Wednesday, February 8, 2017

BÍ ẨN VIỆC NGÔ TAM QUẾ ĐẦU HÀNG NHÀ THANH

Tôi không biết nhiều về lịch sử Trung Hoa nhưng đọc truyện võ hiệp của Kim Dung riết rồi những dã sử mà mình tự xem là sự thật trong lịch sử Trung Hoa. Bộ "Lộc Đĩnh Ký", Kim Dung viết rất nhiều về Khang Hy, Lý Tự Thành và Ngô Tam Quế, tôi cứ tưởng đây là một bi kịch về tình cảm giữa Ngô Tam Quế, Lý Tự Thành và Trần Viên Viên,  vì nỗi ghen thù đó mà Ngô Tam Quế đầu Thanh diệt Lý. Hôm nay có một bài khác của Trung Quốc do anh Huỳnh Chương Hưng dịch lại, mời các bạn tham khảo thêm. (LKH)


BÍ ẨN VIỆC NGÔ TAM QUẾ ĐẦU HÀNG NHÀ THANH
Ngô Tam Quế 吴三桂 (1612 – 1678) tự Trường Tự 长自, lại có tự khác là Cố Phủ 顾甫, Hùng Sảng 雄爽, tổ tịch tại Liêu Đông 辽东, xuất thân nhà tướng, từ nhỏ đã quen với cung tên xạ kỵ, đậu Võ cử, sau tập ấm phụ thân nhậm chức Đô đốc chỉ huy, chẳng bao lâu thăng làm Tổng binh trấn thủ Sơn Hải quan 山海关.
Năm 1644, Lý Tự Thành 李自城 lãnh đạo quân khởi nghĩa nông dân công chiếm Bắc Kinh, Ngô Tam Quế theo đâu đi đâu vẫn chưa quyết định được. Nhận được thư của phụ thân là Ngô Tương吴襄 , bảo ông nhanh chóng quy thuận “Sấm Vương” 闯王, Ngô Tam Quế hồi âm biểu thị đồng ý, đồng thời dẫn bộ hạ đi Bắc Kinh gặp chủ mới. Đi đến Loan Châu 滦州, nghe tin phụ thân Ngô Tương bị quân nông dân Đại Thuận 大顺 bắt tra khảo, gia sản bị tịch thu, quan trọng nhất là ái thiếp Trần Viên Viên 陈圆圆 của ông bị Lưu Tông Mẫn 刘宗敏 chiếm đoạt. Trong con giận, Ngô Tam Quế rút kiếm chém xuống án, thề rằng thế bất lưỡng lập với quân nông dân, ngay lập tức quay trở lại Sơn Hải quan. Theo kế của Phương Hiến Đình 方献廷 gởi thư đến Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn 多尔衮 nhà Thanh, câu kết với quân Thanh đánh bại quân nông dân của Lý Tự Thành. Mấy năm sau, Ngô Tam Quế vì sao đầu hàng nhà Thanh? Rốt cuộc là có đầu hàng hay không? giới sử học vẫn còn có những ý kiến khác nhau.


