Sunday, August 6, 2017

ĐI TÌM DẤU TÍCH NGUYỄN DU Ở HUẾ

Mới đọc và post bài thơ "Thu chí 1" của đại thi hào Nguyễn Du, biết cụ có sống và làm quan ở Huế nên mình mới sao lục tìm xem có chút dấu tích nào của cụ Nguyễn Du hay không, mai mắn thay có bài viết sao đây của Mai Văn Hoan:


ĐI TÌM DẤU TÍCH NGUYỄN DU Ở HUẾ
Huế cũng là nơi ông trút hơi thở cuối cùng và được an táng tại đây. Nhưng đâu là nơi thi hào từng sống, được an táng trước khi đưa về lại quê nhà? Nhà thơ Mai Văn Hoan đã cất công đi tìm những “địa chỉ Nguyễn Du” ở Huế.
Nguyễn Du đặt chân đến Huế lần đầu tiên vào năm 1793 trong chuyến đi thăm Nguyễn Nễ (anh trai cùng mẹ, làm quan cho triều Tây Sơn). Lúc đó, Nguyễn Nễ cũng như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích... được triều đình bố trí tạm trú trong các ngôi chùa xung quanh cung điện Đan Dương (gần khu vực chùa Từ Đàm, thuộc phường Trường An, TP Huế hiện nay).
Như vậy, khu vực xung quanh chùa Từ Đàm có thể là nơi Nguyễn Du từng lưu lại trong lần đầu tiên nhà thơ đặt chân đến Huế.
Nơi Nguyễn Du tạm trú những năm 1805-1809
Ngay năm đầu tiên lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long (1802), Nguyễn Ánh đã mời Nguyễn Du ra làm quan. Nhà thơ nhậm chức tri huyện Phù Dung (Hưng Yên) rồi chuyển làm tri phủ Thường Tín (Hà Tây). Chưa được hai năm, ông lấy cớ bị bệnh, từ chức, về quê (Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Đầu năm 1805, lại có chiếu chỉ nhà vua mời ông vào kinh đô và thăng chức Đông Các điện học sĩ. Cũng như phần lớn những người ở xa mới về kinh đô nhậm chức, Nguyễn Du được triều đình bố trí tạm trú tại nhà công. May mắn là trong Nam Trung tạp ngâm có đến ba bài thơ đề cập ngôi nhà công ấy.
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du phần lớn được viết dưới dạng nhật ký. Nhà thơ ghi lại một cách chân thực những điều mắt thấy, tai nghe. Qua bài Ngẫu hứng công quán bích (Thơ ngẫu hứng đề trên vách nhà công), ta có thể hiểu được phần nào cuộc sống đạm bạc của những viên quan ở nhà công thời Gia Long: Triêu xan nhất vu phan/ Mộ dục nhất bồn thủy (Sớm ăn một bát cơm/ Chiều tắm một bồn nước).
Quang cảnh xung quanh ngôi nhà công mà Nguyễn Du ở còn rất hoang dã: Khai song kiến kinh kỉ/ Song ngoại kinh kỉ mạn thả trường (Hé song thấy gai góc/ Gai góc ngoài song mọc ngổn ngang).
Hai câu thơ này còn có nghĩa bóng khá thâm thúy. Từ ngôi nhà công ấy, nhà thơ có thể nhìn thấy: Xương hạp môn tiền xuân sắc lan/ Cách giang diêu đối Ngự Bình san (Xuân đã sắp tàn trước cửa rồng/ Xa xa núi Ngự ở bên sông).
Theo sử sách ghi lại, vào năm 1803 hoàng thành Huế đã xây xong nhưng chưa có quy mô như bây giờ. Đến năm 1805 bắt đầu xây kinh thành và 27 năm sau kinh thành Huế mới cơ bản hoàn thành (1832).
Bài Ngẫu đề cho ta biết ngôi nhà công mà Nguyễn Du đang tạm trú nằm ở góc phía đông hoàng thành: Thập khẩu đề cơ Hồng Lĩnh bắc/ Nhất thân ngọa bệnh Đế Thành đông (Mười miệng kêu đói ngoài bắc Hoành Sơn/ Một thân nằm bệnh phía đông thành nhà vua). Ngôi nhà công ấy ở rất gần vùng quê nên đêm đêm nhà thơ nghe rõ: Đinh đông châm xứ thiên gia nguyệt (tiếng lục lạc, tiếng chày của nghìn nhà dưới trăng nghe rộn rã).


Từ những chi tiết ấy ta có thể phỏng đoán: ngôi nhà Nguyễn Du tạm trú trong những năm đầu làm quan ở Huế nằm trên trục đường Mai Thúc Loan (gần chỗ gia đình cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng ở sau này).
Cây hồng vườn An Hiên và nơi an táng Nguyễn Du
Năm 1813 có thể xem là bước ngoặt trong cuộc đời làm quan của Nguyễn Du. Ông được thăng Cần Chính điện học sĩ và cử làm chánh sứ đi Trung Quốc (Nguyễn Du đã ghi lại khá đầy đủ chuyến đi này trong Bắc hành tạp lục).
Cuối năm 1814, trở về Phú Xuân nhà thơ được Gia Long đặc cách phong hữu tham tri Bộ Lễ. Có lẽ do bận rộn với công việc mới và dồn toàn bộ tâm trí để soạn Đoạn trường tân thanh (thời điểm Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều có nhiều giả thuyết khác nhau) nên không thấy Nguyễn Du viết nhật ký bằng thơ chữ Hán.
Mặc dù vậy, thông qua cây hồng tiến trong vườn An Hiên ngày nay và nơi an táng nhà thơ, ta có thể phần nào phán đoán được chỗ ở của Nguyễn Du giai đoạn từ năm 1815 đến khi mất (1820).
Cây hồng tiến có nguồn gốc từ Quảng Tây (Trung Quốc). Theo truyền thuyết, sở dĩ gọi là hồng tiến là bởi có một thời loại hồng này được chọn làm vật phẩm tiến vua. Hồng tiến ra quả vào tháng 7, trái không có hột, “ngọt và thanh đến độ tưởng như mỗi miếng vừa ngậm vào nửa chừng đã tan thành dư vang của một tiếng chim” (Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Ở miền Trung chỉ hai nơi có loại hồng tiến là làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh và làng Kim Long, Huế. Đây là loại cây khó trồng nên không phải nhà nào cũng có.
Theo cụ Nghè Mai (chắt nội của Nguyễn Du), chính thi hào là người đã mang giống cây này trong chuyến đi sứ Trung Quốc về Tiên Điền. Hiện trong khu vườn An Hiên ở Huế vẫn còn cây hồng tiến mà cụ Nghè Mai mang giống từ Tiên Điền vào tặng ông tuần phủ Nguyễn Đình Chi.
Ngoài quan hệ tình cảm với chủ nhân vườn An Hiên, chắc cụ Nghè Mai còn muốn ghi lại dấu ấn những tháng năm Nguyễn Du sống trên mảnh đất này. Và nếu như thế thì rất có khả năng ngôi nhà mà Nguyễn Du từng ở giai đoạn 1815-1820 là ngôi nhà trong vườn An Hiên hoặc nằm quanh khu vực này (nay thuộc làng Xuân Hòa, phường Hương Long, TP Huế).


Năm 1820 Gia Long mất, Minh Mạng lên ngôi, Nguyễn Du lại được cử làm chánh sứ đi Trung Quốc nhưng chưa kịp lên đường thì mất đột ngột (trong một trận dịch khủng khiếp làm chết hàng vạn người) ở kinh đô Huế vào mồng 10 tháng 8 năm Canh Thìn (16-9-1820). Sách Đại Nam liệt truyện chép: “Đến khi đau nặng ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ thưa đã lạnh cả rồi. Ông nói “được” rồi mất, không trối lại điều gì”.
Nguyễn Du được an táng tại nghĩa trang xã An Ninh (tức làng An Ninh Thượng và An Ninh Hạ, thuộc phường Hương Long, TP Huế bây giờ). Bốn năm sau (1824), con cháu mới cải táng về Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nghĩa trang xã An Ninh cách không xa vườn An Hiên, đó cũng là cơ sở để chúng ta phỏng đoán vị trí ngôi nhà mà Nguyễn Du từng sống trong những năm tháng cuối đời.
Từ khi Nguyễn Du mất đến nay đã hơn hai thế kỷ trôi qua với bao thăng trầm, dâu bể. Những nơi nhà thơ từng sống ở Huế đều đã bị thời gian xóa nhòa. Vì thế việc đi tìm dấu tích của người hai trăm năm trước chẳng khác gì đáy biển mò kim; các vị trí dấu tích mới chỉ xác định được khu vực, chưa định vị được nơi chốn chính xác. Chúng tôi mong nhận được sự hợp sức của nhiều người để xác định được vị trí rõ ràng hơn.
MAI VĂN HOAN

No comments: