Tuesday, February 7, 2017

PHÉP THUẬT CAO BIỀN THẬT HAY GIẢ ?

Năm 2007 có một sự kiện hy hữu xảy ra trong báo chí Việt Nam: Một hiện tượng đã xảy ra cách đó 6 năm nhưng nó lại biết tới bởi 6 năm sau nhiều hơn là thời gian nó tồn tại. Hơn nữa, hiện tượng đó lại chỉ được đăng tải trên những “tờ báo loại 2”, nghĩa là không mang tính chính thống. Đó chính là hiện tượng của loạt bài báo mang tên “Thánh vật sông Tô Lịch” được “nhai lại” bởi tờ “Người bảo vệ pháp luật”. Sau sự kiện trên, tờ báo kia có lẽ phải đăng một dấu đỏ chót vào trong lịch sử Guinness Việt Nam vì khả năng thổi phồng một hiện tượng nhằm thu hút độc giả lớn nhất trong thời gian ngắn nhất. 


Sự thực, câu chuyện về “Báu vật sông Tô Lịch” hấp dẫn người bởi những phép thuật được cường điệu quá đà, dựa trên những câu chuyện dân gian cách đây hàng nghìn năm về nhân vật phù thủy Cao Biền nổi tiếng Trung Hoa muốn trấn yểm long mạch Việt Nam: viên tướng, thầy phù thủy, thầy phong thủy, thầy tướng dưới thời vua Đường. Nhưng câu chuyện trong quá khứ lại càng thu hút hơn bởi tính thời sự của nó, khi nó gắn với những câu chuyện đương thời.

Ngày 27/9/2001, Đội thi công số 12 (Công ty xây dựng VIC) trong khi nạo vét sông Tô Lịch đã phát hiện những di vật cổ rất lạ và huyền bí: 7 cây gỗ được chôn đứng dưới lòng sông tạo thành một đa giác đều, tại đó có các bộ hài cốt bị đóng đinh bả vai, táng giữa các cọc gỗ.., đồ gốm, xương voi, ngựa, dao, tiền đồng…Rồi chuyện máy xúc Komatsu tự nhiên lao xuống sông, nào là những người đang làm việc tự dưng ngã lăn ra đất, đưa la bàn ra thử thì la bàn quay tít.


Một năm sau đó, những câu chuyện buồn của các thành viên trong Đội nạo vét sông được gán với những câu chuyện mơ hồ liên quan tới thuật bùa chú. Các nhà khoa học được mời đến với nhiều giả thuyết, tranh cãi khác nhau và cũng chẳng đưa đến một kết luận nào. Câu chuyện ầm ĩ trên báo chí rồi đi vào quên lãng, cho đến khi nó được khơi mào trở lại một cách ầm ĩ hơn gấp nhiều lần trong năm vừa qua.



Vậy điều gì đã xảy ra trong quá khứ? Cao Biền thật sự là ai? Cao Biền có thực sự yểm bùa thành Đại La hay đó chỉ là câu chuyện của trí tưởng tượng? Dân gian là nguồn phát tán mạnh mẽ sâu và xa các câu chuyện truyền thuyết. Điều gì càng bí hiểm, càng mơ hồ, càng ma thuật thì càng hấp dẫn. Có thể thấy câu chuyện về Cao Biền đi vào các làng quê, trong tiếng nhai trầu bỏm bẻm của người già kể lại cho lớp con cháu sau này phong phú đến chừng nào.

Trận chiến giữa “phù thủy” phương Bắc và các vị thánh phương Nam

Trước khi tìm hiểu Cao Biền thật sự là ai và nguyên nhân Cao Biền trấn yểm long mạch, chúng ta hãy xem sức mạnh của Cao Biền thông qua cuộc chiến đấu với các vị thánh nước Nam.

Cao Biền hoảng sợ thần Long Đỗ, lập đền Bạch Mã

Được xây dựng trước khi có thành Thăng Long, đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm, Hà Nội) nằm ở hướng chính đông, là một trong tứ trấn của kinh đô thuở ấy. Đền xưa thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Trúc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức nay là số 76 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.


Cao Biền đắp La Thành, mấy lần cứ bắt đầu lại bị sụt lở. Một đêm, Cao Biền đứng trên vọng lâu nhìn ra, thấy một vị thần cưỡi ngựa trắng chạy đi, chạy lại như bay, rồi bảo Cao Biền cứ theo vết chân ngựa chạy mà đắp thành. Vì vậy, sau khi đắp thành xong, Cao Biền cho lập đền thờ vị thần ấy ở ngay nơi hiển hiện, gọi là đền Bạch Mã. Đền thờ này ngày nay vẫn còn ở phố Hàng Buồm, Hà Nội. Chuyện này còn có dị bản khác nói rằng Cao Biền đã cho đắp thành Đại La. Một hôm, Cao Biền ra chơi ngoài cửa đông của thành, chợt thấy trong chỗ mây mù tối tăm, có bóng người kì dị, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, tay cầm thẻ bài màu vàng, bay lượn mãi theo mây. Cao Biền kinh sợ, định lấy bùa để trấn yểm. Bỗng đêm hôm ấy thấy thần báo mộng rằng:

-Ta là tinh anh ở Long Đỗ, nghe tin ông đắp thành nên đến để hội ngộ, việc gì mà phải trấn yểm?

Cao Biền lấy làm kỳ lạ, bèn lấy vàng, đồng, bùa và đúc một tượng sát hình nhân dị dạng nhằm yểm ngục, không cho nước Nam phát trỉển nhân tài. Chẳng dè, ngay đêm đó mưa gió sấm sét nổi lên dữ dội, sáng ra xem, thấy vàng, đồng và bùa trấn yểm đều đã tan thành cát bụi. Cao Biền sợ hãi hét lên: “Thần ma của nước Nam rất thiêng, không có cách nào trị nổi được”, bèn lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần là thần Long Đỗ.


Theo một cuốn sách về văn bia ở Hà Nội thì Bạch Mã là ngôi đền rất thiêng. Đây là vị thần chúa tể của một khu vực ngàn dặm được tất cả các đời vua cúng tế. Sau này Lý Thái Tổ dời kinh đô đến đất này, đổi gọi Đại La là Thăng Long. Nhà vua sai đắp lại thành, nhưng hễ thành đắp xong lại lở, bèn sai người đến cầu đảo thần Long Đỗ. Chợt người cầu đảo thấy có con ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu, để vết chân rõ ràng tại đó và cuối cùng vào đền rồi biến mất. Sau nhà vua cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành thì thành không lở nữa, bèn nhân đó, phong làm thành hoàng của Thăng Long. Các vua đời sau cũng theo đó mà phong tới Bạch Mã Quảng Lợi Tối Linh Thượng Đẳng Thần.

Làng Cổ Pháp của dãy núi Tiêu Sơn, “đất hai vua”, nơi Cao Biền không trấn yểm được

Làng Cổ Pháp chỉ là một trong hàng ngàn ngôi làng của miền Bắc Việt Nam (nay là làng cổ Đường Lâm) nhưng đây lại là nơi ngưng và kết huyệt long mạch của dãy núi Tiêu Sơn.

Dân gian kể lại, đến đời La Quý An, thế đất Cổ Pháp vượng quá. Bao nhiêu vì sao tinh tú trên trời đều chầu về. Quan nhà Đường xem thiên văn, nhìn rõ, tâu lên vua nhà Đường là Đường Ý Tông (860-873)…


Năm Giáp Thân (864) vua Đường Ý Tông, nhân việc quan thiên văn báo cho biết thế đất Cổ Pháp và An Nam (Bắc Việt và một phần Trung Việt) có loạn, sai Cao Biền sang Giao Châu.

Khi đi, vua Đường dặn riêng với Cao Biền đại khái là Trưng thị là hai người đàn bà mà làm rung chuyển cơ nghiệp nhà Đông Hán (25 - 220). Rồi đến Triệu Ẩu (cách người Trung Hoa gọi Bà Triệu, nhằm ý miệt thị), Lý Bôn... làm cho ta vất vả lắm mới dẹp được. Nay trẫm thấy linh khí An Nam quá thịnh, e sau này có biến. Khanh đến đó, trước bình giặc Nam Chiếu, sau tìm cách trấn yểm linh khí An Nam đi và vẽ địa đồ về cho trẫm

Nhân dịp đi qua đất Cổ Pháp, Cao Biền có cho đào 19 cái lỗ chôn bùa ngải để yểm đất. Ngài La Quý An biết vậy nên cho người lẻn đào 19 cái lỗ đó lên và trồng 19 cây lê vào.

Về sau, đất này là nơi sản sinh ra rất nhiều người tài giỏi. Nhiều vị anh hùng hào kiệt đã được nuôi dưỡng bởi linh khí nơi này, trong đó có hai vị vua là Ngô Quyền và Phùng Hưng.

Cao Biền không “phỉnh” nổi thánh Tản Viên

Thánh Tản Sơn chính là vị thần Sơn Tinh trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, và là một trong tứ vị thần bất tử của Việt Nam.


Để có thể diệt được thần bản địa, Cao Biền đã dùng một mưu mẹo rất “con người” là giả lập đàn cúng tế, lừa thần lên rồi dùng kiếm báu chém đầu. Chém xong, Cao Biền đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch. Truyền thuyết dân gian kể rằng khi sang Giao Châu, Cao Biền thấy long mạch rất vượng, nên muốn phá đi, thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế, hoặc dùng cách cũ để thần bản địa đến. Cao Biền có lần đến núi Tản (còn gọi là núi Ba Vì), định dùng chước này, nhưng Tản Viên sơn thánh biết được, liền nhổ một bãi nước bọt vào Cao Biền và bỏ đi (có truyền thuyết nói là mắng Cao Biền và bỏ đi).

Phá linh khí chùa Thiên Mụ, nhưng chúa Nguyễn hàng trăm năm sau vẫn lấy lại được

Chuông Thiên Mụ nổi tiếng cả nước với tiếng ngân vang xa rộng của nó. Quả chuông này do chúa Hiến Tông (Nguyễn Phúc Chu) cấp tiền đúc vào năm Canh dần (1750). Tiếng chuông chùa Thiên Mụ biểu trưng cho sự hiện diện của Phật giáo hằng ngày, sớm và chiều tại cố đô Huế, trong lòng mỗi người dân tại cố đô Huế. Thiên Mụ là bà lão nhà Trời. Theo truyền thuyết, Cao Biền khi làm An Nam đô hộ phủ ở nước ta, dưới đời nhà Đường, theo lệnh vua Đường là Đường Ý Tôn (860-873), đã đi khắp nơi ở nước ta, tìm những nơi đất tốt có vượng khí, đều lập phép trấn yểm. Cao Biền đã đến Thuận Hóa, xã Hà Khê, huyện Hương Trà, thấy giữa đồng bằng đột khởi một cái đồi hình đầu rồng, biết là nơi linh địa, bèn cho đào hào cắt ngang dưới chân đồi. Đêm đến, Biền mộng thấy một bà lão tóc bạc phơ, ngồi dưới chân đồi than vãn và nói to: "Đời sau, nếu có bậc minh chủ, muốn bồi đắp mạch núi lại, đem lại linh khí cho đồi núi này, thì hãy lập chùa thờ Phật ở đây…”

Về sau, Nguyễn Hoàng khi vào Thuận Hóa, tìm cách gây dựng thế lực, để biệt lập và chống đối với họ Trịnh, đã đến nơi này, nghe các bô lão kể lại câu chuyện bà lão Trời và Cao Biền, thì rất mừng, lập tức cho xây chùa trên núi, và tự tay viết biển chùa là "Thiên Mụ tự" (chùa Thiên Mụ - chùa bà lão nhà Trời).