Những người chủ trương thuyết Ngô Tam Quế đầu hàng nhà Thanh thì cho rằng, sau khi Ngô Tam Quế về lại Sơn Hải quan đã chủ động liên hệ với quân Thanh, đồng thời gọt tóc xưng thần, dâng Sơn Hải quan. Tại “nhất phiến thạch” 一片石 hợp với quân Thanh đánh bại quân nông dân, đồng thời theo mệnh lệnh của triều Thanh truy sát quân nông dân. Khi sau này vương triều Thanh tước bỏ tước vị của Ngô Tam Quế cũng có nói: phản tặc Ngô Tam Quế khi cùng đường chạy đến quy thuận, Thế Tổ Hoàng đế đã tiếp nhận sự đầu hàng của ông ta, đồng thời cho ông ta tiếp tục thống lĩnh quân đội, nhận định rằng Ngô Tam Quế đến quy hàng. Thêm vào đó, Ngô Tam Quế dẫn quân Thanh vào quan trung tuy với danh nghĩa “báo thù cho vương triều Minh”, nhưng một khi cờ đã đến tay liền dỡ bỏ mặt nạ “phục minh”, lộ rõ bộ mặt hung ác, hướng đến triều đình nhà Thanh dâng bức sớ nổi tiếng “tam hoạn tam nạn” 三患三难, đối với thế lực tàn dư của triều Minh, cổ xuý việc “kịp thời tảo trừ tận gốc rễ”, đồng thời gia tăng áp lực đối với vua Miến Điện, buộc phải giao Hoàng đế Vạn Lịch 万历 của triều Nam Minh đang lưu vong ở Miến Điện. Không nghĩ đến sự khổ tâm van xin của Vạn Lịch đế, tàn nhẫn đem Vạn Lịch đế cùng hoàng tử, cung quyến mấy chục người thắt cổ tại Bề Tử pha 篦子坡 ở Côn Minh 昆明. Có thể thấy “lòng trung” của Ngô Tam Quế đối với triều đình nhà Thanh.
Những người chủ trương Ngô Tam Quế chưa đầu hàng cũng có lý lẽ riêng. Họ cho rằng Ngô Tam Quế liên kết với nhà Thanh để chống Lý Tự Thành, thậm chí là “liên Thanh phục Minh” 联清复明. Trong tình huống đó, lực lượng quân sự của Ngô Tam Quế khó mà một mình chống đỡ, chỉ có liên hợp mới có thể đứng vững. Vì lợi riêng của mình, Ngô Tam Quế đã có một chọn lựa mang tính bi kịch, đó là “liên Thanh kháng Lý” 联清抗李 (liên kết với nhà Thanh chống lại Lý Tự Thành). Trong thư qua lại với Đa Nhĩ Cổn, Ngô Tam Quế nói rằng:
Nước tôi với Bắc triều (triều Thanh) giao hảo hơn 200 năm, nay vô cớ gặp phải quốc nạn, Bắc triều nên nghĩ tình, nhanh chóng tuyển chọn tinh binh, Tam Quế tôi tự dẫn bộ thuộc hợp binh chống lại, diệt bọn khấu nơi cung đình, thể hiện đại nghĩa với Trung Quốc, để báo đáp Bắc triều, triều đình tôi sẽ cắt đất đền ơn. (Thanh Thế Tổ thực lục 清世祖实录)


Trong thư chỉ nói mượn binh liên hợp đánh quân nông dân, sau khi thành sự sẽ cắt đất đền ơn, hoàn toàn không nói đến việc đầu hàng. Những người theo luận điểm này còn đề xuất, sau trận chiến ở Sơn Hải quan, Lý Tự Thành thua chạy về Vĩnh Bình 永平, Ngô Tam Quế phái người nghị hoà, đề xuất:
Khi Tự rút quân nhanh chóng rời khỏi kinh thành, tôi sẽ tôn thái tử làm người kế vị.
Đồng thời đưa thiệp tới kinh thành, nói rằng:
Nghĩa binh nội mấy hôm nữa sẽ vào thành, phàm thần dân của tôi sẽ để tang cho tiên đế, chuẩn bị nghinh đón đông cung.
Từ đó có thể thấy, lúc bấy giờ Ngô Tam Quế không đầu hàng nhà Thanh, nếu không, triều Thanh cũng không bao giờ cho phép ông ta làm như thế. Sự việc phát triển sau đó là Đa Nhĩ Cổn túc trí đa mưu, không để cho ông ta có cơ hội vào kinh thành “phục Minh” 复明 mà lệnh cho ông ta đi về phía tây “đuổi giặc”. Ngô Tam Quế binh lực ít ỏi, khó mà chống lại tình thế, đành phải nghe theo sự chỉ huy của triều Thanh, trở thành phiên thuộc của triều Thanh.
Cho dù nguyện ước ban đầu của Ngô Tam Quế như thế nào đi nữa, hành vi của ông ta cũng nói rõ, ông ta là một kẻ tiểu nhân vô sỉ, cực ký tự tư, hư nguỵ phản phúc vô thường. Chiếc mũ tội nhân lịch sử đội trên đầu, ông ta vĩnh viễn không bao giờ lấy xuống được.


Chú của người dịch
1- Sấm vương 闯王: ở đây chỉ Lý Tự Thành 李自成, lãnh tụ khởi nghĩa nông dân cuối đời Minh.
Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguyên tác Trung văn
NGÔ TAM QUẾ HÀNG THANH CHI MÊ
吴三桂降清之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.

(Sưu tầm trên mạng)