Thursday, February 9, 2017

BÔNG SÚNG, CỦ CO

Hôm qua tôi vào tiệm tạp hóa Miên ở Springvale mua tờ báo Việt, đứng chờ trả tiền, tôi đưa mắt nhìn khu vực để rau cải. Mùa này là mùa nóng nên có rất nhiều loại rau, cải, củ... mà mùa lạnh rất hiếm. Họ bày bán trong từng thùng, rau muống, rau quế, ngò om, ngò gai, gừng, riềng, cà pháo, lá lốp...và nhiều thứ của người Miên mà mình ít thấy hay ăn. Hiện nay ở Melbourne, người Miên làm farm, mở các tiệm trái cây, tạp hóa bắt đầu nhiều hơn của người Việt. Họ chịu cực hơn, tiết kiệm hơn nên bây giờ họ đã giàu hơn người Việt Nam rồi đó.


Tôi có quen với một chị bán tạp hóa người Miên nhưng nói tiếng Việt rất giỏi ở vùng Noble Park, chị nói với tôi: "Nếu hia tìm không được loại rau cải nào thì tới tiệm em, tụi nầy có supply đặc biệt".
Tôi thấy trong tiệm có cái thùng đựng đậu rồng đã được bỏ sẵn vào bao, mỗi bao có khoảng 6-7 trái, giá 4 đô. Kế bên có một cái thau đựng mấy khoanh bông súng tươi, đây là lần đầu tiên tôi thấy bông súng tươi bán ở Úc đó bạn. Tôi cầm lên 3 bông chưa nở được khoanh tròn một cách khéo léo và cột lại. Bạn đoán xem giá bán bao nhiêu. Chắc các bạn ở VN không ngờ tới đâu. $7 đô đó bạn. Đúng vậy bảy (7) đô cho ba (3) cọng bông súng.
Có nhiều cái thật không ngờ phải không các bạn, những loại rẻ sình ở VN mà qua tới Úc này trở thành món quý giá như bông súng, rau lang, rau muống, khoai mì, khoai sọ, củ sắn....


Nhìn mấy khoanh bông súng mà tôi nhớ tới nồi mắm kho của má tôi nấu dù tôi không ăn nhưng vẫn nhớ đến rổ rau ăn mắm kho có bắp chuối, giá, rau muống chẻ...nhưng món chủ yếu vẫn là những cọng bông súng thái nhỏ.
Tôi lên mạng tìm chút tài liệu về bông súng thì lại được nhắc đến "củ co". Đây cũng là một món ăn chơi hồi nhỏ mà má tôi vẫn mua về cho anh em tụi tôi ăn.
Hồi đó ở Cần Thơ, đậu phọng nấu, củ co nấu, củ năng...bán được đong bằng lon sữa bò ông Thọ chớ không cân ký bán như bây giờ. Củ co trái tròn, da sần sùi màu đen, luột chín, bóc vỏ dễ dàng, ăn nhẫn nhẫn, nhiều bột. So với củ ấu thì ấu ngọt bùi hơn.

Có một đặc sản của người nghèo thời đó, tôi chưa ăn qua nhưng muốn giới thiệu cho các bạn cùng biết. (LKH)

CHÁO BÔNG SÚNG, CỦ CO
Đã từ lâu người dân miệt vườn Tháp Mười, U Minh vẫn truyền miệng câu ca dao:

"Muốn ăn bông súng, củ co
Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm".

Một chàng trai ngỏ lời với cô gái:
"Đói lòng đi móc củ co
Thấy em hết gạo anh cho một nồi".

Hoặc có người tự giới thiệu:
"Dân lội sông bắt còng, dân lội đồng móc củ co".


Bông súng và củ co là hai loại cây hoang dã mọc nơi đồng nước và có nhiều nhất là ở vùng Tháp Mười, Cà Mau, Bạc Liêu... Bông súng, củ co có quanh năm nhưng thu hoạch vào khoảng từ tháng 10 âm lịch trở đi thì mới ngon. Cây súng có hoa đỏ, nhiều cánh mọc từng chùm; còn cây củ co lá nhỏ như đồng tiền mọc xen lẫn với súng, củ nhỏ bằng trái mù u, vỏ xù xì, không bùi như củ ấu, mà hơi chát một chút, có nhiều bột.
Món cháo bông súng, củ co thường được chế biến rất đơn giản: thân cây súng được lột vỏ, xắt khúc bằng đốt tay trần qua nước muối. Củ co rửa sạch, luộc chín, lột vỏ. Cả hai thứ cho vào nồi nấu (củ co thay cho gạo). Nếu có cá lóc, rùa, rắn, cua thì luộc chín, lọc lấy nước cho vào nấu, còn thịt gỡ ra chiên qua hành mỡ, khi cháo gần được thì cho vào khoảng 10-15 phút, rồi nêm gia vị tỏi tiêu ớt bột ngọt... Thế là đã có một nồi cháo tuyệt vời. Cháo bông súng, củ co cần ăn nóng, cho thêm rau răm hoặc tàu hủ ki, bánh đa mè nướng vào, rồi nhâm nhi với rượu đế thì ấm áp vô cùng.


Bên cạnh các món nhậu ở miệt vườn như cá lóc nướng trui, cua, rùa rang muối... lại có thêm nồi cháo bông súng, củ co thì nhậu đến đã đời. Từ thuở cha ông ta mang gươm đi mở cõi đến nay bông súng, củ co luôn là người bạn giúp ta trong những ngày thiếu thốn. Bông súng và củ co luôn mọc cạnh nhau trong đầm lầy nước đọng, nhưng vẫn giữ được đặc tính "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".


Bông súng, củ co còn được chế biến thành nhiều thức ăn trong các nhà hàng hiện nay như thân súng muối chua, kho cá trê vàng... Củ co vừa bùi, vừa dẻo được thay cho khoai cau (khoai sọ) hoặc cho vào lẩu "vịt nấu chao" ăn cũng rất tuyệt.
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: