sau đó, chúng tôi có gặp lại đôi ba lần. Nhưng khi biết “tôi bên lương, nàng bên giáo” thì tôi thấy có gì đó tuyệt vọng. Tôi buồn vì nghĩ như thế là mình không cưới được cô gái ấy, vì thế mà tôi viết bài hát này”.
Xin trích hồi ký nhạc sĩ Phạm Duy để viết tiếp câu chuyện: "Cô bé Hà Tiên không tránh khỏi số phận Trời ban cho là ban phát hạnh phúc cho những chàng nhạc sĩ. Nàng Tiên kết duyên cùng một nhạc sĩ có hạng ở Hà Nội là Nguyễn Thiện Tơ, tác giả bài "Giáo đường im bóng"... Tôi có cơ hội gặp lại ông bà Nguyễn Thiện Tơ vào năm 2.000 tại Hà Nội".
Và người yêu nhạc gần 80 năm qua được thưởng thức những giai điệu êm dịu: "Trong giáo đường đêm Noel ấy..." không chỉ mỗi dịp giáng sinh.
Bài hát Noel vượt thời gian
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ sáng tác chủ yếu trong giai đoạn trước năm 1954, gồm khoảng 20 ca khúc như: "Chiều quê", "Chiều tà", "Cung đàn xuân xưa", "Qua bến năm xưa"... và ông "gác bút" từ khá sớm nhưng "Giáo đường im bóng" là ca khúc được biết đến nhiều hơn cả, làm lay động lòng người hơn cả, nhất là mỗi dịp mùa Giáng sinh về.
Có được điều này có lẽ là bởi "Giáo đường im bóng" chứa đựng những tình cảm, tâm sự chân thực nhất của lòng người đang hướng tới: "Nơi giáo đường im bóng tôi thầm mong ngóng/ Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ..."
"Giáo đường im bóng" là một ca khúc tình ca hòa cùng thánh ca. Bài hát đượm buồn kể về mối tình giữa chàng trai thầm yêu trộm nhớ cô gái xứ đạo và vượt qua rào cản tôn giáo họ đã đến được với nhau. Lâu nay, thường các nhà thơ viết thơ trước sau đó các nhạc sĩ đọc, nếu rung động, đồng cảm sẽ phổ nhạc. Vậy mà, từng có chuyện "ngược đời" xảy ra cách đây gần 80 năm với ca khúc "Giáo đưòng im bóng". Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đã viết giai điệu trước, sau đó "người thơ" mới viết phần lời.
Lời thơ của "Giáo đường im bóng" là do nhà thơ Phi Tâm Yến viết. Ca khúc "Giáo đường im bóng" đã đồng hành với nhiều thế hệ người nghe, và chất chứa trong nó không chỉ một câu chuyện tình tuyệt đẹp, mà còn cả một "sự tích" nhạc viết trước lời viết sau mà ít người biết tới.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ cho hay: "Đây là bài hát đầu tay của tôi, khi đó tôi mới 17 tuổi. Ca khúc này được tôi hoàn thành nhạc trước, sau đó người bạn phổ thơ vào. Phi Tâm Yến là người bạn thân, chúng tôi chơi với nhau từ khi lên 10 tuổi. Cậu ấy tên thật là Trần Văn Phụng. Sau này tôi cũng có viết nhạc, bạn viết lời thơ trong vài ca khúc khác, nhưng giờ thất lạc hết rồi".
Sự nhớ thương, day dứt đã khiến ông viết nên bài hát "Giáo đường im bóng" chứa đựng mối tình đẹp như một bài thơ: "Nhớ tới đêm đầy ánh sáng/ Hương trong gió ngần mênh mang/ Giây phút như ngừng thôi trôi/Tiếng kinh muôn lời/ Dáng xinh xinh bao tiên kiều/ Quỳ ngân Thánh kinh ban chiều/Trong giáo đường đêm Noel ấy ngàn đời tôi mến yêu…”. Lời ca thoáng buồn, xen chút tuyệt vọng về một mối tình đầu, nên khi hoàn thành, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ cũng không đề tặng cô gái thành Nam Vũ Hà Tiên, cũng không hát cho nàng nghe, chỉ âm thầm giữ kín cho riêng mình.
Hơn 70 năm sau, bà Vũ Hà Tiên mới kể về tình yêu của mình: "Tối cái hôm anh đến nhà em, anh đàn cho em nghe bài hát "Forget me not", em hỏi anh bài hát ấy có nghĩa thế nào? Anh giải thích cho em nghe về câu chuyện tình trong bài hát ấy, và trong lúc anh nói thì đôi mắt anh nhìn em. Và lúc nào em cùng nhớ đôi mắt ấy, nhớ đến tận bây giờ...
Khi ấy, sự khác biệt về tôn giáo đã khiến đôi bạn trẻ tưởng không thể đến được với nhau. Nhưng cuối cùng tình cảm lứa đôi đã thuyết phục được gia đình và chàng trai đã sẵn sàng học giáo lý để đến được với người mình yêu. Đám cưới của hai người được tổ chức trong nhà thờ làng Mỹ Dụ, Vinh vào năm 1944. Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đã ở bên nhau hơn 70 năm tâm đầu ý hợp và nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ tâm sự: "Trời đã cho tôi có được một tình yêu đẹp!".
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ từng nói rằng: "Với tôi hạnh phúc nhất bây giờ là được hoàn toàn thanh thản trong ngôi nhà của mình, ngày ngày dạy các cháu chơi đàn, trò chuyện với bà lão tóc bạc, trong lúc bà ngồi nhặt rau hay nấu cơm". Giờ bà Vũ Hà Tiên không còn nữa, giáng sinh này nhạc sĩ một mình nghe "Giáo đường im bóng", lặng nhớ về một thuở xa xưa.
Gần 80 năm đã đi qua...
Theo LAM LAM
(đăng trong một thế giới)
No comments:
Post a Comment