Thursday, March 9, 2017

THẾ NÀO LÀ BỒ TÁT?

Hôm nay mùng một Tết, chúc tất cả các bạn và gia dình một năm mới hạnh phúc, sức khỏe dồi dào, làm ăn tấn tới. Bạn nào hôm nay nghỉ tết hoặc nếu ai không nghỉ thì thứ bảy chủ nhật chắc cũng sẽ đi chùa lễ Phật. Trọn ngày nay, sau khi về nhà ba má tôi lễ Tết và ăn cơm chay, gia đình tôi đi viếng một số chùa, miếu ở Melbourne. Gặp những người quen, ai cũng chúc nhau sức khỏe, phát tài...Mặt ai cũng rạng rỡ với cái tâm từ đi đến chùa.


Các bạn có biết làm việc thiện, bố thí, đến chùa tu học, chúng ta phải tu tập làm sao để có một tấm lòng từ bi hỷ xả (慈悲喜捨) tức là "tứ vô lượng" (四無量) tâm. Bốn tâm vô lượng cũng được gọi là hạnh Ba-la-mật-đa (Lục độ). Đó tức Bồ tát hạnh.
Để hiểu rõ hơn "Bồ Tát" là gì mời các bạn đọc qua bài sau đây để hiểu nhiều hơn. (LKH)

THẾ NÀO LÀ BỒ TÁT?


Bồ Tát 菩萨, tức Bodhisattva trong tiếng Phạn, dịch âm là Bồ Đề Tát Đoá 菩提萨埵, cho nên gọi là Bồ Tát. Bồ Đề 菩提 (Bodhi) ý chỉ giác ngộ, Tát Đoá 萨埵 ý chỉ bản chất, hợp 2 từ lại đại biểu “có bản chất giác ngộ”, có thể phát triển nghĩa là “lực sĩ giác ngộ”.
Đặc trưng lớn nhất của Bồ Tát là từ bi. Thế nào là từ bi? Từ bi chính là không những bản thân truy cầu khai ngộ, mà còn dẫn người khác đến cảnh giới khai ngộ. Từ bi chính là rất hiểu rõ nhân ý, thấy người khác chịu khổ nạn, có thể cảm nhận, giơ tay cứu giúp, giải quyết khốn ách, thoả mãn nguyện vọng.


Bất cứ ai, chỉ cần sinh lòng từ bi đều có thể thành Bồ Tát. Bồ Tát lúc sơ phát tâm, có khả năng chỉ là một người bình thường, nhưng đáng quý là lúc nào cũng giữ tâm từ bi. Một số Bồ Tát chứng ngộ rất cao, do bởi lòng bi nguyện đối với chúng sinh rất lớn, khiến những vị Bồ Tát ấy phát triển được thần lực như Phật, có thể tạo lợi ích to lớn cho chúng sinh. Quán Âm Bồ Tát 观音菩萨 chính là vị Đại Bồ Tát có thần lực rất cao.


Mối quan hệ giữa Phật với Bồ Tát
Trong Phật quốc, địa vị của Bồ Tát chỉ sau Phật, đẳng cấp rất cao. Tương lai Bồ Tát sẽ thành Phật. Một khi Phật nhập niết bàn, Bồ Tát sẽ thay thế, như Quán Thế Âm Bồ Tát 观世音菩萨 và Đại Thế Chí Bồ Tát 大势至菩萨 là hai vị Bồ Tát kế thừa Phật Di Đà 弥陀. Di Lặc Bồ Tát 弥勒菩萨 tương lai sẽ là Phật Di Lặc.
Sự khác biệt lớn nhất giữa Phật với Bồ Tát ở chỗ: Phật là mẫu mực tối cao truy cầu trí tuệ, địa vị không gì sánh lại, cảnh giới cao sâu khó lường, khiến người khó gần. Bồ Tát lại thường trú nhân gian, dùng các loại hoá hiện thoả mãn nhu cầu chúng sinh, khiến người sinh lòng cảm mến thân thiết. Mối quan hệ giữa Phật, Bồ Tát và chúng sinh, có thể dùng thuật ngữ hiện đại để so sánh: Phật là vị giáo sư đại học, Bồ Tát là trợ giáo còn chúng sinh chính là học sinh cầu pháp.


Nhân Địa Bồ Tát và Quả Địa Bồ Tát.
Trong Phật quốc có 2 loại Bồ Tát:
- Tu Nhân Địa Bồ Tát 修因地菩萨
- Tu Quả Địa Bồ Tát 修果地菩萨
Tu Nhân Địa Bồ Tát là chỉ: phát thệ nguyện tu đắc quả Phật, đồng thời kinh qua các khảo nghiệm (thập tín, thập trụ, thập hồi hướng, thập hạnh, tứ gia hạnh, thập địa v.v..), trải qua “tam đại A tăng kì kiếp” 三大阿僧祇劫 (1), mới có thể thành Phật. Di Lặc Bồ Tát弥勒菩萨, Địa Tạng Bồ Tát 地藏菩萨 là những vị Bồ Tát đã trải qua những khảo nghiệm này, đợi tương lai sẽ kế thừa vị Phật, cho nên đều là tu Nhân Địa Bồ Tát.


Quả Địa Bồ Tát là đã thành Phật từ rất sớm, do bởi thệ nguyện cứu độ chúng sinh cho nên đã trở lại làm Bồ Tát. Văn Thù Bồ Tát 文殊菩萨, Phổ Hiền Bồ Tát 普贤菩萨 cùng Quán Âm Bồ Tát 观音菩萨 đều là Quả Địa Bồ Tát.
Tứ đại Bồ Tát
Trong Phật giáo Hán truyền lưu hành “tứ đại Bồ Tát”, là 4 vị Bồ Tát rất nổi tiếng, đó là Quán Âm Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát. Bốn vị Bồ Tát này mỗi vị có hình tượng và đặc trưng đức hạnh riêng:
- Quán Âm tay cầm hoa sen hoặc tịnh bình dương chi, trên đỉnh đầu có hoá Phật, tượng trưng “từ bi”.


- Văn Thù tay cầm kiếm cùng kinh thư, cưỡi sư tử, tượng trưng “trí tuệ”.
- Phổ Hiền tay cầm chày kim cang, giỏ sen, ma ni bảo, kinh thư, cưỡi voi trắng, tượng trưng “chí thiện”.
- Địa Tạng được tạc theo tượng tì kheo, mặc cà sa, đội mũ “ngũ phương Phật”, tay trái cầm bảo châu như ý, tích trượng, tượng trưng “đại nguyện”.
Bát đại Bồ Tát của Mật Tông cùng với “tam tộc tính tôn”


Mật tông có cách nói “bát đại Bồ Tát”, được ghi chép trong Bát đại Bồ Tát Man Đồ La Kinh 八大菩萨曼荼罗经, 8 vị Bồ Tát đó lần lượt là: Quán Tự Tại Bồ Tát 观自在菩萨, Di Lặc Bồ Tát 弥勒菩萨, Hư Không Tạng Bồ Tát 虚空藏菩萨, Phổ Hiền Bồ Tát普贤菩萨, Kim Cang Thủ Bồ Tát 金刚手菩萨, Văn Thù Bồ Tát文殊菩萨, Trừ Cái Chướng Bồ Tát 除盖障菩萨, Địa Tạng Bồ Tát地藏菩萨, phân biệt ở chỗ thị hiện 8 đức tính.
Ngoài ra, ở Mật tông Tây Tạng, có tam tôn là Quán Âm Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát và Kim Cương Thủ Bồ tát hình thành “tam tộc tính tôn” 三族姓尊, lần lượt đại biểu cho 3 thuộc tính: từ bi, trí tuệ và phục ác, được người Tạng tín ngưỡng.


Chú của nguyên tác
1- Tam đại A tăng kì kiếp三大阿僧祇劫:
A tăng kì kiếp 阿僧祇劫, dịch âm tiếng Phạn, có nghĩa là “vô số trường thời” 无数长时 (thời gian dài vô số). “Tam đại A tăng kì kiếp” chỉ Bồ Tát thành Phật phải kinh qua một thời gian rất dài.
Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguyên tác Trung văn trong
QUAN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002