Tuesday, August 15, 2017

CHUYỆN "XÉ KHÀN" TRONG HOÀNG TỘC NHÀ NGUYỄN

Trong cách chơi bài Tứ sắc có bộ ba con gọi là “khàn”, không xé lẻ ra được. Trong Hoàng tộc Nguyễn mà có những trường hợp bà con lấy nhau thì gọi là “xé khàn”. Chuyện đó ở Huế ai cũng biết, nhưng cụ thể như thế nào, có bao nhiêu chuyện thì ít người biết.


Cuộc tình vương giả, anh em đồng đường

Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát là người có công xây dựng Đô thành Phú Xuân vào giữa thế kỷ XVIII, đồng thời cũng là người đưa dần sự nghiệp của các chúa Nguyễn xuống vực thẳm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm họa đó là do cuộc tình vương giả anh em đồng đường lấy nhau.

Sử chép: Võ Vương có một người cậu ruột là ngoại tả Trương Phúc Loan. Được Võ Vương tin cậy, trao cho rất nhiều quyền bính, nhưng Loan vẫn chưa vừa lòng. Vốn là một tay gian hùng, tham lam, tàn nhẫn và thủ đoạn, Loan có thể làm bất cứ điều gian ác nào để có thêm quyền hành và của cải.

Hành vi thâm độc nhất của Loan là đẩy đứa cháu mình đang ở ngôi vương (Võ Vương) vào vòng loạn luân. Cô em con chú của Võ Vương là Công nữ Ngọc Cầu (ái nữ của Nguyễn Phúc Điền - con thứ 12 của Nguyễn Phúc Thụ), sinh năm 1734, có nhan sắc kiều diễm trang đài của một giáng tiên.

Biết Vương là người hiếu sắc, Loan tìm cách tạo điều kiện cho Ngọc Cầu thường xuyên ra vào trong Vương phủ và gần gũi với ông anh đồng đường Võ Vương ở điện Trường Lạc. Kết quả của những lần gần gũi đó là Ngọc Cầu đã có với Võ Vương hai công tử là Nguyễn Phúc Diệu (1753) và Nguyễn Phúc Thuần (1754).

Mặc dù được cậu Trương Phúc Loan che chở nhưng Võ Vương không thoát khỏi mặc cảm loạn luân. Công tử Nguyễn Phúc Diệu mất sớm, Công tử Nguyễn Phúc Thuần được Võ Vương cho nuôi nấng một cách lén lút ở hậu cung và dĩ nhiên Thuần không được lập làm kế tử như mong muốn của Ngọc Cầu, vì việc lập kế tử đã được chọn lựa và đã quyết định rồi.

Lăng Cơ Thánh của chúa Nguyễn Phúc Luân
Theo nguyên tắc công tử Chương (con cả Võ Vương) là kế tử. Chẳng may, Chương thọ bệnh đã thất lộc, con của Chương còn quá nhỏ nên Võ Vương chọn người thứ hai là Nguyễn Phúc Luân (tức là hoàng khảo của vua Gia Long sau này) làm kế tử.

Ngày Võ Vương mất (7/7/1765), Nguyễn Phúc Thuần mới mười hai tuổi. Lúc đó ai cũng tưởng là đệ nhị công tử Nguyễn Phúc Luân, đương kim kế tử sẽ lên ngôi vương, không ngờ trong nội cung đang có âm mưu khác.

Ngoại tả Trương Phúc Loan cùng thái giám Chữ Đức và Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thống mật bàn việc giành ngôi cho công tử thứ 16 là Nguyễn Phúc Thuần (con bà Ngọc Cầu). Nguyễn Phúc Luân bị tống ngục và bức tử chết trong ngục. Nguyễn Phúc Thuần được nối ngôi chúa tức Duệ Tông Hiếu Định Hoàng Đế.

Năm 1774, Duệ Tông bị quân Trịnh đánh đuổi chạy vào Gia Định và bị giết, bà Ngọc Cầu ở lại Phú Xuân, buồn sự đời bà lập chùa Phước Thành ở bờ nam sông An Cựu để tu, dứt bỏ cuộc đời trần tục. Đến mùa hạ năm Giáp Tý (1803) bà mất, hưởng thọ 71 tuổi, được vua Gia Long sách tặng là Tuệ (Huệ) Tĩnh thánh mẫu nguyên sư, hiệu là Thiệu Long giáo chủ, lăng táng ngay sau khuôn viên chùa Phước Thành (176 bờ sông Phan Châu Trinh, Huế), theo kiểu hình tháp của nhà Phật.

Thân sinh và thân mẫu Nguyễn Phúc Ánh đều mang họ Nguyễn Phúc

Trước khi bị Trương Phúc Loan bức tử, Nguyễn Phúc Luân đã có hai “phủ thiếp” và có 10 người con (6 hoàng nam và 4 hoàng nữ). Vị hoàng nam thứ 3 là Nguyễn Phúc Ánh sau nầy là vua Gia Long. Hai bà Phủ thiếp Nguyễn Thị Hoàn (tức Hưng Tổ Hiếu khang Hoàng Hậu) và bà Nguyễn Thị (bà Từ Phi). Hai bà nầy là chị em ruột (bà Từ Phi là chị và bà Hoàng Hậu là em) con gái của người trong họ Diễn Quốc Công Nguyễn Phúc Trung (theo Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả tr.194).

Vì sao Công chúa vợ Phò mã Lâm có tên là Phục Lễ?

Năm 1863, Nguyễn Tri Phương làm Thống đốc quân vụ Bắc Kỳ, ông đã có công đánh dẹp các cuộc bạo loạn ở đây. Quân công ấy được vua Tự Đức hết sức ban khen. Để tỏ lòng mến mộ Nguyễn Tri Phương, vua Tự Đức đem em gái là công chúa Đồng Xuân (sinh năm 1847) hạ giá cho con trai của Nguyễn là Nguyễn Lâm. Vì thế mà người đời thường gọi Nguyễn Lâm là Phò mã Lâm.

Làm Phò mã được gần mười năm thì Nguyễn Lâm tử trận trong trận Pháp tấn công vào thành Hà Nội. Công chúa Đồng Xuân phải chịu cảnh góa bụa khi mới 26 tuổi đời.

Đầu niên hiệu Kiến Phúc (1884), chú bà là Trấn Tĩnh quận công tâu hặc bà và Gia Hưng Vương (con thứ 8 của Thiệu Trị, người đứng đầu Phủ Tôn Nhơn lúc bấy giờ) tư thông, sinh một con gái. Bà và ông anh khác mẹ mắc vào tội loạn luân. Công chúa liền bị tước hết mọi chức tước, đổi qua họ mẹ (họ Hồ). Từ đó bà chỉ được gọi theo tên mới là Hồ Thị Gia Đốc. Nhưng Gia Hưng Vương thì không hề hấn gì.

Gia Hưng Vương cũng là người đứng đầu trong phe chống độc tài của Nguyễn Văn Tường. Sau cái chết bí ẩn của vua Kiến Phước, Gia Hưng Vương đòi điều tra để biết sự thực. Ông liền bị phe Nguyễn Văn Tường phản công. Ông bị tố cáo là “loạn luân”, giao thiệp với Pháp để lật đổ Hàm Nghi. Lúc đó phe chủ chiến trong triều đã đủ mạnh nên Gia Hưng Vương bị thất thủ và bị đày đi Quảng Trị. Khi ông mới ra khỏi Thành Nội thì bị giết.

