Tuesday, February 7, 2017

BÀ VƯƠNG PHI MAI THỊ VÀNG

Chuyện các bà trong cung Nguyễn:
PHỎNG VẤN BÀ VƯƠNG PHI CỦA ĐỨC VUA DUY TÂN


… Trời mưa, trong màn mưa,làng An Ninh ( Hậu thôn Kim Long) với những túp lều tranh,trông càng có vẻ tiều tuỵ hơn.Không ai ngờ được rằng trong những túp lều tranh ấy lại có một bà vợ vua ở đó.
Đi một đoạn đường hơi rộng,chúng tôi rẽ vào một ngõ hẻm đầy bùn,hai bên có lùm tre già bổ bóng.Ngót mười phút mới tới nhà Vương Phi.Qua khỏi ngõ cửa hep,bức bình phong hoa cẩn đơn sơ,chúng tôi bấm chân dò từng bước trên sân thảm rêu xanh mà tạt về phía tay phải.Thoáng thấy có một người hình vóc cân phân,bao tóc,đeo kiếng,mặc áo the tím từ nhà ngang đi lên,vụt qua khung cửa nhà trên,bạn tui bấm tui rồi nói nhỏ:
-Vương Phi đó rồi!
Lanh chân chúng tôi bước vào nhà dưới.Một cái nhà tranh nền đất,cụ bà (thân mẫu của Vương Phi) niềm nở dắt tay chúng tôi kéo lên nhà trên,lấy chiểu trải nơi phản gỗ kê ở gian phòng giáp nhà ngang.Tươi cười,cụ bà bảo chúng tôi:
-Các chị có lòng nghĩ tới,đến nói chuyện với bà,thế là tốt lắm.Mời các chị ngồi,chớ có rụt rè làm chi!
Nói thế chúng tôi nghe thế,chứ còn giữ lễ chúa tôi,chưa dám ngồi.
Sau một nụ cười,Vương Phi bước ra,nhẹ nhàng đặt mình ngồi trên chiếu vừa trải,xếp bê he ra lịnh
-Các chị cứ tự nhiên ngồi nói chuyện cho vui,chớ có ké né!
Tưởng chẳng còn nên từ chối nữa,chúng tôi cùng ngồi một chiếu với Vương Phi.Vương Phi dở trắp trầu mời chúng tôi ăn,rót nước cho chúng tôi uống.
Cúi mặt,Vương Phi đưa đôi tay mềm mại trắng hồng ra vân vê cuốn thuốc.Chốc chốc,người ngước đôi mắt lá đào đen nhánh,mơ mộng nhìn lên chúng tôi,hoặc để trả lời hoặc để mở đầu câu chuyện.Vương Phi không đánh phấn,không thoa son,nhưng cái khuôn mặt đầy đặn,tròn bé,mịn màng,hồng hồng càng nhìn càng dễ mến…
Trong khi nói chuyện,Vương Phi nói bằng giọng rất nhỏ nhẹ,đủng đỉnh,êm ru,thỉnh thoảng lại điểm một nụ cười xinh xắn,ẩn nét buồn rầu thăm thẳm…
Ngồi lâu,mỏi,Vương Phi nhè nhẹ trở chân,tay nâng vạt áo tím hông đã cũ che chiếc quần lĩnh cải màu ua úa.Tôi thoáng thấy một miếng vá bằng bàn tay ở đùi bên phải…Nhìn quanh ba gian nhà thấp hẹp,chẳng nhận ra được một thức gì là dấu vết của ngôi báu ngày xưa,tôi ái ngại!...
Tôi muốn biết cách sống của Vương Phi khi còn ở trong cung,nhưng mở đầu câu truyện rất khó,gợi dần tôi đánh bạo hỏi:


-Dạ,dịp Hội chợ Huế độ nọ bà có đi không?
-Mấy bữa đó trời mưa luôn,tôi không đi,nhưng nghe người ta nói lại thì Hội chợ Huế cũng chằng to bằng Hội chợ ở Sài Gòn,Hà Nội!
-Thế thì ra Bà có xem Hội chợ Sài Gòn,Hà Nội!
-Phải,tôi có đi,hồi mười mấy năm về trước,khi ở Pháp về!
-Lúc đó Bà cũng có sang Pháp nữa sao?
-À có chớ.Khi ở đáo Réunion từ biệt Ngài mà về,tôi có xin phép Ngài tạt qua Paris xem chơi mấy ngày.Lúc đó vừa gặp sau cơn đình chiến.
-Xin phép bà,khi ở ngoại quốc bà có cảm tưởng thế nào?
-Nói thiệt,khi mình chưa đi khỏi nước,mình tự cho đất nước mình là đẹp,là to.Nhưng lúc đã thấy được phong cảnh đất nước họ rồi,nhìn lại xứ mình thì cái đẹp,cái to chẳng vào đâu!
-Thưa bà,Ngài sang đến đảo Réunion bao lâu thì Bà sang?
-Không.Tôi đi với Ngài một lần.Lúc Ngài “bị đi” thì tôi đi ngay với Ngài.
-Ở đảo khí hậu và nhân dân ra làm sao?Có dễ chịu không,thưa Bà?
-Dễ chịu,đất nước không có độc gì cả.Nhân dân thì toàn làm một nghề chài lưới.Họ vui vẻ lắm,mua bán cũng tử tế.Ở đó thổ sản thật nhiều cá,ăn cá quanh năm.
-Ở đó được bao lâu thì bà về?
-Được hai năm.
-Bà đã đi để cùng chịu hoạn nạn với Ngài,chúng tôi tưởng Bà ở luôn bên ấy,không hay sự Bà về!
-Hồi đầu ra đi ,tôi há chẳng nghĩ như vậy?Nhưng tôi không biết làm sao,ở đảo Réunion phong thổ tuy tốt nhưng mà hình như sức khoẻ tôi không hợp,nên tôi hay đau.Vì thế mà tôi xin Ngài cho tôi về!
-Từ đó đến giờ(1936) Bà có sang thăm Ngài lại lần nào không?
-Tôi muốn đi lắm.Nhưng đường sá xa xôi,một lần đi là một lần khó.Trong thời buổi kinh tế này,xin nhà nước một món tiền để đi không phải là sự dễ,mà bỏ tiền nhà ra thì tôi không có tiền.Gặp cảnh nghịch âu là phải chịu.
-Ngài có năng gửi thơ về tham Bà không?
-Có,một năm cũng có đến mươi cái thư của Ngài.Ngài gởi thư về bên Ngài Sanh,vài ba tháng tôi qua hầu thăm một lần,nhận một thể đôi ba cái thơ.Năm ngoái đây,Ngài cho tôi hay Ngài đã có vợ đầm.Vừa rồi tôi nhận được thơ Ngài cho hay người ấy đã đẻ!
-Dạ,lấy vợ đầm,Ngài có xin phép Bà không?Mỉm cười Vương Phi đáp:
-Xin phép chi.Ngài ưng sao,Ngài làm vậy.Ngài chỉ nói cho tôi biết mà thôi.
Đến đây trong óc tôi chợt vụt qua tư tưởng bất bình.Có lẽ bởi tôi thấy một sự bất đồng đẳng giữa một người nam và một người nũ.Hai người ấy đều ở trong cảnh nghịch mà sao một người được lấy vợ khác tự do còn người kia lại không được lấy chồng?
Bấy giờ hẳn cái vẻ mặt bất bình có lộ ra trên nét mặt tôi,cho nên Vương Phi vội vàng nói tiếp,ý chừng để dò:
-Ngài cũng nói: cho phép tôi tự ý.Nhưng các chị nghĩ người không biết suy nghĩ,chẳng nói làm chi.Chứ con nhà nề nếp như tôi dầu thế nào cũng phải giữ danh giá.Vẫn biết tuổi trẻ chưa dám chắc ở mình,nhưng bây giờ có nói đến việc gì cũng là khó.Thôi thì tôi tưởng chỉ có hy sinh cái đời tôi cho Ngài cho trọn.
Câu của Bà vừa nói làm cho tôi thêm ảo não,tôi không thể không nghĩ đến,sự sinh hoạt lẻ loi hiu quạnh của bà,tôi phải hỏi:
-Thế thì lâu nay bà sống với gì?
Thầy tôi trước làm quan thanh liêm nên nhà chằng có chi.Còn lương tiền của tôi chẳng bao tầm.Trước kia mỗi tháng chỉ có 15 đồng,sau kêu nài lắm thêm được 10 đồng.Nếu nhà nước biết nghĩ,phát cho tôi một tháng 50 đồng tưởng cũng không quá đáng.


Lúc này là lúc câu chuyện đã vào được hơi sâu rồi,tôi day qua hỏi:
-Nghe nói đức Duy Tân ngày xua tuy trẻ mà nghiêm nghị lắm,không biết lúc ở thường thì Ngài cư xử với các Bà như thế nào?
-Người ngoài tưởng hễ đã là vua thì phải có tính cách khác thường dân.Tưởng vậy là lầm.Vua cũng như người thường,ngoài giờ làm việc,Ngài vẫn chơi đùa,vẫn nói cười chuyện vãn.Tóm lại vua vẫn sống cái đời bình dị của mọi người…
-Dạ,cách xưng hô giữa Bà và Ngài thế nào?
-Ngài thường kêu tôi bằng bà,có khi bằng khanh,có khi bằng em.Tôi phải tâu gởi Ngài và xưng “em”
-Thưa,ăn có ngồi chung một mâm không?
-Ở trong Nội mỗi Bà có viện riêng.Ai ăn riêng phần nấy,có người nấu cho mà ăn,chớ không có lệ ăn chung.Vì mỗi bà đều có lương tháng cả.Tuy thế,hồi tôi mới vào cung đương còn bợ ngợ, lại chưa tìm được người nấu ăn nên Ngài có cho phép tôi được ăn chung với Ngài.
Ngừng một giây rồi Bà nói tiếp”
-Mỗi thời mỗi khác.Hồi trước chúng tôi phải theo lễ nghi nhiều,lại phải làm dâu.Buổi đó chúng tôi chẳng có khi nào ra ngoài được.Trên còn có lưỡng cung,hàng ngày phải chầu hầu,nên lúc rỗi chỉ được dạo quanh vườn hoa trong Nội mà thôi.
-Thưa,mỗi khi đi dạo như thế,Ngài có đi với Bà không?
-Cũng có.
-Nghe nói đức Vua hay làm thơ lắm,có không thưa bà?
-Có,Ngài có làm nhiều bài,lâu ngày quá tôi quên đi.
-Bà còn nhớ ít nhiều chớ?
-Không tôi quên cả.
Có nhiều bài thơ truyền tụng nói là của vua Duy Tân mà có người nói là không phải.Đó cũng là một sự hoài nghi mà tôi muốn hỏi Bà để nói rõ thêm trên báo Sông Hương cho bạn đọc viết.Nhưng coi ý Bà không muốn đáp nữa nên tôi phải lảng sang chuyện khác.
-Cảnh trong Nội cung đáng mến lắm Bà nhỉ?
-Phải,mến vì cảnh có mà mến vì cái khác cũng có.Nhưng chuyện đã cũ nhắc tới làm chi…
Nghe đến đây,tôi biết Bà không muốn nói chuyện nữa,hai chị em đành cáo từ ra về.
Lúc ra về Bà có nói:
-Nhiều người làm báo lôi thôi lắm.họ cứ đến đây đòi phỏng vấn tôi.Người ta đã ở yên mặc người ta,họ còn bới đến làm chi!
Chúng tôi cười mà không đáp,cúi đầu chào Bà và bà cụ rồi bước ra.
Bài này đăng trên báo,chúng tôi có lời xin lỗi Bà,nhờ bà đánh chữ đại xá cho,vì chúng tôi cũng là một trong những người ấy.

(Phan Thị Nga thực hiện Báo Sông Hương số 5-6-1936)
(Sưu tầm trên mạng)



Ghi chú:
Khi sang đảo La Réunion, Duy Tân có đem theo Hoàng phi Mai Thị Vàng, nhưng được 2 năm bà xin về Việt Nam vì không chịu được khí hậu ở đó. Thời gian ở La Réunion, ông có chung sống với 3 người vợ ngoài giá thú, vì Hoàng phi Mai Thị Vàng từ chối ly hôn.
Những người con của ông với các người vợ gốc châu Âu đều mang họ mẹ và được rửa tội theo lễ nghi Công giáo. Một tài liệu viết các con ông đều không nói được tiếng Việt và có ít quan hệ với cựu hoàng Thành Thái. Duy Tân cũng không khuyến khích các con học tiếng Việt và tìm hiểu về Việt Nam. Đến năm 1946, toà án thành phố Saint-Denis đồng ý cho các con của Duy Tân mang họ ông. Andrée Maillot và Armand Viale vẫn giữ họ cũ của mình. 5 người Suzy, Georges, Claude, Roger và Andrée đổi thành Georges Vĩnh San, Claude Vĩnh San v.v...
(theo Wikipedia)