Người Việt Nam bình thường tin ở thuật phong thủy, nhưng đồng thời cũng tin ở Phật, Bồ-tát, và đạo Phật. Cao Biền có tài trấn yểm, nhưng dân Việt Nam có xây chùa thờ Phật là mọi phép yểm của Cao Biền đều bị phá hết. Ảnh hưởng của chùa Phật là ảnh hưởng của Tam Bảo, của đức Phật thường trú, của Chánh pháp mà bánh xe luôn luôn chuyển động, của Tăng là những người có trách nhiệm duy trì và hoằng dương Chánh pháp tại thế gian này.

Núi Hàm Rồng – cuộc chiến giữa Cao Biền và Tả Ao

Truyền thuyết kể, Biền thấy đất Giao Châu có nhiều kiểu đất đế vương, sợ dân nơi đây bất khuất, khó lòng cai trị, nên thường cưỡi diều giấy bay đi xem xét và tìm cách trấn yểm các long mạch để phá vượng khí của người Nam.

Một lần bay qua vùng núi Hàm Rồng, nhìn thấy huyệt Hàm Rồng, Biền nói rằng địa thế này tuy không phải là hung địa “xương long vô túc” (rồng không chân) nhưng cũng là hình con rồng què chân, không phải đất cực quý, nên bỏ đi.

Miệng nói vậy nhưng chính y lại âm thầm trở lại, mang theo hài cốt cha để táng vào mong sau này có thể phát đế vương. Sau nhiều lần táng mả cha vào, xương cốt cứ bị huyệt núi đùn ra, không kết phát.

Cao Biền biết rằng đây là long mạch cực mạnh, cực quý thì lại càng ham thích, rắp tâm làm đến cùng. Biền bèn tán nhỏ xương vừa tung lên thì có muôn con chim nhỏ cùng bay đến, vỗ cánh quạt vù vù làm xương cốt bám trên vách đá bay tứ tán.

Biền than rằng linh khí nước Nam quá mạnh, không thể cưỡng cầu. Quả nhiên không lâu sau, Biền bị triệu về nước rồi bị giết. Và sau này, đất Thanh là nơi phát khởi của nhiều vua chúa.


Nhiều người cho rằng, những chim nhỏ phá phép trấn yểm của Cao Biền là thần linh của sông núi nước Nam. Có người lại cho rằng đó là do Thánh Tả Ao hóa phép.

Theo truyền thuyết, cụ Tả Ao là vua phong thủy của nước ta, chuyên phá những long mạch bị Cao Biền trấn yểm. Không ai rõ tên và năm sinh, năm mất của Tả Ao nên chỉ gọi theo tên làng.

Như vậy, khi mới chỉ điểm qua những truyền thuyết tiêu biểu về Cao Biền, đã cho thấy sức mạnh của các vị Thánh nước Nam. Chúng ta có thể đưa ra giả thuyết rằng, những câu chuyện trên được dân gian dựng lên nhằm tôn vinh linh khí của chính làng mình. Phép thuật của Cao Biền có lẽ, phần đa là do những người kể chuyện xưa vẽ lên. Thời điểm Cao Biền sang nước Nam cũng chính là thời điểm mà Đạo giáo từ Trung Hoa truyền bá vào Việt Nam, cụ thể là các thuật xem tử vi, phong thủy, bùa chú, luyện linh đan... Những câu chuyện về Cao Biền là minh chứng cụ thể nhất cho tín ngưỡng Đạo giáo đang nở rộ ở nước ta thời bấy giờ.

(Sưu tầm trên mạng)