Chanel số 5 không chỉ đơn thuần là một mỹ phẩm, mà còn là biểu tượng quen thuộc của ngành thời trang cao cấp. Một kiểu chai vuông vức, thẳng góc, với đường nét đơn giản mà tinh tế, nó nói lên quan niệm sáng tạo của một nhà thiết kế, nhưng đồng thời phản ánh cả một nghệ thuật sống. Ý tưởng sáng tạo thường là một quan niệm trừu tượng, vậy thì làm thế nào để tạo ra khuôn thước cho những gì không thể đo lường được.
Cuộc triển lãm tại Paris mang tựa đề ‘‘Số 5 Văn hóa Chanel’’ (N°5 Culture Chanel) đưa người xem vào thế giới mỹ phẩm, và qua đó cho thấy cả hai vế : giá trị của mặt hàng và biểu tượng văn hóa. Suy cho cùng, cuộc triển lãm nói lên quan niệm của nhà thiết kế người Pháp Gabrielle Chanel, trong cách nâng một sản phẩm thời trang lên hàng nghệ thuật.
Cuộc triển lãm tại Paris mang tựa đề ‘‘Số 5 Văn hóa Chanel’’ được tổ chức tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Palais de Tokyo, từ ngày 05/05 cho tới ngày 05/06 năm 2013. Cả trăm món trưng bày như ảnh chụp, bích chương, phim ảnh quảng cáo, vật dụng trang trí, các bức phác họa, bản thảo chép tay, phụ kiện thời trang hay các món trang sức đắt tiền, tất cả đều thấp thoáng hình bóng của bà Gabrielle Chanel (còn được gọi thân mật là Coco Chanel).
Cuộc triển lãm cho thấy bề dày lịch sử của một sản phẩm, từ khi mới chỉ là một ý tưởng manh nha trong tâm trí của một người phụ nữ, cho đến sự hình thành qua việc chế biến kiểu chai nước hoa quen thuộc. Trong khuôn khổ triển lãm, ban tổ chức còn dựng lên một xưởng hương liệu, nơi mà khách thăm viếng có thể ngửi qua một số mùi hương tiêu biểu, để khám phá những nét cơ bản trong cách kết hợp các hương liệu với nhau.
Bên cạnh đó còn có sự đóng góp của nhiều văn nghệ sĩ khác, giúp tăng thêm uy tín của nhãn hiệu Chanel. Ngoài khối lượng thư từ trao đổi với các nghệ sĩ cùng thời, cuộc triển lãm còn giới thiệu một số tác phẩm của nhiếp ảnh gia François Kollar, các bức phác họa của danh họa Picasso, của nhà văn Jean Cocteau, của nhà điêu khắc Diego Giacometti (em trai của nghệ sĩ Alberto Giacometti), hay của nhạc sĩ Igor Stravinsky (mà sắp tới đây RFI sẽ đề cập đến 100 năm ngày ra đời của vở múa Le Sacre du Printemps – Lễ Đăng Quang Mùa Xuân). Hình tượng và thế giới của Chanel đã gợi hứng sáng tác cho những nghệ sĩ này.
Cuộc triển lãm Chanel số 5 đã từng rất thành công ở nước ngoài khi được tổ chức tại Matxcơva, thủ đô nước Nga, và sau đó là tại các thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải. Được đưa về thủ đô Pháp lần này, triển lãm Chanel số 5 còn được sự hỗ trợ của bộ phim tư liệu Once Upon A Time của Karl Lagerfeld và cuộc triển lãm 150 năm thời trang cao cấp, tức là Haute Couture, của Pháp tại tòa Đô chính Paris.
Không phải ngẫu nhiên mà Viện Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Palais de Tokyo đã chọn mồng Năm tháng Năm làm ngày khai mạc triển lãm. Bởi vì số 5 là số hên của bà Gabrielle Chanel. Sinh thời, bà Chanel tin rằng số 5 mang lại cho mình nhiều may mắn, vì thế cho nên bà lấy số 5 để đặt tên cho kiểu nước hoa đầu tiên cũng như hầu hết các bộ sưu tập thời trang đều được trình làng vào ngày 5 tháng Năm.
Hên xui may rủi. Trong những năm tháng mới vào nghề, bà Chanel đã may mắn gặp đúng lúc những người đàn ông giúp bà gầy dựng cả một cơ nghiệp khổng lồ. Nếu như nhà qúy tộc người Anh Arthur Edward còn được gọi là Boy Capel đã bỏ tiền giúp bà Chanel, tình nhân của ông thời bấy giờ, mở cửa hiệu thời trang đầu tiên vào năm 1913, thì trong lãnh vực mỹ phẩm, ông Ernest Beaux là người đã thành công trong việc kết hợp các hương liệu để diễn đạt ý tưởng của bà Chanel.
Trong ngành mỹ phẩm, các nhà pha chế nước hoa thường có khứu giác bén nhạy phi thường. Thuật ngữ chuyên ngành thường gọi họ là ‘‘Le Nez’’ có nghĩa là Cái lỗ mũi, nhờ cái tài phân biệt được hàng trăm hương liệu khác nhau. Về điểm này, ông Ernest Beaux nổi tiếng là một người có khứu giác thần kỳ. Ông xuất thân từ một gia đình Pháp, nhưng sinh trưởng ở thủ đô nước Nga.
Gia đình ông làm việc cho một công ty Pháp chuyên sản xuất nước hoa cho giới thượng lưu quý tộc ở Nga. Khi gặp ông Ernest Beaux vào năm 1921, bà Chanel ngỏ ý muốn ông pha chế một mùi hương khắc hẳn với tất cả các kiểu nước hoa thịnh hành thời bấy giờ. Một mùi hương để gợi lên hình ảnh của người đàn bà : phong cách dịu dàng mà đầy sức cám dỗ, quyến rũ khiêu gợi ở chỗ e ấp kín đáo chứ không nồng nàn đến mức sỗ sàng.
Để diễn đạt ý tưởng này, ông Ernest Beaux đã kết hợp 80 hương liệu khác nhau, trong đó có mùi hoàng lan, diên vĩ, hoa hồng, hoa lài, mùi vani pha chế với gỗ đàn hương, mùi xạ hương hòa quyện với hổ phách và cam xanh (bergamote) vân vân … Tất cả đều là những hương liệu tinh lọc, chiết xuất từ các chất tự nhiên. Ông Ernest Beaux phối hợp một bản nhạc giao hưởng, trong đó những nốt trầm của thảo mộc được hòa quyện tài tình khéo léo với những nốt bay bổng của hương hoa vùng nhiệt đới.
Nhà pha chế nước hoa khi kết hợp hàng chục hương liệu với nhau, đã đi ngược lại với truyền thống chế biến nước hoa thời bấy giờ vốn chỉ dựa trên một mùi hương chủ đạo lấy từ một loài hoa quý. Với Chanel số 5, mùi hương phụ nữ trở nên phức hợp, thế giới của người đàn bà phảng phất gợi cảm của những nụ hồng dưới ánh nắng ban mai miền Địa Trung Hải, mong manh tươi mát như những nhánh lan hoang dại đẫm ướt sương rừng, nhẹ nhàng theo gió thoảng để rồi nung cháy ánh mặt trời trên các vùng đất nóng. Một khi xức vào, Chanel số 5 diễn đạt tất cả những cung bậc cảm xúc trên cơ thể của người đàn bà.
Giai thoại kể rằng ông Ernest Beaux đã cho bà Chanel ngửi thử 6 mùi hương mà ông đã pha chế. Mỗi chai được ghi thứ tự với một con số. Bà Chanel cảm thấy rất ưng ý với mùi hương của chai số 5. Mà số 5 lại là số hên của bà, cho nên mới lấy quyết định giữ nguyên như vậy làm tên gọi. Vào đầu thế kỷ XX, thời mà các kiểu chai nước hoa thường mang những tên gọi bóng bẫy, đẹp như tựa đề những bài thơ, thì cách gọi nước hoa là số 5 trở nên rất tiên phong, đi trước thời đại.
Cách chọn kiểu chai cũng vậy vì những đường nét vuông vức thẳng góc của Chanel số 5, không hề gợi lại những đường cong của người phụ nữ, mà cũng chẳng có những chi tiết chạm trỗ cầu kỳ như trang sức của người đàn bà. Qua hình tượng vuông vức của lọ nước hoa số 5, Chanel đã phản ánh quan niệm của mình về thời trang : nét đơn giản làm nên vẻ thanh lịch.
Những gì chạy theo thời cũng đến lúc sẽ lỗi thời. Chỉ có phong cách mới trường tồn, vì nó thể hiện cho một quan niệm mà thời nào ta cũng có thể bắt gặp. Theo quan niệm của Chanel, nhan sắc chỉ là nhất thời, nữ tính mới là muôn thuở. Đường nét đơn giản coi vậy mà lại là đỉnh cao của sự tinh tế, lối thiết kế tỉnh lược, không rườm rà, không đầy dẫy chi tiết hoa lá cành lại trở nên tân kỳ, hiện đại.
Bí quyết thành công của Chanel nằm ở trong tư tưởng táo bạo, tiên phong, dám đi ngược lại với tất cả những gì thịnh hành lúc bấy giờ, tạo ra một ngôn ngữ mới cho ngành mỹ phẩm, nơi mà cấu trúc pha chế sẽ là cú pháp, còn hương liệu sẽ là ngữ vựng. Bà Gabrielle Chanel và ông Ernest Beaux đã cho đưa ngành chế biến nước hoa sang một kỷ nguyên mới.
Từ những năm 1940 trở đi, Chanel chinh phục nhiều khách hàng trên thế giới. Thông qua cuộc triển lãm tại Palais de Tokyo, ta có thể hiểu rằng bà Chanel có đủ tầm nhìn xa để nâng sản phẩm của mình lên hàng đẳng cấp quốc tế. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ tập trung phát huy nền kỹ nghệ điện ảnh Hollywood. Lối sống theo kiểu Mỹ (American way of life) nhờ phim ảnh mà được quảng bá trên toàn cầu.
Hiệu thời trang Chanel nắm bắt yếu tố này để phát huy sức mạnh của mình, sánh vai với nghệ thuật thứ bảy để chinh phục những chân trời mới. Trong hơn nửa thế kỷ, Chanel ký hợp đồng quảng cáo với các ngôi sao màn bạc như Ali MacGraw, Candice Bergen, Lauren Hutton, Catherine Deneuve, Carole Bouquet, Nicole Kidman … để nâng cao uy tín của mình. Gần đây hơn nữa đến lượt trường hợp của nam diễn viên Brad Pitt. Lần đầu tiên, một hiệu thời trang mỹ phẩm lại sử dụng một biểu tượng của nam giới để ca ngợi nét quyến rũ của nữ giới.
Về phần ngôi sao màn bạc Marilyn Monroe, trái với điều mà nhiều người thường nghĩ, cô hoàn toàn không có hợp đồng quảng cáo cho hiệu nước hoa Chanel. Nhưng vào năm 1954, câu nói bất hủ của Marilyn đã đi vòng quanh trái đất. Theo đó, ban đêm cô không mặc gì khi đi ngủ mà chỉ “khoác lên mình” vài giọt nước hoa Chanel số 5. Tác dụng của câu nói này mạnh hơn cả trăm lần các đợt quảng cáo chính thức. Nó rót vào lòng người, rồi lắng đọng trong tiềm thức bởi vì đó là câu nói của một người từng được mệnh danh là người đàn bà đẹp nhất hành tinh.
Trong vòng 9 thập niên, từ khi ra đời vào năm 1921 cho tới nay, Chanel số 5 đã trải qua bao phong trào thời trang, mà công thức pha chế hầu như không thay đổi. Kiểu chai hình chữ nhật vẫn trung thành với đường nét đơn giản, cái tên gọi bằng số, trở thành một ký tự thông dụng, dễ nhớ dễ hiểu, vượt lên trên mọi rào cản ngôn ngữ. Mỗi năm trên thị trường, lại xuất hiện thêm hàng trăm loại nước hoa mới, nhưng tên gọi số 5 vẫn là nước hoa thông dụng nhất. Được mệnh danh là mùi hương của mọi thời đại, kiểu chai nước hoa này có thể bị soán ngôi bá chủ về khối lượng sản phẩm bán chạy. Nhưng về mặt uy tín, sau gần một thế kỷ, Number Five is still Number One : Chanel số 5 vẫn là số một.
Tuấn Thảo
Nguồn: RFI Tiếng Việt
No comments:
Post a Comment