Nhân dịp năm hết Tết đến, người người chúc nhau cầu cho may mắn, phát tài, khỏe mạnh,… nhưng tựu chung lại chính là Phúc Lộc Thọ. Ba chữ tuy đơn giản, nhưng nếu tìm hiểu sâu xa hơn về lịch sử và kết cấu của chữ biết đâu chúng ta có thể biết được phương cách đạt được cả 3 mong nguyện này.
ĐÔI ĐIỀU VỀ CHỮ PHÚC (福):
ĐÔI ĐIỀU VỀ CHỮ PHÚC (福):
Chữ Phúc thời nguyên sơ có nghĩa rất đơn giản. Trong Giáp Cốt Văn, chữ Phúc là hình tượng của 2 bàn tay rất trang trọng bưng một chiếc bình chạm khắc tinh xảo. Đó là hũ rượu quý. Người ấy đứng trước bàn thờ, có lẽ là trong đêm trừ tịch rất thiêng liêng…
Đây là một Thánh Lễ trong văn hóa người xưa, chính là văn hóa hữu Thần, trong đó con người tin vào sự tồn tại của Thần, kính Thần, và biết cách giao tiếp, kết nối với thần linh qua nhiều phương thức. Hiển nhiên, Kính thì phải Yêu, phải Sợ; từ đó biết giữ tâm cho chính, không xa rời cái Chân, cái Thiện, và biết Nhẫn.
Chẳng hạn, để cúng Thần linh, cụ Nho xưa dùng khoai sắn tách riêng ra một khóm lúa, một khóm nếp trên một đám ruộng. Rồi cụ tự tay lấy liềm để gặt hái, phơi phóng, xay giã, giần sàng. Đó là sản vật cho ba ngày Tết không ai được động đến.
Cụ cũng tự nấu rượu. Nấu xong, nút lá chuối khô, rồi chôn trong đất, trồng lên đó cây bạc hà làm dấu. Chỉ thứ rượu ấy mới cúng Thần linh, Tổ tiên mấy ngày Tết
Suốt cả năm, đọc sách Thánh Hiền có câu nào hay, cụ viết vào giấy gió, có cả những chữ khuyên bằng màu son chu sa. Tệp giấy ấy, cụ tự mua trầm mua bả mía về quấn những cây hương thơm lừng. Thế mới thấy, người xưa coi chuyện cúng bái rất tinh, rất trân trọng…
Không lạ gì việc chữ Phúc được coi là tấm HUY XUÂN có ý nghĩa tâm linh đến vậy.
Nói nghiêm khắc, nếu chúng ta vô Thần thì không có ông Phúc nào đến nhà. Trong cái gốc, chữ Phúc ở bên trái là chữ Thị (礻) là cái bàn độc, bàn thờ. Đó là nơi thiêng liêng mà gia chủ đối thoại với những sinh mệnh có khả năng chi phối con người thế gian. Người xưa tin và tin tuyệt đối vào Thần. Họ luôn nghĩ rằng trên đầu 3 thước có Thần linh. Việc làm của mình có thể che mắt người đời, bởi họ đều mù như mình, nhưng không thể lấy “vải thưa che mắt Thánh”.
Chuyện kể rằng: Sau khi lên ngôi, Nguyễn Phúc Ánh là vua Gia Long đã ban thưởng công lao cho cận thần. Ngài dành ưu đãi nhất cho một tướng vào sinh ra tử với mình. Đức vua cho vị quan yêu cầu bất cứ sở ước gì. Vị ấy bèn thưa:” Tâu Hoàng Thượng, hạ thần chỉ xin chữ Phúc thôi!“. Vua trông vẻ buồn buồn, nhưng rồi cười nói: “Tiền bạc và chức tước là quyền của ta. Còn Phúc thì chỉ có Trời mới có quyền ấy. Dòng họ nhà ta cũng chỉ nhờ chữ ấy mà vinh hiển. Không biết con cháu ta có giữ được Đức lâu dài mà hưởng Phúc gia tộc?”.
Như vậy, Phúc là quả ngọt. Cái làm cho nó xanh tươi, ra hoa đơm trái lại là Đức.
Kết cấu ngôn ngữ phụ-chính của người Trung Hoa khẳng định chữ Đức chính là yếu tố quan trọng để có Phúc. Hãy tích Đức, còn nhiều quá rồi thì lo mà “thủ Đức”. Ai xin tiền, xin bạc thì cho, chứ đừng cho Đức. Mất Đức là nghiệp đến, tội vào, là thần Phúc ba chân bốn cẳng chạy ra khỏi nhà. Chỉ cần giữ trong tâm chữ Đức, ăn ở cho có Đức, mọi may mắn Phúc lành sẽ hành quân đóng chật nhà, tức Mãn Phúc Đường.
Hãy nhìn bên phải. Chữ Phúc đồng âm này, có tách ra thành 3 chữ: Nhất (一), tiếp là Khẩu (口), cuối là Điền (田).
Các kí tự này còn có thể được hiểu là “một mảnh đất được ban tặng từ thần linh”. Mỗi người đều có một vùng đất, hay một vùng đất của lương tri, là thứ được thiên thượng ban tặng cho con người.
Như vậy, nhờ kính sợ Thần Linh, và nhờ Đức lưu phương từ Tổ Tiên được con cháu phát huy, nên cả họ hàng đều dồi dào bạc vàng châu báu. Phúc là điều tốt lành do biết tin, biết kính, biết sống Đạo Đức, theo tiêu chuẩn mà Thần Phật đặc định
Chữ Phúc có biểu tượng con Dơi
Nếu bạn lấy chữ Trùng (虫), nghìa là côn trùng, thay chữ bên trái ta có chữ (蝠), phát âm khá giống với chữ Phúc trong tiếng Hoa. Chữ này có nghĩa là con Dơi. Thế nên, Dơi là biểu tượng của Phúc. Điều này trái ngược văn hóa phương Tây coi Dơi là ma quỷ.
Nhà nào nuôi hoặc treo 2 con Dơi thì gọi là Trùng Phúc Lâm Môn.
Con người vốn tham, hay viết và treo 5 con Dơi gọi là: Ngũ Phúc Lâm Môn. Đó là sống thọ, giàu có, bình an, Đức tốt và chết thanh thản. Có người thì cho 5 Phúc là: Phú, Quý,Thọ, Khang, Ninh.
Người Hoa còn có tục treo chữ Phúc ngược, dựa trên 2 câu chuyện như sau:
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương vi hành dịp Tết. Vua gặp một đám đông trai tráng có những hành vi khả ố khi vẽ một bức tranh người đàn bà xấu xí, bàn chân to, tay ôm quả dưa hấu. Hình ảnh đó là Hoàng hậu. Vua sai lính theo dõi đến tận nhà và viết chữ Phúc đánh dấu. Khi quân lính tróc nã những người phạm thượng thì thấy nhà nào cũng có chữ Phúc bị dán ngược. Hóa ra, Hoàng hậu nửa đêm đã sai người làm điều ấy cứu muôn dân. Bà đã ra tay làm Phúc, cứu khỏi họa từ ông vua thích tru di đến 9 tộc, chứ không phải 3 tộc.
Cũng cần lưu ý người xưa coi phụ nữ có bàn chân to là xấu xí, thô lậu. Họ thường bó chân để có gót son 3 tấc.
Người xưa cho hành động bổ đôi quả dưa, vục đầu vào ăn là hạng tiểu nhân vô lại…Sĩ nhục vậy mà Hoàng hậu tha thứ, bà quả là nhân từ vậy.
Bổ quả dưa làm 2 được viết là Phúc Qua. Đây chính là 2 chữ Phúc được viết liên tục. Đây là lý do Chu Nguyên Chương cho người viết chữ Phúc mà không phải là chữ nào khác.
Câu chuyện nữa là thời nhà Thanh. Sáng 30, tên lính được giao treo chữ Phúc ở phủ Thái Tử, không biết thế nào, anh ta treo ngược và bị hỏi tội. Viên quan nhân từ biết Thái Tử đang nung nấu ý định lên ngôi báu. Ông bèn nói với Thái tử rằng: “Chữ Phúc Đảo nghĩa là Phúc Đáo. Điềm lành đang đến. Thái Tử đã cho người lính 30 lạng bạc và mọi người trực đêm ấy cũng được thưởng.
Chuyện về chữ Phúc có dăm ba dòng như vậy, mong sang năm mới, thay vì nhà nhà tích tiền tài, thì chuyển sang tích Đức, tự khắc Phúc vận sẽ tới, gia đình êm ấm, sum vầy.
Đôi dòng thơ tặng người tri âm:
“Kiếp tu xưa ví chưa dày
Phúc nào nhắc được giá này cho ngang
Sư rằng Phúc Họa đạo Trời
Cội nguồn cũng bởi lòng người mà ra
Một nhà Phúc Lộc gồm hai
Nghìn năm dằng dặc, quan giai lần lần
Trách vì Phúc bạc, xứng đâu má đào
Từ đây Phúc đẳng hà sa vô cùng“.
Cổ Văn