Vua Đồng Khánh
Tháng 9 năm 1885, vua Đồng Khánh lên ngôi, nghĩ tình cô cháu, ông cho bà Hồ Gia Đốc phục hồi hai chữ Công chúa nhưng không được phục hồi lại tên cũ Đồng Xuân, vua Đồng Khánh nói:

- “Gia Đốc đã được nửa đời người mà vẫn chưa thuần, trước kia mắc lỗi, kể thì lại nói gì (chic), duy nghĩ công đức Hiến Tổ ta (tức vua Thiệu Trị), mà y là con gái còn ở trong bụng, Trẫm có lòng nào đâu! Vậy chính hiệu trước đã đình, nên đổi hiệu khác, để tỏ nhắc nhở, bèn đổi là “Phục Lễ Công Chúa”.

Từ khi được mang tên Phục Lễ Công chúa biết ăn năn hối lỗi. Không những bà được Hoàng tộc cảm thông mà còn được họ hàng Phò mã Lâm tha thứ.

Năm 1888, trước khi mất, Công chúa Phục Lễ có di chúc:

- “Xin được chọn đất an táng ở từ sở, thuộc quê quán xã Chí Long, huyện Phong Điền phủ Thừa Thiên của Phò mã đã tử trận là Nguyễn Văn Lâm”.

Phục Lễ đã biết phục lễ thật. Vua Đồng Khánh đồng ý.

Lấy cô làm “thứ phi”

Vua Thành Thái có nhiều phi tần. Duy chỉ có hai bà thứ phi cuối cùng từng sống với nhà vua suốt thời gian ông bị lưu đày ở đảo Réunion cũng như những năm cuối đời ở Sài Gòn nên được nhà vua sủng ái nhất.

Đó là bà Giai Triệu và bà Chí Lạc. Bà Giai Triệu là thân mẫu của Hoàng nam Vĩnh Chương (1907-1848), trong thời gian ở đảo Réunion bà sinh thêm Vĩnh Giêu (1924, hiện ở Houston Hoa Kỳ). Bà Chí Lạc là thân mẫu 5 hoàng nam, hai người sinh trong nước Vĩnh Lưu (1907-1948), Vĩnh Quỳnh (1915, mất sớm), ba người sinh ở Réunion: Vĩnh Khôi (1919-1969), Vĩnh Giu (1922- 2007), Vĩnh Cầu (1924-?).

Điểm đặc biệt: hai bà Giai Triệu và Chí Lạc là chị em ruột, tên thật là Công Tằng Tôn nữ Nhàn và Công Tằng Tôn nữ Mừng, chắt nội của vua Minh Mạng. Trong Hoàng tộc, hai bà ngang hàng với bên nam giới có chữ lót Ưng, tức là hai bà thuộc hàng cô của Cựu hoàng Thành Thái (con của Ưng Chân/vua Dục Đức).

Hai bà thứ phi của vua Thành Thái: Giai Triệu (bà Nhàn) và Chí Lạc (bà Mừng) cùng ông Ưng Quang - em trai của hai bà. Ảnh TL của HT Vĩnh Giêu. 
Để giấu vụ “xé khàn” này, Hoàng tộc đã đổi họ cho hai bà sang họ Hồ nhưng rồi cũng không ổn nên đổi một lần nữa đổi sang họ Nguyễn Công. Bia mộ của hai bà hiện nay ở An Lăng đều khắc họ của hai bà là Nguyễn Công.

Tuy trên bia được khắc như vậy, nhưng đây là vấn đề đã thuộc về lịch sử nên trong gia đình các vua Thành Thái Duy Tân cũng không che giấu sự thật đó. Không rõ hai bà đã được tiến cung trong trường hợp nào mà lại có sự trớ trêu đến như vậy. Tấm ảnh dưới đây hai bà chụp kỷ niệm với người em trai Ưng Quang sau ngày hai bà hồi hương.

Hay như dân gian đã truyền: “Kim Long có gái mỹ miều, Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi”. Mà khi trẫm (nhà vua) đã liều thì không có qui định nào ràng buộc được ông cả. Chuyện “xé khàn” có gì quan trọng với nhà vua đâu!


Theo: Kiến Thức.
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: